NGÔ VĂN CHIÊU - người môn đệ Cao Đài đầu tiên (phần I)

Tiền bối Ngô Văn Chiêu

(1878-1932)

Năm 1920 (Canh Thân) là lúc Đức Cao Đài khởi sự hóa độ các tông đồ, lập nên hàng môn đệ tiền phong, khai sơn phá thạch, mở ra một tôn giáo mới tại Việt Nam. Thời kỳ hóa độ các tông đồ diễn tiến trong khoảng sáu năm (1920-1926), gồm hai giai đoạn:

- Khởi từ năm 1920 (Canh Thân), Đức Cao Đài hóa độ tiền bối Ngô Văn Chiêu, xây dựng nền tảng vô vi hay nội giáo tâm truyền (esotericism).

- Khởi từ năm 1925 (Ất Sửu), Đức Cao Đài hóa độ nhóm Phổ độ, xây dựng nền tảng phổ độ hay ngoại giáo công truyền (exotericism).

I. THÂN THẾ TIỀN BỐI NGÔ VĂN CHIÊU (1878-1932)

Môn đồ đầu tiên của Đức Cao Đài là tiền bối Ngô Văn Chiêu, thường được biết qua đạo hiệu Ngô Minh Chiêu.

1. Thời thơ ấu

Tiền bối Ngô Văn Chiêu là con duy nhất của một gia đình lao động thanh bạch. Thân phụ là ông Ngô Văn Xuân. Thân mẫu là bà Lâm Thị Quý (1858-1919), cũng gọi Lâm Thị Tiền, người quận Bình Tây, tỉnh Chợ Lớn. Song thân tiền bối đều làm công cho một nhà máy xay lúa ở Bình Tây. Tiền bối chào đời tại quê mẹ, ngày 07-01 Mậu Dần (thứ Sáu 08-02-1878, nhưng trên giấy căn cước ghi ngày 28-02-1878, có thể do việc lập khai sinh muộn).

Tiền bối chào đời trong một mái nhà nhỏ bé, chung quanh đầy sình lầy, nằm phía sau chùa Quan Đế, tục gọi chùa Ông, cất năm 1873 (Quý Dậu), ở số 1, đường Chùa, sau đổi là số 242 đường Lê Quang Liêm, hiện nay là đình Bình An, số 242 đường Trần Văn Kiểu, phường 3, quận 6.

Khi được sáu tuổi, vì song thân ra Hà Nội mưu sinh, tiền bối được đưa về làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, tỉnh Mỹ Tho, sống với bà Ngô Thị Đây, em độc nhất của thân phụ tiền bối. Chồng bà Đây là Hoa kiều, bán thuốc bắc và cây ván. Vì không con, hai ông bà sẵn lòng nuôi cháu, cho ăn học.

Năm mười hai tuổi, tiền bối gặp Đốc phủ sứ Lê Công Xũng (1853-1920), công chức Tòa Bố tỉnh Mỹ Tho. Người này đã chỉ dẫn cách làm đơn và giới thiệu cho tiền bối vào học nội trú Collège le Myre de Vilers. Trường này nguyên là Collège de Mỹ Tho thành lập ngày 17-01-1879, đến ngày 14-6-1881 thì đổi tên thành Collège le Myre de Vilers, từ năm 1953 đổi tên thành trung học Nguyễn Đình Chiểu cho tới nay.[1]

Về sau, tiền bối lên Sài Gòn, học tiếp ở collège Chasseloup-Laubat. Trường này thành lập ngày 14-11-1874, lần lượt đổi tên là lycée Chasseloup-Laubat (1928), lycée Jean Jacques Rousseau (1958), và sau cùng là trường trung học Lê Quý Đôn (1966 cho tới nay).[2]

Năm hai mươi mốt tuổi, tiền bối đậu bằng thành chung (diplôme d’études primaires supérieures), và từ đây bắt đầu quãng đời công chức.

Nghiên cứu tiểu sử của tiền bối Ngô Văn Chiêu, Giáo sư Ralph Bernard Smith (trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi, Viện đại học London) nhận xét: “Ảnh hưởng văn hóa và tín ngưỡng Việt Nam tất yếu đã tác động đến đời sống của ông nhiều hơn là vốn Tây học.” [3]

Lời nhận xét này cũng đúng nếu nói về các vị tông đồ khác của Đức Cao Đài. Dù lớn lên khi Nam Kỳ đã thành thuộc địa Pháp, học trường Tây, làm công chức thuộc địa, nhưng các vị ấy vẫn thực sự là con người Việt Nam.

2. Đời công chức (1899-1931)

Quãng đời công chức của tiền bối Ngô Văn Chiêu có thể được tóm tắt qua niên biểu sau đây:

23-3-1899: Làm thư ký tập sự (élève secrétaire) tại Sở Tân đáo (Service de l’Immigration) ở Sài Gòn, mức lương 200 đồng.[4]

14-7-1901: Thăng lên ngạch phó thư ký hạng ba (secrétaire auxiliaire de 3e classe) tại Sở Tân đáo, mức lương 250 đồng. (Phó thư ký có ba hạng.)

01-01-1903: Sang làm việc ở Dinh Thống đốc Nam Kỳ, thời Thống đốc François Pierre Rodier. Khi tiền bối Ngô Văn Chiêu rời khỏi Dinh Thống đốc (tháng 4-1909) thì Quyền Thống đốc Nam Kỳ là Ernest Antoine Outrey.[5]

14-7-1904: Thăng lên ngạch phó thư ký hạng nhì (secrétaire auxiliaire de 2e classe) tại Dinh Thống đốc Nam Kỳ, mức lương 300 đồng.

14-7-1908: Thăng lên ngạch phó thư ký hạng nhất (secrétaire auxiliaire de 1er classe) tại Dinh Thống đốc Nam Kỳ, mức lương 480 đồng.

01-5-1909: Làm thư ký Tòa Bố tỉnh Tân An. Có rước mẹ theo để phụng dưỡng.

14-7-1910: Thăng lên ngạch chánh thư ký hạng ba (secrétaire titulaire de 3e classe) tại Tòa Bố tỉnh Tân An, mức lương 540 đồng. (Cũng như phó thư ký, ngạch chánh thư ký có ba hạng.)

01-01-1913: Thăng lên ngạch chánh thư ký hạng nhì (secrétaire titulaire de 2e classe) tại Tòa Bố tỉnh Tân An, mức lương 600 đồng.

01-01-1916: Thăng lên ngạch chánh thư ký hạng nhất (secrétaire titulaire de 1er classe) tại Tòa Bố tỉnh Tân An, mức lương 660 đồng. Còn ba năm nữa sẽ thăng lên ngạch thư ký ngoại hạng hay thượng hạng (secrétaire surnuméraire), nhưng tiền bối đã thi chuyển sang ngạch tri huyện. (Tri huyện có hai hạng.)

01-01-1917: Thi đậu ngạch tri huyện hạng nhì (huyện de 2e classe), vẫn làm việc tại Tòa Bố tỉnh Tân An.

Trong hồi ký, Vương Hồng Sển cho biết: “Những năm khoảng trước 1925, trường cao đẳng dạy luật và hành chánh ở Hà Nội (école supérieure de droit et d’administration) chưa đào tạo và cung cấp đủ người dùng, thì chức huyện cũng được tuyển chọn trong hàng thơ ký soái phủ [Dinh Thống đốc Nam Kỳ] lâu năm, nhưng bắt buộc những người này phải qua hai kỳ thi đổ lửa.” Đó là (a) examen de culture générale, khảo về học lực phổ thông; (b) concours professionnel, khảo về chuyên nghiệp và khả năng.[6]

15-11-1919: Thân mẫu từ trần.

01-3-1920: Chuyển đi làm việc ở tỉnh Hà Tiên sau khi mãn tuần bá nhật (một trăm ngày) của thân mẫu.

14-7-1920: Thăng lên ngạch tri huyện hạng nhất (huyện de 1er classe), mức lương khoảng 1.222 đồng.[7]

26-10-1920: Đi làm chủ quận Phú Quốc.

01-01-1924: Thăng lên ngạch tri phủ hạng nhì (phủ de 2e classe), mức lương 1.672 đồng. (Cũng như tri huyện, ngạch tri phủ có hai hạng. Tri phủ thấp hơn ngạch đốc phủ sứ.)

29-7-1924: Rời quận Phú Quốc về Sài Gòn. Trở lại làm việc ở Dinh Thống đốc, thời Thống đốc Auguste Tholance, và công tác ở Phòng Nhì (2e bureau).

Dinh Thống đốc có bốn phòng (tài liệu năm 1888). Riêng Phòng Nhì là cơ quan dân sự, có nhiệm vụ: “Chuyên về công việc cầu đường, nhà cửa, cùng các sở coi việc. Chịu giấy làm giá cả. Giấy hiệp đồng, lãnh biện vật hạng cùng công việc làm. Suy tính, làm giấy lãnh tiền về đồ dùng cùng công việc làm. Các kho dự trữ, cấp phát vật hạng. Đồ dùng xưa cùng đồ công nhu cho các phòng. Việc đường sá. Phân đường lộ, lấy mực cất nhà, mực đường. Xét dọn bộ sổ vật hạng, cùng bộ sổ công việc làm.” [8]

Như vậy, tiền bối Ngô Văn Chiêu chỉ là công chức hành chánh (dân sự). Đừng ngộ nhận rằng phòng nhì ở Dinh Thống đốc là cơ quan mật vụ, gồm các “lính kín”, là một nơi chuyên bắt bớ, điều tra, tra tấn... của thực dân Pháp, tức là service de la sûreté mà thời xưa người Việt gọi là sở liêm phỏng hay sở liêm phóng. (Thực ra, phòng nhì là cơ quan bên quân đội, chuyên báo cáo cho bộ chỉ huy biết tình hình và khả năng hoạt động của quân địch, chịu trách nhiệm về các hoạt động tình báo và chiến tranh tâm lý, thu nhặt tin tức tình báo, nghiên cứu các hoạt động của nghĩa binh và quân du kích, v.v.).

01-7-1926: Thăng lên ngạch tri phủ hạng nhất (phủ de 1er classe), mức lương 1.933 đồng. (Cao hơn ngạch tri phủ là đốc phủ sứ, thường gọi tắt là đốc phủ.[9])

Tháng 12-1931: Về tỉnh Cần Thơ dưỡng bịnh, nghỉ việc hẳn và rời khỏi Dinh Thống đốc. Bấy giờ Eugène Henri Eutrope đang làm quyền thống đốc Nam Kỳ lần thứ hai trong lúc Thống đốc Jean Félix Krautheimer vắng mặt.[10]

Các sách thường không ghi rõ vào ngày tiền bối Ngô Văn Chiêu nghỉ việc. Nhưng có thể xác định là không thể sớm hơn tháng 12-1931, bởi lẽ theo hồi ký của Vương Hồng Sển, để thi lên ngạch tri huyện, ông Sển đã thi kỳ concours professionnel ngày 01-12-1931, mà “chủ khảo là ông Estèbe, tham biện chủ tỉnh Tân An, (...) và giám thị kỳ thi viết là ông đốc phủ Ngô Văn Chiêu”.[11]

Dưới thời thuộc địa, tuy được người dân trong xã hội kính trọng gọi là “quan”, nhưng tiền bối Ngô Văn Chiêu chẳng lấy thế làm vinh. Xuất thân từ chỗ hàn vi, tiền bối sẵn có lòng lân tuất đối với kẻ nghèo khổ chung quanh, không lấy địa vị xã hội làm phương tiện vơ vét đồng bào. Để giữ đức thanh liêm, dưỡng lòng chánh trực, tiền bối luôn khép mình vào nguyên tắc Nhứt hào vô phạm (không phải là tiền của mình thì dù chỉ một hào cũng không xâm phạm, chiếm đoạt). Cái mà đời gọi là “quan huyện, quan phủ”, tiền bối coi như một nghề nghiệp, để mưu sinh qua ngày. Trong câu chuyện với bạn, có lần tiền bối nói: “la bolée de riz administrative” – chén cơm hành chánh.[12] Mấy chữ tiếng Pháp vắn tắt ấy đã phản ánh phần nào thái độ của tiền bối đối với nghề nghiệp, không bận lòng với mồi phú quý, bả vinh hoa, mặc dù tiền bối có sẵn hoàn cảnh để thụ hưởng.

Dinh Thống đốc Nam Kỳ

Tiền bối sớm chọn một nếp sống kín đáo, dè dặt, không để dính líu vào các vụ chính trị cũng như không để chính quyền thuộc địa lợi dụng mà đi ngược lại với lợi ích đồng bào. Làm thư ký ở Sài Gòn, đồng lương không đủ phụng dưỡng cha mẹ, nuôi thân và cả gia đình, ban đêm tiền bối phải dạy kèm tiếng Pháp cho người Hoa; người bạn đời của tiền bối lãnh nấu cơm tháng cho một số thư ký đồng sở với chồng.

Những năm làm chủ quận các nơi, tiền bối chăm chỉ với công việc hành chánh, thường hay nâng đỡ người dân bần hàn cơ khổ, đặc biệt là các người nghèo, vì nghịch cảnh trái ngang nên phải vướng vòng tù tội. Do đó, tiền bối càng được lòng dân địa phương thì chính quyền thuộc địa càng không hài lòng, càng để tâm ngờ vực. Đó cũng là lý do khiến cho thanh tra Lalaurette trong phúc trình “Le Caodaïsme” (Tây Ninh, 01-01-1932) đã không ngần ngại dùng nhiều lời thiếu nhã nhặn để chỉ trích tiền bối Ngô Văn Chiêu không biết tận tụy với chính quyền thuộc địa ở Nam Kỳ. Việc liên tiếp thuyên chuyển tiền bối đi những nơi xa xôi như Hà Tiên, Phú Quốc, có lẽ cũng là biện pháp hành chánh để đối trị một công chức mà Pháp không hài lòng, vì không ép buộc được người công chức ấy trở thành cánh tay đắc lực của thực dân.

3. Gia cảnh

Khi đang làm thư ký ở Sài Gòn, tiền bối Ngô Văn Chiêu được đốc phủ sứ Lê Công Xũng yêu mến, muốn chọn làm khách đông sàng, cho dù gia thế hai nhà chênh lệch quá nhiều. Theo lời khuyên của cô là bà Ngô Thị Đây, tiền bối khéo léo từ tạ. Về sau tiền bối kết hôn với một thiếu nữ mồ côi, tên là Bùi Thị Thân (1879-1955), người làng Thạnh Trị (Mỹ Tho), đảm đang, đức hạnh, buôn bán nhỏ tại chợ Mỹ Tho. Những năm tiền bối bị thuyên chuyển đi các nơi, bà thường xuyên sống xa chồng, thay chồng nuôi dạy con cái chu đáo.

Bà sinh chín lần. Hai người con gái đầu là Ngô Thị Ngữ (chào đời tại Mỹ Tho, được năm ngày thì mất), và Ngô Thị Hồng (sinh và mất tại Sài Gòn năm ba tuổi). Bảy người con kế tiếp đều sanh tại Tân An, lần lượt là hai gái: Ngô Thị Yến Ngọc, tức Lợi (sinh năm 1904), Ngô Thị Nguyệt (sinh ngày 27-5-1906); và năm trai: Ngô Văn Nhựt (sinh ngày 10-9-1908), Ngô Văn Tinh (sinh ngày 20-11-1910), Ngô Tường Vân (sinh ngày 01-9-1913), Ngô Thanh Phong (sinh ngày 15-11-1915), Ngô Khai Minh (sinh ngày 09-9-1920).

Tiền bối không giàu, đông con, nhưng được yên tâm tu hành, không bị cảnh thê thằng tử phược khảo đảo, dĩ nhiên nhờ có công lao giúp đỡ của bà, tuy thầm lặng, nhưng không phải là nhỏ. Bà tạ thế ngày 30-12-1955 tại Tân An.

Năm 1909 (Kỷ Dậu), đổi về tỉnh Tân An, tiền bối mướn nhà ở bờ sông, gần chùa Quan Thánh. Bấy giờ chỉ có thân mẫu về ở chung, thân phụ là Ngô Văn Xuân ở tại Sài Gòn với thứ thất.[13] Sau này tiền bối mua lại một căn nhà lá ở Tân An, giá sáu mươi đồng, trên đất thuê, số 31 đường Lagrange, xã Bình Lập (ngày nay ở số 27 đường Phan Đình Phùng, Tân An). Lần hồi, tiền bối cho cất lại, lợp ngói.

Nhà 27 Phan Đình Phùng, Tân An (ảnh Huệ Nhẫn)

Năm 1920 (Canh Thân) tiền bối đổi đi tỉnh Hà Tiên, rồi ra đảo Phú Quốc, vợ con vẫn ở lại tỉnh Tân An. Năm 1924 (Giáp Tý) trở về Sài Gòn, tiền bối trọ tại khách sạn Bá Huê Lầu, đường Pellerin (nay là Pasteur). Tiền bối nhiều lần thay đổi chỗ trọ, có lúc dời về đường Paul Bert (nay là Trần Quang Khải, Đa Kao), rồi về đường Espagne (nay là Lê Thánh Tôn), gần chợ Bến Thành, mướn nhà trên lầu một, phía dưới là một phòng răng. Năm 1928 (Mậu Thìn), nơi cuối cùng tiền bối trú ngụ trong thời gian sống tại Sài Gòn là nhà số 110 đường Bonard (nay là Lê Lợi). Tiền bối ở trên lầu hai, tầng trệt là tiệm tạp hóa của Hoa kiều (người Hải Nam).[14] Tháng 12-1931 (Tân Mùi), tiền bối nghỉ việc, lui về tỉnh Cần Thơ, ở tại nhà ông Lý Trọng Quý, số 39, đường Nguyễn An Ninh. Năm sau tiền bối quy thiên, khoảng ba giờ chiều ngày thứ Hai 18-4-1932 (13-3 Nhâm Thân), trong lúc đang trên chuyến phà Mỹ Thuận vượt sông Tiền.

Suốt mười hai năm cuối đời, tiền bối thực sự sống ly gia cát ái, vì đây là giai đoạn Đức Cao Đài dạy tiền bối tu thiền. Tuy thế, tiền bối vẫn lo tròn bổn phận với gia đình: hàng tháng trích lương chu cấp cho vợ con, lo dành dụm tiền sửa nhà ở Tân An.

4. Đức độ

Tiền bối Ngô Văn Chiêu thường cải dạng, đi vào các thôn xóm, chợ búa để tìm hiểu, quan sát cuộc sống người dân. Gặp ai khốn cùng, tai ương, tiền bối kín đáo cứu giúp.

Có lần thăm chợ trưa 30 Tết, gặp người bán hoa ế ẩm, tiền bối đã mua cả bó lớn hoa. Khi con tỏ ý phàn nàn, tiền bối giải thích rằng muốn giúp họ chút tiền để kịp dọn về lo cúng rước ông bà.

Ông lang Phòng ở Tân An một đêm nọ đội nón lá sùm sụp, che kín mặt, ra mé sông ngồi câu cá dưới cơn mưa rả rích. Tiền bối đi qua, tối trời, chẳng nhận ra được người quen, đã móc túi tặng đồng bạc, bảo mang về, sáng đi chợ, đừng dầm mưa lạnh lẽo.

Tiền bối hay nhờ những người nghèo trong xóm đến làm giúp vài chuyện lặt vặt, rồi trả công hậu hĩ. Đó là cách tế nhị, khéo léo che giấu sự trợ giúp của mình.

Xử kiện trong địa phương, tiền bối rất thanh liêm, công bình. Nói về tệ nạn kiện cáo, ca dao Việt Nam có câu :

Con kiến mà kiện củ khoai,

Kiện đi kiện lại đã hai năm tròn.

Bây giờ kiến đã có con,

Củ khoai mọc mộng vẫn còn kiện nhau.

Tiền bối thừa hiểu cái hại cho cả hai bên nguyên cáo và bị cáo nếu bị nha lại lợi dụng. Do đó, trong quyền hạn và cương vị của mình, tiền bối thường khuyên giải và xử hòa các vụ lặt vặt. Những ai nghèo, cô thế, bị áp bức đều được tiền bối giúp.

Tại tỉnh Tân An, tiền bối từng thân hành đến làng Thái Bình, tổng Mộc Hóa để điều tra vụ án hương chủ Hương ngộ sát thợ cày Vàng rồi thông đồng với một cai tổng hầu chạy tội. Vụ án bị xếp lại qua hai đời chủ quận, nhờ tiền bối công minh, hương chủ Hương phải nhận tội.

Một kẻ trộm bị tù, phải đi kéo quạt cho dinh quận (thuở ấy chưa có quạt điện). Y khóc lóc xin tiền bối cho về nhà ba hôm để lo ma chay cho cha. Động lòng thương kẻ hiếu, tiền bối chịu bảo đảm cho y về. Mến đức, cảm ân, tội nhân đúng kỳ hạn đã trở lại nộp mình, không dám để tiền bối phải lụy vì tội làm sổng tù.

Có lần trộm đang tìm cách lẻn vào nhà tiền bối thì bị lính tuần bắt. Sau khi ôn tồn mà nghiêm nghị giải thích điều hơn lẽ thiệt, khuyên y cải ác tùng thiện, tiền bối cho tiền rồi tha về.

Với người ngoài tiền bối rất khoan thứ, nhưng với con lại rất nghiêm. Khi con còn bé, phàn nàn cha hay bố thí rộng rãi cho người dưng mà ít chịu cho con tiền tiêu vặt. Tiền bối ôn tồn giải thích: “Các con đã có cơm no, áo quần lành lặn, còn đòi hỏi gì nữa? Ba nuôi người bần khổ là để dành đức lại cho các con đó.”

Bản thân tiền bối rất tiết kiệm. Ngày 12-10-1924, đang làm việc ở Sài Gòn, tiền bối gởi thư về cho hai con gái (Ngô Thị Yến Ngọc và Ngô Thị Nguyệt), dặn nhíp lại quần áo cũ của tiền bối để mặc tiếp. Tiền bối khuyên con: “Phải biết tiện tặng [tặn] mà ở đời cho khỏi tiếng xấu hổ. Áo vải mà no bụng khỏi bị ai kêu réo đòi nợ là tốt trong đời.” [15]

Thủ bút tiền bối Ngô Văn Chiêu 12-10-1924 (Huệ Nhẫn sưu tầm)

Dạy con, tiền bối thường nhắc câu “Quan nhất thời, dân vạn đại” (làm quan một lúc, làm dân muôn đời) hoặc là “Thuyền dời chớ bến không dời”, ngụ ý khuyên các con khiêm tốn, thương người, đừng ỷ thế con chủ quận rồi làm quấy.

Những nét phác họa về thân thế tiền bối Ngô Văn Chiêu như trên cho thấy về phương diện đạo làm người, đối với gia đình, xã hội, đồng bào, tiền bối đã là tấm gương trọn vẹn, trong sáng. Người công chức nhân hậu này đã chấp nhận cuộc sống bình dị, nhưng lại vươn lên khỏi chỗ tầm thường của thói tục. Với những đức tính như vậy, tiền bối đã có sẵn mọi điều kiện thuận lợi để hướng vào cuộc sống tu hành, nhằm vào mục đích giải thoát cho kiếp người khỏi vòng luân hồi sanh tử. Nhưng bình sinh tiền bối không chịu tu học với thầy phàm, do đó mãi đến năm bốn mươi ba tuổi (1921) tiền bối mới thực sự bước vào đường đạo, được sự dìu dắt của Đức Cao Đài. Mà con đường đưa tiền bối đến với đạo Cao Đài cũng không phải tình cờ, đơn giản.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Collège de Mỹ Tho do Phó đô đốc, Thống đốc Nam Kỳ, Bá tước Louis Charles Georges Jules Lafont lập ngày 17-01-1879. Đến ngày 14-6-1881 thì Đại tướng, Quyền thống đốc Nam Kỳ Arthur de Trentinian đổi tên trường thành Collège le Myre de Vilers. (Xem: Dương Kinh Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858-1918. Hà Nội: Nxb Giáo dục, 1999, tr. 109.)

Nói thêm: Charles Marie le Myre de Vilers là cựu tỉnh trưởng (préfet), cựu giám đốc dân sự vụ (directeur des affaires civiles) ở Algérie, được bổ làm thống đốc Nam Kỳ ngày 13-5-1879, nhậm chức từ 07-7-1879 đến 11-01-1883, vắng mặt ở Sài Gòn từ 04-3-1881 đến 31-10-1881. (Xem: SHAOAB 1981, tức là Commission française du Guide des Sources de l’Histoire des Nations. Sources de l’Histoire de l’Asie et de l’Océanie dans les Archives et Bibliothèques françaises. Part I: Archives. [Ouvrage préparé avec l’aide et sous les auspices de l’Unesco.] München: K.G. Saur, 1981, pp. 538-539.) Nhân đây, xin chân thành cảm ơn nhà sử học Hoàng Anh Phan Văn Hoàng, Đại học Sư phạm Thành phố, đã tặng tôi tài liệu SHAOAB này. (HK)

[2] Do nhầm lẫn, các sách thường chép tiền bối Ngô Văn Chiêu học trường Lycée Chasseloup-Laubat. Thực ra, khi tiền bối Chiêu vào học, trường có tên là Collège Chasseloup-Laubat. Paulus Của cũng ghi tên trường là Collège Chasseloup-Laubat. (Xem: Sách quan chế. Sài Gòn: Bản in nhà nước, 1888, tr. 16. Xin chân thành cảm ơn nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, đã giúp tôi tài liệu xưa này. HK)

Lược sử nhà trường như sau: Ngày 10-7-1871 Pháp lập trường Ecole normale colonial (trường sư phạm thuộc địa); ngày 12-8-1871 Pháp xây trường trên phần đất chùa Khải Tường. Năm 1874 trường này đổi tên thành Collège indigène (trường bản xứ), [có lẽ do một nghị định của Phó đô đốc, Thống đốc Nam Kỳ Jules François Emile Krantz ký ngày 14-11-1874 (HK)]; năm 1876 lại đổi tên thành Collège Chasseloup-Laubat, chia ra khu Âu (quartier européen) và khu học sinh bản xứ (quartier indigène). Ngày 15-7-1927 tách khu bản xứ nhập sang Collège de Cochinchine (trung học Nam Kỳ). Năm 1928 Collège Chasseloup-Laubat đổi tên thành Lycée Chasseloup-Laubat, còn Collège de Cochinchine đổi tên thành Lycée Petrus Ký. (Xem: Nguyễn Đình Đầu, “Giáo dục dưới triều Nguyễn và dưới thời Pháp (1698-1955)”, trong Địa chí văn hóa thành phố HCM, tập II: Văn học – Báo chí – Giáo dục. 1998, tr. 696, 730]. Năm 1958 đổi tên thành Lycée Jean-Jacques Rousseau. Từ năm 1966 cho tới nay là trường trung học Lê Quý Đôn.

Nói thêm: Chasseloup-Laubat là Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa của triều đình Pháp, chủ trương chiếm Sài Gòn để làm căn cứ có lợi cho ảnh hưởng của quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông, và cũng đã tác động vua Napoléon III rất nhiều trong chính sách xâm lược, cướp Nam Kỳ làm thuộc địa. (Xem: Nguyễn Thế Anh, Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ. Sài Gòn: Trung tâm Sản xuất Học liệu Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, 1974, tr. 14, 22, 25.)

[3] R.B. Smith, “An introduction to Caodaism”, BSOAS. University of London, Vol. XXXIII, Part 2, 1970, p. 338: “Vietnamese cultural and religious influence inevitably counted for much more in his life than his French education.”

[4] Tân đáo: mới đến. Sở Tân đáo là sở quản lý những người vừa nhập cảnh, ngày nay gọi là sở di trú, sở quản lý nhập cảnh.

[5] Khi tiền bối Ngô Văn Chiêu bắt đầu vào làm việc tại Dinh Thống đốc (01-01-1903) thì Thống đốc Nam Kỳ bấy giờ là François Pierre Rodier, (ngạch?) thống đốc các thuộc địa (gouverneur des colonies), được bổ nhiệm ngày 21-10-1902. Trong thời gian Rodier vắng mặt thì Olivier Charles Arthur de Lalande-Calan, thanh tra các sở dân sự (inspecteur des services civils), được bổ làm quyền thống đốc Nam Kỳ ngày 02-3-1906, nhậm chức từ ngày 10-3-1906 cho tới khi Rodier trở về Sài Gòn ngày 02-01-1907.

Ngày 29-6-1907, Khâm sứ (résident supérieur) Louis Alphonse Bonhoure được bổ làm thống đốc Nam Kỳ, nhậm chức ngày 13-7-1907. Trong thời gian Bonhoure vắng mặt thì Ernest Antoine Outrey, thanh tra các sở dân sự, được bổ làm quyền thống đốc Nam Kỳ ngày 28-02-1908 và giữ chức cho tới Bonhoure trở về Sài Gòn ngày 24-9-1908.

Ngày 09-02-1909, Jules Maurice Gourbeil, (ngạch?) thống đốc các thuộc địa, được bổ làm thống đốc Nam Kỳ, nhậm chức ngày 16-6-1909. Trong thời gian J.M. Gourbeil vắng mặt (từ 09-02-1909 đến 15-6-1909) thì E.A. Outrey trở lại làm quyền thống đốc Nam Kỳ. (Xem: SHAOAB 1981, pp. 539-540.)

[6] Vương Hồng Sển, Hơn nửa đời hư. Nxb Tp.HCM., 1992, tr. 234.

[7] Số tiền trong ảnh chụp tài liệu đọc không rõ.

[8] Paulus Của, Sách quan chế, 1888, tr. 13.

[9] Về các ngạch thư ký, tri huyện, tri phủ và đốc phủ sứ, xem: Paulus Của, Sách quan chế, 1888, tr. 15.

Về các kỳ thi thăng trật và mức lương của tiền bối Ngô Văn Chiêu, Xem: Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại đạo, Lịch sử đạo Cao Đài, quyển 1, Nxb Tôn Giáo, 2005, tr. 352. Riêng mức lương ngạch tri huyện hạng nhì (1917) và hạng nhất (1920) thì không đọc được rõ con số trên ảnh chụp tài liệu.

[10] Tháng 7-1924, tiền bối Ngô Văn Chiêu về Sài Gòn thì quyền thống đốc Nam Kỳ là Auguste Tholance, thanh tra chánh trị và hành chánh sự vụ (inspecteur des affaires politiques et administratives), nhậm chức từ ngày 31-5-1924 thay cho Thống đốc Maurice Cognacq vắng mặt cho tới ngày 17-12-1924.

Ngày 09-4-1926 Aristide Eugène le Fol, ngạch tham biện hạng nhất (administrateur de 1er classe), được bổ làm quyền thống đốc Nam Kỳ, nhậm chức ngày 19-4-1926. Như vậy các sách sử Cao Đài hay chép Le Fol là “thống đốc” thì không đúng. Ông ta chỉ là quyền thống đốc, đảm nhiệm chức vụ trong khoảng hơn nửa năm trong lúc chờ một thống đốc chính thức từ Pháp bổ sang. Tuy nhiên, trong cách xưng hô (như trên Tờ Khai Đạo ngày 07-10-1926), mọi người vẫn gọi ông là “Thống đốc” vì phép lịch sự.

Ngày 09-11-1926 Paul Marie Alexis Joseph Blanchard de la Brosse, ngạch thống đốc các thuộc địa, được bổ làm thống đốc Nam Kỳ, nhậm chức ngày 30-12-1926.

Ngày 04-11-1928 Jean Félix Krautheimer, (ngạch?) thống đốc các thuộc địa, được bổ làm thống đốc Nam Kỳ, nhậm chức ngày 06-3-1929.

Ngày 05-01-1929 Eugène Henri Eutrope, ngạch tham biện hạng nhất, được bổ làm quyền thống đốc Nam Kỳ, nhậm chức từ ngày 12-01-1929 tới 06-3-1929 trong khi J.F. Krautheimer vắng mặt.

Tháng 12-1931 khi tiền bối Ngô Văn Chiêu rời khỏi Dinh Thống Đốc thì E.H. Eutrope đang làm quyền thống đốc Nam Kỳ lần thứ hai trong lúc J.F. Krautheimer vắng mặt (từ 21-11-1931 đến 11-11-1932). (Xem: SHAOAB 1981, p. 540.)

[11] Vương Hồng Sển, Hơn nửa đời hư, 1992, tr. 240. (Không rõ tiền bối Ngô Văn Chiêu thăng lên ngạch đốc phủ sứ lúc nào.)

[12] Đồng Tân, Lịch sử Cao Đài. Quyển I. Sài Gòn, 1967, tr. 129.

[13] Lịch sử quan Phủ Ngô Văn Chiêu. Sài Gòn: 1962, tr. 15. Ngày 04-9-1946 hương chức làng Lợi Bình Nhơn, tổng Hưng Long, tỉnh Tân An có chứng thực ông Ngô Văn Xuân chết tại làng này, nhưng không có sổ khai tử tại làng. (Cơ quan Phổ thông Giáo lý, Lịch sử đạo Cao Đài, quyển 1, tr. 53, cước chú 15.)

[14] Cơ quan Phổ thông Giáo lý, Lịch sử đạo Cao Đài, quyển 1, tr. 355.

[15] Cơ quan Phổ thông Giáo lý, Lịch sử đạo Cao Đài, quyển 1, tr. 56.

 

Huệ Khải

>>> Xem tiếp phần II