Trở lại trang chánh của Website Thiên Lý Bửu Tòa

 

NHƯ  NHỮNG  GIỌT  MƯA

Nguyên Nhung

 

Ngẫu nhiên tôi gặp lại Hà sau gần hai mươi năm xa cách. Một chiều mưa tầm tã vào tháng bảy mùa Vu Lan, bên hiên chùa tôi đang thả hồn về dĩ vãng, với những sợi mưa giăng mịt mờ phía rừng cây trước mặt. Tháng Bảy mưa ngâu Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau, những cơn mưa tháng bảy, tháng tám ở quê nhà ngày xưa như trở lại. Tâm trí tôi trở về những mùa ngâu nhạt nhòa trong quá khứ, ở đấy có mẹ tôi bên bếp lửa hồng và đàn gà con chiêm chiếp kêu tìm đôi cánh gà mẹ trong một chiều bão rớt. Ở đấy là những chùm hoa mẫu đơn nở vàng trước ngõ giậu thưa, là hàng dừa lướt thướt ướt mưa bên một giòng sông, là khoảng sân gạch loang loáng nước và những giọt mưa màu cà phê từ mái tranh rớt xuống.

Cứ thế tôi đắm chìm trong những hình ảnh chập chờn của dĩ vãng thì từ bên kia mấy chậu hoa quỳnh, tôi nghe có tiếng thở dài. Tiếng thở dài muộn phiền mong chờ cơn mưa ngớt hạt, nghe chừng quen quen, thật là thân thiết, có chút gì u uẩn trong bóng chiều nhập nhoạng. Đưa mắt nhìn người phụ nữ đứng nghiêng nghiêng trong khoảng tối của mấy chậu hoa, tôi ngờ ngợ nhận ra Hà, người bạn cũ. Mặc dù đã bao nhiêu năm trôi qua, nhưng dáng dấp và khuôn mặt ấy, có già dặn hơn, nhưng vẫn là Thanh Hà của những năm xưa. Sau một chút ngại ngùng, tôi tiến lại rụt rè:

“Xin lỗi, có phải Hà đấy không?”

Ngỡ ngàng mấy giây, Hà nhìn tôi trân trối. Rồi như một cơn lốc, Hà ôm chầm lấy tôi:

“Trời ơi! Ngọc, lúc nãy mình thấy ai giống Ngọc ở trong chùa nhưng không dám hỏi, sợ người giống người, không ngờ quả đất tròn lại có ngày gặp nhau. Ngọc qua đây lâu chưa, ở đâu, làm gì, gia đình ra sao?”

Trước sự mừng rỡ và những câu hỏi dồn dập của Hà, tôi chỉ biết cười. Trên khóe mắt nó long lanh ngấn nước, tôi nhớ đến tiếng cười ròn rã của nó ngày xưa vang lên trong những buổi nắng ấm sân trường:

“Từ từ đã, phải cho mình thở chứ! Gặp lại Hà mình mừng quá, thời gian qua đi nhanh quá phải không Hà, mới đây mà đã già hết rồi. Mình sang đây đã lâu, có một cháu đang học Đại học, sắp ra trường nay mai. Cuộc sống thì vậy vậy, độc thân, vui tính, vẫn phải đi cày cho hết một kiếp người.”

Hà nhướng mắt, ngạc nhiên:

“Quyền đâu? Vợ chồng ngươi hạnh phúc chứ?”

Tôi buồn bã lắc đầu:

“Chuyện xưa rồi nhắc làm gì, để rồi khi rảnh rỗi mình sẽ kể bồ nghe. Quyền còn đó nhưng là của người khác, mình nghĩ vậy lại hay, cứ để dây dưa trong đau khổ triền miên, không tìm cho mình một lối thoát e càng khổ hơn nữa. Còn phần Hà thế nào? Bác Năm chắc đã già lắm, bác và anh Lâm có sang bên này không?”

Hà xiết chặt tay tôi, ngậm ngùi:

“Má mình qua đời đã lâu rồi Ngọc à, mình chôn má mình ở mảnh vườn sau nhà, Ngọc vẫn còn nhớ chứ? Sau đó thì hai anh em vượt biên, sang bên này có dễ thở hơn vì được tự do nhưng buồn quá là buồn, cực quá là cực, mình già đi nhiều Ngọc thấy không?”

Tôi xót xa nhìn Hà, như nhìn một đóa hoa tươi thắm ngày nào nay đã nhạt nhòa hương sắc. Thời gian đã điểm vài nét nhăn lờ mờ trên khuôn mặt và ở đuôi mắt, tuy nhiên đôi mắt Hà vẫn còn nguyên nét nhìn trong sáng:

“Mình cũng hơn gì Hà đâu, phải chấp nhận thôi, đấy là định lý thuận với thời gian mà.”

Tôi và Hà cùng cười, ngày xưa nó là cây toán của lớp, có lẽ nó hiểu tôi muốn nói gì.

“Bây giờ Hà kể mình nghe chuyện của Hà đi chứ, Hà và anh Lâm có ở gần nhau không?”

Giọng Hà như chùng xuống, mắt nó rưng rưng:

“Mình đâu có lập gia đình, sang đây được vài năm thì anh Lâm gặp tai nạn trong lúc làm việc, mù cả hai mắt, mình đâu đành lòng để ảnh một mình, cho nên hai anh em giờ này vẫn sống với nhau như hai kẻ tu hành, trụ trì trong một ngôi chùa không tên tuổi. Tội nghiệp anh Lâm, đáng lẽ đời anh ấy phải được thênh thang, đẹp đẽ thay vì mù lòa, tăm tối, âu cũng là nghiệp phải không Ngọc? Sống bây giờ không phải lo cơm ăn áo mặc, nhưng nhìn anh ấy suốt ngày sờ soạng bên khung cửa để nghe tiếng gió, tiếng mưa, năm này qua năm nọ, ngày này qua ngày khác, Ngọc thấy đời có nghĩa gì không?”

Tôi nghe lòng mình thắt lạiï theo từng tiếng Hà kể lể. Anh Lâm, người thanh niên hiền lành, chăm chỉ, rất đỗi hiền hòa trong những ngày trẻ tuổi hiện về trong trí nhớ của tôi. Bên ấy là giàn bông giấy màu hồng tím, tiếng đàn của anh xôn xao những đêm trăng, là mộng, là hoa, là sách vở chất đầy thương nhớ. Tôi đột ngột đề nghị:

“Mình có thể đến thăm anh ấy được không?”

Hà lắc đầu, ngần ngại:

“Thú thực với bạn, thế nào thì tụi mình cũng phải gặp lại nhau, nhưng bây giờ anh Lâm hầu như không muốn giao tiếp với ai, nhất là những người quen cũ. Ngọc biết không, có lần anh Lâm giận Hà mất mấy ngày vì mình đưa về nhà một người bạn của anh ấy mà không hỏi ý kiến của anh ấy trước. . .”

Tôi quả quyết:

“Mình chỉ muốn nhìn thấy anh ấy thôi, và sẽ không nói một câu nào để anh ấy không biết là có người đến thăm.”

Hà lưỡng lự giây lát. Rồi biết là không thể từ chối, nó phải dặn dò tôi:

“Ừa thì đi, nhưng Ngọc nhớ là những người mù thường sống bằng thính giác, anh Lâm từ khi mù đến nay đã quen nghe và đoán sự việc gần như chính xác, mình không dấu anh ấy được chuyện gì đâu. Bây giờ, Ngọc cho mình số phôn và địa chỉ, chúng mình còn nhiều chuyện để nói mà mình lại phải về, mưa xuống là trời mau tối lắm, không biết ở nhà anh Lâm đãù ăn uống gì chưa.”

Thấy Hà lo lắng cho anh, tôi không khỏi cảm động. Tôi theo Hà ra chỗ đậu xe, trời ngớt mưa, những sợi mưa nhỏ bay bay trong khung trời mờ mờ của buổi hoàng hôn. Ngôi chùa nằm trên một ngọn đồi, xung quanh bao bọc bằng rừng cây và lá úa, từ phía thung lũng đằng sau, gió như muốn cuốn hút tất cả những chiếc lá vàng xô vào nhau đến một nơi êm đềm nhất. Mỗi lúc buồn tôi lại đến đây, để lòng mình cuốn theo những chiếc lá rơi vào những nơi thăm thẳm dưới chân đồi, phảng phất mùi hương trầm và tiếng mõ nhịp nhàng của khóa kinh chiều, cái buồn đã bay đi dịu dàng như một làn khói tỏa.

Hai chiếc xe lăn bánh ra khỏi sân chùa và lướt đi trên con đường phủ đầy lá ướt, những vũng nước mưa phản chiếu ánh đèn vàng buồn hiu hắt. Lòng tôi như chơi vơi nỗi nhớ nhung về một khoảnh đời rất xa trong dĩ vãng. Ngày ấy là tôi mười bảy tuổi, mắt biếc và môi tươi, đôi guốc nhỏ khua những bước chân rộn ràng trên đường vắng. Ngày ấy là Hà nghịch ngợm líu lo như chim vành khuyên, mái tóc cắt ngắn, khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương, mặc chiếc quần cụt ngắn để sẵn sàng nhảy ào xuống sông, lội đùng đùng như một con rái cá. Ấy vậy mà hai đứa thân nhau, Hà sôi nổi còn tôi u trầm, lãng mạn, nó thường chỉ cho tôi những bài toán khó, còn tôi thường đọc cho nó nghe những bài thơ học trò rất non nớt.

Chắc Hà một phần nào đã hiểu được tình cảm mộng mơ của anh Lâm và tôi, nhưng vẫn không bao giờ nói cho nhau biết. Nhà Hà chỉ có hai anh em, ba nó chết khi nào tôi cũng không rõ, chỉ thấy mỗi buổi chiều má nó hay ra sau vườn đốt nhang cho mấy ngôi mộ nằm khuất sau rặng dừa nước tối đen, những khi ấy tôi rất sợ khi nhìn những đốm nhang lập lòe trong khu vườn tối. Bác Năm có một sạp bán chạp phô ngoài chợ, vậy mà bác cũng nuôi nổi hai đứa con thơ dại mồ côi cha. Tuy vất vả nhưng bù lại anh em Hà là những đứa con hiếu hạnh và rất đỗi thương nhau. Nhà tôi và Hà chỉ cách nhau có một hàng rào thấp và một đường mương thông ra con sông nhỏ, ngày hai buổi lên xuống theo con nước thủy triều. Mẹ tôi trồng những giây mồng tơi tím, những cây đậu ván có chùm đậu xanh như ngọc, và cả một thứ hoa leo có bông nhỏ xinh xinh màu đỏ thắm. Tôi hay đứng bên này hàng rào để nói chuyện với Hà khi nó giặt quần áo hay rửa chén ở cái mương sau hè ấy. Hai đứa trẻ lớn lên lúc nào không hay, ngày anh Lâm vào Đại học bác Năm mừng chảy nước mắt, còn Hà và tôi đã là hai cô nữ sinh đệ nhị cấp cùng lớp, cùng trường. Hà đã bớt phần ngổ ngáo, còn tôi cũng thêm phần e lệ mỗi lần bắt gặp cái nhìn nồng nàn, kín đáo của anh Lâm bên kia giàn bông giấy.

Tuy vậy, trong những chiều nước lớn, Hà vẫn nheo nhéo gọi tôi đi tắm sông. Ai đã từng ngụp lặn dưới dòng nước mát của dòng sông quê hương, mới thấy cái thú tắm sông thuở nhỏ thật là tuyệt vời. Trên bến sông, rộn rã tiếng vui đùa của đám trẻ con trong một trưa hè oi ả, từng làn sóng lăn tăn trên mặt sông êm ả, và những tàu dừa lơi lả bên bờ sông như đùa với gió.

Tôi vẫn nhớ một buổi chiều năm xưa, anh Lâm đón tôi ngoài đầu ngõ. Anh đưa cho tôi một cuốn sách Toán rồi vội vã bước đi.Tôi chớp mắt nhìn anh, không nói được câu cám ơn nhưng lòng vô cùng xao xuyến, đây có lẽ là lần đầu tôi gặp anh mà không có Hà bên cạnh. Tôi đinh ninh sẽ có một cái gì thơ mộng hơn, cuốn sách Toán khô khan chỉ là cái cớ để anh có dịp nói với tôi bao điều anh muốn nói. Vậy mà không, anh lặng lẽ bước đi để tôi lơ ngơ không hiểu nổi con người kín đáo ấy. Phải chăng sự kín đáo của anh cũng là nguyên nhân để tình yêu vuột mất khỏi tầm tay, khi cuộc đời có bao điều mới lạ đầy lôi cuốn.

Câu chuyện từ những ngày còn đi học hiện về trong trí tôi như một cuộn phim, tôi bỗng mỉm cười một mình và để lòng trôi nổi theo những kỷ niệm thời con gái. Thực ra, tình cảm giữa tôi và Lâm chỉ đơn thuần là thứ tình cảm đầu đời trong sáng, anh vẫn nghiêm trang như một ông thầy ngồi trong lớp học. Với giác quan bén nhạy của con tim, tôi đã cảm được tiếng lòng anh qua tiếng đàn dìu dặt những đêm mưa, tiếng tí tách của giọt mưa rớt bên thềm, chiếc bóng của anh hắt lên tường bên kia khung cửa mở.

Không biết sao tôi lại giận anh, chắc chỉ vì một buổi chiều tôi thấy anh đứng nói chuyện với mấy người bạn học dưới giàn bông giấy, cô bạn gái ghé vào tai anh thì thầm câu gì đó, rồi cả hai cùng cười với nhau vui vẻ. Tôi nép xuống khung cửa sổ để quan sát mọi người, mà cứ tưởng như mắt anh đang quyến luyến trao cho cô bạn học. Người ta là sinh viên, còn tôi chỉ là cô nữ sinh trung học. Sao hôm nay anh nói nhiều như thế, sao hôm nay anh cười vui đến thế, nỗi giận hờn ập đến tâm hồn cô gái nhỏ, dễ tủi thân và nhiều mặc cảm tự ti. Hèn gì anh tiếc tôi mấy giòng chữ, hèn gì anh không thèm trao cho tôi một cánh thư. Ôi tình yêu, tình yêu chưa nói được nên lời mà đã vỡ tan như những bong bóng nước trong cơn mưa chiều trút xuống sân nhà. Đêm sáng trăng, tôi thơ thẩn một mình nhìn ra giòng sông trước mặt, ánh trăng như dát một giải lụa vàng trên mặt sông mênh mông, tôi nghe lòng sầu nhớ một nỗi niềm khó bày giải. Tình yêu giữa anh và tôi nhẹ nhàng đến nỗi tôi tưởng như lúc có lúc không, lúc đằm thắm, lúc hững hờ, khi bừng bừng chất ngất để rồi lại chìm chìm như hòn sỏi ném xuống mặt hồ lặng ngắt.

Những năm ấy tôi sắp bước qua tuổi mười tám với rất nhiều suy tư về tình yêu, cuộc đời và tương lai. Chiến tranh đang lan tràn trên quê hương, từ miền quê đã lan vào phố thị. Từng ngày, từng ngày, tôi đã nhìn thấy những chuyến xe nhà binh chạy qua thành phố, chiếc quan tài phủ cờ và người vợ trẻ ôm con thơ với ánh mắt buồn tê tái. Từng đêm, từng đêm, ánh hỏa châu lơ lửng treo trên vùng trời tối thẫm, tiếng đại bác vọng về thành phố như một tín hiệu của đổ nát, tan hoang.

Đúng lúc đó thì tôi gặp Quyền, trong một "party”sinh nhật thứ mười tám của cô bạn học con nhà giàu cùng lớp. Quyền là một sĩ quan Không Quân, vui tính, lém lỉnh, chàng tán tôi sát sạt đến nỗi trái tim tôi còn non nớt, đã rộn rã tiếp nhận chàng như một thứ hào quang rực rỡ khác xa thế giới học trò. Bản Slow nồng nàn quyến rũ, điệu Tango dìu dặt bước chân, tôi bước vào đời Quyền trong nỗi nhớ nhung về một bầu trời chi chít sao đêm, những dải mây bồng bềnh như lụa và bóng những con tàu xé gió vút lên không gian thênh thang, vô tận. Như con thiêu thân, tôi lao vào Quyền mà hầu như không hiểu được chàng bao nhiêu, Quyền là hiện thân của chinh phạt và bão tố, tôi ngu ngơ như con chim non vừa mọc cánh chỉ muốn đi tìm những gì mới lạ ở phía trời xa, tôi đã lãng mạn, nhớ nhung và tưởng mình đang hưởng được thú đau thương của cuộc đời. Để đến một ngày trái tim tôi vỡ nát vì không quen nhìn đời như một cuộc chơi, và tình yêu chỉ là trò đùa trong những khoảnh khắc của đời sống. Tôi theo Quyền rời xa xóm cũ, anh Lâm sắp tốt nghiệp Đại học và Hà vẫn chăm chỉ học hành. Dòng sông vẫn êm đềm trôi, chỉ có tôi sắp bước vào cuộc đời đầy giông bão. . . .

Với một mảnh giá thú chưa đủ bảo chứng cho một tình yêu, hay đấy chỉ là một sự lầm lỡ, Quyền và tôi hai tâm hồn khác biệt hẳn nhau. Chàng vẫn nói yêu tôi để rồi lại tươi cười, nồng nàn trong một vòng tay khác, chàng vẫn trở về nhà sau những chuyến bay mệt mỏi để rồi lại miệt mài trong ánh mắt giai nhân. Sống và chết trong thời buổi chiến tranh, khiến Quyền đã có quan niệm về tình yêu rất là hời hợt và vội vã. Khóc lóc, giận hờn, đau khổ thì chàng vẫn là chàng, tôi vẫn là tôi, khi đứa con đầu lòng chào đời cũng không cứu vãn nổi cái hạnh phúc đớn đau kia, lòng tôi đã ủ ê vì tuyệt vọng. Tâm hồn tôi vốn bình lặng như giòng sông êm ả, như đồng cỏ xanh non của một mùa xuân, đâu hiểu nổi và đâu chịu nổi những phù hoa, hào nhoáng của thứ cuộc đời đầy phức tạp.

Theo Quyền về làm dâu, tôi đã ngất ngư vì những lời trì triết, bóng gió xa xôi của mẹ Quyền và chị em chàng, như những cái tát tai nẩy lửa quật vào mặt tôi tê buốt. Quyền là đứa con cưng của gia đình giàu có ấy, chàng đã quen hưởng thụ và được người khác phục vụ mình, chắc là kiếp trước tôi đã vay chàng một món nợ lớn, cho nên kiếp này tôi phải trả cho hết nỗi oan khiên. Thế rồi chia tay, thế rồi đường ai nấy đi, tôi đã bỏ cuộc đành quay về bên mẹ như con gà con nhao nhác tìm mẹ trong một chiều mưa bão. Gia đình tôi chuyển về một thành phố khác, tôi ngại ngần không dám gặp lại Hà, cho đến ngày nhà tan, nước mất. Vài năm sau tôi ôm con theo làn sóng người ào ạt ra khơi tìm tự do, trải qua những giờ phút sinh tử trên biển khơi, cuối cùng mẹ con tôi cũng đến được bến bờ tự do. . . .

Gặp lại Quyền bên cạnh một người đàn bà khác. Sắc sảo, lộng lẫy, rạng rỡ phấn son, những loại hoa đẹp nồng nàn dưới ánh đèn mờ ảo. Tôi ôm con với một thoáng ngậm ngùi, con gái tôi đã có nét buồn ngay từ hồi còn nhỏ. Cám ơn Trời, con tôi thật ngoan, thật hiền, nó dịu dàng như giòng sông quê mẹ, và có một tâm hồn mang nặng tình người Việt Nam.

*  *   *

Tôi đậu xe cách nhà Hà một quãng xa để đề phòng anh Lâm nhận ra Hà về nhà với khách lạ, rồi rón rén theo Hà trong bóng tối của căn phòng khách mờ mờ vì bóng chiều đã xuống. Hà bật đèn phòng khách, thật nhẹ nhàng, tôi hồi hộp nhận ra dáng anh Lâm ngồi im lìm bên khung cửa sổ. Hà hỏi, giọng bối rối:

“Sao anh không bật đèn lên anh hai? Bữa nay mưa lớn quá, không làm sao về được, anh đã ăn gì chưa?”

“Cám ơn em, anh không đói”, bây giờ tôi đã nghe anh nói, hơn hai mươi năm qua, giọng anh vẫn dịu dàng như ngày còn trẻ. Lâm tiếp:

“Ngồi ở đây anh cảm thấy dễ chịu, sáng hay tối thì có nghĩa gì đâu. Mưa dữ quá phải không Hà, chắc ngày mai em lại phải quét lá, vườn đã ngập đầy lá khô.”

Nghe anh nói, tôi gần như muốn khóc. Có ngờ đâu một ngày như hôm nay, anh một mình ngồi bên khung cửa, để nghe ngóng từng giọt mưa rơi, từng chiếc lá rớt. Hà nói, giọng không dấu được niềm vui:

“Anh ăn cơm bây giờ nghe anh hai. Em có mang về cho anh chút dưa cải, đậu hũ xào nấm tươi, ngon ơi là ngon.”

Lâm lắc đầu, giọng anh đầy âu yếm, anh không quay mặt lại nên tôi chưa nhìn được mặt anh:

“Không, em đừng lo lắng nhiều cho anh làm gì, đời có bận rộn chi đâu mà vội vã. Hôm nay đi chùa có gì lạ không? Anh nghe như em có điều gì vui, có gặp ai quen không Hà? Ờ, em cũng cần đi đây đi đó cho vui, đừng băn khoăn lắm cho anh làm gì, vì tuy ngồi một chỗ như thế này, nhưng anh vẫn có thể hình dung được sự thay đổi của trời đất. Như hôm nay mưa thì lại nhớ đến những cơn bão rớt ở quê mình, mái nhà xưa và bến sông ngập đầy nắng gió. Gió chi mà mát rượi, anh còn nhớ mấy cái khạp chứa đầy nước mưa của má, mùi thơm của hoa cau, hoa bưởi, uống một miếng nước mà dường như uống cả hương, cả hoa, cả trời, cả đất. Má vẫn nói nước mưa là nước của trời nên nó hiền và ngọt, cho đến bây giờ anh vẫn không làm sao quên được. Bây giờ có trở về chắc mọi thứ đã thay đổi hết rồi. . .”

Lòng tôi chùng xuống , thổn thức theo từng tiếng kể lể của anh, bất giác tôi không ngăn được tiếng thở dài. Anh Lâm đã quay về phía tôi và Hà, ngọn đèn trần tỏa xuống cho tôi thấy một khuôn mặt đàn ông mang những nét già giặn trên vầng trán thông minh và mái tóc bồng bềnh đã điểm sương. Vẫn khuôn mặt ngày xưa ấy, bờ môi ấy, đôi mắt đã khuất dưới cặp kính đen, cả gương mặt ấy có hằn lên nét phong trần của thời gian, nhưng vẫn toát ra vẻ an nhiên, tự tại. Giọng anh vang lên, buồn buồn như một chiếc lá rơi vào khoảng tối của khu vườn:

“Anh làm em buồn phải không Hà, sao em lại thở dài? Nếu vậy, anh xin lỗi em vì anh chỉ nhớ được trong lòng anh những hình ảnh của dĩ vãng, nó là niềm an ủi của riêng anh, bởi vì anh cũng còn được những gì để nhớ.”

Hà liếc nhìn tôi, nó tiến lại ngồi cạnh anh Lâm:

“Anh hai nè, bữa nay người ta đi chùa đông ghê nơi, tình cờ em gặp lại Ngọc ở trên chùa, anh còn nhớ Ngọc chứ?”

Tôi thấy Lâm nhỏm dậy, như có một sự thay đổi đột ngột trong tâm hồn anh làm anh xúc động, nhưng anh cố nói với một giọng bình thản:

“Ngọc à? Anh nhớ chứ, cái cô bé hàng xóm dễ thương ấy làm sao anh quên được. Bây giờ Ngọc ra sao, vẫn xinh đẹp và hạnh phúc?”

Hà ái ngại nhìn tôi, cười nhẹ:

“Anh quên là chúng mình già cả rồi, Ngọc cũng đâu là cô bé hàng xóm bé bỏng của anh ngày xưa, nhưng Ngọc vẫn còn duyên dáng lắm. Em chưa có dịp hỏi nhiều về đời sống của Ngọc, nhưng em đoán Ngọc cũng không hạnh phúc lắm, vì Ngọc đi chùa có một mình, em bắt gặp cô nàng đứng thả hồn hằng giờ theo mưa.”

Anh Lâm cười, tiếng cười nghe xao xuyến:

“Ngày xưa, Ngọc vẫn hay mơ mộng như vậy, chỉ tiếc là...”Lâm bỏ lửng không nói, một lúc sau, anh tiếp:

“Hà nè, anh rất mừng em gặp lại bạn cũ, dù sao nơi xứ lạ quê người, không gì quí bằng gặp lại bạn xưa chung trường, chung lớp, nó có nhiều ủi an cho mình lắm em à.”

Hà đột ngột hỏi anh:

“Anh Hai à, anh có muốn gặp lại Ngọc không? Nếu em nhớ không lầm thì ngày xưa anh cũng có. . . thương Ngọc, nhưng sao lúc ấy anh không nói, hở anh hai?”

Anh Lâm lặng thinh, dường như anh chìm đắm với những kỷ niệm trong dĩ vãng. Một lúc, tôi nghe anh thở dài:

“Gặp hay không gặp thì cũng thế thôi, anh đâu có nhìn thấy gì dù Ngọc bây giờ có già hơn hay xấu đi, trong anh vẫn chỉ là hình ảnh Ngọc ngày xưa ấy. Chuyện xưa rồi phải không Hà? Sở dĩ anh vẫn nghĩ đến Ngọc là vì hình ảnh của cô ấy gắn liền với dĩ vãng của anh em mình, hai căn nhà hàng xóm, cách nhau một hàng giậu thưa, bên này là giàn bông giấy, bên kia là khung cửa mở với ánh đèn lay lắt đến nửa khuya. Cứ mỗi lần hồi tưởng về quá khứ, anh lại nhớ ngay đến cái xóm nghèo ven sông , mỗi chiều má thường ra sau vườn thắp nhang cho ba và ông bà nội, anh vẫn nhớ mùi hương trầm thơm ngát tỏa bay trong không gian mỗi khi chiều xuống, tiếng trẻ con í ới gọi nhau trên sông chiều nghe vui làm sao. . .”

Hà im lặng nhìn tôi, nghe như có tiếng mưa rơi chầm chậm, buồn buồn, thánh thót rớt xuống trong lòng một nỗi nhớ khôn nguôi. Anh Lâm lên tiếng hỏi:

“Em còn đó không Hà?”

Nghe anh hỏi tự nhiên tôi muốn khóc. Hà cầm lấy tay anh, sụt sùi:

“Em vẫn ngồi đây, anh cứ nói nữa đi anh hai, em muốn nghe anh kể về những gì đã mất. Em đã từng đi qua những bến sông, chỗ nào cũng hoa, cũng lá, cũng nắng, cũng gió, vậy mà cũng chưa thấy chỗ nào đẹp bằng bờ sông quê mình.”

Anh Lâm vỗ nhẹ lên bàn tay Hà:

“Đúng vậy, có khi bờ sông ở quê mình đối với mọi người nó không là gì cả, nhưng với riêng mình nó vẫn đẹp, vì nó là quê hương. Hà có nhớ không những ngày bão rớt, bến sông vắng tiếng trẻ nô đùa, chỉ có mấy thân dừa oằn oại với gió. Anh nhớ má hay xào mắm ruốc xả ớt cho anh em mình ăn, có khế chua và chuối chát. Mưa gì mà mưa ngày mưa đêm, mấy gốc đu đủ trốc gốc, má hay nấu canh đu đủ hườm với tôm khô ăn với dưa mắm. Ngày xưa, Ngọc cũng thích món chuối hầm dừa của má mình nữa, bữa nào học xong tụi mình cũng có một món gì âm ấm bụng. Anh vẫn còn nhớ những đêm trăng, dưới giàn bông giấy, anh hay đàn cho em và Ngọc hát, giọng em thì réo rắt như đàn kìm, còn Ngọc lại ưa mấy bài thương mây khóc gió, những cô bé biết buồn sớm quá thường khó tìm được hạnh phúc trong cuộc đời.”

Lại một phút im lặng, Lâm tiếp:

“Bởi vậy dù rất yêu Ngọc anh vẫn không dám nói, vì anh không muốn lay động trái tim non nớt của Ngọc, anh chỉ muốn Ngọc sống êm ả với thế giới học trò mà thôi. Đối với anh, tình yêu phải được nâng niu như viên ngọc quí, anh rất trân trọng tình cảm của riêng anh và của mọi người, đó có phải là điều thiệt thòi cho anh khi Ngọc không hiểu được tình yêu đó. Nhưng thôi, chuyện xưa nhắc để mà nhớ chứ bây giờ anh còn làm được gì cho ai. . .”

Tôi không ngăn được những giọt nước mắt, nếu không kìm hãm được có lẽ tôi đã chạy đến bên anh, ôm lấy anh, để khóc cho hả những đau khổ và bất hạnh của đời mình.

“Bây giờ, anh ví Ngọc như cơn bão rớt, rớt xuống hồn anh những giọt mưa. Phải, chỉ là những giọt mưa. . .”

Hà bật cười, tuy mắt còn ngấn lệ:

“Anh làm thơ đấy hả anh hai? Hay đấy chứ, “em như cơn bão rớt, rớt xuống hồn anh những giọt mưa “, nhưng sao không là bão, nó không phá hồn anh tan hoang ra đó sao?”

Anh Lâm cũng mỉm cười, anh nói:

“Em đúng là cô em dễ thương của anh đó Hà, không có em không biết tinh thần anh xuống dốc đến độ nào. Không, không bao giờ Ngọc là cơn bão, vì tình yêu ấy dịu dàng và đẹp đẽ biết bao, mỗi lần nghĩ đến nó lòng anh vẫn ngây say và lắng đọng. Anh mong Ngọc mãi mãi hạnh phúc, cho dù Ngọc không là của anh, trái tim cô ấy non nớt quá, nó là thứ tâm hồn của hoa cỏ, tươi thắm đấy rồi sầu héo đấy, phải không Hà?”

Trái tim tôi như muốn vỡ ra khi nghe Lâm nói, mãi cho đến bây giờ khi đầu đã hai thứ tóc, tôi mới hiểu được tình yêu của chàng dành cho tôi vẫn trọn vẹn trong sáng quá, vậy mà tôi đã làm mất đi chỉ vì chạy theo sự quyến rũ của một tình yêu không thực.

 Hà lại thủ thỉ bên Lâm, ngọt lịm:

“Anh hai à, em rất muốn mời Ngọc đến chơi nhưng phải hỏi ý anh trước đã. Anh có muốn gặp lại Ngọc hông?”

Lâm im lặng, anh đang cố nén những cảm xúc ào ạt như tiếng mưa rào rào trên khung cửa kính. Một lát, tôi nghe anh thở dài:

“Nếu Ngọc đến để mà thương hại anh thì anh không muốn, nhưng để em có được những phút giây xưa thì anh không có lý do gì để ngăn cản em cả. Thực ra, đã lâu lắm rồi, anh không biết đau khổ là gì nữa, anh hằng cầu xin cho mình được sáng suốt chấp nhận cuộc đời, dù đang sống trong cảnh mù lòa, tăm tối. Anh đã tìm ra chân lý của cuộc sống, đó là sự bình an của tâm hồn, cho nên mỗi khi anh nghĩ đến ai, đến điều gì thì chỉ vẽ lên hình ảnh tuyệt vời của nó, và chỉ nhớ đến cái đẹp của nó mà thôi.”

Anh ngừng nói, nhưng từ nơi anh tôi nghe có tiếng róc rách giòng suối reo đến tận cùng sâu thẳm của con tim. Cho đến bây giờ, tôi mới thực sự hiểu được tâm hồn anh thanh cao, dịu dàng, nhân ái biết bao. Trên cõi đời này, có bao nhiêu người đủ tay, đủ chân, đủ mắt, tai, mũi, miệng, nhưng tâm hồn họ đã què quặt, mù lòa trước bao nỗi đau của kẻ khác, họ đã không ngại ngần vùi giập những mảnh đời khốn khổ đi xuống sự tận cùng của nó.

Từ giã Hà ra về bằng ánh mắt yên lặng, tôi nghe con tim mình đập rộn ràng trong lồng ngực. Trên đường về, bóng tối phủ ngập hai hàng cây ven đường, chỉ còn ánh đèn chấp chới của những chiếc xe qua lại trên lòng đường vắng, tôi thấy lòng rưng rưng, “Lâm ơi, em sẽ trở lại. Em sẽ là giọt mưa, rớt xuống đời anh, như những giọt mưa đầu mùa xôn xao trên mái tranh nghèo quê xưa anh nhé!”

NGUYÊN NHUNG.

(Mùa Vu Lan)

(Trích "Tín ngưỡng Á châu", tháng 9-2004)

 Cùng một tác giả Nguyên Nhung

 

Thiên-Lý Bửu-Tòa, 12695 Sycamore Ave, San Martin, CA 95046 - USA. Tel: (408) 683-0674

Website: www.thienlybuutoa.org     Email    Sơ đồ hướng dẫn tới TLBT

Thông bạch in Kinh