The Left Eye of God

TAM GIÁO QUY NGUYÊN

Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 11-9 Canh Tuất (10-10-1970)

Thông công: Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý

Đồng tử: Hoàng Mai. Pháp đàn: Huỳnh Chơn.

THI

THIỆN ác do người muốn tạo gây

HẠNH lâm (1) mấy kẻ biết tìm Thầy

ĐỒNG tâm giữa lúc đời ly loạn

TỬ hậu (2) an vui một kiếp này.

Tiểu Thánh chào chư hướng đạo. Vâng lịnh Đức Thiền Sư báo đàn. Chư liệt vị thành tâm tiếp rước. Tiểu Thánh chào chung. Xuất ngoại ứng hầu. Thăng.

TIẾP ĐIỂN

THI

Khai Minh Lý Đạo phá mê đồ (3)

Mở cửa Thiên Đường rước khách vô

Hướng đạo (4) Kỳ Ba ra tế chúng (5)

Vườn đào yến tiệc (6) sẵn bày phô.

VẠN HẠNH THIỀN SƯ

Bần Tăng chào chư đạo hữu, chư đạo muội.

Giờ nay, Bần Tăng giáng để cùng chư đạo hữu bày giãi một vai tuồng khá quan trọng của Phật Pháp trong Tam Kỳ Phổ Độ. Mời chư đạo hữu, đạo muội đồng tọa thiền.

Trước hai nghìn sáu trăm năm,(7) Phật Pháp đã thành lập. Đạo Giáo, Nho Giáo cũng khởi thủy từ đó, vẫn là một cội sanh ba để tùy thời kỳ mà giáo hóa, tùy căn cơ mà bạt độ.(8)

Sau, đến Thích Giáo ra đời giữa lúc thế nhân điên đảo, mạnh hiếp yếu, khôn lấn dại, chia phân giai cấp nô lệ quyền quý, làm cho con người và con người sanh thù nghịch lẫn nhau, xem nhau như thú dữ giành mồi, sát hại nhau không chút tình thương xót. Vì thế, Phật Pháp mới thị hiện (9) đức từ bi giữa thời nhà Châu để đem lại mức sống quân bình trong cơn hỗn loạn. Từ một địa vị hoàng thái tử bước xuống hàng thứ dân để khép mình vào khuôn khổ, hầu đem gương ấy cảnh tỉnh người đời đang đắm đuối phù hoa vật chất, quyền quý vinh sang, chẳng nghĩ đến đồng loại đang sống trong cảnh trầm luân cơ cực.(10)

Phật Pháp lập lại Thích Giáo lần thứ hai mở ra đường tận độ. Tuy nhiên, tôn chỉ đường lối có sự tương quan giữa chơn như bản thể và nhân sinh. Mặc dù vẫn trong hình thái của một dân tộc mà giáo lý vẫn quảng truyền. Từ chỗ ô trược hồng trần vẫn tạo được một bản chất thanh tịnh để giao thông cùng tam thiên đại thiên thế giới,(11) lấy đức hóa độ chúng sinh tạo thành Niết Bàn Cực Lạc.

Cho đến ngày nay, Phật Pháp vẫn còn một tôn giáo siêu việt tối thượng thừa dù đã chia rất nhiều môn phái. Như chư đạo hữu đây là một trong các môn phái khác. Phật Pháp bao hàm vạn tượng tế chúng độ nhơn.(12) Cái lý siêu việt không đo lường được ấy, giờ đây chỉ còn lại một số người trong một môn phái đã lãnh hội chân truyền diệu pháp trong đức hóa độ của Như Lai để xuất hiện trong Tam Kỳ Phổ Độ, làm đủ phương cách tận độ chúng sinh cho đúng với lời nguyện của Đức Phật: Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng.(13)

Đồng thời, Đạo Giáo, Nho Giáo cũng diễn khai hóa độ bằng đường lối vô vi và hữu thể. Một trầm lặng để tìm lối thoát cho quần sinh, một đem lại trật tự an ninh cho đời ly loạn. Tuy ba mà một, một lại hóa ba. Kỳ trung (14) Tiên Phật Thánh Thần nào cũng phải gồm đủ ba bản chất ấy mới nên Tiên Phật Thánh Thần.

Chư đạo hữu Minh Lý Thánh Hội đã nắm giữ được giềng mối chân chính trong Tam Kỳ Phổ Độ này, dù chưa đạt suốt máy huyền nhiệm, dù kho tàng chưa khai mở rốt ráo, nhưng đã bước ra một bước khá dài trên khoảng đường độ nhơn tế chúng.

Bần Tăng mừng cho cơ Đạo ngày nay, trên phương diện hữu hình, tôn giáo đã sắp xếp một cửa Đạo nghiêm minh để đón rước người thiện căn quay về đường chánh. Cũng vừa là kịp lúc Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hoằng khai để tiếp trợ phần minh chơn lý Đạo cho trọn vẹn sứ mệnh của Minh Lý đã chấp nhận từ xưa.

Chắc có lẽ chư đạo hữu còn nhớ những lần đầu tiên Đức Thượng Đế Chí Tôn tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát đã dạy chư đệ tử đầu tiên của Ngài đến đây để cùng khai thông lý Đạo cho kịp lúc độ rỗi chúng sinh giữa thời mạt kiếp.

Từ ấy đến nay, trải qua mấy mươi năm, cơ Đạo hoằng dương khắp chốn. Về hình thức phổ độ trung thừa lan rộng, về thượng thừa chưa ai đạt đến mức tuyệt kỷ cao siêu. Do đó mà ngày nay mới có sự tương quan trùng hợp giữa Minh Lý và các tín hữu Đại Đạo để mở rộng đường lối cho nhân sinh tiến bước để quật khởi tinh thần đạo đức chân chính ngõ hầu tìm cho đến cơ siêu mầu của đạo lý. Kho tàng này, Thiêng Liêng đã đặc trách cho đạo hữu Minh Thiện (15) kế tiếp giữ gìn khai thác, nghiên cứu, đem lại cho người đời tìm thấy chơn lý Đại Đạo không còn phân biệt Phật Nho Thích nữa.

Các hướng đạo thời nay nếu chịu khó nhìn vào nội tâm bản thể để xem xét một cách vô tư mới quán triệt được Thiên cơ vận chuyển. Nhược bằng (16) còn thích đóng một vai trò trên sân khấu đối với thời hạ nguơn mạt kiếp này, e chẳng kết quả đúng Thiên ý đi chăng.

Nếu các hướng đạo ngày nay biết rõ đường lối tận độ quần sinh trong Tam Kỳ Phổ Độ để cùng hợp nhau xây dựng một nền tảng Đại Đạo duy nhứt. Phật Pháp, Đạo Pháp, Nho Giáo cùng xiển dương chơn lý, phá mê đồ cho vạn sinh thức tỉnh thì công cuộc hòa bình không cần phải đòi hỏi cũng sẽ đến ngay.

Sở dĩ (17) Minh Lý Thánh Hội ra đời trước kia là chi Minh Lý. Cái tác dụng của hai chữ Minh Lý đến ngày này gắn liền danh từ Thánh Hội, đó là đến lúc Minh Lý phải minh (18) chơn lý Đạo cho đúng với mục đích giáo thuyết của người đã chủ trương Minh Lý Đạo.

THI

Thánh Hội Quần Tiên tại lý chơn

Minh tường (19) Đại Đạo tợ cao sơn (20)

Quần sinh tận độ kỳ nguơn hạ

Sứ mạng giao cho dạ chớ sờn.

HỰU

Chớ sờn nẻo tục lắm gay go

Đến bến thì toan bỏ lại đò

Vững chắc phàm trần không bám víu

Trì tâm (21) thanh tịnh mới nên cho.

HỰU

Cho ai biết đặng lý siêu nhiên

Để lối minh chơn (22) đạt chánh truyền

Thức tỉnh người đời cơn sóng gió

Trùng dương lướt dặm một con thuyền.

HỰU

Con thuyền bát nhã cậy người tu

Lèo lái cho qua cảnh mịt mù

Khêu ngọn hải đăng trên bể hoạn (23)

Thuyền từ (24) cập bến đắc công phu.

HỰU

Công phu từ bấy đã gầy nên

Một khoảng đường sau gắng chí bền

Mở cửa pháp môn ra tận độ

Niết Bàn Cực Lạc sẽ kề bên.

HỰU

Kề bên kíp (25) bước lại quê xưa

Là chốn hư vô cõi thượng thừa

Không diệt, không sanh, không tất cả

Chỉ còn Phật Tánh của thời xưa.

HỰU

Thời xưa những bậc đắc Như Lai

Chẳng có ta mà chẳng có ai

Bản thể thiên nhơn hòa hiệp một

Là nơi Phật cảnh chốn linh đài.(26)

HỰU

Linh đài lắm kẻ muốn men chân

Khổ nỗi lòng chưa dứt nghiệp trần

Tam độc (27) vẫn còn theo bận bịu

Công phu dày dặn khó đem cân.

HỰU

Đem cân đạo lý với lòng trần

Phải diệt lòng trần ý sạch lâng (28)

Cửa Thánh mới mong tìm đạo lý

Kim thân (29) giác ngộ đổi phàm thân.

HỰU

Thân mật khuyên nên nhớ những lời

Tam Kỳ sứ mệnh chớ buông rơi

Minh chơn lý Đạo cơn tăm tối

Đem một tâm linh để cứu đời.

HỰU

Cứu đời mạt kiếp thoát tai ương

Minh Lý nêu danh chốn ngọc đường (30)

Đại hội Long Hoa chờ kết quả

Lập đời thánh đức thuở Nghiêu Vương.(31)

Bần Tăng dặn dò bao nhiêu lời để chư đạo hữu được hiểu thời kỳ Tam Giáo đồng quy nhứt nguyên (32) để đem chơn tông ra dựng đời sửa thế, mà nhiệm vụ quan trọng Minh Lý Thánh Hội phải gánh vác cho tròn đạo nghĩa người tu.

Định Pháp, Huệ Lương! Nhị vị đạo hữu có biết vì sao Tam Giáo Đạo Tổ ban hành cho phép chư đạo hữu lập Hội Đồng Liên Phái trong lúc này chăng?

(...)

Thời kỳ này phải có một hội đồng chi phái cùng liên hiệp với nhau để bảo vệ chánh pháp chân truyền giữa lúc loạn ly thế sự, tôn giáo phân tranh. Nhưng đó là một ý thức để gầy dựng sự hòa hiệp nhân tâm.

Bần Tăng cũng nhắc cho đạo hữu rõ biết: Hãy khéo léo, hãy cẩn thận chọn một lối đi đúng trung nhứt chi đạo.(33) Đừng để thiên lệch, lại gây thêm một cái khổ cho sinh linh bách tính nữa nhé!

Nơi đây là nơi giữ gìn đạo pháp, bản chất thanh tịnh. Có thể đem sự thanh tịnh này để chế ngự loạn động được. (...) Đành rằng chưa đủ tài đủ đức để bước ra gánh vác việc trọng đại phổ tế quần linh, nhưng nếu chờ đợi đến thấy chỗ đủ của tài đức thì biết bao giờ thấy được. Vì vậy, một là đóng cửa dạy nhau, hai là gia công lập đức.

Bần Tăng đến viết kinh nơi này không phải chỉ một phận sự viết kinh mà thôi. Giữa lúc này, thời kỳ này, chư Phật Tiên Thần Thánh đều tuân Ngọc Sắc (34) để thiết Tam Long Huê Hội, không một vị nào không trách nhiệm trong cơ tận độ Kỳ Ba. Đối với chư đạo hữu đây cùng Bần Tăng xưa kia là một gốc, một môn phái nhà tu, vì vậy Bần Tăng mới nhận viết kinh cùng Hưng Đạo Đại Vương để góp công góp ý cùng đạo hữu vậy.

(...)

Chư đạo hữu và chư đạo muội nơi đây bằng an. Khi có điều chi, Bần Tăng được dịp sẽ giúp cho vững vàng tu niệm. Nhứt là phải đầy đủ đức tính khoan dung nhẫn nại trì thủ (35) mới mong đạt được kết quả trong đời hành đạo của mỗi đạo hữu.

(...)

THI

Độ đời bao quản nhọc Thiêng Liêng

Mượn nước trần gian để lướt thuyền

Vớt kẻ trầm luân còn hụp lặn

Khai thông lý Đạo dẫn về nguyên.

Bần Tăng mừng chung chư đạo hữu trên đường chí tâm hành đạo. Chào chư đạo hữu, đạo muội. Bần Tăng lui gót. Thăng.


Huệ Khải chú thích (12-5-2014):

(1) Hạnh lâm 杏林: Cũng gọi hạnh đàn 杏壇. Tương truyền Ðức Khổng Tử ngồi dạy học ở giàn cây hạnh. Do đó hạnh lâm, hạnh đàn được dùng để ám chỉ nơi dạy học, hoặc giới Nho sĩ.

(2) Tử hậu 死後: Sau khi chết.

(3) Mê đồ 迷途: Con đường mê muội, sai lầm, cũng như mê lộ 迷路 (the path of error).

(4) Hướng đạo 向導: Người dẫn dắt đạo hữu (those who lead their brethren).

(5) Tế chúng 濟眾: Cứu giúp chúng sinh (to help or save all living beings).

(6) Vườn đào yến tiệc: Hội Yến Bàn Đào của Đức Diêu Trì Kim Mẫu.

(7) Hai nghìn sáu trăm năm: Đức Phật Thích Ca khai sáng đạo Phật vào thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên, cùng thời đại với Đức Lão Tử và Đức Khổng Tử (đời nhà Châu, Trung Quốc). Sang thế kỷ 20 Đức Thiền Sư dạy bài này. Thế nên Ngài nói là hai nghìn sáu trăm năm.

(8) Bạt độ 拔渡: Cũng như tế bạt 濟拔, cứu vớt. (Bạt : Kéo lên.)

(9) Thị hiện 示現: Bày ra cho mọi người thấy.

(10) Trầm luân 沉淪: Chìm đắm (to sink). Cơ cực: Đói khổ.

(11) Tam thiên đại thiên thế giới 三千大千世界:  Thái dương hệ 太陽系 chứa cõi địa cầu này là một thế giới. Cứ một ngàn thái dương hệ hợp thành một tiểu thiên thế giới 小千世界. Một ngàn tiểu thiên thế giới hợp thành một trung thiên thế giới 中千世界. Một ngàn trung thiên thế giới hợp thành một đại thiên thế giới 大千世界. Vì một đại thiên thế giới là 1000x1000x1000 (tam thiên, ba ngàn) thái dương hệ nên cũng gọi một đại thiên thế giới là tam thiên đại thiên thế giới. 太 陽 系 x 1000 = 小 千 世 界 ;  小 千 世 界 x 1000 = 中 千 世 界 ;  中 千 世 界 x 1000 = 大 千 世 界 (亦 即 三 千 大 千 世 界). ‚ Theo Trung Anh Phật Học Tự Điển của Soothill và Hodous, tam thiên đại thiên thế giới (a great chiliocosmos) cũng gọi là tam thiên giới 三千界, tam thiên thế giới 三千世界. Một thế giới gồm có núi Tu Di 須彌 (Mt. Sumeru) và tứ đại bộ châu (four continents) bao quanh, có tám biển, và dãy núi sắt vây quanh các biển (ring of iron mountains: núi Thiết Vi 鐵圍). Một ngàn thế giới như thế hợp thành một tiểu thiên thế giới 小千世界 (a small chiliocosmos). Một ngàn tiểu thiên thế giới như thế hợp thành một trung thiên thế giới 中千世界 (a medium chiliocosmos). Một ngàn trung thiên thế giới như thế hợp thành một đại thiên thế giới 大千世界 (a great chiliocosmos), cũng gọi là tam thiên đại thiên thế giới. Hai chữ tam thiên ám chỉ là gồm có ba loại thiên như nói trên (the 三千 indicates the above three kinds of thousands), tức là tiểu thiên, trung thiên, đại thiên. Cũng theo Soothill và Hodous, tam thiên đại thiên thế giới là một thế giới của Phật (one Buddha world, a Buddha universe).

(12) Vạn tượng tế chúng độ nhơn 萬象濟眾渡人: Muôn vàn (vô số) những hình tướng biểu hiện để cứu giúp con người (chúng sinh).

(13) Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng 虛空有盡, 我願無窮: Cõi hư không còn có giới hạn, đại nguyện của ta chẳng có giới hạn.

(14) Kỳ trung 其中: Ở trong đó, trong chỗ đó.

(15) Minh Thiện: Ngài Nguyễn Văn Miết (1897-1972), đắc quả Bác Nhã Thiền Sư Tam Tông Pháp Chủ Nguyên Quân Bồ Tát.

(16) Nhược bằng: Nếu như.

(17) Sở dĩ 所以: Bởi thế, do đó, cho nên (therefore).

(18) Minh : Làm cho sáng tỏ (to illustrate).

(19) Minh tường 明詳: Biết rõ, hiểu rõ.

(20) Tợ (tựa) cao sơn: Như núi cao.

(21) Trì tâm 持心: Giữ chặt cái tâm.

(22) Minh chơn 明真: Làm sáng tỏ lẽ thật (chân lý, Đạo).

(23) Bể hoạn: Hoạn hải 患海. Cõi trần làm đắm chìm con người trong vô vàn tai ương, hoạn nạn. Do đó, gọi đời là bể hoạn.

(24) Thuyền từ: Từ thuyền 慈船 , từ hàng 慈航. Tôn giáo, đạo pháp ví như chiếc thuyền từ bi cứu vớt chúng sinh ra khỏi biển khổ, sông mê.

(25) Kíp (cấp ): Gấp, vội, đừng chậm trễ (urgent, urgently).

(26) Linh đài 靈臺: Nê Huờn Cung, Não Thất Ba (the Third Ventricle), Cao Đài, Cốc Thần... bên trong đỉnh đầu.

(27) Tam độc 三毒: Ba món độc là Tham, Sân, Si.

(28) Lâng: Nhẹ nhàng, lâng lâng.

(29) Kim thân 金身: Nhị xác thân, xác thân trường tồn của người đắc đạo.

(30) Ngọc đường (đàng) 玉堂: Nhà ngọc, nhà của bậc tôn quý. Ở đây ngụ ý nói là những cơ sở tu hành danh tiếng, uy tín.

(31) Nghiêu Vương 堯王: Vua Nghiêu. Thời của Ngài là thời thánh đức.

(32) Đồng quy nhứt nguyên 同歸一原: Cùng trở về một nguồn gốc (là Đại Đạo).

(33) Trung nhứt (nhất) chi đạo 中一之道: Con đường trung nhất (trung dung 中庸), không thiên lệch bên nào.

(34) Ngọc Sắc 玉敕: Sắc Chỉ, mệnh lệnh của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế.

(35) Trì thủ 持守: Nắm giữ chặt, không buông bỏ, không bỏ cuộc.