Trở lại trang chánh của Website Thiên Lý Bửu Tòa

 

THỰC HÀNH ÐẠO-ÐỨC

Minh-Lý Thánh-Hội

Tuất thời, mùng 7 tháng 11 Quý-Sửu (1-12-1973)

____________

                                     Thi:

    Thương bấy người đời chửa biết tu,

    Giam thân vào chốn khổ trần tù,

    Áo cơm danh lợi đua chen mãi,

    Che lấp nguơn thần bị tối lu.

        BÁT-NHÃ THIỀN-SƯ, Bản Huynh mừng chư đạo hữu lưỡng phái, mừng chư hiền-đệ hiền-muội.

        Ðiều mà Bản-Huynh muốn đề cập đến nơi đây là tấm chơn tình thiết tha hành đạo của chư hiền đệ muội. Cũng như chư hiền đệ muội đã biết rằng Bản-Huynh đã thành quả vị rồi, mong ước sao mỗi một người trong chư hiền đệ muội phải rán lo tu công lập đức bằng phương tiện hành đạo để hồi hướng cho bản thân mình. Thứ nữa là mối tình huynh đệ đồng đạo đồng thân đồng ái nên chăm sóc cho nhau, chỗ dư đem bồi chỗ thiếu, chỗ bồi đem đắp chỗ lở. Tấm chơn tình thiết tha thương mến hòa ái chăm sóc nâng đỡ dắt dìu cho nhau để cảm hóa những bạn còn chậm chơn trễ bước hoặc vì nặng trả nghiệp tiền khiên, khỏi có mặc cảm giai cấp giàu nghèo dưới mái Thánh-Ðường.

        Chư hiền đệ muội cũng đã từng biết rằng giai cấp địa vị giàu nghèo sang hèn ở thế gian là kết quả của những gì trong quá khứ, còn đối với Thiêng-Liêng, dưới tầm mắt của Thượng-Ðế, tất cả đều là một điểm chơn hồn bình đẳng. Hễ chơn hồn nào có tu nhiều kiếp, Thượng-Ðế mừng, khích lệ dắt dìu nhẹ phần giáo huấn. Chơn hồn nào những kiếp quá khứ thiếu tu, hiện kiếp đang trả quả nghèo đói bệnh tật bất hạnh rủi ro chậm tiến trên đường tu học thì Thượng-Ðế buồn thương, nặng phần tế độ giáo dục tu hành.

        Người chơn tu hướng đạo muốn làm vui lòng Chí-Tôn Thượng-Ðế hãy thể theo ý của Ngài và đem ý đó đối xử với nhau trong tình bạn đạo. Ðức khiêm tốn luôn luôn là lá linh-phù hộ mạng gây cảm hóa cho mọi tầng lớp nhơn sanh thế đạo.

        Bản-Huynh mừng cho những hiền đệ muội nào đã ý thức cái lý ấy, đã thực hành cái lý ấy trong đời đạo đức của mình.

        Kế tiếp đây Bản-Huynh cũng có mấy dòng tâm sự cùng chư hiền mới vào đạo hoặc chuẩn bị tinh thần vào đạo.

        Sự thiệt mà nói: Chư hiền đệ muội từ trước đến giờ có quan niệm tưởng rằng vào đạo nghĩa là nhập môn hoặc thọ phái qui y, vào chùa lãnh giáo, giữ giới luật qui điều. Chư hiền nhìn bộ đạo phục cân y rồi định nghĩa cho rằng vào đạo là như vậy. Thiệt ra trong chư hiền, những người nào cũng đã vào đạo từ lâu lắm rồi, khi mới tượng hình trong bào thai mẹ, nhưng vì vô ý thức hoặc định nghĩa Ðạo hẹp hòi trong khuôn khổ chùa thất am tự thánh đường áo mũ cân y kệ kinh chay lạt. Bởi vì Ðạo là nguồn sống của vạn vật, mà chư hiền được sanh hóa và sống trong sự chan hòa của Ðạo mà không hay. Lúc nhỏ còn ở với cha mẹ, biết vâng lời dạy dỗ của mẹ cha, biết kính anh nhường chị, thuận thảo đệ huynh. Lớn lên ôm cập đến trường biết kính thầy nhường bạn. Khi thành gia thất, phu phụ trọn niềm chung thỉ, biết thương giống nòi dân tộc, biết giữ gìn đất nước quê hương. Tất cả những cái đó là đạo làm người rồi chớ còn chi nữa. Ví dụ như ăn chay là tưởng rằng khi lập thệ nguyện vái mỗi tháng mấy ngày chay, hoặc trường chay quanh năm suốt tháng đó mới gọi là ăn chay. Sự thật ra chư đệ muội đã ăn chay ngay từ buổi nhỏ mà vô ý thức, vừa vào đời là ôm bầu sửa mẹ, mớm cơm nhai muối, đến lúc biết ăn, hỏi trong một bữa cơm được bao nhiêu thịt cá với tỷ lệ mễ cốc canh rau... đều là vô ý thức.

        Ngày nay đã ý thức, muốn khép mình trong cửa Ðạo qua hình thức tôn-giáo chùa thất kệ kinh, như vậy hãy trọn niềm tin, giữ gìn giới luật, tập rèn cho nên hạnh Ðạo. Ðừng mặc cảm rằng mình đi sau và cũng đừng nghĩ rằng khi vào Ðạo là phế đời hoặc khi mê đời rồi bỏ Ðạo. Nên hiểu rằng Ðạo hay đời cũng chính ở nơi mình. Hễ người đời biết tu, đó là Ðạo. Còn người nhập môn mặc áo đạo, nói lời đạo lý, nhưng thâm tâm chưa hành đạo, xử thế chưa phải đạo, đó gọi là đời. Ðời với Ðạo chỉ cách nhau một ly, cũng như Phật với ma chỉ cách nhau trong giây phút. Hễ thương người giúp vật tế chúng độ đời, giữ gìn đức hạnh, đó là Phật tánh. Còn xảo trá, dối gạt, đảo lừa, tổn nhơn ích kỷ, đó là ma là quỉ. Như vậy, Bồ-Tát hay ma vương ác quỉ cũng là chính mình, chỉ trước sau trong giây phút mà thôi. Muốn gần Phật nên tập hành theo tánh Phật, muốn nên Tiên phải học tu hành Tiên gia. Nếu buông lung thả lỏng cho tánh nhiễm xảo trá điêu ngoa, khi ấy bị quỉ ma đến dắt. Hễ có tu có đắc, có hành có thành. Phật pháp do tự tâm sanh, quỉ ma cũng do bản ngã...

        Bản-Huynh phân như vậy không có nghĩa rằng bảo chư hiền không giữ gìn trai giới, chẳng lai vãng chùa chiền, rồi tự nghĩ và làm theo tư ý tư dục. Nấu một nồi canh rau nhiều thịt ít, nói rằng ngày nay tôi ăn chay nhiều hơn mặn, hoặc chẳng đến chùa chiền nói rằng Phật tại nơi tâm.

        Lời tục thường ví rằng: cơm có canh, tu hành có bạn. Khi mới bước chân chập chững vào cửa đạo phải nhờ những bạn đi trước, nương bước theo sau, vịn níu cùng nhau lâu ngày mới vững.

        Trước đây một lần, Bản-Huynh có phân rằng: Người mới vào tầm học Ðạo cũng như trẻ em lớp mẫu giáo mới tập viết, cần phải kẻ hàng đôi, rồi hàng chiếc v.v... Hàng đôi hàng chiếc, đó là giữ gìn giới luật, chay lạt gìn lòng tới lui Thánh-Ðường nghe Ðạo và học Ðạo. Một câu khác nữa là: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Hễ gần đời say mê bạc bài nhậu hút, sớm muộn gì cũng hư hỏng người ra, gần bạn tác đạo đức tu hành sẽ trở nên hiền nhân Thánh-thiện. Bởi vì mình còn mang xác phàm tánh tục chưa phải là Thánh-Nhơn. Hễ tánh tục thì dễ bị tạp niệm.

        Chư hiền thường xem những vở kịch, biết rằng đó là giả cảnh của sân khấu, như thấy người ngay mắc nạn liền động lòng trắc ẩn mến thương, thấy kẻ sàm nịnh ác tâm liền sanh lòng ghét kỵ, lúc thấy tình tự thở than thì tánh si mê bộc phát, v.v... Vì vậy nên phải tạo cho mình một hoàn cảnh tốt để tánh nhiễm theo việc tốt. Mấy ai kiểm soát được lòng, vì vậy cho nên hãy sớm đặt mình trong khuôn viên mẫu mực nề nếp đạo đức, dẫu có lỡ nghiêng bên nào cũng có bạn đạo hạnh nhân từ nâng đỡ cho nhau...

 

----> NEXT

 

 

Thiên-Lý Bửu-Tòa, 12695 Sycamore Ave, San Martin, CA 95046 - USA. Tel: (408) 683-0674

Website: www.thienlybuutoa.org     Email    Sơ đồ hướng dẫn tới TLBT

Thông bạch in Kinh