The Left Eye of God

ĐỜI NGƯỜI VÀ SỰ NGHIỆP

Cao Thượng Bửu Tòa

Tuất thời, 18 - 8 Bính Ngũ (02-10-1966)

Bộ phận Hiệp Thiên Đài

Pháp đàn: Huỳnh Chơn; Đồng tử: Hoàng Mai; Độc giả: Huệ Chơn; Điển ký: Ngọc Kiều, Bạch Tuyết; Hộ đàn: Diệu Lý, Diệu Long; Chứng đàn: Thiện Chơn, T.P.C.S.Đ.P; CNPQ: Thiện Bảo

THI

Vì thương nhơn loại chốn mê tân,

Phật Thánh Thần Tiên mới xuống trần,

Dụng đức từ bi khuyên bá tánh,

Đem lòng bác ái dạy muôn dân.

Nương đời học đạo xây đời thạnh,

Tựa đạo sửa đời dựng đạo hưng,

Biến cõi thế gian thành Cực Lạc,

Người người chung hưởng luật Thiên ân.

THANH MINH ĐỒNG TỬ. Tiểu Thánh chào chư Thiên phong chức sắc, chào chư liệt vị trung đàn. Tiểu Thánh vâng lịnh Đức Lý Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chuyển lời huấn dụ của Người đến chư liệt vị:

GIÁO TÔNG ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

HUẤN DỤ:

- Chiếu phúc trình Du Thần, Bần Đạo thông cảm đến hiện tình cơ đạo nơi Cao Thượng Bửu Tòa.

- Chiếu tâm nguyện của một số đạo tâm đã thiết tha chấn hưng nội bộ sở tại.

Xét thấy từng đơn vị cá nhân của mỗi Thiên phong chức sắc chức việc và hàng hướng đạo đã nhiệt tình vì tiền đồ Đại Đạo và vận mạng của nhơn sanh, nhưng vì trước sự thiếu thông cảm và hành động chưa đồng nhứt, tuy mỗi người đều muốn xương minh chánh pháp, hoằng dương đạo lý, cứu rỗi chúng sanh, chỉ vì sự ngộ nhận mà gây sự trở ngại cho bước tiến cơ đạo sở tại.

Bởi những lý do đó, Bần Đạo, chiếu sự cầu xin của nhị hiền đệ tiền bối Đại Đạo, thừa lịnh Tam Giáo Tòa, Bần Đạo ân phê cho Trần Văn đạo hữu cùng Cao Triều đạo hữu được nhập đàn cơ luận đàm việc đạo.

Sắc tứ

LÝ ĐẠI TIÊN TRƯỞNG THÁI BẠCH KIM TINH

Tiểu Thánh đã chuyển xong Huấn dụ, xin chào chư liệt vị, Tiểu Thánh xin lui. Liệt vị thành tâm tiếp điển. Thăng.

TIẾP ĐIỂN

THI

Lâu ngày có dịp trở về đây,

Mừng thấy đệ huynh hiệp mặt mày,

Cũng nữ, cũng nam cùng bạn cũ,

Khác là tâm chí có riêng tây.

ĐÔNG THẮNG CHƠN NHƯ, Đạo danh Chơn Sắc, nhũ danh Trần Văn Tìa. Tệ Huynh chào mừng chung chư liệt vị hướng đạo cùng chư Thiên phong chức sắc đạo hữu nam nữ. Xin mời toàn thể an tọa.

Đáng lý thì tôi xưng hô là Bần Đạo, nhưng với mối tình cố hữu giữa bạn đạo ngày xưa, nên tạm xưng là Tệ Huynh cho có tình xưa nghĩa cũ, và hồi tưởng lại khi còn sanh tiền để hôm nay dùng những lời lẽ hết sức đơn giản như buổi sanh tiền để luận đàm đạo sự cùng huynh đệ. Thật ra, cũng có người cao niên kỷ hơn tôi, do đó tôi tạm xưng hô là Tệ Huynh để được đầy sự khiêm nhượng và tình thân hữu như thuở nào, và cũng xin gọi quí hiền hữu là anh em.

Hỡi anh em! Cảnh cũ còn đây, người xưa còn đó. Bạn đạo có người đã hy sinh gần suốt đời mình cho lý tưởng Đại Đạo, có người răng long tóc bạc, có bạn sạt nghiệp gia vong, có người tản tài tán mạng, có bạn quá đỗi nghèo nàn. Nhưng quí ở chỗ là dầu nghèo, dầu hoạn nạn, dầu thân nhơn chết chóc vì lý tưởng Đại Đạo, nhưng tinh thần thương Thầy mến Đạo, vì nhơn sanh, nên đã lăn lóc đeo đuổi đến giờ phút này. Tệ Huynh nhìn thấy hiện diện anh em và hồi tưởng lại quá khứ mà lòng đau quặn thắt, giọt lệ tuôn dầm.

Hỡi anh em! Tôi chỉ nhắc và chỉ nhắc lại một câu nói khi còn sanh tiền thôi. Đó là: “Truyền hiền, bất truyền tử”.

Lời nói ấy của Vua Nghiêu xưa kia vẫn còn sáng tỏ ý nghĩa đến ngày nay, nhưng ít ai chịu khó đào sâu và phân tách thêm ý nghĩa của người muốn và nói ra lời ấy.

Xưa kia, Khải là con vua Nghiêu, cũng là bực hiền tài chớ không phải là bất nhân bất nghĩa, nhưng vì muốn được lòng thiên hạ để lãnh mạng Trời, trị dân trị quốc, nên vua Nghiêu mới truyền ngôi lại cho Thuấn để tiếp tục sự nghiệp mình. Không phải vua Nghiêu là người vô luân bất nghĩa, tại sao con là hiền tài mà chẳng được kế vị ngôi cha? Đó là một điểm hết sức tế nhị. Nghiêu biết rằng con mình là hiền tài, nhưng vẫn phải cần đến Thuấn. Truyền ngôi cho Thuấn vì Thuấn có đầy đủ phong độ và vương mạng trị vì. Trong lúc đó, Thuấn vẫn biết Khải cũng không kém chi mình, nhưng mình được ưu đãi lại càng phải kính nể Khải hơn nữa. Nhờ đó mà mỗi mỗi hành động, trước khi muốn làm, đều tham khảo ý kiến cùng Khải, dung hòa hợp tác, chống giữ giang sơn, trị vì thiên hạ. Chính vì trong nhà có kẻ hiền tài, ngoài cửa mới có hiền tài đến. Trong nhà có người nghĩa nhân đạo đức, ngoài cửa mới có người nghĩa nhân đạo đức đến. Còn trái lại, khi trong nhà có người cờ bạc hút xách, du đãng rượu trà say sưa, thì ngoài cửa cũng có hạng người đó đến.

Hỡi anh em! Làm sao biết được ai là hiền tài nhơn nghĩa đạo đức, làm sao được sáng danh ấy? Không phải tự nơi mình vỗ ngực xưng danh: “Ta là nghĩa nhân đạo đức”, mà chính mình phải tự hành động, từ tác phong cử chỉ đến lời nói cùng hành động. Nếu những cử chỉ tác phong hành động có nghĩa nhân đạo đức, đương nhiên sáng danh nghĩa là bực hiền tài. Một người biết, mười người biết và đa số người biết, tự họ truyền miệng với nhau, tự họ kính nể và tôn mình, mời thỉnh mình đến để làm người chỉ đạo giáo dục họ. Bằng trái lại, nếu khi tâm thiện mình đã và vẫn có, nhưng danh nghĩa chưa được sáng tỏ, chưa cảm hóa được lòng người, chưa được người kính nể, thì cố gắng làm thêm nghĩa nhân đạo đức để cho danh được sáng tỏ, nghĩa được thông suốt trong thiên hạ. Bằng chưa được vậy, chưa được thế tôn mời thỉnh mà mình tự vỗ ngực xưng tên, đó lại làm một trò cười cho thiên hạ.

Hỡi anh em! Danh từ Cao Thượng Bửu Tòa ý nghĩa sâu sắc và hay biết bao nhiêu, mà Tệ Huynh có thể định nghĩa theo sự hiểu biết của mình như sau:

Cao là đạo Cao Đài, mà Thượng là trên hết. Người vào đạo Cao Đài luôn luôn phải cao vọng học hỏi cho nên người đạo đức gương mẫu. Là bực thượng trên, là đàn anh, là hướng đạo, là chức sắc Thiên phong, phải có tác phong thanh cao của kẻ bề trên để làm gương cho hàng tín hữu. Còn Bửu Tòa là tòa nhà quí báu. Quí báu nơi đây không có nghĩa là tòa nhà đó phải được xây bằng kim cương, mã não, xà cừ, pha lê, mà sự quí báu đây là tòa nhà đạo đức, là bóng mát che phủ người lữ hành những khi nắng hạ, là mái nhà che mưa những lúc mưa dầm, đêm thu mờ mịt, là tòa nhà nhân nghĩa đạo đức, trong đó có cả tình thương, có khoan dung, có tha thứ, có phục thiện, có xây dựng, có cứu giúp người đói cơm khát nước, có cứu khổ kẻ lương thiện hoặc quê mùa chất phác bị hàm oan, nạn tai lúc rủi.

Tóm lại Cao Thượng Bửu Tòa, là người có đủ điều kiện tinh thần đạo đức, tác phong của bực hiền nhân quân tử mới xứng được ở trong cái tòa nhà đó, để cứu thế độ nhơn.

Song song với danh từ đó, lại còn câu kinh thứ nhứt của đạo Cao Đài, đó là: “Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp”.

Đạo là danh từ. Lòng thành tín hiệp là hành động.

Mỗi mỗi việc làm đều phải có lý của nó. Thí dụ như người bịnh cần thuốc. Bịnh là điểm tựa, là sự vật. Thuốc là cứu cánh. Nếu thuốc không trị được bịnh thì thuốc không có ý nghĩa gì nữa. Như đói lòng nhờ cơm. Nếu cơm thiêu, cơm hẩm, không giúp được người đói thì cơm không còn ý nghĩa gì nữa.

Còn đạo, nếu thiếu lòng thành, thiếu tín nhiệm, thiếu đức tin, thiếu hiệp hòa, thì đừng nói tới đạo đức gì nữa.

Hỏi vậy Đạo là gì?

Đạo là bản thể vũ trụ, tối cao tối thượng, mà Đạo cũng là nguồn sống của vạn vật chi linh. Do đó mà những bậc Thánh triết Hiền nhân Quân tử mới dám xả thân cầu Đạo, đem sự tín ngưỡng, đem hành động nghĩa nhân đạo đức gây được uy tín trong nhân gian để đem họ hiệp về con đường đạo là nguồn sống. “Thị đạo tắc tấn, hành đạo giả thuận Thiên, thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong.” Ngược lại, nếu không lòng thành, không hành đạo, làm sao có uy tín với nhân gian. Mà khi mất uy tín với nhân gian thì làm sao ai dám đến hiệp với mình. Mà khi không ai hiệp với mình, làm sao kêu họ về với đạo, để trở lại bổn nguyên. Do đó, hàng hướng đạo phải tâm niệm câu nhựt tụng đó để làm kim chỉ nam cho việc hành đạo, lãnh đạo nhơn sanh.

Còn danh từ Tòa Thánh, Hội Thánh là gì?

Tòa là tòa nhà chứa đựng. Thánh là bực Thánh triết hiền nhân quân tử. Hỏi vậy ai là bực Thánh triết? Không phải từ trên Trời rớt xuống, mà chính là người sống ở thế gian làm được những việc như Thánh Hiền Tiên Phật đã làm, đó là bực Thánh triết hiền nhân. Tuy còn mang nhục thể, nhưng với hành động đó, cứu cánh của hành động đó, hợp với lòng Trời, thuận lòng người, đem ích lợi lại cho nhân sanh, đó là Thánh. Nếu từ các hàng Giáo phẩm, Chức sắc, Chức việc, học và hành đúng theo đạo luật qui điều, đó là hàng Thánh ở thế gian. Các bực Giáo phẩm trong Đại Đạo đã từng ở nơi Thánh đường, đến chiêm ngưỡng Chí Tôn tại Tòa Thánh là bực Thánh rồi, còn gì nữa. Chỉ tiếc thay! Những tác phong, những hành động, những đức độ chưa thể hiện đúng với cương vị của mình, nên đã từng thấy các hàng Thánh đó khó mà ở yên trong Tòa Thánh và Hội Thánh.

Còn Hội Thánh là gì? Là nơi mà các vị Thánh nhân hội hiệp lại bàn tính những việc có ích nước lợi dân, cứu độ vạn linh. Nếu không có những hành động đó thì danh từ Hội Thánh chỉ là một danh từ nay đổ mai sụp, mốt khảo đảo với nhau, vì chưa đúng cương vị của hạng Thánh hiền.

Tệ Huynh cũng còn nhớ lại lúc sanh tiền, cũng có lắm khi quá dễ dãi, có lúc lại quá khắt khe, cũng có lúc xem thường cương vị của mình, nên hậu quả vẫn còn lưu lại đến ngày nay…Đó cũng là một phần trách nhiệm của Tệ Huynh vẫn còn dang dở.

Lâu ngày gặp nhau, nửa mừng nửa tủi, nửa lo ngại cho cơ đạo sở tại mà Tệ Huynh đã nói khá nhiều.

Giờ đây, Hội Thánh đã có, pháp luật qui điều đã sẵn, Thánh ngôn, Thánh giáo cũng đã dạy rồi, …, thử hỏi Tệ Huynh phải sắp bày hay phải nói gì hơn?

Sau cùng, Tệ Huynh chỉ khuyên anh em có một chữ “Hòa” để làm kỷ niệm cho ngày hội ngộ kẻ hiển người u:

THI

Chữ Hòa khuyên nhớ hỡi anh em,

Hòa được tránh cơn gió tạt rèm,

Hòa nhã dung hòa cơn khảo đảo.

Ráng làm hơn nói với chờ xem.

BÀI

Lời Tệ Huynh anh em suy nghĩ,

Phân tách ra từ tí từ ly,

Dung hòa thương mến nhau đi,

Để đưa thuyền đạo qua khi rối loàn.

Hòa có được an bang tế thế,

Hòa có rồi huynh đệ mới thương,

Hòa rồi chung bước một đường,

Hòa xây dựng đạo hoằng dương giúp đời,

Hòa không được, kẻ nơi người ngả,

Hòa không xong, tan rã sớm chiều,

Thiếu hòa như thiếu tình yêu,

Cảnh này rồi phải tiêu điều cho coi.

Hòa tránh được kẻ xoi người móc.

Hòa tránh hồi kẻ thọc người bươi.

Không hòa khó lãnh Đạo Trời,

Không hòa đạo nghiệp rã rời còn chi!

Không hòa bị thế khi đời thị,

Không hòa, đời khinh bỉ chê cười,

Rằng: “Tu còn lại móc bươi”,

Ắt làm những việc trò cười thế gian.

Hòa xây dựng huy hoàng đạo nghiệp,

Khắp đó đây chung tiếp nhiều tay,

Kẻ xây người dựng Đạo Thầy,

Mới mong thấy được một ngày vinh quang,

Rằng: “Đạo Trời phổ tràn quốc nội,

Rồi mai sau ra tới ngoại bang”,

Nếu trong chẳng được vẹn toàn,

Làm sao ra được phổ ban nước ngoài.

Hỡi hướng đạo! Nào ai thương Đạo?

Hỡi Thiên phong! Hoài bão nào ai?

Khá nên chung trí chung tay,

Dung hòa tác hiệp nay mai cứu đời.

Miệng hằng nói: “Thay Trời hành Đạo”,

Mà sao còn khảo đảo nhau chi,

Hòa đi, khuyên hãy hòa đi,

Thuyền từ rước khách qua khi hãi hùng.

Sau đây, Tệ Huynh để lời cảm ơn quí anh chị em phái đoàn Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý đã vâng lịnh Thiêng Liêng đến hành tròn nhiệm vụ, để tạo một dịp cho Tệ Huynh trần tình đạo sự cùng anh em sở tại. Tôi cũng không quên cảm ơn hiền hữu Thiện Đức cùng quí huynh đệ đại diện Trúc Lâm Thiền Điện đến đây để thể hiện tinh thần đoàn kết liên giao hòa ái trong tình bạn đạo. Còn anh chị em địa phương thì tôi xin gởi lời cuối cùng trong đàn hôm nay:

THI

Vì thương nên mới để lời phân,

Lợi hại tương lai mới tố trần,

Không lẽ việc hư khen tặng mãi,

Làm sao thể hiện mối tình thân.

Nguyễn Văn Nhứt, Trần Văn Ngà! Nếu còn tấm lòng thương tưởng đến tôi, thì xin nhớ gắn ghi những lời đã trần tình cặn kẽ, mới khỏi phụ người xưa đã nhọc công vì cơ cuộc sở tại, và cũng không uổng công trình chạy đôn chạy đáo lo lắng trang hoàng trong mấy hôm nay, và cũng xin giùm chuyển lời cùng tất cả những lời vừa qua cho nhục tử của tôi được hiểu.

Cao Triều Lão Hữu đang đợi chờ, không dám dài dòng. Một lần nữa, Tệ Huynh xin cảm ơn toàn tất quí vị và anh em chị em, ráng thương yêu nhau để làm sáng danh Đạo danh Thầy. Hễ còn chia rẽ là chết. Phải hòa, nhưng hòa trong chánh đạo, chớ nếu hòa trong tà đạo cũng bị diệt vong. Xin chào chung toàn thể. Thăng.

TIẾP ĐIỂN

THI

Nhờ Đức Giáo Tông hộ nhập đàn,

Xin mừng quí vị khắp tam ban,

Tình xưa nghĩa cũ còn kia đó,

Với bạn thân yêu bước đạo tràng.

Nhũ danh CAO TRIỀU TRỰC, Tệ Huynh chào mừng chư hướng đạo, chào chư liệt vị Thiên phong chức sắc đạo hữu nam nữ xa gần. Cha mừng các nhục tử, nhục tế, nhục tôn. Xin mời quí vị ngồi để Tệ Huynh tiện bề luận bàn đạo đức.

Một dịp may được Đức Giáo Tông hộ trì về đàn nơi Cao Thượng Bửu Tòa, trong đó có chữ Cao là tộc họ của họ Cao đã gây bao mối tình mến luyến, và nhớ lại sự nghiệp đạo đức của dòng họ Cao từ Minh Chơn Đạo đến Cao Đài Cứu Quốc. Tệ Huynh cũng xin quí liệt vị vui lòng cho Tệ Huynh một thời gian ngắn để hầu trần tình đôi điều về đạo đức cũng như hỏi han cùng bổn tộc.

Trước hết, Tệ Huynh nói qua về sự đạo đức tu hành của một đời người, tạm để bài tựa là: ĐỜI NGƯỜI VÀ SỰ NGHIỆP.

Nhớ lại năm xưa, từ anh cả Cao Triều đến lúc Tệ Huynh, đã gắng công và phụ của để vùa giúp chung quanh vấn đề hành đạo, không phải chỉ để cầu danh hoặc cầu lợi cho cá nhân mình, hoặc gia thê tôn tử mình. Sự thật là hành đạo để gây một sự nghiệp cho đời người. Sự nghiệp đó không phải ở tiền bạc của cải vật chất, mà chính là sự nghiệp đạo đức.

Nhận thấy một đời người, khi mới sanh ra một hài nhi, ngoài một thân xác bé thơ trống trải bạch thủ, thì không có chi cả. Đến lúc bỏ xác, tục gọi là chết, thì cũng không đem theo được chi cả. Mặc dầu nhà cao đất rộng, ao cá, ruộng trâu, vợ hiền con đẹp, cháu ngoan, nhưng không phải một đời người sở dĩ có ở thế gian chỉ có như vậy thôi sao?

Có lẽ chính vì hiểu biết được đời người là tạm, tất cả của cải vật chất đều tạm, nên những nguyên căn sớm giác ngộ, họ hằng thiết tha gây dựng một sự nghiệp đạo đức. Chỉ có sự nghiệp ấy mới trường cửu.

Thử phân tách đời người có hai sự nghiệp: một là sự nghiệp vật chất như nhà lầu, xe hơi, tàu thủy, máy bay, ruộng, trâu, ao cá. Một khi nhắm mắt lìa đời rồi, chắc chắn là không thể đem những vật đó theo được. Đương nhiên, của cải đó để lại cho vợ con sử dụng. Nếu vợ con là người có đạo đức, thì của cải đó dùng vào việc đạo đức, đúng nhân đúng nghĩa. Bằng trái lại, nếu vợ con quên hẳn đạo đức, sa ngã bạc bài, rượu trà trụy lạc, thì của cải ấy không ích gì cho ai, mà có khi nó là phương tiện giúp cho người sử dụng nó làm những việc tội lỗi. Như vậy, sự nghiệp vật chất chưa chắc gì để lại ích lợi cho người sống và cứu rỗi bạc độ được linh hồn người chết mà chính là người đã tạo ra nó.

Còn một sự nghiệp thứ hai là sự nghiệp đạo đức. Sự nghiệp này người gây tạo ra nó phải cần đến tình thương, lòng bác ái vị tha, hy sinh cái cá tính tư hữu của mình. Chỉ biết đem cho ra chớ không biết lấy lại. Như vậy, khi gây tạo sự nghiệp vật chất, ít nhiều sẽ hoặc đã đụng chạm với người đời, với lẽ phải, như đo gian, đong khéo [thiếu?], nói dư, mánh lới thủ đoạn, mưu chước đảo lừa, xảo ngôn, trau chuốt, nịnh bợ để được của cải. Khi có những hành động đó là đã gây ít nhiều tội ác rồi. Còn người gây tạo sự nghiệp đạo đức, chẳng những không có ác ý làm hại ai, mà còn mưu sự có lợi cho người đời.

Khi mưu sự có lợi cho người đời là được lòng người, được công quả, được phước đức, ắt là đời người ấy hoặc thê nhi tử tôn hưởng hồng phước hoặc hiện tại, hoặc trong mai hậu. Nhưng có một điều này cũng nên coi chừng: Có khi mình tính làm việc phước đức nhân nghĩa, trước là để chuộc lỗi tiền khiên, sau là gây thêm âm chất mới; nhưng trong lúc hành động, hoặc cố ý, hoặc vô tình chẳng những không chuộc hoặc trừ được nghiệp chướng cũ, mà lại gây thêm nghiệp chướng mới.

Chính vì điểm sau này mà những người tu kỷ cần phải thận trọng cho lắm. Những bực sớm giác ngộ, thì ngoài phương tiện sống thường nhựt cho thể xác, còn cần chăm chú về mọi hành động để gây tạo sự nghiệp đạo đức ở ngày mai. Như Tệ Huynh xưa kia, đâu phải thiếu chi phần vật chất, làm phúc làm thiện, chỉ vì với mục đích ấy mà làm.

Còn về việc tu hành để thành Tiên tác Phật, đó là một vấn đề khác nữa.

Nhớ lại xưa kia, công quả đối với đạo của Tệ Huynh chẳng có là bao, ngày nay được siêu thoát, khỏi luân hồi chuyển kiếp, tạm gọi là thành đạo, chỉ vì tấm lòng trung thành mà được, như trung với nước, trung với đạo, trung với thê tử, trung với bằng hữu. Chỉ nhờ có chữ trung đó mà Tệ Huynh được thành vào hàng Thánh. Tuy rằng nguyên căn trước kia là Tiên vị, nhưng chuyển kiếp nhiều đời trong vòng sa đọa mà chưa trở phục hoàn ngôi xưa. May nhờ Tam Kỳ ân xá, Chí Tôn xá tội và được Tôn Sư dắt dẫn trở lại Thiên Thai để tu dưỡng thêm cùng tiếp tay với các hàng Tiên Thánh mở đạo độ đời, mong ngày nào đó sẽ phục hoàn ngôi vị cũ.

Ngày nay, thấy các liệt vị đang trên đường lập công mà ham. Phải chi trước kia, khi còn tại thế, có đủ phương tiện vật chất, mà lại được thêm sự hiểu biết như giờ nay, thì Tệ Huynh sớm trở về Tiên cảnh là cõi cao hơn.

Ngày nay, nhiệm vụ ở thế gian, Tệ Huynh đã làm tròn, một kiếp làm người đã cho con ăn học, gây dựng cho mỗi đứa một sự nghiệp tương đối và những tấm gương đạo đức, tình phu phụ, tình cha con ở phần thể xác, Tệ Huynh được vẹn toàn. Giờ đây, còn lại là chơn hồn, điểm linh quang nói chuyện với điểm linh quang trong nhục thể. Nếu các con biết nối chí người xưa, giữ gìn đạo đức, tu hành, tìm đường trở lại nguồn xưa thì còn ngày được gặp gỡ.

Huỳnh Chơn, Diệu Lý hai con! Sau đây chuyển lời Ta lại cùng các nhục tử Triều Văn, nhục nữ Xuân Hoa, Xuân Quế, Xuân Liễu, Xuân Quí, Xuân Đào, Xuân Mai, Xuân Nguyệt. Các con giờ đây đã đủ vi cánh, đủ trí khôn, đủ điều kiện tương đối của một kiếp làm người. Hãy sống sao cho đáng giá trị con người. Những gì xưa kia Ta làm sai, hãy chừa bỏ. Những gì Ta làm đúng, hãy noi theo và làm gấp năm mười lần nhiều hơn, để sau khi mãn phần, linh hồn lìa xác, khỏi phải hối tiếc như Ta hiện giờ. Đó là tu và hành.

Tu hành để được làm Trời,

Phải đâu kiếp kiếp làm người thế gian.

Tu là sớm giải nghiệp oan,

Tạo nhiều âm chất mới toàn con ôi!

Nếu chưa đắc vị làm Trời,

Ít ra cũng được làm người chuyển luân!

Có đâu bước thẳng rồi dùng,

Để cam thối kiếp đội sừng mang lông.

Đây là lời nói chân thành và răn chung, phù hợp với luật nhân quả. Chớ còn các con hiện nay, cũng đã có những con cố gắng tu hành, đã làm sáng danh đạo, đáng được khuyến khích. Ta ước mong mỗi con đều theo gương tốt đó mà tiến lên cho được đồng đều.

Còn Thị Sang, hiền nương! Nghiệp trần duyên oan trái, Ta cùng hiền nương chỉ có bấy nhiêu. Hiền nương hãy an lòng mà sống theo định luật, chớ nên buồn phiền vì chỗ gia tư mà phí ngày giờ tu hành. Trong sự khuyên giải với các con, hiền nương chỉ nên lấy tư cách hoàn toàn đạo đức mà ban bố cho chúng, vì chúng đã nên người hết rồi, không còn phải mất công be be như hồi biết đi chập chững. Cứ dụng đạo đức mà ban bố cho các con. Đứa nào nhận thấy lãnh hội và làm được thì nhờ, đứa nào không làm được thì mình làm cha mẹ cũng không ân hận gì. Hai con ngồi để nghe tiếp.

À! Hoàng Ngọc Tạo, hiền hữu Cố Vấn của Cơ Quan. Tuy chưa quen nhau nơi thế tục, nhưng với truyền cảm đạo đức đã biết nhau quá nhiều. Thấy bịnh tình hiền hữu mà Tệ Huynh nhớ lại trước kia cũng giống như vậy và nhờ mấy món thuốc sau đây để phục hồi sinh lực. Với kinh nghiệm đó, Tệ Huynh xin biếu hiền hữu để tăng thêm sinh lực mà hành đạo. Toa thuốc:

Cam thảo - nhãn nhục – đại táo – xuyên khung – trần bì – thục địa

Mỗi thứ năm chỉ, và 5 chỉ rễ cây cao, sao khử thổ, rửa thật sạch, để chung với các món trên nửa cân đường cát, 3 lít rượu trắng, 1 lít nước chín. Ngâm chung, cách 3 ngày sau đem dùng trước mỗi bữa ăn một ly nhỏ.

Hiền hữu làm thử xem coi có hiệu nghiệm được bằng Tệ Huynh xưa kia không.

Xin cảm ơn quí liệt vị đã từ lâu ngồi chờ trong bầu không khí nóng nực. Để đền đáp lại, Tệ Huynh xin hiến quí liệt vị đề tài vừa qua để về xem lại hầu giúp đỡ mình trên bước đường tu thân hành đạo.

[Bảo Đạo Vương Hữu Kế bạch xin trấn thần bộ Thiên phục.]

Việc này ngoài phận sự của Tệ Huynh, nhưng để đáp lại lòng thành, Tệ Huynh sẽ ngưng điển trong một phút để thỉnh lịnh Giáo Tông (ngưng điển 1 phút).

Đức Giáo Tông chấp thuận và chuyển cho một bài thơ sau đây:

THI

Áo mũ cân đai đã rộng dài,

Chí tâm hành đạo mới là hay,

Đàn em nhìn thấy vàng xanh đỏ,

Mà bước bươn theo gánh Đạo Thầy.

Vậy hiền hữu đem bộ sắc phục để trước bàn cơ, Tệ Huynh thọ sắc trấn thần cho…

Thời giờ đã mãn, Giáo Tông đợi chờ. Tệ Huynh xin cảm ơn phái đoàn Phổ Thông Giáo Lý cũng như quí huynh đệ nơi Trúc Lâm Thiền Điện và chư liệt vị Thiên phong chức sắc đạo hữu lưỡng ban đã hành tròn nhiệm vụ và gây tình tương thân hòa ái. Tệ Huynh mong rằng tinh thần đó sẽ tốt đẹp mãi mãi về sau. Xin hẹn gặp lại trong dịp khác và xin giã từ quí liệt vị cũng như các con. Xin kiếu. Thăng.