NGUYỄN HOÀNG SƠN

 

Tôi tìm đến nhà em. Lần thứ nhất; Sơn vừa được đưa đi bệnh viện. Đêm qua em lại lên cơn sốt, co giật và khó thở. Lần thứ hai, cha em vừa thoát chết từ một vụ đắm ghe, Sơn và mẹ vội về Bà Rịa - Vũng Tàu, quê nội em, để thăm cha. Phải đến lần thứ 3 tôi mới gặp được em, cậu bé có khuôn mặt nhỏ nhắn, mũi cao, mày thẳng nhưng đôi mắt em, lẽ ra rất đẹp, lại ngơ ngác như một con thú nhỏ lạc bầy. Sơn đã 13 tuổi nhưng mãi mãi em vẫn chỉ như một đứa trẻ sơ sinh, nằm bất động, vô tri. Sơn mắc phải căn bệnh bại não từ khi mới 4 tháng tuổi.

Những nụ cười trên khuôn mặt đứa trẻ bại não

Lần đầu tiên tôi tìm gặp Nguyễn Hoàng Sơn, những người hàng xóm nhà em ở con hẻm nhỏ trên đường Trần Bình Trọng, P.5, Bình Thạnh, kể lại rằng: Đêm qua Sơn co giật, kêu rên suốt đêm. Đó là chuyện rất bình thường ở xóm nhỏ này, vì mỗi lần Sơn sốt, viêm phổi hay lên cơn động kinh, em lại rên khóc cả ngày đêm đến nỗi hàng xóm ai cũng nghe được và không khỏi se lòng. Họ lắc đầu: “Thằng nhỏ đẹp trai nhất nhà, vậy mà lại bị bệnh như thế. Tội nghiệp quá!”.

Sơn là đứa con lớn nhất của anh Nguyễn Văn Út và chị Nguyễn Thị Kim Phượng. Sinh được đứa con trai đầu lòng dễ thương, trắng trẻo, anh chị mừng rỡ và hy vọng con mình sau này lớn lên sẽ thông minh, học giỏi để không phải nghèo như cha mẹ. Nhưng niềm hạnh phúc được làm cha mẹ chưa tròn đầy thì anh chị phát hiện con mình đã 4 tháng mà chẳng có chút biểu hiện gì như mọi đứa trẻ khác. Kết quả mà Bệnh viện Nhi đồng II thông báo: “Con anh chị bị bại não!” như sét đánh ngang tai. Từ đó, Sơn nằm bất động một chỗ, ngu ngơ như gà lạc bầy. Em không ngồi lên được vì xương sống cong vòng, ngay cả phần xương cổ cũng không giữ cho đầu Sơn thẳng lên được. Khi anh Út nâng Sơn ngồi lên, em cứ quặt quẹo qua lại trông thương quá! Nằm nhiều, một bên lồng ngực trái của Sơn lép kẹp, trong khi lồng ngựa phải nhô lên như ức gà. 13 tuổi, chân tay Sơn teo tóp, dài thòng.

Bị bại não, Sơn còn kiêm luôn làm “người nhà” của bệnh viện Nhi đồng II khi dăm bữa nửa tháng em lại “ghé” thăm bệnh viện. Sơn liên tục bị kéo đàm, viêm phổi, lên cơn động kinh…khiến em đã ốm yếu lại càng đau đớn hơn, nhiều khi lên cơn co giật em nghiến răng trèo trẹo đến độ cả hàm răng bị lung lay! Nhiều khi ăn vào Sơn lại ói ra!

Sơn không thể ngồi thẳng lên được

Sơn không biết nhai mà chỉ biết nuốt. Tất nhiên em cũng chẳng biết đòi ăn uống khi đói, khát. Vì vậy chị Phượng, mẹ Sơn phải hàng ngày ở bên con, trông chừng những cơn co giật, kéo đàm và chăm sóc vệ sinh, lo chuyện ăn uống của Sơn. Mẹ là người duy nhất trong nhà Sơn cảm nhận được sự quen thuộc, thân yêu. Mỗi lần nhìn thấy mẹ, em lại nhoẻn miệng cười, nụ cười ngây ngô nhưng đáng yêu và thật thánh thiện. Chị Phượng vừa lau mình cho Sơn vừa nói với chúng tôi: “Nhà nghèo không có tiền thuốc thang cho con, nhưng em không dám bỏ nó để đi làm. Sơ sẩy không có ai dòm chừng, nếu bị kéo đàm thì nó “đi” hồi nào không hay”.

“Em chỉ mong có tiền để “siêng” đi hút đàm, chữa bệnh cho Sơn bớt đau đớn”

Chị Phượng nghẹn ngào kể: “Thương lắm chị ạ. Bị bại não đã chẳng biết gì, đã phải thua thiệt biết bao so với con người ta, cháu nó lại thường xuyên bị bệnh. Ngoài những cơn động kinh, kéo đàm, co giật, Sơn còn bị chảy mủ tai thường xuyên. Ngoài vành tai của cháu có thêm hai cái lỗ nhỏ, mủ cứ từ đó mà chảy ra. Nhiều khi em nhét cả cục bông gòn vào đó mà chẳng ăn thua. Bác sĩ nói Sơn bị viêm vành tai ngoài. Nhưng em biết lấy tiền đâu mà chữa cho cháu. Chỉ cố gắng dành dụm phòng những khi cháu lên cơn dữ quá, hoặc bị kéo đàm ghê gớm, em mới đưa cháu đi bệnh viện. Mỗi lần như thế là cả triệu đồng, một số tiền không nhỏ chút nào với gia đình em. Mặc dù bác sĩ có nói, nếu được thường xuyên đi khám, hút đàm và có thuốc uống thì Sơn sẽ đỡ hơn. Nhưng vợ chồng em đành bó tay thôi”.

Quả thật sự bế tắc của gia đình chị Phượng hiện rõ trong ánh mắt vô vọng của họ khi nhìn đứa con trai nằm bất động, thân thể ngày càng teo tóp của mình. Quê nội ở Bà Rịa - Vũng Tàu nên anh Út thường về dưới ấy để làm thuê. Lúc thì làm rẫy, lúc lại đi biển cho người ta, ai kêu gì anh làm nấy, thu nhập vì thế cũng bất chừng, nhiều thì kiếm được 1 triệu/tháng, có khi vài trăm ngàn, có tháng lại chẳng kiếm được đồng nào. Như mới nửa tháng trước thôi, anh đi ghe đánh cá cho người ta, gặp cơn bão số 4, ghe lật, may có ghe bạn cứu nên không ai thiệt mạng. Nhưng chủ mất ghe nên anh Út cũng mất việc. Thoát chết, anh cạo đầu tạ ơn Trời cứu anh giữ được mạng sống để còn tiếp tục đi làm thuê nuôi vợ con.

Cơ thể Sơn cứ teo tóp lại

Chị Phượng trầm ngâm kể với chúng tôi:”Em cũng muốn đi làm để kiếm tiền thuốc thang cho con và còn nuôi hai đứa nhỏ em của Sơn ăn học nữa. Mình chồng em đi làm thuê vừa cực khổ, vừa chẳng được bao nhiêu. Nhưng Sơn như thế, em phải ở bên để chăm sóc cháu. Lúc trước Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM có giúp đỡ tặng Sơn một cái xe lăn để cháu ngồi, em có thể rảng rang buôn bán thêm. Thế nhưng Sơn không thể ngồi được, cháu cứ ngoặt ngẹo, tay thì buông thõng ra ngoài, trẻ nhỏ thấy xe thì đẩy khiến tay chân Sơn trầy xước hết cả. Vậy là em đành ở nhà với con. Cũng còn may là có ông bác sĩ vẫn thường xuyên chữa bệnh cho Sơn, thấy gia cảnh em như vậy nên cũng thương, lúc nào cũng khám kỹ và lấy tiền ít hơn bệnh nhân khác”.

Cái nghèo và bệnh tật cứ đeo bám lấy gia đình anh Út, chị Phượng khiến họ đôi lúc muốn gục ngã vì mệt mỏi và vô vọng. Thử hình dung, trong gia đình có người đau bệnh, chỉ vài ngày, vài tuần hay một tháng thôi thì những người thân cũng đủ xót xa và vất vả lắm rồi, huống chi gia đình ấy dù nghèo khó, dù gian nan vẫn cố gắng chăm chút cho đứa con bệnh tật, đứa con ngu ngơ đáng thương của họ. Rồi họ “chạy vòng quanh” để sinh tồn, để chạy chữa cho con, dù nó không hề có sự giao lưu tình cảm với họ, dù nó chẳng hề có tương lai. Khi đứa trẻ khỏe lên chút ít, họ mang nó về bên Nội để nhờ cậy cơm áo, nhờ cậy trông con cho họ đi làm. Khi nó đau bệnh, họ lại “chạy” về Ngoại ở Sài Gòn để nhờ cậy bao bọc, giúp con vào viện. Cuộc sống quẩn quanh trong vòng tròn nghiệt ngã của số phận, nhưng họ chẳng dám mơ ước gì nhiều, chỉ giản dị: “Em chỉ mong có tiền để “siêng” đi hút đàm, chữa bệnh cho Sơn bớt đau đớn”.

Xin hãy đến với họ, hãy chìa bàn tay nắm lấy bàn tay, hãy mang đến cho họ một chút hy vọng, dù nhỏ bé nhưng chắc chắn sẽ sưởi ấm, sẽ làm tươi hồng cuộc sống ảm đạm của họ, vì họ sẽ lại có thêm niềm hy vọng rằng cuộc đời này vẫn đẹp biết bao!

(Ảnh và bài của Tố Phương)

ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC VỚI GIA ĐÌNH EM NGUYỄN HOÀNG SƠN

Anh Nguyễn Văn Út và chị Nguyễn Thị Kim Phượng

- Ở Saigon: (Bên ngoại) số 52 Trần Bình Trọng, Phường 5, Bình Thạnh.

ĐT: (08) 5 154 452

- Ở Bà Rịa – Vũng Tàu: (Bên nội) tổ 41/1 ô 4, ấp Hải Vân, thị trấn Long Hải, Bà Rịa – Vũng Tàu. ĐT: (064) 611 587. Hỏi anh Út, chị Phượng. 


Cập nhật của TLBT:

Ngày 16-9-2005, Quỹ Phước Thiện TLBT do các ân nhân hải ngoại đóng góp đã gởi tặng gia đình em Nguyễn Hoàng Sơn $200 USD (>>> Biên lai gởi tiền).