VƯỜN RAU QUÊ HƯƠNG

Nguyên Nhung

 

Ngày mua được căn nhà mười lăm tuổi, có sẵn mảnh vườn sau, Hân nghĩ ngay đến chuyện gầy dựng một vườn rau quê hương trên xứ người, để bù đắp cho những thiếu thốn tinh thần, mà dẫu xứ sở này dư thừa vật chất vẫn không khỏa lấp nổi.  

Suốt ngày bù đầu nơi xưởng máy, công việc thì đều đều nhàm chán, vây xung quanh là những vách tường sơn xám khiến lúc nào cuộc sống cũng buồn tẻ. Chiếc máy lạnh chạy rì rì suốt ngày, bấy nhiêu con người thở ra hít vào cái không khí đặc quánh mùi dầu mỡ. Hân thèm, thèm lắm, khoảng không gian màu xanh của quê nhà, giàn dưa chuột thấp lè tè với những quả xanh, vạt rau cải, những luống hành hẹ và mùi cỏ khô lẫn với mùi phân bò ngai ngái, nhưng đầy ắp không khí miền quê Nam Bộ. Hân nhớ lắm một mảng trời xanh, một đêm trăng tĩnh mịch trước sân nhà, ụ rơm khô có con bò đang nhơi cỏ. Trăng nằm sóng soải trên từng cuộn mây trắng, khiến chàng hình dung trời như một vùng biển xanh, mà những giải mây trắng kia lại là những con sóng bạc đầu gờn gợn trong không gian.   

Thật ra mỗi một đời người, mỗi một thân phận đã gắn bó ít nhiều với những thăng trầm của dòng lịch sử quê nhà, Hân ra đời vào những năm đất nước chia hai. Dạo ấy, làn sóng người Bắc di cư vào Nam đã đổ về vùng ven đô này lập nghiệp, Hân lớn lên và cùng đi học với những đứa trẻ từ miền Bắc vào. Khi mùa màng gặt hái xong, trên cánh đồng còn trơ lại những cọng rơm tươi, Hân đã từng dẫn đám bạn xa lạ ấy đi mót lúa, đậu phọng hay hái trái dại trong khu rừng cao su phía xa. Dạo ấy còn thanh bình, miền quê không nghe tiếng súng, nghe văng vẳng tiếng chuông chùa xóm người Nam, hòa với tiếng chuông nhà thờ xóm người Bắc. 

Riêng Hân, chàng thanh niên ngày nào phải bỏ quê nhà ra đi, nay đã là người đàn ông đứng tuổi. Vẫn ngậm ngùi đau xót nhiều năm tháng, khi bất chợt nhận ra cái cảm giác mâu thuẫn trong tâm hồn mình, khi không hề phản bội quê hương, mà vẫn cam lòng chịu hai chữ vong quốc. 

Hình ảnh quê hương còn trong lòng Hân là những rẫy đất trồng đủ thứ rau xanh. Miền quê nghèo, đất thịt pha cát chỉ thích hợp cho việc trồng rẫy. Tuổi thơ của chàng đã chạy nhảy trên những luống khoai, luống cải, những cánh đồng trồng đậu trồng cà. Cuối năm theo cha mẹ ra rẫy, trẩy những trái dưa hấu tròn căng, xanh thẫm mang ra bán trong những buổi chợ Tết. Chiếc xe bò nghiến những bánh xe gỗ lóc cóc trên con đường đất khô ran, Hân còn ngửi được cả mùi phân bò lẫn với cỏ hắt lên từ những thửa đất trồng rau ven đường. Thuở ấy, Hân còn bé, nghe mấy đứa miền Bắc đọc ra rả bài thơ cảnh miền Nam:

        "Tôi yêu tiếng Việt miền Nam

Yêu con sông rộng, yêu hàng dừa cao

        Yêu xe thổ mộ xôn xao

Trên đường khúc khuỷu đi vào miền quê

        Tôi yêu đồng cỏ nắng se". . .      

Cho mãi đến bây giờ, chàng mới cảm thấy nỗi nhớ quê hương thật sâu sắc và dữ dội, nhất là trong những ngày cận Tết. Tất cả hình ảnh miền quê cũ, cây mai trước sân, con gà gáy sớm, con heo ủn ỉn đi ra đi vào xục mõm vào nồi cám, những thứ tầm thường ấy sao vẫn làm chàng nhớ đến quắt quay.    

Quê hương chàng nhiều tháng năm sau đó đã trở thành bãi chiến trường, mà những người bắn giết lẫn nhau lại cũng chỉ là những khuôn mặt thân quen cùng lớn lên từ thôn xóm hiền lành ấy. Rừng cao su bạt ngàn trơ trụi lá vì thuốc khai quang và bom đạn. Nhìn cảnh tiêu điều của rừng chiều quạnh hiu, những nhánh cây giơ lên trời như những bộ xương khô in trên nền trời màu tím thẫm lúc hoàng hôn, lòng Hân rã rời như đánh mất một cái gì không rõ rệt. Chiến tranh là vậy, là đánh mất màu xanh của cây và đánh mất màu xanh của tâm hồn. Chỉ tội nghiệp cho những người dân sống ở đó, vẫn phải nương vào những ruộng rẫy để mưu sinh, để tồn tại. Khi mùa mưa tới, những trận đánh càng xảy ra thường hơn. Ban ngày buổi chợ quê nhóm lèo tèo vào lúc sáng sớm, chỉ mười giờ là chợ tan, trên nền xi măng của nhà lồng chợ chỉ còn vương lại những mảnh lá chuối khô, nắng đã chói chang dội xuống mái nhà tôn hầm hập nóng.      

Chiều về, trời chưa tắt nắng, ở chiếc lô cốt đóng ven đường lộ chính, vợ con những người lính đã chui vào những mái lều thấp lè tè cất xung quanh cái đồn lính. Cái đồn nằm cô quạnh giống như một cái bếp than, được úp xuống với ba cái cửa tò vò, từ lỗ châu mai thò ra mấy họng súng . Họ sống nhiều năm tháng phập phồng ở đó trong vòng rào kẽm gai đầy mìn rải quanh đồn. Những đứa trẻ đen đủi trong vòng rào kẽm gai, vài người đàn bà theo chồng sống một đời bất an trong thứ hạnh phúc nắm được từng giờ. Những khuôn mặt người lính địa phương gầy gò, mặc đồ trận màu xanh đi giày vải, đôi mắt lơ láo vì căng thẳng chờ đợi kẻ thù, bóng tối và sự chết ập xuống bất ngờ không hề trông đợi.   

Có những buổi chợ sớm, người đi chợ nhốn nháo lên vì một loạt đạn vang lên giữa buổi chợ đông, và người ta bỏ chạy tán loạn khi một người bị bắn gục, dòng máu đỏ loang chảy trên nền đất. Những khuôn mặt quen quen mà ngày là bạn, đêm đã trở thành thù, nước da đen ròn với nắng gió rẫy nương. Hân đã có những thằng bạn chung lớp, sau này theo bên kia, lúc gặp nhau vẫn tay bắt mặt mừng, vẫn có thể nã súng vào chàng không thương tiếc. Một cuộc chiến tranh kỳ cục và cay đắng cho người dân Việt Nam, được du nhập ở tận đâu đâu, biến con người, quê hương thành hai hố thẳm đen ngòm, đầy những hận thù và chết chóc.    

Cho nên, ngày chiến tranh chấm dứt, dẫu đứng về phía những người bại trận, Hân vẫn không thể nào không thở phào nhẹ nhõm. Ít ra là cuộc chiến đã kết thúc, khu rừng cao su sau mùa mưa có thể đâm những chiếc lá xanh, đỡ xơ xác khi chiều xuống. Ít ra chàng sẽ không phải nhìn thấy những đôi mắt trẻ thơ thập thò trong vòng rào kẽm gai, những người lính trở về đời sống bình thường và sẽ có một mái nhà. Và ít ra, những người ở bên kia không phải tìm cách giết những người bên này.      

Điều khiến chàng đau lòng là sự thiếu hiểu biết của người thắng trận, nó tiếp tục đưa đẩy dân tộc vào nhiều nỗi thống khổ, mà đáng lẽ phải được hàn gắn những vết thương chiến tranh trong suốt bao nhiêu năm tương tàn. Bởi vậy Hân mới phải bỏ quê hương mà đi, mang theo bên lòng bao nỗi niềm đau xót.         

*   *   * 

Khu vườn phía sau được người chủ cũ trồng mấy cây thông bên vệ rào, nay đã lớn, tàn xoè ra làm mát một khoảng sân rộng. Những cây hoa cúc dại màu tím vàng, mọc tràn lan trên bãi cỏ trống, người chủ cũ chắc cũng không có nhiều thì giờ cho việc trồng tỉa để khu vườn tươi đẹp hơn.      

Người ta thích trồng thông vì thông mang dáng dấp quân tử, với Hân thì chẳng có cây nào tiểu nhân, chẳng có cây nào quân tử, và cũng chẳng có hoa nào lẳng lơ. Chẳng qua là tại tâm, hễ tâm rộng thì nhìn đời thoáng đãng bao dung, còn tâm hẹp thì nhìn đâu cũng thấy hận thù, nghi ngại. Cho nên, nếu có làm thông, được dáng đứng uy nghi, quân tử, thì cũng đâu hẹp hòi gì mà không che chở cho những cây cỏ nhỏ nhoi, còi cọc giữa bãi cỏ đời mênh mông. 

Tiết trời vừa sang Xuân, cây cỏ sau giấc ngủ Đông chợt sống lại, những bông hoa tím xinh xinh chen lẫn với cỏ non tràn lan khắp mảnh vườn sau. Những bông hoa be bé không tên ấy thật dễ thương, đơn sơ, nhu mì như hình ảnh người con gái miền quê thuở nào, màu áo bà ba tím ngọt đã để lại trong lòng Hân một nỗi nhớ khó quên. Loại hoa này có sức sống bền bỉ như loài cỏ dại, Hân thích nhất vẻ đẹp mảnh mai dịu dàng của hoa, hình như từ lúc bắt đầu nở cho đến khi tàn, hoa chẳng bao giờ khép cánh mỏi mệt, những cánh hoa xinh xinh tiếp nối để chẳng bao giờ tàn. Khi hoàng hôn xuống, mặt trời sắp đi ngủ còn để lại chân trời một vầng mây phơn phớt đỏ, rồi chuyển dần qua màu tím, Hân cảm thấy lòng mình rưng rưng với nỗi buồn thầm kín mơ hồ tận trong tiềm thức, mà những bông hoa tim tím rung rinh trong gió chiều hình như cũng biết rung động với nỗi buồn man mác đó.      

Trước tiên, Hân phải làm cỏ và dọn một bãi đất xốp và mát để ương cây con. Mùa Xuân là mùa đẹp nhất để ươm cây, nhìn những cây đậu, cây mùng tơi, cây bầu cây bí nứt hạt hé mầm vào giữa tiết xuân mát mẻ, Hân liên tưởng đến những đứa bé được sinh ra trong tình thương, sự săn sóc trìu mến của ông bà, cha mẹ. Chàng không thể không nhớ đến những đôi mắt trẻ thơ ở quê nhà, những đôi mắt đen tròn, mở thao láo bên trong vòng rào kẽm gai thời đất nước chiến tranh, những đôi mắt trẻ thơ trên hè phố, biểu hiện cho sự đói khổ, toát ra ánh nhìn van xin khi đất nước đã hòa bình, Hân lại càng ngậm ngùi cho sự thống khổ của đất nước.    

Trước khi gieo hạt, Hân đã ngâm hạt giống một ngày một đêm với nước ấm, xong được ủ vào những chiếc chậu nhỏ. Với cơn mưa xuân nhè nhẹ và cái mát mẻ của trời Xuân, chỉ vài hôm sau cây nứt hạt, nhúm đất con con bỗng bị đẩy ra bởi bàn tay non nớt của hai chiếc lá nõn, cây đã cựa mình, như đứa hài nhi cố cựa quậy để ra khỏi lòng mẹ. Rồi từ cái màu ưng ửng ấy, nhờ ánh sáng mặt trời, chỉ vài hôm lá to dần lên, xanh mướt, y như những lượt tóc tơ mượt mà trên đầu đứa trẻ nhỏ, rất thích mắt. Vẫn chưa quen với mưa nắng cuộc đời, người chủ vườn vẫn phải săn sóc cho cây với cái tình êm ái lắm, vì chỉ cần một cơn mưa nặng hạt, một buổi nắng trưa hanh hao là cái thân ẻo lả kia có thể đổ xuống ngả nghiêng, vì gốc chưa vững.    

Nhìn những chồi non một ngày một lớn, tự nhiên Hân thoáng một chút bâng khuâng, vì chàng vốn là người hay suy nghĩ. Phải rồi, chàng nghĩ đến phận người, những đứa bé sinh ra trên mảnh đất vùng quê khốn khổ của chàng, vẫn những đôi chân không nhảy nhót trên đường làng, lùng sục trong những rẫy những ruộng để mót về những hột đậu phọng hay hạt lúa còn sót lại trên đồng. Đất nước chàng ở đó có những con người nuốt hết những của ngon, của ngọt, khiến những đứa bé vừa sinh ra lại được coi là gánh nặng cho xã hội, cho đất nước. Chàng biết họ đã có kế hoạch làm sao cho những đứa bé không thể ra đời, với ý nghĩ hãi sợ sau này sẽ có những kẻ dành mất phần ăn của họ, lấy mất chỗ đứng của họ. Chứ họ có biết đâu rằng, con người vốn bắt đầu từ 0 thì cũng trở về 0, như triệu triệu con người sinh ra, rồi lại triệu triệu con người mất đi, chỉ là để nối tiếp công việc bảo tồn đời sống của nhân loại. Tham sống sợ chết đã đành, nhưng sống như thế nào và chết như thế nào thì với những kẻ vô nhân, chỉ có nghĩa là vơ vào cho đầy ắp túi tham của họ mà thôi.       

Những cây đậu đũa giờ này đã vươn cao lên tới cái giàn nằm cách mặt đất độ hai thước, và khi những chú đậu non như hai đứa bé song sinh, thò hai cọng đậu dài như hai chiếc đũa qua lỗ mắt cáo trên mặt giàn, lúc ấy cả nhà đã sửa soạn có được những bữa cơm ngon với rau cỏ trong vườn. Cô nàng mùng tơi đã khoe những chiếc lá mọng, được chuẩn bị hái nấu với tôm tươi bóc vỏ, là khi ấy khu vườn đã bước vào tiết cuối xuân mát mẻ. Cuối Xuân khi trời còn rất xanh, bát canh mùng tơi xanh biếc hay đĩa đậu đũa xào tôm thịt, ăn với dưa mắm trộn tỏi ớt, thêm một chén nước mắm nguyên chất giầm với quả ớt chín chỉ thiên, chẳng ngon lắm sao??!!       

Đúng ra đâu phải cây nào cũng qua tiến trình đâm hoa, kết quả thì mới được coi là có giá trị. Rau thường chỉ ăn lá, mà thứ trúc đào chỉ cho hoa đỏ thắm, dù không ăn uống được nhưng nàng ta vẫn có cái thắm tươi riêng biệt để tô điểm cuộc đời. Những hoa chanh, hoa lài thường tỏa hương vào buổi tối, dưới ánh trăng, khu vườn thoang thoảng trong không gian mùi hương của hoa cỏ, cũng đủ sức làm dịu đi nỗi mệt nhọc sau một ngày làm việc. Nếu không nhờ những cánh hoa ấy, mùi hương ấy làm sao con người có thể quân bằng nội tâm. Rồi những loại rau như cây bù ngót, thân khẳng khiu và ngay đuỗn mọc ra những chiếc lá xanh nho nhỏ, chỉ cần hái đầy một rổ, vò sơ rồi nấu với chút thịt nạc băm nhuyễn, mát đáo để. Người khô hạn, phổi hanh hao, mắt mờ, đầu váng vất, nắm lá xanh ấy có tác dụng thần kỳ, cái nóng cái khô như biến ngay đi, dễ chịu như được người con gái đắp chiếc khăn mặt ướt lên trán vào một trưa hè.      

Cây cỏ trong khu vườn rau của Hân, giống như thần dân của một vị vua nhân đức, được hưởng phúc ấm của người lãnh đạo mà làm đẹp cuộc đời. Đấy cũng nhờ ở cách dùng, cách trân trọng tối đa, nhờ thế mà cây tươi tốt, xum xuê, nẩy hoa đơm trái. Chân lý ấy mà áp dụng được trong một gia đình, một tập thể, một quốc gia thì hẳn nhiên đã có thiên đàng tại thế.     

Nhìn vườn rau xanh tươi tốt của mình, Hân có cái vui đang làm một điều gì có ích lợi, dẫu rằng chỉ thu hẹp lại trong thế giới cây cỏ. Muốn thực hiện được sự công bằng không thiên vị cho bất cứ loại cây nào, lợi nhiều hay ít, người chủ vườn vẫn phải có cái nhìn vô tư và thẳng thắn. Lão bí rợ không thể ỷ mình có sức khoẻ, cành lá mập mạp mà lấn sang mảnh đất của đám rau má trẻ con nằm nép bên vệ rào, dẫu rằng công dụng của lão có đa năng, đa hiệu thật đấy. Đọt bí xào tỏi ăn bùi và thơm, khi kết trái thì quả nào quả nấy to đùng như bụng ông địa, thứ ấy mà đè lên mảng rau má kia thì chúng chỉ có chết, bởi vậy Hân cũng chỉ cho chúng lan tràn đến mức nào thôi.      

Chàng thú vị nhân cách hóa cho đám cây cỏ của mình. Mỗi thứ cây là một loại người khác nhau, một chỗ đứng khác nhau, chàng chỉ dung hòa chúng chứ không cai trị, vì con người có thói quen thích lãnh đạo và lấn lướt người khác. Những vạt rau má bé tý teo như những đồng tiền hai mươi lăm xu, xem vậy mà lợi hại ra gì, cứ xay ra để uống với chút đường và đá, mát tì mát phổi không thứ nào bằng, còn kẹt lắm nấu suông với lon súp gà, thêm mấy con tôm khô, cũng có một tô canh mát mẻ. Có từng xực những bữa ê hề thịt thà, ít rau cỏ, mới thấy quý khi được ăn một bát canh rau, bao nhiêu sân si lắng xuống, lòng cứ nhẹ tênh như bay về chốn non bồng nước nhược.     

Với lũ cây non be bé Hân nâng niu như trẻ thơ, thì với mấy cây già cỗi sắp tiêu diêu về bên kia thế giới, Hân vẫn có cái trân trọng như trân trọng người có tuổi. Có lẽ cũng từ sự tương quan tuổi tác mà chàng có sự săn sóc ấy chăng? Suy bụng ta ra bụng người, cây mười tuổi như người trăm tuổi, nhất là với những cây có đời sống ngắn ngủi, sự hiện diện của chúng trong khu vườn với một khoảnh khắc nào đó, vẫn cống hiến cho con người niềm vui thật nhỏ bé, khi nhìn những lộc non đơm đầy trên cành nhánh khẳng khiu. Thế nhưng cảnh chia biệt giữa cây và người vẫn làm Hân cảm nhận được một nỗi buồn thắm thía như hai người bạn đã tới lúc chia xa, không hẹn ngày tái ngộ. Cây cam già đã cỗi, không kết trái đơm hoa, đã đến lúc phải ra đi vẫn để lại trong lòng Hân một nỗi trống trải đến nhiều ngày mới quên được, đành lòng là phải tiễn đưa nhau, nhưng chàng cũng cảm khái được mấy vần ai điếu: 

"Càng ngày cây càng nhỏ lại

Càng lúc trái càng bé đi

Mùa Xuân chờ hoài không tới

Mùa Đông đợi hoài chẳng đi."

(Thơ N.N.)     

Hân nhớ có lần chàng đau nặng, lúc nào người cũng ren rét, bệnh chẳng ra bệnh gì, nằm liệt một chỗ mấy tháng trời. Trận ấy may là chàng thoát chết, lúc tỉnh hồn tỉnh viá, Hân soi gương thấy mặt mũi vêu vao, hốc hác, thoát chết lần ấy, chàng tự nhủ phải tận dụng những giây phút quý giá của đời người mà làm điều gì hữu ích cho cuộc sống. Cận kề giữa hai bờ sinh tử, lơ mơ nhìn ánh nắng chiều se sắt ngoài hàng dâm bụt đỏ, mảng trời xanh không một gợn mây, chàng thấy đời quả đẹp vô cùng. Từ đấy chàng tự hỏi, sao không làm điều gì đẹp đẽ để lúc hai tay buông xuôi sẽ không ân hận, tiếc nuối, để biết cái hạnh phúc khi được làm người, cũng bởi cái ân sủng từ nhiều kiếp trước mà thành. Lỡ như, Hân mỉm cười khi nghĩ nếu mình ăn ở chẳng ra chi, trời cho tái sinh làm kiếp vịt quạc quạc, lại có ai đó ân oán với mình từ kiếp trước, cắt cổ làm bữa tiết canh thì còn gì là đời vịt.    

Hân hay nghĩ vớ vẩn, nghĩ lung tung rồi cười một mình cho đời đỡ buồn. Sống cũng nhiều, vui cũng nhiều, buồn cũng nhiều, nhìn chặng đời qua thì chỉ những hận thù, bon chen, bóc lột, ganh ghét. Hân vẫn mơ tưởng một ngày mình làm vua, không phải để vui hưởng vinh hoa phú quý như các vị vua trần thế, nhưng ít ra chàng sẽ cố gắng lập lại cái thanh bình trật tự cho thần dân của mình, hưởng thực sự nền thái bình thịnh trị.      

Đời đâu dễ mà mơ được một giấc mộng trọn vẹn như thế. Thôi thì chàng trồng cây, trồng rau, trồng hoa, rồi đem cung cách của mình mà sắp xếp, săn sóc cây cỏ như vua thương dân, để an ủi cho riêng mình là đã thực hiện được những hoài bão tốt đẹp, ít là cho loài thực vật. Khu vườn rau quê hương, là cả một giang sơn gấm vóc, một bờ cõi có ranh giới hẳn hoi, có trên có dưới, không lấn áp kèn cựa, không nâng ai quá đỗi để tủi hổ kẻ tầm thường, một xã hội cây cỏ chan hòa tình yêu thương, không gian dối.       

Còn một vài việc tuy bận rộn Hân vẫn phải làm. Đó là cây kim quất nay đã gần chục tuổi, đã quá tuổi xuân xanh và đang vào độ tàn héo. Mỗi lần rắc một lượt phân, lượt đất cho cây, Hân vẫn hóm hỉnh: "Chào cụ". Chả biết cụ quất có bịnh hoạn gì không mà dù chăm cách mấy cụ vẫn không tươi lên được, hay là tai cụ nghễnh ngãng cho nên không nghe được tiếng gió xuân đã thì thào về với đất trời, y như người đã ốm, đã già, máu không lưu thông nên lúc cố đâm được mấy chiếc lá non, thì chỉ một sáng một chiều đã héo ngay đi, trông rất thương tâm. Chục năm trước, độ còn xuân xanh, mùa Xuân như khoác một chiếc áo vàng óng ả lên cây kim quất trẻ tuổi, quả trĩu cành, hoa trắng muốt, lá biếc xanh. Hân dạo ấy cũng biết làm thơ, chàng cảm khái khi nhìn mùa Xuân về với hai vần thơ nhỏ:]

    “Mùa Xuân em mặc áo vàng,

Đất trời như đã rộn ràng quanh tôi.”

Cây kim quất nay đã già, cũng biết rét run lẩy bẩy khi cơn gió Đông thổi về, dù đã được Hân che chắn, chăm sóc cẩn thận. 

*  *  * 

Hân vẫn gửi tất cả tâm tình, cả trái tim của mình cho cây cỏ, như chàng vẫn hướng về quê nhà với nỗi niềm thiết tha mong đợi. Một ngày nào đó những mầm non sẽ mọc lên, sẽ làm xanh tươi một đất nước thống khổ vì chinh chiến kéo dài hàng bao nhiêu năm, sẽ thay đổi bộ mặt cho tổ quốc với những cái tâm trong sáng, biết thiết tha với tiền đồ của dân tộc.    

Với một khuôn mặt trầm lặng và tính tình kín đáo, cộng thêm tư tưởng có vẻ lập dị, người không hiểu chàng sẽ có thể nghĩ chàng là kẻ có tính hơi man mát, điên điên, mấy ai đã nghĩ tới được chiều sâu của một con người nặng lòng với quê hương, xứ sở. Tổ quốc ở bên kia giờ này vẫn còn đầy những con sâu đục rỗng xương tủy dân tộc, còn kẻ tha hương vẫn chưa tìm được lối về, những con én vẫn bay nhưng mùa xuân thì chưa thấy. Đường về thì thiên hình vạn trạng, con người vẫn đục trong lẫn lộn. Đến bao giờ mới có một sự tương kính lẫn nhau để xứ sở được vươn lên, đất nước không bị áp bức?     

Thôi thì trong hiện tại, trên mảnh sân này, Hân đã thực hiện được điều ấy với cây cỏ trong vườn rau quê hương của chàng.

NGUYÊN NHUNG

Cùng một tác giả Nguyên Nhung

 

Trở lại trang chánh