TRỜI VẪN CÒN XANH

* Truyện ngắn của Nguyên Nhung

Chuyện là chuyện xưa mà vẫn như mới, dù tất cả đã nằm yên trong dĩ vãng, khi ngồi viết lại câu chuyện cũ, nước mắt tôi cứ chảy ròng ròng. Thời gian lặng lẽ trôi qua, mấy chục năm rồi mà tưởng như mới hôm qua khi tình cờ nhận được khuôn mặt anh bạn cũ, trong những tấm hình xưa của một người nào đó còn giữ được, in trên Ðặc San Trường cũ. Thế là trong phút chốc, những bóng hình bạn bè năm xưa bỗng lần lượt trở về. Trong óc tôi lại quay về những mùa hè năm cũ thời đi học, con đường ven sông nghiêng nghiêng những cây hoa phượng đỏ, in bóng xuống dòng sông một mùa hè rực rỡ.

Năm tháng đã theo nhau bước vội, vẫn để lại trong lòng những kỷ niệm dễ thương một thời mắt biếc và môi tươi, tà áo trắng, chiếc nón lá che nghiêng trên mái tóc. Nếu có lần trở về con đường xưa, đúng vào mùa hè hoa phượng trổ, mới cảm hết được cái buồn ngất ngây xen lẫn nỗi ngậm ngùi. Cơn mưa vào buổi chiều cuốn theo những chiếc lá phượng bé li ti rơi xuống mặt đường ướt sũng. Phượng và mưa, muôn đời vẫn là những nỗi buồn ray rứt khi nhớ lại. Năm ba mươi tuổi tôi vẫn mang nỗi buồn ray rứt ấy, khi một lần trú mưa bên hàng hiên căn phố cũ, trước mặt tôi là hàng phượng rưng rưng màu đỏ thắm rũ rượi, ướt sũng trong màn mưa trắng xoá. Năm nào phượng cũng trở về như năm nào mùa mưa cũng tới, vẫn một màu đỏ thắm của mùa hè xưa riêng cuộc đời thì đã quá nhiều thay đổi. . .

“Em đến rồi đây em lại đi,

Như những hạt mưa đầu mùa năm ấy

Mỗi một mùa hè em trở về lộng lẫy

Lòng ta buồn theo những lá phượng bay.

 

Bao nhiêu năm rồi mà vẫn chưa khuây

Sao vẫn nhớ những nẻo đường tuổi mộng

Sao vẫn nhớ những chiều xưa gió lộng

Phượng rơi buồn trên áo trắng thơ ngây.

 

Ôi nhớ quá cỏ non sân trường vắng

Ta thả hồn theo những sợi mưa bay

Ta thấy em cười trên những tà áo trắng

Em gọi mùa hè về rực rỡ trên cây.

 

Năm nay em về cũng như mọi năm

Với những hạt mưa đầu mùa năm cũ

Sao ta thấy lòng bỗng rưng héo rũ

Em còn tươi mà ta đã già nua

 

Ðời mỏi mòn trôi theo những đêm mưa

Những chiếc lá cuốn theo dòng nước lũ

Ði về đâu những hồn muôn năm cũ

Khi sang hè phượng thắm có còn không?

 

Ðến bạc đầu đôi lúc vẫn bâng khuâng

Ôi những mảnh trời xanh ngày tháng cũ...”

(Thơ N.N.)

Cuốn “Lưu Bút Ngày Xanh” được mở hàng cụt ngủn chưa đầy một trang giấy, không có hình kèm theo (đâu dễ tặng hình cho người dưng... khác họ), đã cụt ngủn mà lại chẳng chút văn chương cho thơ mộng như đương sự yêu cầu:

“Hè gì mà nắng như đổ lửa, chẳng thấy thơ mộng chút nào hết. Hàng phượng vĩ ven sông chưa trổ bông, lũ ve sầu chưa chịu hát bài ly biệt. Mai mốt đi đâu thì đi, lâu lâu nhớ về thăm xóm cũ. Không có tấm hình nào hết trơn hết trọi, thôi tui vẽ mấy bông hoa phượng để mang theo cho đỡ . . . buồn.”

Vài hôm sau, khi cuốn Lưu Bút được trả lại cho khổ chủ, cũng cái mặt ấy nhăn nhăn nhó nhó đưa lại cho người viết năn nỉ:

“Viết lại giùm đi, viết gì ... kỳ cục quá. Làm ơn viết dễ thương chút đi mà...”

“Hông lẽ lại chỉ là những điều... dễ ghét?”

“Không phải vậy, đối với tui tất cả những gì của bạn đều dễ thương hết. Nhưng. . . tui sắp đi xa rồi, cho xin chút kỷ niệm mang theo, mai sau chừng nào mình lớn sẽ hiểu ra điều đó."

Ngó cái mặt cũng tội, cái "xấu" cũng bớt đi mà cái " khó ưa" giờ đây cũng "dễ ưa" hơn một chút, nghe thật tội nghiệp. Tối đó, tôi ngồi gò gẫm viết lại trang mở đầu cuốn Lưu Bút Ngày Xanh cho anh bạn, cố nặn óc tưởng tượng ra những kỷ niệm giữa hai đứa để phù hợp với nỗi buồn ly biệt. Tôi viết về con đường hằng ngày đi chung tới trường, con đường ven sông vào mùa hè hoa phượng nở rưng rưng (dù lúc ấy hoa chưa nở), con ngõ nhỏ có hàng dừa lả lơi soi bóng nước. Và một mảng trời xanh, phải rồi, bầu trời xanh thấp thoáng sau tàn cây râm mát, in những bóng mây xuống dòng sông trôi lờ lững. Hay một tối mùa hè cơn mưa đêm chợt đến, từ trong nhà nhìn những giọt mưa rớt trên mặt sông sao nghe mang mang một nỗi buồn. Những buổi tối nhìn ánh hoả châu bừng sáng vòm trời đêm, tuổi trẻ lại cảm nhận thêm nỗi buồn chiến tranh, khi nửa đêm thức giấc, nghe tiếng đại bác vọng về thành phố, những chiếc xe nhà binh chở quân ra mặt trận. Bây giờ, lại thêm những người bạn trẻ chung trường sắp lên đường nhập ngũ. . .

Những hàng chữ tôi viết "mùi mẫn" tối hôm đó, khiến bạn cảm động thật nhiều, dù đó chỉ là căn bịnh "văn chương thời loạn". Bạn nhận lại cuốn Lưu Bút trên tay tôi, mỉm cười cám ơn, vẻ xúc động hiện rõ trên nét mặt. Cuốn Lưu Bút Ngày Xanh có lẽ là kỷ niệm cuối cùng trong đời học sinh của bạn, chỉ mãi đến sau này, khi tất cả chỉ còn lại một mảng trời xanh, tôi mới ân hận là không tặng cho người bạn chân tình ấy tấm ảnh chân dung "xấu xí" của mình. Ðược ít lâu bạn nhập ngũ, con đường đi học đã vắng đi một người, lúc bấy giờ tôi mơ hồ nhớ câu bạn nói :

"Mai sau chừng nào mình lớn, sẽ hiểu ra điều đó."

* * *

Bạn đi rồi, chiến tranh đã đẩy bạn ra khỏi mái trường khi còn rất trẻ, mái đầu xanh chưa hưởng được bao nhiêu niềm vui đã vội già đi vì gió sương và gian khổ chiến trường. Có lẽ tôi với bạn không mắc nợ nhau, vì thế chỉ một thời gian là biệt tăm người bạn cũ, và khi từ biệt mái trường, tôi không còn đi ngang nhà bạn, không trở về con ngõ nhỏ đầy bóng mát của tuổi học trò thơ ngây ngày ấy nữa.

Cứ thế đời đẩy bạn đi đâu tôi cũng chẳng biết, chỉ gặp lại có một lần, kỳ phép đầu tiên từ quân trường bạn về thăm nhà, cũng là lần đầu tiên bạn ghé vào nhà tôi. Cái đầu trọc tếu và bộ quân phục mặc trên người, bạn kể cho nghe đủ thứ chuyện đời lính. Bạn chững chạc hẳn ra, gặp nhau lần ấy trông bạn đã đổi khác, nhưng dường như câu chuyện vẫn dở dang chưa nói hết, bạn vẫn ngập ngừng không nói trọn điều gì. Sau đó, bạn trở lại quân trường và khi ra trường, đổi tuốt ra miền Trung, đời bạn lênh đênh sông hồ, đời tôi cũng thêm nhiều mới lạ. Ðời có biết bao nhiêu con đường thênh thang đang đón chờ ngoài kia, mỗi khi ra khỏi nhà, tôi phóng xe như bay ra khỏi con hẻm nhỏ, cuộc sống vội vã để tôi không còn thơ thẩn đi về những con đường thơ mộng ven bờ sông như thuở còn đi học, tôi đã quên rồi người bạn cũ. . .

Thời gian cứ thế trôi đi, những người bạn đi chung một con đường tới trường năm cũ nay cũng tản mát đi mỗi người một hướng. Ðám bạn học chung lớp năm xưa có một số tiếp tục lên Ðại Học, có nhiều đứa ra đời tìm việc làm để mưu sinh, có nhiều đứa lên xe hoa. Tôi bỏ xóm cũ đi xa, để rồi có ngày lại trở về căn nhà xưa, với một cảnh đời kém may mắn.

Không biết trời xui đất khiến chi đây, vài năm sau chiến tranh, tình cờ tôi lại gặp anh bạn cũ, bên hè đường với mấy thứ đồ nghề sửa xe đạp. Tôi đâu hơn gì bạn, tấm ny lông trải trên vỉa hè khu chợ làm kế sinh nhai, một lũ đàn bà còn xuân sắc ngồi chùm nhum với nhau trên vỉa hè "ngóc mỏ chờ xương", hay văn hoa chút xíu thì "con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non". Tôi chăm chỉ làm công việc "cũ người mới ta" để người nghèo có manh quần tấm áo lành lặn, chúng tôi gặp lại nhau dở khóc dở cười bên lề đường gió bụi.

Lần gặp lại ngộ nghĩnh đến không ngờ, chiếc xe đạp bị bể bánh, tôi tấp vào lề đường để sửa xe, và chúng tôi ngỡ ngàng nhận ra nhau sau nhiều năm xa cách. Trong chiếc áo nhà binh cũ kỹ, lem luốc dầu nhớt, anh đón chiếc xe đạp từ tay tôi, với một câu hỏi rất ngậm ngùi, như không hề có một khoảng cách nào về không gian và thời gian giữa hai đứa, kể từ ngày anh từ giã mái trường để đi lính:

“Dữ hông? Biết bao năm rồi bây giờ mới gặp lại. Xe bị bể bánh hả?”

Rồi anh toét miệng cười, trong khi tôi ngỡ ngàng và mừng vì gặp lại anh bạn cũ chung đường năm xưa. Dù sao thì cũng ... ngộ cố tri, nhưng gặp trong cảnh này nó ngậm ngùi làm sao. Thấy vai tôi đeo một cái túi nặng, anh cười hỏi:

“Bán chợ Trời phải không? Hôm nào có chiếc áo nhà binh, mua giùm tôi một cái.”

Anh vừa xăm xoi cái lỗ mọt, tỉ mỉ bôi chút keo dán lên miếng cao su rồi để cái ruột xe xuống cái bàn vá ép, ngọn lửa leo lét bốc khói dầu hôi khét lẹt. Nhìn anh làm công việc đó một cách bình thản tôi lại thấy tủi cả phận mình lẫn phận người. Bỗng dưng tôi nhớ miên man đến cuốn “Lưu Bút Ngày Xanh” của nhiều năm trước, nhớ mảng trời xanh hoa mộng tuổi học trò, không biết anh còn giữ được không?

Bàn tay anh lem đầy dầu nhớt và bụi bẩn khiến tôi chạnh lòng. Ngó lại mình cũng không hơn gì, chiếc áo bà ba bạc màu, cái nón lá tươm vành thật thảm thương, sau bao nhiêu năm gặp lại nhau tôi không nhìn thấy chút thơ mộng nào như mảng trời xanh mà tôi viết cho anh trong cuốn Lưu Bút ngày xưa. Anh vừa làm vừa nói chuyện, hỏi thăm tôi về đời sống hiện tại, bây giờ anh nói nhiều mà lại "có duyên" chứ không cộc lốc, trống không như ngày xưa. Sửa xe xong, anh đưa lại chiếc xe đạp cho tôi, dùng miếng giẻ để lau cho sạch sẽ, tôi bắt anh nhận tiền công vá xe, anh nhất định đẩy tay tôi ra nói một câu nửa đùa nửa thật, tôi vẫn còn nhớ:

“Ðừng làm vậy tôi buồn, anh em mình chỉ có chút tình đó thôi. Ngày xưa, tôi còn muốn vá xe suốt đời cho N. nữa.”

Rồi anh mỉm cười, im lặng, như dằn xuống nỗi xúc động, mà vẫn như có chút chịu đựng cái nghiệt ngã của một cảnh đời không lối thoát. Từ ngày thôi học, sau bao năm gặp lại, hai đứa chẳng hơn gì nhau. Tôi có hai đứa con nhỏ ăn chưa no lo chưa tới, anh cũng vừa ra khỏi trại tập trung cải tạo, nặng oằn một gánh cha mẹ, vợ con. Biết không ép được anh lấy tiền công sửa xe, tôi chạy lại xe bán thuốc lá mua cho anh vài điếu "Capstan" loại dzởm. Anh cười, lặng lẽ quệt bàn tay bẩn vào chiếc quần, cầm mấy điếu thuốc tôi đưa rồi châm lửa hút . Trong cảnh ngộ này, hai đứa chỉ biết nhìn nhau cười thông cảm, dường như tôi lại nhìn thấy một mảng trời xanh thuở học trò trở về trong đôi mắt anh. . .

Lâu lâu, chiếc xe bị trục trặc, tôi vẫn phải ghé vào nhờ anh xem hộ, hoặc hôm nào mua được chiếc áo nhà binh cũ, ghé vào đưa cho anh để chịu được mưa nắng vỉa hè. Có lần ế khách, tôi bắt gặp anh ngồi dựa lưng vào mảng tường vôi loang lở, miệng nhả khói mà mắt lại nhìn đăm đăm lên mảng trời xanh, lúc ấy tôi biết anh bạn cũ đang mơ mộng. Thôi cũng mừng cho anh, trong hoàn cảnh đó mà anh vẫn giữ được cho mình một khoảng trời xanh để nhớ, đó cũng là cục đường tan trong miệng đắng giữa cơn ốm dở. . .

Lâu lâu gặp nhau nói dăm câu chuyện cũ, hỏi thăm nhau về những bạn bè xưa chung đường chung lớp, chẳng biết ai còn ai mất, ai đã đi được qua bên kia, ai còn thân tù tội nơi rừng sâu núi thẳm. Mỗi lần như vậy tôi lại nhìn được nỗi ngậm ngùi trong đôi mắt anh, dường như giây phút đó đã gợi lại trong anh chút dư âm của những ngày còn đi học. Bao nhiêu hoa mộng của cuộc đời bây giờ chỉ còn lại được có mảng trời xanh kia làm niềm hy vọng, chúng tôi kể cho nhau nghe nhiều nỗi đắng cay của đời sống, ước gì có đôi cánh để bay đi một phương trời xa, tìm một tương lai sáng sủa hơn cho cuộc đời đỡ khổ.

Ít khi nào chúng tôi nhắc lại chuyện cũ, vì nợ áo cơm đã làm thui chột đi những kỷ niệm êm đềm mà con người chỉ nhớ được khi lòng hoàn toàn thanh thản. Có hôm anh tâm sự, nếu một ngày nào tôi có đi ngang đây, không thấy anh ngồi vá xe bên lề đường, thì chuyện đó cũng chỉ là chuyện bình thường như người ta thay đổi một chỗ ngồi. Tôi biết thế nào anh cũng đi, nhiều hôm trên đường từ chợ về nhà, vô tình đi ngang qua, tôi vẫn thấy anh ngồi tựa lưng vào tường hút thuốc, mắt mơ màng nhìn lên mảng trời xanh như nuôi một niềm hy vọng. Ngược dòng thời gian trở về quá khứ, bây giờ khi đã trưởng thành, tôi không hững hờ nhìn anh bằng ánh mắt vô tình năm xưa, tôi thường an ủi anh để được nghe anh an ủi lại, bằng tấm chân tình của đôi bạn cũ.

Thế rồi một thời gian sau, bẵng đi một tuần lễ, tôi đạp xe ngang đã không thấy anh ngồi sửa xe nơi chỗ cũ. Tôi linh cảm anh đã đi rồi, chỉ biết âm thầm cầu nguyện sự an bình cho anh trên bước đường xa vạn dặm. Lần này anh đi tôi buồn lắm, không hờ hững như ngày xưa anh chia tay với tôi để nhập ngũ, vì tôi hiểu chuyến đi này “thập phần sinh tử”, biết có còn gặp lại nhau không? Hơn nữa, cuộc đời đã dạy cho tôi biết trân trọng những tình bạn cao quý, nhất là trong hoàn cảnh này, tôi đã trưởng thành để hiểu được những gì mất đi ta khó tìm lại được.

Từ đấy tôi không bao giờ gặp lại anh, có người nói anh đã thoát được tới bờ bên kia, có người lại nói tàu bị bão tố nhận chìm ngoài biển khơi. Mỗi lần đi ngang chỗ anh vẫn ngồi vá xe bên lề đường, nay đã trống trải chỉ còn lại một mảng tường vôi loang lổ, tôi nghe lòng buồn ray rứt. Mùa hè hoa phượng lại rưng rưng một màu đỏ thắm nơi mé sông, những cánh hoa học trò vẫn mang ít nhiều nỗi buồn ly biệt. Thời gian ấy, đêm nào tôi cũng cầu nguyện cho anh, có khi tôi nằm mơ thấy anh trở về chốn cũ, ngồi loay hoay vá xe bên vệ đường, có khi giấc mơ thật kỳ lạ, vẫn là hình ảnh anh ngồi tựa lưng vào bức tường vôi xám, đôi mắt buồn rầu nhìn lên bầu trời xanh, nuôi một niềm hy vọng...

Thời gian thấm thoắt qua đi có đến hơn hai mươi năm, lâu lâu tôi vẫn băn khoăn nhớ người bạn cũ. Tình cờ đọc được trong cuốn Ðặc San của Trường, tôi bắt gặp lại những tấm ảnh cũ, có ai đó đã giữ lại được những tấm hình với bạn cùng lớp năm xưa, tôi vui mừng nhìn ra khuôn mặt anh lẫn lộn trong đám bạn bè thời Trung học. Những cái “dễ ghét” năm xưa bây giờ sao “dễ thương” quá chừng, vì khuôn mặt nghịch ngợm ấy không lẫn lộn đi đâu được, áo trắng, quần xanh, tóc hớt ngắn, những khuôn mặt trẻ tuổi học trò trông hồn nhiên vô tư lự. Nhưng, đời sao lại có những chữ "nhưng" trớ trêu, như định mệnh thường oái oăm tạo nên những điều cay nghiệt, mắt tôi dường như không tin được những dòng chữ ghi phía dưới tấm hình cũ, cả mấy tấm hình ấy đều ghi rõ tên anh, với một dấu ngoặc đơn (đã chết) kèm theo.

Thế là anh đã đi thật rồi, không còn lần tái ngộ nào trên cõi đời này nữa. Dường như tôi và anh không có cái may mắn gặp nhau để chia cái vui của đời cho nhau, mà chỉ là những biệt ly này nối tiếp những biệt ly khác, kể từ ngày anh đưa tôi cuốn Lưu Bút Ngày Xanh, để đi vào chốn hiểm nguy với lằn tên mũi đạn. Sau bao nhiêu năm gặp lại, vẫn chỉ là nối tiếp nỗi khổ đau của một kiếp người, anh vẫn là người bạn tốt bụng, đối xử rất chân tình với cô bạn nhỏ ngày thơ.

Lần này thì hết thật rồi, những chữ in nghiêng chú thích dưới tấm hình với hai chữ "đã chết" khiến tôi bùi ngùi mãi. Mảng trời xanh trong đôi mắt người bạn đồng môn năm cũ đã thực sự không còn, đã đi về cõi thiên thu để chìm vào không gian vô tận.

Không biết anh đã đi về cõi bên kia bằng con đường nào? Ðôi khi tôi nghĩ nếu được chọn lựa, có lẽ anh sẽ trở về đi lại con đường loang hoa nắng thời đi học, vì con đường đó là con đường bình yên nhất trong cuộc đời anh. Dưới những bóng cây râm mát che suốt con đường ven sông, có thể anh vẫn nhìn thấy một mảng trời xanh đầy thơ mộng khuất sau tàn lá biếc, từng đợt sóng nhỏ lao xao vỗ vào bờ, vẫn là những âm thanh tuyệt vời như tiếng đàn vương trên lối cũ. Mấy mươi năm rồi, bây giờ nhìn lên mảng trời xanh, tôi vẫn hay nghĩ tới người bạn đồng môn năm cũ. Ở khoảnh trời bình yên đó, biết đâu chả có lúc gặp lại...

Nguyên Nhung

Cùng một tác giả Nguyên Nhung