- Lai rai chuyện đời

Thạch Thủ

Thư cho con

Đất Nước Tự Do, 30.4.2008

Con yêu dấu!

Cách nay ít bữa, con hỏi bố: ”Sau khi tốt nghiệp, con sẽ về Việt Nam làm việc, không phải vì con muốn cộng tác với chế độ nhưng chủ đích của con nhằm giúp đỡ người dân mình. Bố nghĩ sao?”

Bố đã không trả lời con ngay dù bố đã biết trước sau gì con cũng sẽ đặt vấn đề này với bố, bởi bố đã nhận ra từ lâu nơi con một tinh thần dân tộc rất cao, một ước muốn về nguồn mạnh mẽ và một lý tưởng hừng hực phục vụ quê hương và đồng bào. Bố đã thầm hãnh diện, mỉm cười trong đầu: Đúng là Tuổi-Trẻ-Phù-Đổng!

Hôm nay, ”30 tháng tư”, ngày mà toàn thể người Việt quốc gia gọi là ”ngày quốc hận”, tức là ngày nhắc nhớ đến nỗi căm hận, niềm oán thù sâu xa của đất nước đối với hành động của đảng cộng sản Bắc Việt được sự hỗ trợ toàn diện của khối cộng sản quốc tế đã đánh chiếm miền Nam Việt Nam. Đấy cũng chính là lý do thúc đẩy hàng triệu người Việt, trong số đó có gia đình mình, đã liều mạng ”chín chết một sống” rời bỏ đất nước ra đi tìm tự do. Đấy cũng là nguyên nhân khiến biết bao đồng bào bị xiềng xích trong ngục tù, bị giết hại ở những nơi rừng thiêng nước độc, bị tước đoạt mọi quyền sống... Bố muốn nhân dịp này ”nói chuyện” với con, trả lời con về câu hỏi trên đây của con, nhưng dưới hình thức một lá thư. Bố chọn việc viết cho dễ dàng trình bày ý nghĩ của mình.

Con yêu dấu!

Bố hoàn toàn đồng ý và ủng hộ ý định của con về Việt Nam làm việc mà mục đích như con nói là ”để giúp đỡ người dân mình”. Nhưng, bố tạm ví con như một vị tướng. Trước khi ra quân lâm trận, chắc chắn vị tướng này phải hết sức thận trọng, biết rõ khả năng của chính mình, của lực lượng mình đã đành mà còn phải điều nghiên kỹ càng trận địa, thấu triệt các điều kiện về chiến thuật, chiến lược, nắm vững ưu và khuyết điểm của phe địch. Được như vậy mới mong chiến thắng, bằng ngược lại, chỉ vì chủ quan hay vì hăng say quá độ, liều lĩnh quá mức... thì không những mình tự sát mà còn gây thiệt hại cho bao người khác, làm hỏng đại cuộc.

Vậy thì con biết được những gì về thực trạng của chế độ Cộng Sản Việt Nam (CSVN)? Con biết gì về hiện cảnh trong nước và đời sống bây giờ của người dân? Bố thấy ở ngoại quốc này, trước khi nộp đơn xin việc làm, bao giờ người ta cũng tra hỏi cơ sở đó hay công ty, xí nghiệp đó hoạt động ra sao, sử dụng nhân viên thế nào và mình được hưởng lương bổng và những lợi lộc gì... Vậy con đã lần nào chưa đặt những câu hỏi thực tế tương tự như thế về nhà nước và xã hội Việt Nam để rồi con quyết định ”sẽ về Việt Nam làm việc”?

Trong lá thư này bố sẽ kể tóm lược con nghe một số sự thật về Việt Nam ngày nay. Bố sẽ trình bày thật đơn giản để con dễ hiểu vì dù sao con cũng lớn lên ở ngoại quốc nên vốn liếng tiếng Việt của con tuy cũng đã khá lắm, nhưng vẫn giới hạn nhiều.

Chắc hẳn những lần lái xe trên một số xa lộ hay những con đường chính, con đã nhìn thấy một bức hình thật lớn chụp một tù nhân Việt Nam bị một tên công an lực lưỡng mím môi, quàng tay qua miệng như muốn vặn cổ, bên dưới có hàng chữ ”Vietnam today”. Đó là cảnh linh mục Nguyễn Văn Lý không được quyền nói trước tòa án mà bị bịt miệng lại. Trên thế giới này, trong bất cứ xã hội văn minh và dân chủ thật sự nào liệu có thể xẩy ra cảnh tượng như vậy không? Ấy là tại tòa án, nơi một nghi can phải đương nhiên được quyền phát biểu ý kiến để bàu chữa mình mà còn vậy, thử hỏi ở các lãnh vực khác, làm gì ở Việt Nam có tự do ngôn luận? Ngay đến internet, một phương tiện quá ư phổ thông trên hoàn vũ cũng bị kìm kẹp gắt gao. Đặt thí dụ con đã làm việc ở Việt Nam, con bị cảnh sát theo dõi khi viết những e-mail hay lúc con đọc tin tức quốc tế, con chịu nổi không? Hơn nữa vì lớn lên ở ngoại quốc, con đã được hấp thụ một nền giáo dục nhân bản, một nền văn hóa phóng khoáng, sống trong một xã hội trọng nhân và dân quyền... nay liệu con có thể ”phục vụ” mà không được quyền phát biểu sáng kiến, thực thi khả năng cá nhân; con không được bày tỏ tư tưởng, nhận xét và đề nghị của con. Con chỉ có thể ”làm việc” như một con lừa, tuân theo chỉ thị và trong câm lặng, cúi đầu? Con mà làm trái, con sẽ bị đóng dấu ấn là phản động, nằm vùng để phá hoại chủ nghĩa và chế độ.

Bố còn nhớ một buổi tối lúc cả nhà cùng coi truyền hình, khi bản tin chiếu cảnh nữ luật sư Nguyễn Thị Công Nhân bị còng, con đã hỏi lý do. Bố kể rằng cô ấy chỉ đòi người dân phải được tự do thành lập nghiệp đoàn để bênh vực cho quyền lợi của công nhân. Con đã trợn mắt, gằn giọng nói gì đó trong cổ họng mà bố không nghe rõ, nhưng bố hiểu phản ứng của con, của tuổi trẻ và bố yêu vô cùng cái ”trợn mắt” của con.

Ngoài ra nói về báo chí, con biết không, Việt Nam hiện có 720 cơ quan báo chí nhưng do Nghị định số 37, tất cả báo chí đều chịu sự chỉ đạo, quản lý, kiểm duyệt chặt chẽ của Đảng. Bố biết con ham mê đọc sách báo, nhưng nếu ”làm việc” ở trong nước, con sẽ bị đần độn hóa bởi con chỉ ”được” thông tin một chiều. Đó là bố chưa kể các ”cục thông tin đối ngoại, cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, thông tin trên mạng... tiếp tục thuộc lãnh địa độc quyền của nhà nước”. Chắc con đọc tới đoạn này trong lá thư, bố đoán có thể con sẽ trầm ngâm nhưng rất thường là con nổi nóng như bao lần con vẫn tức giận trước những sự vô lý, áp chế và độc tài. Mà giận dữ như thế cũng phải thôi con ạ. Chính vì vậy mà ở trong nước hiện nay nhiều người, trong số đó không thiếu những người trẻ, ngang ngửa tuổi con, can đảm liều chết đứng lên tranh đấu cho công bình và tự do.

Nhân nói về những cuộc phản đối chính quyền, bố đoán là con đã được biết những vụ xuống đường ở trong nước, vì bố thấy trong thời gian gần đây con tỏ ra quan tâm đến một số nhật báo Việt ngữ ở địa phương mình. Trước hết phải kể đặc biệt giới trí thức và giới trẻ Việt Nam đã tố giác đảng CSVN dâng hai hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cho Trung quốc. Đọc lịch sử nước nhà, chắc chắn con đã biết tổ tiên Việt Nam qua bao thế kỷ đã không ngừng hy sinh xương máu để bảo vệ và xây dựng giang sơn gấm vóc.. Vậy mà đảng CSVN lại manh tâm cắt những phần của thân thể đất nước mà cống hiến cho ngoại bang. Là người Việt chân chính, ai mà không phẫn uất?

Đồng thời diễn ra những cảnh đám đông than khóc dưới ánh nắng chói chang hay trong khí lạnh buốt, trong đó có những ông già bà lão gầy ốm, những phụ nữ phờ phạc, những đứa trẻ hốc hác, nhem nhuốc. Họ là những người dân nghèo đi khiếu oan vì bị chính quyền địa phương chiếm đoạt nhà cửa, ruộng vườn.

Rồi trên khuôn viên của một số giáo xứ Công giáo ngoài Bắc, trước cổng một số ngôi chùa trong Nam... tín hữu và tu sĩ cùng sốt sắng cầu nguyện hoặc cùng đồng tâm tụng kinh. Con ngạc nhiên chứ? Không lạ đâu, con ạ. Chỉ bởi dưới chế độ cộng sản vô thần, người dân Việt Nam không được tự do tín ngưỡng, trong khi đó tài sản, đất đai của các giáo hội bị nhà nước tịch biên. Nay như ”tức nước vỡ bờ”, người dân đành phải dùng hình thức thiêng liêng, xin Ơn Trên hộ phù mà đứng lên đòi quyền sống về vật chất lẫn tinh thần.

Với con, một người đã sống trong một đất nước tự do và dân chủ, chắc chắn con hiểu các việc làm như trên của dân chúng là chính đáng. Ở đây đã nhiều lần con cũng đã đi biểu tình chẳng hạn để phản đối dự luật cho phép phá thai hay mới nhất việc tòa án tha bổng 3 cảnh sát nghi can đã bắn 50 phát đạn, gây cho một thanh niên da đen tử thương. Biểu tình là một quyền đương nhiên trong một nền dân chủ. Vậy mà rất nhiều người mà bố kể về các trường hợp điển hình trên đây đã bị công an bắt giam mà phần đông bị dẫn đi vào ban đêm, bị tống ngục hay thủ tiêu.

Thử hỏi, nếu về ”làm việc” ở Việt Nam, con vẫn theo bản tính thẳng thắn và tinh thần bất khuất của tuổi trẻ, theo những quyền tự nhiên mà con đã được giảng dạy ở ngoại quốc, con cũng cùng với người dân công khai nói lên nguyện vọng của mình, bênh vực lẽ phải, tranh đấu cho chính nghĩa... chắc chắn chính quyền không để con yên hay nói trắng ra họ sẽ có đủ mọi lý do để buộc con phải im tiếng vĩnh viễn

Mà thôi, tiếp đây, bố chỉ muốn nêu thêm một hiện tượng thực tế khác nữa hiện đầy dãy ở Việt Nam, thứ mà con vẫn kết án khi thấy xẩy ra ở các nước chậm tiến bên Phi châu. Tham nhũng! Bố tóm tắt thế này, ở Việt Nam nếu con biết đút lót tiền, mọi việc đều xong; ngược lại, con sẽ bị kẹt đủ điều, bị phiền nhiễu đủ mặt. Con vào bất cứ cơ quan nào, gặp từ một công nhân viên hạng thấp cho đến một viên chức cao cấp, ai cũng rất ”vô tư” trước hết đòi con chi tiền. Tốc độ và kết quả của công việc tùy thuộc ngân khoản lớn nhỏ con đưa - mà con cứ đưa một cách ngang nhiên chứ không cần lén lút hay kín đáo. Bởi đó là thứ văn hóa mới ở Việt Nam hiện nay.

Bố biết con đang nhăn mặt, bởi con không tưởng tượng nổi các tệ trạng ấy sao lại có thể tồn tại trong một quốc gia vốn mang danh có những ”bốn ngàn năm văn hiến”? Câu trả lời, theo bố, nằm ở điều 2 của Quyết nghị số 1481 (2006) của Quốc Hội Âu Châu (Parliamentary Assembly, Council of Europe): ”Những chế độ cộng sản độc tài đã nắm quyền tại Trung Âu và Đông Âu trong nửa thế kỷ vừa qua, và còn đang cầm quyền tại một số quốc gia trên thế giới, đã luôn luôn có đặc điểm là vi phạm nhân quyền hết sức trầm trọng. Những vi phạm này có khác biệt tùy theo văn hóa, quốc gia và giai đoạn lịch sử. Chúng bao gồm những vụ xử tử, ám sát cá nhân và tập thể, chết trong các trại tập trung, chết đói, lưu đầy, tra tấn, lao động khổ sai và những hình thức khủng bố thể xác tập thể, đàn áp trên căn bản sắc tộc hoặc tôn giáo, vi phạm quyền tự do của lương tri, tư tưởng và quyền diễn đạt tư tưởng, tự do báo chí, cũng như sự vắng bóng một nền chính trị đa nguyên.

Bố cũng muốn mượn những nhận định trên đây của Quốc Hội Âu Châu để tạm kết thúc lá thư này. Bố ước mong con luôn sáng suốt, khôn ngoan và mãi mãi giữ sáng ngọn lửa Việt Nam trong tâm hồn con.

Bố của con.