Tết ở miền Trung

Nấu bánh đón Tết.

Bánh chưng

Không giống miền Bắc tiễn Đông lạnh giá với bánh trưng, thịt mỡ, dưa hành; bếp lửa miền Trung náo nức chào Xuân với hương thơm của bánh tét, của dưa món, của nem chua, của tré, của thịt giầm bên cành mai vàng sắc nắng. Ngày Tết ở miền Trung, nhà ai dù mâm cao cỗ đầy với cao lương mỹ vị, vẫn không thể thiếu những món ăn dân dã này.

Chính người miền Trung cũng không giải thích được, tại sao phải có những thức khai vị kia mới là có Tết? Chỉ nhớ ngày bé, thấy ông, bà, cha, mẹ tuy nghèo, vẫn gắng ra chợ mua nắm lá dong, lạng thịt, cân gạo, ít củ quả, lo cho được mấy món truyền thống; trước để dâng cúng tổ tiên, sau để đàn con líu ríu, quây quần quanh mâm cơm tràn đầy hương Tết.

Ngày nay, khi gạo và thịt không còn là những thực phẩm cao cấp nữa, đĩa bánh tét, thịt giầm... vẫn xuất hiện trên bàn thờ, trong mâm cỗ mọi gia đình miền Trung ngày đầu năm mới, như nhịp cầu nối con cháu với tiên tổ, như thông điệp tỏ bày hồn quê, như sợi tình gắn người với người càng thêm bền chặt. Thế nên, người dân quen tằn tiện nơi mưa lắm, nắng nhiều ít tìm đến sự no nê khi ăn Tết; chỉ để cảm nhận cái hồn dân tộc.

Riêng tại Huế, món ăn truyền thống Tết, dù dung dị đến đâu, vẫn là những mỹ vị cao sang; đẹp và thơm ngon không kém các món cung đình nhờ bàn tay chế biến công phu, tinh tế của phụ nữ xứ sông Hương, núi Ngự. Bánh tét xanh thẫm và dậy hương nếp cái nhờ nước cốt lá ngót ngâm gạo, bò bắp giầm nước mắm thái lát mỏng tang như tàu lá màu nâu tươi, ăn kèm những miếng dưa món chua chua, ngọt ngọt, sắc màu tươi thắm ngâm trong thẩu nước trong vắt như hổ phách. Vị chát của chuối, vị chua cay của vả ngâm giấm gừng cùng vị ngọt béo của món ăn ngày Tết làm cho người kém ăn nhất cũng phải ứa nước miếng.

Văn hóa, trong đó có văn hóa ẩm thực, luôn biến thiên, luôn thở chung hơi thở phập phồng thời đại... Tuy vậy, Tết vẫn là dịp văn hóa dân tộc được thể hiện đậm nét, nhiều món sang món quý được phục hồi và phát triển.

(Internet)