TIẾNG NÓI PHỤC HƯNG VIỆT NAM phỏng vấn Nhà báo NGUYỄN MINH CẦN

Lời giới thiệu: Ngày 2/12/2007, Trung Cộng hợp thức hóa việc lấn chiếm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa bằng cách thành lập huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam để quản trị các quần đảo này. Trước hành động ngang ngược này, nhà cầm quyền CSVN chỉ phản đối lấy lệ. Sự kiện này đã gây một làn sóng phẫn nộ tại Việt Nam cũng như trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Để tìm hiểu về ý nghĩa và hậu quả của biến cố quan trọng này, TIẾNG NÓI PHỤC HƯNG VIỆT NAM đã phỏng vấn nhà báo Nguyễn Minh Cần, một người tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền trong nhiều thập niên qua. Ông Nguyễn Minh Cần từng giữ nhiệm vụ phó chủ tịch Ủy ban Hành chánh thành phố Hà Nội nhưng đã ly khai đảng CSVN từ đầu thập niên 1960 và hiện đang cư ngụ tại Mạc Tư Khoa, Liên bang Nga. Sau đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn do ĐPV QUANG DŨNG thực hiện và được phát trong chương trình TNPHVN 10 giờ tối (giờ Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ) ngày Thứ Năm, 3 tháng 1, 2008.

Quang Dũng (QD): Quang Dũng xin chào ông Nguyễn Minh Cần. Thưa ông, theo ông thì qua những diễn biến xung quanh vụ Hoàng Sa và Trường Sa đâu là ý nghĩa mà chúng ta đáng chú ý nhất?

Ông Nguyễn Minh Cần (NMC): Vâng, tôi xin nói rõ là vụ xảy ra vừa qua xung quanh vấn đề Trường Sa và Hoàng Sa cho chúng ta thấy mấy điều như thế này.

Thứ nhất là mưu đồ xâm lược của những người cầm quyền TQ hiện nay là rất thâm độc, trắng trợn và xấc xược đối với Việt Nam ta qua sự việc Quốc vụ viện của TQ đã phê chuẩn vào ngày 2/12/2007 việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện gọi là Tam Sa thuộc tình Hải Nam để quản trị các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thực ra các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn là của đất nước Việt Nam từ lâu đời. Thế mà ngay cả dưới chính quyền của những người cộng sản Việt Nam hồi những năm 50, Trung Quốc mặc dù lúc bấy giờ có quan hệ gọi là hữu nghị với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) và đảng CSVN dưới tên Đảng Lao Động Việt Nam. Mặc dù có quan hệ hữu nghị như vậy nhưng ngay từ đó họ đã âm mưu để xâm chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta. Chắc là đồng bào Việt Nam chúng ta không quên là hồi tháng 6/1956 dưới thời ông Hồ Chí Minh là chủ tịch đảng CSVN đồng thời là chủ tịch nước Việt Nam, thì thứ trưởng Bộ ngoại giao của VNDCCH là Ung Văn Khiêm đã tuyên bố công nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về lãnh thổ của TQ. Và đặc biệt là ngày 14/9/1958 cũng dưới thời ông HCM, thủ tướng Phạm Văn Đồng của nước VNDCCH đã gửi một công hàm chính thức cho thủ tướng của TQ là Chu Ân Lai trong đó công nhận phạm vi lãnh hải của TQ [>>> bấm vào đây để xem "Công hàm bán nước của CS"], do vậy gián tiếp công nhận chủ quyền của TQ trong vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng ta thấy rằng ngay dưới thời VNDCCH mà TQ tự coi mình là bạn của VNDCCH cũng đã có những hành vi, âm mưu để lấn chiếm các quần đảo của chúng ta. Và như quý vị đã biết là hồi năm 1974 khi đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang còn ở dưới quyền của Việt Nam Cộng Hòa thì quân đội của TQ cộng sản đã được đưa đến để tấn công đánh chiếm Hoàng Sa. Và quân đội của VNCH đã anh dũng kháng cự lại nhưng vô vọng là vì quân lực của hai bên quá chênh lệch. Trong lúc đó thì những người lãnh đạo của VNDCCH im hơi lặng tiếng trước hành động xâm lược của TQ. Và sau khi Việt Nam được thống nhất thì chúng ta thấy hành động của TQ càng ngày càng trắng trợn hơn. Như vụ đánh chiếm lấy một số đảo ở Trường Sa cũng chính dưới thời gọi là CHXHCNVN. Rồi những vụ bắn giết các ngư dân gần đây thì cũng dưới thời kỳ mà TQ và đảng CSTQ và đảng CSVN tuyên bố với nhau là hữu nghị, thân hữu, vv… Ta thấy hành động của họ trắng trợn, xấc xược vô cùng.

Một nhận xét thứ hai là hành động xâm lược sẽ không dừng lại ở đó đâu mà nó sẽ tiếp diễn nữa. Và âm mưu lâu dài của TQ là làm thế nào thống trị Việt Nam. Điều đó để mở đường cho họ tiến chiếm Đông Nam Á. Đó là mục tiêu trước mắt của họ để họ giành chủ quyền toàn bộ biển Đông.

Nhận xét thứ ba mà tôi thấy qua vụ việc vừa qua, điều rất đáng buồn là trước những hành động trắng trợn như vậy thì những người cầm quyền Việt Nam -kể cả những người cầm quyền VNDCCH trước đây cho đến những người cầm quyền CHXHCNVN bây giờ - đã có thái độ nhu nhược, nhân nhượng quá đáng. Chúng ta đã biết hiệp định phân định biên giới và lãnh hải ký hồi những năm 1999 và 2000 các nhà cầm quyền nước ta đã nhường một phần lãnh thổ và một diện tích lớn của lãnh hải nước ta cho TQ. Nhiều người gọi thái độ đó là thái độ dâng một phần đất nước của chúng ta cho TQ. Theo tôi, nhận định đó không phải là quá đáng. Chính những nhân nhượng dưới thời ông HCM với những tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng, với thái độ của các ông này trước cuộc xâm lăng Hoàng Sa và cũng như thái độ của các vị Tổng bí thư sau này như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh trước sức ép của TQ và trước vụ Tam Sa vừa qua thì ta thấy rằng Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nước im hơi lặng tiếng. Trong lúc đó đồng bào của chúng ta phẫn nộ, sinh viên, trí thức, các nhà báo cũng phẫn nộ đấu tranh. Những cuộc biểu tình vừa qua nhất là cuộc biểu tình ngày 9/12 cho chúng ta thấy lòng dân phẫn uất như thế nào trước hành động láo xược của TQ và đồng thời họ cảm thấy nhục nhã như thế nào trước thái độ đê hèn của những người lãnh đạo Việt Nam. Đó là điều đập vô mắt tất cả mọi người, đập vô mắt các nhà quan sát trên thế giới.

Hơn nữa, những cuộc biểu tình tiếp tục về sau này chẳng hạn như cuộc biểu tình ngày 23/12 vừa qua lại là cuộc biểu tình bị những người cầm quyền VN đàn áp. Người dân phẫn nộ trước hành động xâm lăng của nước ngoài, phẫn nộ vì công an của đảng cộng sản Việt Nam ngăn cản, đàn áp và thậm chí có những vụ bắt bớ, cách chức tổng biên tập báo đã cổ vũ cho cuộc đấu tranh đó.

Còn gì để có thể nói về thái độ của những người cầm quyền Việt Nam nữa. Đấy là một thái độ có tính cách đầu hàng, có tính cách chống lại nhân dân – những người dân cương quyết bảo vệ Tổ Quốc chính lại là những đối tượng đấu tranh của họ. Ở đây chúng ta thấy rằng những người lãnh đạo Việt Nam bây giờ lại sợ phong trào của dân chúng hơn là sợ việc mất nước của chúng ta. Đấy là điều mà tôi thấy là chúng ta cần phải rút ra, để thấy rằng những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay - những người cộng sản nắm toàn trị đất nước - họ đã quay lưng lại với dân tộc, với những người đấu tranh để bảo vệ chủ quyền của nước ta.

Cho nên chính lúc này bà con chúng ta nhắc lại bài hát mà hồi trước cách mạng Tháng 8 nhiều sinh viên đã hát, là bài hát về Hội nghị Diên Hồng: ‘Toàn dân nghe chăng, Sơn Hà nguy biến…’ Chính giờ đây mọi người trí thức, mọi người tâm huyết đối với Tổ Quốc cần phải nghĩ rằng Sơn Hà đang nguy biến thật. Cần nghĩ như vậy, nói thế không quá đáng đâu. Vừa qua, để giảm bớt tinh thần căm tức của dân cho nên người ta tung ra một tin là ở tỉnh Nam Hải của TQ loan báo rằng không có chuyện thành lập thành phố hành chính Tam Sa đâu. Có tờ báo trong nước đã đưa tin và nói đó là công lao đấu tranh của chính phủ, của đảng, của nhà nước chúng ta. Nhưng xin thưa rằng đấy là một sự lừa bịp. Địa phương tỉnh Nam Hải không thể đưa ra một quyết định nào trong lúc Quốc vụ viện của TQ đã có quyết định phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chánh vào ngày 2/12/2007. Cho nên họ đưa ra một cái tin như vậy là chính để xoa dịu tinh thần căm phẫn của nhân dân Việt Nam chúng ta.

QD: Thưa ông, những ngày qua thì người ta nói nhiều về công hàm do ông Phạm Văn Đồng ký ngày 14/9/1958 gọi đó là công hàm bán nước. Thời gian năm 1958 ông còn ở Hà Nội và giữ một chức vụ cao cấp cho chính quyền ở miền Bắc. Xin ông cho biết lúc đó ông có biết lý do gì mà đảng CSVN đã quyết định ký công hàm này ạ?

NMC: Lúc bấy giờ việc ký công hàm này người ta gởi cho Quốc vụ viện của TQ nhưng không công bố trên báo chí. Đó là chủ ý của người ta bởi vì họ cũng biết rằng công hàm này rất xúc phạm đến lòng dân. Đó là điều mà tôi muốn nói rõ. Mãi về sau này thì mới lộ ra công hàm đó. Khi đặt vấn đề đấu tranh để nói rõ rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam thì TQ mới công bố rằng chính trước đây dưới thời VNDCCH chính thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có công hàm như vậy rồi. Lúc bấy giờ người dân mới vỡ lẽ ra.

Điều thứ hai, theo tôi, lúc bấy giờ những người lãnh đạo Việt Nam từ ông Hồ Chí Minh cho đến thủ tướng và các cơ quan đảng và nhà nước cảm thấy rằng phải dựa vào TQ mới có thể giữ được chính quyền trước mắt cho VNDCCH. Và để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh Nam-Bắc thì phải dựa vào TQ cho nên mới có những sự nhân nhượng như vậy. Tôi không nghĩ rằng ông Hồ Chí Minh hay ông Phạm Văn Đồng hay những ông khác muốn bán nước, tôi không kết luận như vậy, nhưng hành động của họ như vậy tức là nhượng một phần chủ quyền của đất nước, của tổ quốc cho ngoại bang. Mà cái đó cũng là một tội không kém gì tội bán nước. Đó là sự nhân nhượng có tính chất cực kỳ nguy hiểm đối với tổ quốc.

QD: Thưa ông, trước những diễn biến mà ông phân tích, theo ông thì người Việt Nam yêu nước phải làm gì?

NCM: Ở đây thì chúng ta thấy có một tình hình rất đặc biệt. Cũng có thể đây là một tình thế mới khi tinh thần dân tộc của một bộ phận tiên tiến nhất của đất nước là những người trí thức, những sinh viên tuổi trẻ bộc phát lên như vậy và họ thấy rõ bộ mặt thật của những ai đã nhân nhượng, những ai đã làm hại đất nước, tổ quốc. Thì đây là một cơ hội rất quan trọng mà chúng ta phải suy nghĩ. Có một điều đặc biệt là bây giờ nếu tinh thần dân tộc đó kết hợp được với ý thức dân chủ, ý thức đòi tự do làm một khối, làm một luồng tư tưởng chung của cả đất nước, của cả dân tộc thì cái đó sẽ tạo nên một sức mạnh rất lớn, nó sẽ là một sức mạnh tổng hợp của toàn dân không những trong nước mà cả ngoài nước. Cả hai bên đều kết thuận với nhau thì sức mạnh này có khả năng thúc đẩy phong trào tiến lên một cách mạnh mẽ trong một tình thế mới.

Vừa qua phong trào dân chủ bị đàn áp một cách nặng nề nhưng bây giờ có một thời cơ mới, có một cơ hội mới, có một khả năng kết hợp mới dựa trên tinh thần dân tộc và tinh thần yêu chuộng dân chủ tự do. Kết hợp đó sẽ là sức mạnh lớn để có thể chuyển hóa chế độ độc tài toàn trị của đảng cộng sản thành một chế độ dân chủ đa đảng. Điều này là điều mà những người yêu nước cũng như những người dân chủ cần thấy rõ và cần phải biết lợi dụng cơ hội này để đẩy phong trào tiến lên. Tôi nghĩ rằng với tinh thần này, nếu chúng ta đừng để cho những xu hướng thỏa hiệp mà hiện nay cũng đã thấy rõ trên nhiều lãnh vực, cả lãnh vực chính trị, cả lãnh vực tôn giáo… đừng để cho xu hướng thỏa hiệp với tập đoàn cầm quyền toàn trị mà cố gắng vận động dân chúng từ bên dưới, từ cơ sở giữ gìn tổ chức, phong trào của mình để đẩy phong trào của mình lên mạnh hơn nữa.

Tôi nghĩ rằng trong năm mới sẽ có nhiều cơ hội mới để chúng ta phát động phong trào dân chủ tiến lên cao hơn. Đó là tôi nghĩ về hy vọng và cũng như tiền đồ. Nếu chúng ta nắm được cái đó thì phong trào sắp tới sẽ có thể có nhiều thành tựu mới hơn nữa. Đó là điều mà tôi rất mong những người yêu nước Việt Nam, những người dân chủ Việt Nam, những người mong muốn chuyển hóa chế độ độc tài toàn trị cộng sản hiện nay thành một chế độ dân chủ đa đảng thật sự thì đừng bỏ qua cơ hội này để tiến lên. Đó là điều mong muốn nhất.

Nhân dịp này thì tôi cũng xin chúc quý đài cũng như quý thính giả của đài một năm mới nhiều may mắn và nhiều thành tựu trong phong trào dân chủ hóa đất nước hơn nữa.

QD: Thay mặt quý thính giả của chương trình TN/PHVN, Quang Dũng xin chân thành cám ơn nhà báo Nguyễn Minh Cần đã dành thời giờ trao đổi với Quang Dũng về ý nghĩa của biến cố "Hoàng Sa - Trường Sa".

 

>>> Tài liệu đính kèm: Công hàm bán nước của Cộng sản VN

* TIẾNG NÓI PHỤC HƯNG VIỆT NAM, phát thanh mỗi Thứ Năm hàng tuần vào 10 giờ tối (giờ Hoa Thịnh Đốn) trên tần số của Hệ Thống Đài Phát Thanh VIỆT NAM HẢI NGOẠI. Thính giả có thể nghe lại các buổi phát thanh nầy trong website http://www.phvn.org/