Trước đây 4 năm, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tập đoàn lãnh đạo Vietcong đã không để lỡ cơ hội tuyên truyền và cho xây một tượng đài để đời, lớn nhất VN, cao 12,6m, nặng 220 tấn, đúc bằng đồng, toạ trên đồi D1, giữa trung tâm tỉnh Điện Biên, được “Hội đồng Nghệ thuật Trung ương đánh giá là công trình hoành tráng có tính thẩm mỹ cao, đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật và chất lượng”. Vậy mà chỉ chưa đầy 3 tháng sau ngày khánh thành 30-4-04, người ta đã phát hiện ra là “hầu như toàn bộ công trình đã hư hỏng nghiêm trọng”. Phần kè chân tượng bị lún nứt, vì các đơn vị thi công làm ăn quá ẩu tả, xây nền không thèm khảo cứu địa chất và làm kè móng vô cùng mong manh dù tượng đài rất to và nặng. Sau khi nền móng sửa chữa lại xong, thì người ta liền phát hiện là tượng đồng đã bị rạn nứt, ra “trên khối tượng có hàng chục điểm nứt và sùi ra những thứ màu như gạch cua tạo thành vệt xanh nham nhở. Cả khối tượng đồng như bị ai đó dùng sơn xanh vẩy lên”. Đồng được dùng để đúc bị nghi ngờ là đồ phế liệu. Còn đế tượng được ốp đá hoa cương cũng bạc màu. Lý do là thay vì chọn các viên đá cùng màu cho hợp, người làm đã lấy đại đá màu khác nhau, xong rồi sơn lại các chỗ sai. Nhiều viên đá không biết xây xiếc thế nào, mà chưa đầy 3 năm đã bị sút ra, ốp đi ốp lại không đều, nghe tộng bộng mỗi khi có ai lấy tay gõ trên đó…

Nhìn Nguyễn Tấn Dũng ngày nay -2 năm sau khi được Bộ chính trị ĐCS chỉ định lên làm thủ tướng- người ta không thể không liên tưởng đến cái tượng đài “vĩ đại và hoành tráng” ở ĐBP: Nước sơn đã tróc.

Người dân trong nước chưa ai quên các lời hứa hẹn của Dũng khi mới nhậm chức: Rằng sẽ chống tham nhũng tới cùng, sẽ xử nghiêm vụ PMU 18 trong 10 tháng, vụ sập cầu Cần Thơ trong 90 ngày, vụ Nguyễn Lâm Thái, vụ cảng Dung Quất, vân vân và vân vân. Và ngày nay? Nguyễn Lâm Thái (cấu kết với 30, 40 cán bộ cao cấp bưu điện khắp nước để ăn cắp ngân quỹ quốc gia bằng hoá đơn giả và gian thuế) thay vì bị xử chung thân như công tố viện đòi, thì “được” lãnh 26 năm tù, còn các tòng phạm thuộc thành phần cán bộ cao cấp thì bị xử 1-2 năm tù cho vui cửa vui nhà. Vụ cầu Cần Thơ sập làm chết hơn 50 người và bị thương gần 100 người khác vì dùng chất liệu thi công thiếu an toàn, nhưng bản kết quả điều tra chỉ được trình cho thủ tướng biết, không công bố ra ngoài. Lý do vì sao không công bố thì công luận không cần biết. Và mấy trăm tờ báo CS trong nước cũng thấy không có nhu cầu tìm hiểu lý do. Còn trong vụ PMU 18 thì CSVN hoàn toàn khinh thường trí thông minh của 80 triệu người dân trong nước cũng như khinh thường công lý. Con bạc triệu đô Bùi Tiến Dũng không bị xử vì tội tham nhũng, mà chỉ bị kết tội đánh bạc. Nguyễn Việt Tiến (cựu thứ trưởng, trước đó từng làm giám đốc PMU 18 nhiều năm) đã được miễn tố, sau đó còn được phục hồi sinh hoạt đảng và còn đang vận động để được phục hồi chức vụ (!) Tướng Cao Ngọc Oánh (một tướng CA bị tố chạy án cho băng cán bộ tham nhũng PMU 18) vừa được thăng lên trung tướng. Trong khi các sĩ quan điều tra vụ tham nhũng động trời này là tướng Phạm Xuân Quắc và thượng tá Đinh Văn Huynh thì bị truy tố. Hai nhà báo viết phóng sự vụ tham nhũng này là Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải lại bị tống giam và giải toà. Nước sơn thực sự đã tróc. Và tróc một cách thê thảm và nhanh chóng.

Người ta còn nhớ những vẻ mặt vênh váo của tập đoàn cầm quyền tại Hội nghị APEC Hà Nội hay trong ngày được vào WTO, khi VN được xem như “con hổ đang chực nhảy” hay “the next China” với một nền kinh tế tăng trưởng khoảng 8% mỗi năm, với thị trường chứng khoán lên vù vù và thị trường địa ốc bung ra. Hoặc được xem như là “gương mẫu cho Bắc Hàn, Cuba” với chính sách “xóa đói giảm nghèo” v.v… Nhưng chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, bong bóng thị trường chứng khoán nổ lốp đốp từ chỉ số VnIndex 1100 điểm nay còn khoảng 360 điểm. Bao nhiêu cán bộ đảng viên đem tiền tham nhũng đi “chơi chứng khoán” để rửa tiền, nay mất chỉ còn lại một phần ba trị giá. Thị trường địa ốc VN với giá nhà giá đất trên mây trên khói, nay cũng theo đó mà xì hơi từng ngày. Mức lạm phát trong nước đã lên tới 27% (!) trong tháng 6 này. Cán cân thương mại thâm hụt gấp 3 lần năm ngoái. Trong 5 tháng đầu năm, VN thiếu hụt 14,5 tỷ USD, so với 4 tỷ trong cùng thời gian năm ngoái. Các chuyên gia kinh tế chiết tính cho cả năm 2008 này, thì cán cân thương mại VN sẽ hụt 25 tỷ USD, trong khi đó số dự trữ quốc gia là 21 tỷ USD (được bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng nhà nước công bố ngày 19-6 vừa qua). Quang cảnh “kinh tế vĩ mô” (theo từ chuyên môn trong nước) tệ bại này đang làm điêu đứng nhân dân trong nước, nhất là các thành phần có đồng lương cố định, ba cọc ba đồng. Các loạt đình công đòi tăng lương của hàng ngàn, hàng chục ngàn người (như 20 ngàn công nhân của công ti Ching Luh, Long An, đầu tháng 4 vừa qua) là hệ quả tất nhiên mà thôi.

Trong bối cảnh tụt dốc kinh tế đó của VN nên trong chuyến công du Mỹ từ 23 đến 26-6 qua, phái đoàn Nguyễn Tấn Dũng có một điểm chương trình là đến gặp riêng ông Allen Greenspan, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ, làm ra vẻ như Lưu Bị đến cho được Long Trung để tìm Khổng Minh Gia Cát Lượng (tam cố thảo lư). Ông Greenspan là một chuyên gia tài chính tài giỏi và dạn dày kinh nghiệm, nhưng những lời khuyên của ông đối với kinh tế VN trong một tiếng đồng hồ có lẽ cũng chẳng có gì mới hơn hay đầy đủ hơn là bản Báo cáo của các chuyên gia thuộc Đại học Harvard (mang tên là “Lựa chọn thành công”) trong đó họ đã đưa những đề nghị vô cùng rõ ràng và chi tiết cho chiến lược phát triển kinh tế cho VN 2010-2020, đã trao tận tay Nguyễn Tấn Dũng hồi đầu năm nay.

Nhưng nếu nghe cho kỹ các lời khuyên răn của ông Greenspan hay đọc bản nghiên cứu của nhóm Harvard, thì đó là các đề nghị phải cải tổ cả hệ thống chính trị, chứ không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà thôi: Minh bạch hóa các quy định về đất đai, giải tán các Tổng công ty (tức là các xí nghiệp quốc doanh) và thận trọng với các tập đoàn nhà nước (mà CSVN ví von là các “Anh cả” trong kinh tế), hỗ trợ khu vực dân doanh, biến Ngân hàng Nhà nước VN thành một ngân hàng trung ương thực thụ (nghĩa là độc lập trên các phương diện cơ bản, như về tài chính, nhân sự, công cụ và mục tiêu, chứ không phải là cánh tay dài của Nhà nước như hiện nay), chính phủ phải tích cực khuyến khích những tiếng nói phản biện và phê phán có tính xây dựng, đồng thời chấp nhận những ý kiến khác, đẩy mạnh giám sát từ bên ngoài (như từ báo chí tự do), v.v.

Nghe những đề nghị lương thiện và chính đáng này, rồi nhìn những hành động đàn áp lỗ mãng đối với các Luật sư Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài cùng các anh chị em nhiệt thành thuộc Khối 8406, hay đối với các Đại lão Hoà thượng Huyền Quang và Quảng Độ cùng với Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất,… thì người ta mới hiểu thấm thía câu tục ngữ “nước đổ đầu vịt”.

Cho nên, tam cố thảo lư thì cứ tam cố, nhưng kinh tế tuột dốc thì cứ tuột dốc..