WHO cảnh báo dịch cúm toàn cầu

Tin đài BBC

15 Tháng 12 2004 - Cập nhật 13h16 GMT


Tại một hội nghị tuần này ở Geneve, Tổ chức Y tế Thế giới WHO nói câu hỏi về dịch cúm toàn cầu giờ đây không phải là có xảy ra không, mà vấn đề chỉ là thời gian.

Lần cuối cùng dịch xảy ra là năm 1968, và một cơn dịch khác là không tránh khỏi.

WHO ước tính con số tử vong khoảng từ 2 đến 7 triệu người, nhưng con số này còn có thể cao hơn, tối đa có thể tới 50 triệu người, phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm của dịch bệnh.

Đó là vì sao cúm gia cầm - hiện vẫn đang lây lan ở Á châu - gây nhiều quan ngại.

Virút gây cúm gia cầm H5N1 đã lây qua cho người, và hậu quả có thể trở nên kinh khủng nếu nó biến hóa để lây từ người sang người.

Theo các chuyên gia, nếu điều đó xảy ra, cúm gia cầm có thể lây lan ra khắp thế giới chỉ trong vài tháng.

Hiện chưa có vaccine chống lại cúm gia cầm, nhưng đã có một loại thuốc chống virút để trị.

WHO cảnh báo các nước phải chuẩn bị các biện pháp đối phó với số lượng lớn người nhiễm bệnh một khi có dịch.

Riêng tại Anh chính phủ đã giao cho cơ quan y tế theo dõi diễn tiến của vrút cúm năm nay.

Giáo sư Maria Zambon thuộc cơ quan quản lý các phòng thí nghiệm lo sợ có loại virút mới.

"Chúng tôi lo rằng một trận dịch mới có thể như động đất cấp 10 theo địa chấn kế Richter do virút mới tấn công con người và gây nhiều tử vong trên toàn cầu."

"Chúng tôi đặc biệt sợ cho giới trẻ vì nếu xảy ra, hoạt động của xã hội sẽ bị gián đoạn," giáo sư Zambon nói.

Đài BBC biết được chính phủ Anh đã lên các kế hoạch khẩn cấp để bảo vệ công chúng nếu xảy ra dịch cúm toàn cầu.

Các biện pháp gồm có cách ly gia đình của nạn nhân, hạn chế đi lại, xét nghiệm tại các cửa khẩu, đình hoãn các trận thi đấu thể thao, đóng cửa trường học, tất cả để làm chậm mức độ lây lan của virút.

Thực ra nếu được điều trị sớm đủ người ta có thể chặn đứng được cúm gà bằng một loại thuốc chống virút đã có.

Nhưng giáo sư John Oxford thuộc trường y khoa Queen Mary ở Luân Đôn cho biết chưa có nước nào dự trữ loại thuốc đó.

"Nghe như là người ta không chịu suy nghĩ và chẳng thèm làm gì hết, bởi vì nếu đã biết thuốc công hiệu thì tại sao người ta không dự trữ đề phòng khi dịch nổ ra thì có mà bảo vệ dân kia chứ?"

 

Trở lại trang chánh