HÌNH PHẠT TRÊN RUỘNG BẮP (JUDGMENT IN THE CORNFIELD)

Khi đứa trẻ lầm lỗi, có nên roi đòn trừng phạt hay trách mắng thẳng thét không? Trẻ con nên phạt bằng cách nào? Trực tiếp hay gián tiếp? Có lẽ cũng nên tùy theo tâm tính của trẻ. Giữa đứa ương ngạnh với đứa đa cảm, dễ xúc động nên có cách khác nhau. Và chọn lựa cách nào lại còn tùy thuộc tính tình người lớn nữa. Trong câu chuyện của Ernest Shubird, đứa trẻ và người lớn đều là những tâm hồn mỏng manh, dịu dàng, và do đó, cách răn dạy hiệu quả lại là con đường gián tiếp.

Buổi sáng mùa hè nóng bức hôm đó tôi đã mất hết mọi ý niệm về thời gian khi đứng tì người lên cán cuốc và mặc cho trí tưởng tượng rong chơi bay nhảy. Rồi tôi bất chợt thấy nội đang băng qua cánh đồng đi tới, bước rảo giữa những hàng bắp, một thanh roi dài vung vẩy trong tay. Tôi nghĩ: Mình lãnh đủ rồi!

Mùa hè năm ấy tôi mười một tuổi, những khốn khó của thời kỳ kinh tế suy thoái những năm ba mươi hãy còn đeo đẳng ở bang Tennessee. Vì bố đã được thuê đi làm đường sá, nội cáng đáng hầu hết mọi chuyện đồng áng để cả nhà có được trái bắp củ khoai, cọng rau hạt đậu, cũng như những đồng bạc từ tiền công người ta trả cho bố. Vào buổi sáng hôm ấy, tôi có nhiệm vụ giúp nội cuốc sạch cỏ dại ở ruộng bắp. Bố dặn nội: “Ông đừng để cho cháu phí phạm thời gian. Nếu cần thì ông cứ đét đít nó. Mới rồi nó đã đổ lười ra đấy.”

Nhưng tôi biết nội. Nội chẳng bao giờ lấy roi quất mấy con la như nhiều người đã làm; nội chưa hề đánh đòn ai, thật vậy, thậm chí chưa từng phạt lấy một đứa cháu om sòm nghịch ngợm nào, khi nó cầm hòn đất, lõi ngô ném vào đàn gà đang bới tìm giun, bọ trong đất ruộng đã cày xong. Và nội là một trong số ít đàn ông mà tôi đã có lần nhìn thấy lúc họ khóc. Nội khóc khi Bruce, con chó chăn cừu của chúng tôi, bị rắn cắn suýt chết, và đã khóc khi con la bị hàng rào kẽm gai móc cho rách thịt toác da. Khi tôi hỏi tại sao thỉnh thoảng mắt nội ướt lệ, nội đáp: “Đôi khi khóc cũng tốt vậy. Kinh Thánh bảo chúng ta rằng Chúa Giê Xu đã khóc mà.”

Sau khi cưới vợ, nội đi nhà thờ và lấy đó làm một phần đời mình. Bà tôi kể có lần Chúa đã giúp nội chế ngự được tính nóng giận xấu xa và khiến cho nội có được tình cảm dịu dàng đối với người cũng như vật. Tôi thường không hiểu tại sao những người đang ngồi xổm bên ngoài nhà thờ vẫn hay đứng dậy bắt tay chào nội. Một trong những khoảnh khắc đầy ấn tượng của thời thơ ấu là lúc tôi nghe lỏm nội nói với một người khách rằng tôi có thể sẽ trở nên đứa cháu ngoan nhất của nội bởi vì tôi quan tâm tới “những việc thuộc về tâm hồn”.

Nhưng “những việc thuộc về tâm hồn” đã chế ngự tôi buổi sáng hôm đó. Trong lúc đứng tì người lên cán cuốc, thỉnh thoảng đập mấy con ong, tâm trí tôi ở tận đằng con suối nơi tôi đang có kế hoạch đắp một cái đập chắn ngang dòng nước ở một đoạn hẹp. Tôi sẽ đắp đập bằng bùn, lá cây và sỏi đá, và rồi làm những con thuyền bằng nắp thùng và hộp thuốc xì gà cũ và có một đội chiến thuyền nằm ngoài biển khơi. Đắm chìm trong dự án xây dựng, tôi thậm chí chẳng nhận ra nội đã ngưng giọng hò hét con la ở miếng ruộng bên cạnh. Tôi bắt đầu ráng hết sức cuốc lấy cuốc để, không dám ngẩng lên nhìn khi tôi nghe bước chân đạp trên đất cày và tiếng xào xạc của những thân bắp cọ vào chân nội.

Nội dịu dàng bảo: “Đợi một chút, cháu. Cây cuốc của cháu sáng nay làm ăn ra sao rồi?”

“Thưa nội, tốt ạ.”

“Nội không nghĩ vậy. Đưa nội coi đi cháu.”

Tôi đưa nội cây cuốc có cán ngắn mà nội đã tra vào để đặc biệt dành cho tôi, và nội dang thẳng tay cầm nó, bắt đầu nói chuyện với nó.

“Cuốc nè, tao gởi mày ra đây sáng nay với cháu tao để cuốc cỏ dại trên đám ruộng bắp này. Mày biết là mùa thu này tụi tao cần bắp mà. Nhưng mày không chịu cuốc. Bây giờ tao phải uốn nắn mày một chút để mày còn giúp đỡ cháu tao chớ.”

Thế rồi nội đánh đòn cái cán cuốc cho tới khi cây roi bị gãy oặt xuống. Nội đưa trả lại tôi cây cuốc, nói: “Nội tin rằng lần này nó sẽ làm việc tốt hơn đấy, cháu ạ.”

“Dạ, nó sẽ làm việc tốt hơn nhiều nội ơi. Con nghĩ là nó sẽ làm tốt.” Tôi cả quyết với nội trong lúc bắt đầu cuốc đám cỏ dại với một sức lực mà trước đó tôi chưa bao giờ biết tới.

Nội quay lưng bước đi. Được mấy bước thì dừng chân ngoái lại nhìn, nước mắt lưng tròng. “Nội đã bảo mẹ cháu là hôm nay cháu sẽ ăn chung với ông bà. Vậy thì đừng trễ nãi nhé. Bà đang làm cho ông cháu mình một ổ bánh anh đào to tướng, và nếu ông cháu mình không có mặt ở bàn ăn đúng giờ thì bà sẽ bực mình đấy, cháu ạ.”

08-7-1996

Dũ Lan Lê Anh Dũng dịch