GỞI LẠI CHO ĐỜI (THE GIFTS OF GREGORY MENN)

Donate Life

Em ra đi đột ngột. Tôn trọng tâm nguyện của con trai, cha mẹ em đã ý thức biến nỗi đau thương, mất mát không gì bù đắp được của riêng gia đình trở thành niềm hạnh phúc to tát bất ngờ chung cho rất nhiều người khác, những người họ chưa từng một lần nghe tên hay biết mặt. Ngày em ra đi, không phải là em đã lìa bỏ hình hài thể xác, vì đó chính là lúc em đã san sẻ mảnh đời mình để trao gởi lại những người đang sống. Cả nước Ý bàng hoàng mang ơn em, vì sự hy hiến của em đã làm thay đổi một lề lối cũ kỹ từ bao năm trước trên quê hương ấy. Đây là chuyện kể của JOSEPH P. BLANK.

Gian phòng u buồn của một bệnh viện ở thành Naples, nước Ý. Trên giường, cậu bé người Mỹ mười sáu tuổi, tóc nâu, tay chân lòng khòng. Miệng cậu cắm ống thở. Qua đó, máy giúp thở bơm và hút dưỡng khí vào ra buồng phổi, giữ cho cậu còn sống. Nhìn vào đôi mắt vô hồn của con trai, người cha nói với các bác sĩ: “Xin tắt máy. Hãy để con tôi đi.”

Những hạt lệ long lanh trong mắt hai thầy thuốc. Một người đáp: “Chúng tôi không thể. Nó trái với lương tâm chúng tôi.”

Đối với gia đình ông Menn, người thành phố Appleton, bang Wisconsin, chuyến đi đến Naples đã khởi đầu như một kỳ nghỉ tuyệt vời vào tháng 12 năm ngoái.[1] John Menn, một luật sư năm mươi lăm tuổi, cùng vợ là Nell với hai con trai là Jonathan, mười bảy, và Gregory, mười sáu, bao lâu nay từng muốn thăm nước Ý. Họ có ba ngày vui thú ngắm cảnh thành Rome. Thế rồi, buổi chiều ngày 31 tháng 12, John thuê một chiếc xe và ung dung chở cả nhà xuôi về nam để đến thành Naples. Một cuộc hành trình ngập tràn tiếng cười đùa vui nhộn.

Hai vợ chồng yêu thích những kỳ nghỉ của gia đình. Họ luôn luôn cảm thấy rằng có mặt bên các con là điều quan trọng vì lẽ “bọn trẻ chỉ ở cạnh mình chẳng được bao lâu; rồi chúng sẽ vuột ra để đi theo nẻo riêng của chúng, và những cơ hội kề cận bên con mãi mãi trôi qua mất.” Nell hay bảo các con: “Má rất mừng là các con đến sống với ba má.” Cả hai cậu bé đều là niềm hân hoan của người mẹ. Greg [2] có nụ cười rộng mở và rạng rỡ. Em mê đọc sách, chơi vĩ cầm và ghi ta, là một tay lái thuyền cừ khôi, tự tay làm được các tiêu bản thủy tảo để nhìn dưới kính hiển vi.

Cha mẹ và hai con trai thường có những buổi chuyện trò nghiêm túc. Một lần như vậy đã diễn ra hồi tháng 6 trước đó, sau khi cả nhà nghe mục sư giảng về cái chết. Ông bảo: “Nó sẽ tới - cho tôi, cho các bạn, cho bất kỳ ai trong chúng ta. Ta nên nói về nó.”

Gia đình ông Menn đã làm thế. Hai cậu con đồng ý rằng một đám tang tốn kém là vô nghĩa. Hai anh em cũng quyết định rằng đối với con người thì điều thực tế và nhân đạo là khi mình lìa đời hãy dùng các bộ phận khoẻ mạnh của cơ thể để giúp cho những ai còn đang sống.

Sáu tháng sau, lúc đang ở Ý, trong đầu họ chẳng nghĩ đến cái chết. Ngày Tết gia đình đi thăm thành Naples. Hôm sau họ đi hết một giờ đến thăm di tích Pompeii, ở đó anh hướng dẫn ba mươi lăm tuổi là Franco Di Rosa thuyết minh cho họ nghe về các kho tàng khảo cổ nằm chung quanh họ. Thế rồi cả nhóm chậm rãi dạo qua quảng trường Pompeii. Khi họ đi ngang qua một nhà hàng nhỏ, Greg quay nhìn mẹ và thốt: “Má à, con đau đầu chưa từng thấy.”

“Bị bao lâu rồi con?”

“Chừng mười lăm phút. Con thấy đau thấu tới bao tử.”

John giúp con trai vào phòng vệ sinh của nhà hàng. Greg ói mửa, rồi thở hổn hển. “Ba ơi, ối... ối...” Em ngã khuỵu vào hai cánh tay cha.

Chủ nhà hàng lái xe đưa cả nhà tới bệnh viện Pompeii. Greg bất tỉnh. Hai bác sĩ cho rằng em ngất đi là do ngộ độc thức ăn trầm trọng. John cảm thấy yên tâm cho tới khi Greg bắt đầu co giật. Hai tròng mắt em đảo lia đảo lịa, bờ môi tím tái, da mặt mét xanh và nổi những vết lốm đốm. Một trong hai thầy thuốc bảo: “Có thể là tổn thương não. Ta phải đưa em tới bệnh viện đa khoa ở Naples.”

Trong phòng cấp cứu của bệnh viện đa khoa một bác sĩ lẹ làng khám cho Greg, rồi bắt đầu chà xát tim từ bên ngoài lồng ngực. Một máy giúp thở được đẩy vào thở thay cho cậu bé. Bấy giờ là 4 giờ chiều ngày thứ Sáu.

Cả nhà chết lặng. Thế giới của họ đã tan vỡ. Greg hiển nhiên đang trong tình trạng nguy kịch. Franco vẫn còn ở lại với gia đình ông Menn làm người phiên dịch và chuyển cho bác sĩ những câu hỏi của John. Sau vài phút trao đổi, anh bảo John: “Họ nói Greg chết rồi, nhưng cơ thể em còn sống.” Dường như không một ai biết phải làm gì nữa.

Tuyệt vọng, John điện thoại cho tòa lãnh sự Mỹ, mong tìm được một bác sĩ Mỹ và như thế loại trừ được việc giao tiếp thông qua người phiên dịch. Theo gợi ý của một nhân viên lãnh sự, ông liên lạc với bệnh viện Quốc tế và nói chuyện với bác sĩ Norberto Ferraino.

Bác sĩ bảo ông: “Tình cờ ở đây có Francesco Castellano là bác sĩ phẫu thuật thần kinh rất giỏi. Ông có muốn ông ấy khám cho cậu bé không?”

“Có, có. Xin làm ơn.”

Lúc 11 giờ đêm đó bác sĩ Castellano tới khám cho Greg. Rồi quay sang John, người thầy thuốc nói với cái giọng đều đều: “Tôi xin lỗi. Tình trạng không còn xoay chuyển được. Con trai ông đã bị xuất huyết não ào ạt.”

“Cháu còn kéo dài được bao lâu nữa?”

“Có thể là mấy phút. Có thể là nhiều giờ.”

Bác sĩ xác nhận những gì thâm tâm John đã biết: Đôi mắt Greg đã nói cho tôi sự thật. Giống như nhìn vào hư vô. Đau đớn thay cái nhìn vô hồn ấy. Mọi cảm giác không còn. Sót lại là nỗi trống rỗng. Sáng nay con trẻ hạnh phúc thế. Linh hoạt thế. Vậy mà giờ đây...

Làm sao nói cho Nell biết? Nửa đêm rồi, và người chồng biết vợ mình đã thức trắng đêm. Nhưng vợ ông phải được biết tin.

Jonathan trả lời điện thoại, người cha nói: “Em Greg bệnh nặng lắm. Em sẽ không trở về nhà với cha con mình đâu.” Sau đó, ông báo cho Nell: “Bác sĩ phẫu thuật thần kinh thấy không còn hy vọng gì. Mạng sống của con chỉ tính bằng phút hay bằng giờ.”

Người vợ khóc: “Má con em tới ngay đây.”

Trong căn phòng của bệnh viện đa khoa, hai vợ chồng ngã khuỵu vào nhau. Nell không sao chấp nhận được tiên lượng về cái chết của Greg. Người mẹ phải hy vọng tới một phép lạ. Bà nghĩ: Có lẽ Chúa sẽ chăm lo cho bọn trẻ.

Hai vợ chồng và cậu con trai thay phiên nhau ngả lưng trên chiếc giường nhỏ kê bên cạnh giường Greg. Lúc 2 giờ sáng, John thử dùng móng tay cào vào cánh tay trái của Greg. Các bắp thịt nhúc nhích. Ông thử lại ở gan bàn chân. Mấy ngón chân nhúc nhích. Ông chạy ra hành lang, tìm một bác sĩ và chỉ cho người thầy thuốc nhìn thấy những phản xạ của Greg. Một điều gì đó đang xảy ra. John nghĩ thế.

Những khảo sát của bác sĩ cũng kích thích, gây ra phản xạ ở bắp thịt. Ông ta bảo: “Đôi khi có thể lôi người ta ra khỏi mồ.”

Trong một tiếng đồng hồ John lấy móng tay thử kích thích Greg nhiều lần, nhưng các phản xạ càng lúc càng yếu dần rồi sau cùng ngưng hẳn. Nín lặng hồi lâu, John dịu dàng hỏi vợ: “Nếu Greg ra đi, không nên thực hiện những gì con đã muốn chúng mình làm chứ?” Người mẹ hiểu ngay, và đáp: “Mình hãy làm cho con.”

Lúc 9 giờ sáng các bác sĩ đẩy vào một máy điện não ký. Các sợi dây được cặp vào da đầu Greg để đo hoạt động của não em. Máy chẳng ghi nhận được gì. Ngang qua băng giấy điện não đồ chạy dài một đường vạch thẳng tắp. Não đã chết. Greg sẽ không bao giờ hồi tỉnh. Chỉ có chiếc máy giúp thở giữ cho tim em đập tạm thời.

John yêu cầu: “Xin bác sĩ thử lần nữa.” Và lại là một đường thẳng tắp.

“Làm ơn, chỉ một lần nữa thôi.” Vạch ghi thẳng tắp.

John nhìn Nell và khó khăn mở miệng: “Chẳng có gì hết.”

Nell hỏi dò: “Máy không chạy được à?”

Người chồng bảo: “Ta không thể tự đánh lừa mình, em à. Anh sẽ thu xếp mọi thứ.”

John nói với các bác sĩ: “Ước nguyện của con trai chúng tôi, và cũng là ước muốn của vợ chồng tôi, là thể xác của cháu được dùng phục vụ y học. Xác cháu còn trẻ và khoẻ mạnh, các bộ phận của cơ thể cháu có thể giá trị cho những ai cần đến.”

Các thầy thuốc bàng hoàng. Họ chưa từng trải qua một trường hợp nhân đạo vị tha như thế. Một bác sĩ nói: “Giác mạc. Chúng tôi có nhiều bệnh nhân đang cần giác mạc.”

“Những bộ phận khác thì sao? Tim? Thận?”

“Chúng tôi không đủ phương tiện để thay thận. Và thay tim thì trái với luật pháp nước Ý.”

“Trường y có thể dùng xác cháu để nghiên cứu không?”

Các bác sĩ lắc đầu: “Việc ấy không được phép, trừ khi người ta hiến xác trước khi chết.”

“Thế thì chỉ có giác mạc thôi à?”

“Phải.”

John nói: “Vậy hãy ngưng máy đi.” Ông cảm thấy vô ích và tàn nhẫn khi duy trì cho cái xác tiếp tục sống lúc mà Greg đã chết rồi. Nhưng khi các bác sĩ từ chối, John bảo: “Tôi hiểu.”

Suốt cả ngày, người cha cảm thấy một áp lực cứ tăng dần buộc ông phải làm nhiều hơn nữa để hoàn thành ý nguyện của con trai. Sáng hôm sau gia đình ông Menn ghé bệnh viện Quốc tế nhờ bác sĩ Ferraino tìm giúp những người cần thay thận.

Bác sĩ bảo ông: “Tôi nghĩ ta có thể làm một điều gì đó. Tôi sẽ bắt tay làm việc ấy.” Suốt ngày Chủ nhật bác sĩ Ferraino dốc sức vượt qua các thói tục hành chánh quan liêu đang cản trở việc hiến tặng các bộ phận cơ thể của Greg. Vì việc thay thận chưa hề được thực hiện ở Naples, bác sĩ liên hệ với một khoa phẫu thuật thứ hai tại Viện đại học Rome và nơi này đồng ý tiến hành. Các thủ tục được mau chóng giải quyết để chuyển Greg tới Rome bằng xe cấp cứu.

Greg sống sót lâu hơn bác sĩ Castellano tiên đoán. Bây giờ huyết áp em tụt xuống và nhịp tim đập bất thường. Các bác sĩ phải can thiệp. John im lặng cầu khẩn: Xin đừng để tim ngừng đập lúc này. Rồi tim ổn định lại.

Trong hành lang một bác sĩ gật đầu ra hiệu cho John. Đã tới lúc chuyển Greg đi Rome. Người cha tới bên nhìn con trai lần cuối. Ông vuốt tóc con, xong quay đi, và khuỵu xuống, lần đầu tiên ông bật khóc.

Sau khi xe cấp cứu đi khỏi, John nói với một bác sĩ: “Chỉ còn một việc cuối cùng nữa thôi. Tôi muốn gặp các bệnh nhân sẽ nhận giác mạc của Greg.”

Nhanh chóng các nhân viên đưa vào anh thợ cơ khí Antonio Polizzi mười tám tuổi và em Giuseppe Piazza mười sáu tuổi, con một nông dân. John bắt tay hai em và bảo: “Tôi mừng rằng hai cháu sẽ nhận được đôi mắt của một cậu bé đã nhìn thấy những điều tốt đẹp trong đời và đã nhận thấy các điều đẹp nhất ở con người. Tôi hy vọng những con mắt này cũng giúp các cháu nhìn được y như cậu ấy vậy.”

Tối hôm sau phóng viên một tờ báo ở Naples trong khi săn tin các hoạt động ở bệnh viện như thường lệ đã nghe được chuyện nhà ông Menn. Sáng ra câu chuyện này được đăng trên các báo ở Naples. Dân chúng sửng sốt khi đọc các bài báo. Đó là lần đầu tiên nước Ý có một người cha thúc bách các bác sĩ lấy các bộ phận trên cơ thể con mình để thay cho người khác. Khi gia đình ông Menn rời khách sạn, người gác cửa đã ôm chầm lấy họ.

Tại Rome, gia đình ông Menn biết rằng Greg đã chết vào sáng sớm thứ Hai. Cặp thận của em được thay cho Elisabetta Mattioli, một bà nội trợ ba mươi bảy tuổi; và thay cho Vincenzo Benvenuto, một gác dan bốn mươi tuổi. Cả hai đã nằm viện hai năm để chờ một quả thận. Lúc Greg chết, giác mạc của em được lấy ra, ướp lạnh và đưa nhanh về Naples.

Câu chuyện được tất cả báo chí ở Rome đăng với hàng tít lớn. Dân chúng Ý lòng bàng hoàng ngưỡng phục. Nói về John Menn, một nhật báo hàng đầu ở Rome là tờ Il Messaggero đã viết: “Bạn muốn bắt tay ông, ôm lấy ông, và nếu ông chưa biết tin, thì bạn muốn nói với ông rằng hành vi của ông làm xúc động cả thành Rome, cả thành Naples, cả đất nước này.”

Viên quản lý khách sạn đến phòng họ và nói với gia đình ông Menn: “Dân tộc chúng tôi lạc hậu không làm được việc mà ông đã làm với con trai mình. Đó là một việc kỳ diệu. Ông đã nêu gương sáng cho chúng tôi. Tôi đã viết xong ý nguyện rằng tôi muốn sau này xác tôi sẽ được sử dụng.”

Ngày kế tiếp gia đình ông Menn ghé bệnh viện nơi đã tiến hành thay thận. Bác sĩ Raffaello Cortesini chỉ huy nhóm phẫu thuật đã nồng nhiệt bắt tay John mà thốt lên rằng: “Đây là một cuộc cách mạng ở Ý. Dân chúng đã sẵn sàng cho việc này. Ông đã làm một việc vĩ đại cho đất nước chúng tôi và ông đã làm điều ấy đúng lúc mà chúng tôi cần đến nó.” [3] Sau khi đưa gia đình ông Menn đến gặp hai người tiếp nhận thận đang mắt lệ ràn rụa với lòng biết ơn, bác sĩ phẫu thuật đưa họ tới một phòng chứa bốn mươi bệnh nhân đang cần thay thận. Ông thầy thuốc bảo: “Giờ thì những người này đã có hy vọng.”

Tối hôm ấy gia đình ông Menn trở về nước. Nhiều tuần sau họ biết tin các vụ thay thận không hề xảy ra bất kỳ sự cố hay tình huống nào phức tạp. Benvenuto đã có thể ra viện và cảm thấy khoẻ mạnh: “Xin cảm ơn tấm lòng quảng đại vị tha của cậu Gregory con trai ông.” Bà Mattioli thì viết: “Tôi đã vững vàng trên đôi chân mình và lấy lại được ý nghĩa của sự an vui trong cuộc sống mà bấy lâu nay tôi mất mát.”

Ở bang Wisconsin khoảng hai mươi lăm gia đình bè bạn và thân nhân của gia đình ông Menn đã viết ý nguyện hiến tặng cơ thể.[4] Hưởng ứng của họ cũng như hưởng ứng của dân Ý trước hy hiến của Greg không làm vơi bớt nỗi đau thương của gia đình. Tuy nhiên những sự kiện này đã mang đến cho sự mất mát của họ một ý nghĩa. John cảm thấy rằng: “Con trai tôi không mất đi cuộc sống. Cháu chia sẻ nó. Và cháu chỉ dẫn cho những người khác biết cách sẻ chia cuộc đời của họ.”

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Câu chuyện này được đăng báo tháng 8 năm 1970. Như vậy tất cả sự kiện bi tráng của gia đình ông Menn đã diễn ra ngay hôm sau Tết dương lịch (02-01-1970).

[2] Greg là tên gọi thân mật của Gregory.

[3] Một tháng sau sự kiện này chính phủ Ý thông qua một đạo luật cho phép được thay cả tim và phổi.

[4] Ở hầu hết năm mươi bang nước Mỹ, việc thể hiện ý nguyện hiến trọn toàn phần hay từng phần cơ thể mình cho y học sau khi lìa đời rất đơn giản, chỉ cần mang một mẫu thẻ hiến tặng (Uniform Donor Card). Nó bảo vệ cho ước nguyện người hiến tặng và giúp thực thi các thủ tục pháp lý trong trường hợp khẩn cấp. Để có một thẻ ấy hay muốn được chỉ dẫn rõ ràng, chỉ cần liên lạc với Ngân hàng Mô (the Living Bank) ở thành phố Houston, bang Texas.

24-12-1999

Dũ Lan Lê Anh Dũng dịch