Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị

Vị Giáo Hoàng Thiên Niên Kỷ

Hình: Reuters

Hai ông cựu tổng thống Bill Clinton, Georges Bush, và đương kim tổng thống Hoa Kỳ Georges W. Bush tưởng niệm Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị. Ngày 08/04/2005, ông Georges W. Bush sẽ là người tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ tham dự lễ tang của một Đức Giáo Hoàng.

22 giờ thứ bảy, ngày 02.04.2995, hầu hết các kênh truyền hình lớn trên thế giới đều cắt ngang chương trình thường lệ để phát đi bản tin Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã từ trần lúc 21 giờ 37 phút. Trên màn hình hàng triệu tín đồ khắp nơi trên thế giới bật khóc, quì gối để tưởng nhớ và cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng qua ngưỡng cửa của sự sống và cái chết, bắt đầu vào cuộc hành trình về với Thiên Chúa. Cả mấy ngày sau đó các nhà thờ ở mọi nơi đều đông chật người và phải mở cửa thêm giờ để các tín đồ vàcả nhiều người ngoại đạo vào cầu nguyện và chia tay với Đức Giáo Hoàng.

Tại sao sự ra đi của một vị Giáo Hoàng lại gây sự xúc động và nuối tiếc nơi hàng tỷ người trên thế giới? Kể cả những người không theo đạo Thiên Chúa Giáo?

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tên thật là Karol Wojtyla, sinh ngày 18.05.1920 tại Wadowice, Ba Lan, nhậm chức Giáo Hoàng năm 1978 và xưng danh là Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị. Đây là vị Giáo Hoàng đầu tiên không phải là người Ý từ hơn 400 năm nay, hơn nữa là vị Giáo Hoàng đầu tiên xuất thân từ Ba Lan, dạo đó đang là một nước trong khối Xã Hội Chủ Nghĩa.

Chỉ sau một năm nhậm chức, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã về thăm lại Ba Lan, lúc đó đang bị kềm kẹp bởi chế độ cộng sản. Ngài đã kêu gọi, động viên tinh thần nhân dân Ba Lan đứng lên đòi chấm dứt chế độ độc tài cộng sản bằng phi bạo lực. Cần phải nhớ lại rằng lúc đó nhân dân Ba Lan đang phải gánh chịu xiềng xích và bạo lực của chủ nghĩa Cộng Sản và ít ai có đủ can đảm để tin rằng trong tương lai chủ nghĩa Cộng Sản độc tài sẽ bị kết tử.

Trong chuyến trở lại Ba Lan năm 1979 Đức Giáo Hoàng đã làm được một điều kỳ diệu. Ông đã thức tỉnh được cả dân tộc Ba Lan. Đứng trước một biển người, ngài đã dõng dạc kêu gọi: "Tất cả đừng sợ, hãy đứng lên thay đổi tình trạng thế giới hiện nay!"

Sau đó những người công nhân Ba Lan, đi đầu là Công Đoàn Đoàn Kết cùng lãnh tụ Lech Walesa tổ chức bãi công biểu tình và điều đình với tập đoàn lãnh đạo cộng sản ở Ba Lan, khởi đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng Sản ở Đông Âu, dẫn đến sự thống nhất nước Đức và giải phóng Đông Âu ra khỏi sự thống trị của chủ nghĩa Cộng Sản.

Chắc chắn rằng Đức Giáo Hoàng đã đóng góp một phần rất lớn vào việc khai tử chủ nghĩa Cộng Sản bằng sự ủng hộ tinh thần vì giả sử nếu không có sự khích lệ này nhân dân Ba Lan chưa chắc đã dám đối đầu với tập đoàn lãnh đạo Cộng Sản độc tài chuyên chính lúc đó, và hôm nay chúng ta vẫn phải mơ "giấc mơ" về ngày tàn của chủ nghĩa Cộng Sản. Không phải ngẫu nhiên mà ông Lech Walesa, lãnh tụ phong trào công nhân hồi đó và tổng thống Ba Lan sau này đã nói: "Nếu không có Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thì bức tường sắt chỉ sụp đổ khi máu cũng phải đổ vào đó rất nhiều mà nếu có xẩy ra thì cũng còn rất lâu."

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn có hiệu Pontifex (chữ La Tinh : người xây cầu). Đúng nghĩa thực của từ này Đức Giáo Hoàng còn là người nối nhịp cầu với tất cả các tôn giáo khác. Ngài đã viếng thăm không mệt mỏi phần lớn các nước trên thế giới và đã nói: "Tôi muốn đem niềm tin và niềm vui tới mọi nơi trên trái đất." Ngài đã ở cương vị Người Đứng Đầu Thiên Chúa Giáo trong gần 27 năm qua, trong lịch sử chỉ có hai Đức Giáo Hoàng khác ở cương vị này lâu hơn nhưng chắc chắn không có vị nào lại gây ảnh hưởng lớn trên nền chính trị thế giới hơn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong gần 27 năm Ngài đã đi thăm 129 nước trên thế giới, mang niềm tin, hy vọng và hoàbình đến mọi nơi, nhưng có ba nước mà Đức Giáo Hoàng mong muốn đến mà điều mong muốn này không thành sự thật. Ba nước đó là nước Nga, Trung Quốc và Việt Nam.

Là người Việt Nam viết đến đây tôi thấy cảm giác trống rỗng, chua chát và tủi nhục chợt dâng lên, khó khăn lắm tôi mới viết tiếp được. Phải chăng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II - sứ giả của Hoà Bình chưa đến được nước ta nên Việt Nam còn thiếu tự do, nên Việt Nam vẫn chưa có dân chủ? Sao nước Việt Nam ta lại xấu số như thế? Trong gần 200 nước trên thế giới, tại sao Việt Nam ta lại rơi vào một trong ba nước này để cho người Việt ta phải tủi hổ, tự ti như bây giờ? Trông người lại nghĩ đến ta, cứ nhìn các cuộc cách mạng ở các nước thuộc Liên Sô cũ như Ukraine, Georgia hoặc gần đây là Kirgistan lại ngán ngẩm cho số phận và tương lai của Việt Nam ta. Rồi Việt Nam sẽ đi đến đâu?

Trong cơn tuyệt vọng tôi lại nhớ đến câu nói của một triết gia năm xưa: "Người ta có thể mất hết nhưng đều có thể phục hồi lại được, nhưng ba điều không thể mất đó là Tín Ngưỡng, Tình Yêu và Hy vọng." Hy vọng cho Việt Nam được cải cách dân chủ và kịp tiến bước với thế giới là niềm khao khát của hầu hết tất cả người Việt Nam, nhất là người Việt hải ngoại, trong bao năm qua có lúc chìm lúc nổi nhưng sẽ mãi mãi là mục tiêu của tất cả người Việt.

Tình yêu quê hương đất nước của người Việt là có thừa đã được chứng minh qua bao cuộc chiến đấu chống giặc giữ nước. Tình yêu giữa người với người ở thế giới tự do này mới được phát triển, khích lệ và nhân bản, khác hẳn với sự hiềm khích, tị nạnh và theo kiểu "sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi" như ở các chế độ độc tài coi tiền là "Tiên" là "Phật". Mất tín ngưỡng là mất niềm tin ở nơi Phật, nơi Chúa. Cuộc sống của con người sẽ vô nghĩa, con người sẽ chỉ tồn tại một đời, sau đó sẽ là "không là gì cả". Với ý nghĩ này, con người sẽ có khả năng làm những việc điên cuồng vô đạo đức, vô lương tâm và tai hại một cách động trời. Chủ nghĩa vô thần đã không ít lần mang đến cho nhân loại những trang sử đen tối với hàng trăm triệu mạng sống con người nếu ta chỉ cần nghĩ đến những Hitler, Stalin hoặc Mao trong lịch sử cận đại.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mất đi, thế giới mất đi một chiến sĩ dân chủ kiên cường, một luật sư của những người nghèo khó, yếu đuối, bị áp bức nhưng ý tưởng vì Hoà Bình và Dân Chủ trên toàn thế giới của Đức Giáo Hoàng sẽ mãi mãi nhắc nhở nhân loại đấu tranh để đạt được mục tiêu cao thượng này. Cuối thiên niên kỷ thứ 2 và đầu thiên niên kỷ thứ 3 thế giới mang đậm dấu ấn của sự thay đổi sâu sắc về thể chế xã hội vì Hòa Bình và Dân Chủ ở nhiều nước, đặc biệt là ở những nước cựu cộng sản. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã góp một phần không nhỏ cho cuộc cách mạng này. Câu nói: "Tất cả đừng sợ, hãy đứng lên thay đổi tình trạng thế giới này!" mãi mãi sẽ là lời thúc dục và là chỗ dựa tinh thần cho những người đấu tranh cho dân chủ. Ngài xứng đáng là vị Giáo Hoàng Thiên Niên Kỷ.

Người Việt chúng ta kiên quyết không thể để mất niềm tin vào tôn giáo, dù là người theo Phật Giáo hay Thiên Chúa Giáo hay theo các tôn giáo khác. Hãy đồng lòng ủng hộ lời kêu gọi của Hoà Thượng Thích Huyền Quang, Hoà Thượng Thích Quảng Độ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý ... vì một nước Việt Nam tự do và dân chủ, nhất là tự do tôn giáo.

Trong những ngày này chúng ta hãy cầu nguyện cho linh hồn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bình an, toại nguyện.

Germany, 04.04.05

Huỳnh Văn Thọ

Hình: Reuters

Sau khi được tin cho biết Đức Giáo Hoàng John Paul II vào cơn hấp hối, khoảng 30.000 người công giáo đã tụ tập tại công trường Saint-Pierre, Roma, tối thứ sáu 01/04/2005 để cầu nguyện. Theo lời của Đức Giám Mục Angelo Comastri, "tối nay, Chúa Kytô sẽ mở cửa rộng đón chào Đức Giáo Hoàng".

 

 

Trở lại trang chánh