Niềm hãnh diện của cộng đồng người Việt hải ngoại

Nữ Phi Công F-18 Elizabeth Phạm

Quý vị đang xem trích đoạn video về nữ đại úy Elizabeth Phạm

từ DVD 58 "Lá thư từ chiến trường" rất hay và hào hùng của trung tâm Asia

Bức hình này do đồng đội chụp đại úy Elizabeth Phạm trong chính phi cơ F18 của cô trên đường ra chiến trường.

Cùng một nụ cười xinh tươi, hồn nhiên với vóc dáng oai hùng của người Nữ phi công phản lực F-18 và nét đẹp dịu dàng của người thiếu nữ Việt Nam bình dị trong đêm từ thiện (hình bên) với tác phong của người phi công chuẩn bị xuất phát, vẩy tay chào người bạn đồng ngũ trên đường băng của hạm đội ngoài khơi ở một vùng biển nào đó... Hai hình ảnh, hai bối cảnh nhưng cùng một niềm vui ra trận và bên cạnh người chú, ký giả Nguyễn Tấn Lai.

Bức ảnh Đại Úy Elizabeth Phạm đang leo lên "Cockpit" của chiếc F18.

Tâm phục, khẩu phục chăng ? Có lẽ còn hơn thế nhiều !

(Seattle) Người can đảm, còn là người biết nhận giá trị đích thực của bản thân mình. Tự vận động chính mình để kiên trì làm việc, chứ không hề tự khen để rồi dẫn đến tự kiêu. Tự tập thói quen đó trong nhiều năm tháng để thúc dục và hun đúc cho nghị lực của mình. Can đảm là khi gặp nguy hiểm tới bản thân, nếu có, thì vẫn kiên trì theo dõi mục tiêu cho tới khi đạt được kết quả còn ngược lại không biết sợ nguy hiểm mà cứ hành động thì sự thể đó gọi là sự liều lĩnh chứ không thể gọi là can đảm được.

Ví dụ: Ngày 02/06/1995 Đại Úy Không Quân Hoa Kỳ Scott O’Grady điều khiển một oanh tạc cơ siêu thanh F-16 bị hỏa tiển SA-6 Địa-Không của địch quân bắn rơi trên bầu trời Bosnia. Đại Úy O’Grady bung dù thoát ra khỏi máy bay và rơi xuống trong một khu rừng rậm dày đặc địch quân sùng lục, tìm bắt. O’Grady phải lũi trốn đến 6 ngày dài trong các bụi rậm và đói khát ... Chỉ biết bắt kiến mà ăn cho đở đói, tìm đủ mọi cách để tránh né địch quân trong cùng cực của đói và lạnh nhưng tin tưởng vào khả năng của mình để kiên trì liên lạc được về hậu cứ chứ không chịu đầu hàng ! Hành động này là một hành động vô cùng can đảm. Đại Tá TQLC Hoa Kỳ Martin Berndt dẫn 40 binh sĩ, không ngại nguy nan với hai chiếc trực thăng H.53 cất cánh từ một căn cứ ở Ý bay đến Bosnia hạ cánh ngay trên đầu địch quân, đúng vào địa điểm mà O’Grady đang lẫn trốn và bốc ngay O’Grady trong vòng 4 phút và bình yên bay trở về Ý. Đại Tá Martin Berndt và 40 binh sĩ TQLC này đã hành động có tính toán rất chính xác, tự tin, không ngại hiễm nguy và đã đạt thành công thì "hành động này thật là can đảm" chứ không phải là liều lĩnh.

Trong một lễ hội từ thiện của người Việt tuần qua tại nhà hàng Jumbo (Seattle), có sự xuất hiện của một phụ nữ. Thoạt trông người thiếu nữ này với dáng dấp rất ư bình dị, khiếm tốn. Ít nói, rất lịch thiệp và rất lễ phép đối với người lớn tuổi, mặc dù được sinh ra tại Mỹ, trưởng thành tại Mỹ nhưng nói tiếng Việt như "Gió". Trong 3 tiếng đồng hồ của ngày hội đó, ít ai để ý đến người thiếu nữ này. Chỉ có vài người đến trò chuyện với cô ấy. Bởi vì không ai biết chứ giá như mà họ biết thì chắc chắn là rất nhiều người đến hỏi thăm, chúc tụng, khen ngợi, tặng hoa hoặc vồn vã vây quanh như thường vẫn thấy đối với các khuôn mặt phụ nữ vang danh trong cộng đồng người Việt.

Sự thể cũng na ná như sự ái mộ của người Việt dành cho khoa học gia Dương Nguyệt Ánh hay Leyna Nguyễn (Người dẫn chương trình thời sự cho KCAL-TV tại Los Angeles) hoặc Betty Nguyễn (CNN) và gần đây nhất là cô Lê Duy Loan (phó tổng giám đốc kỹ thuật của Texas Instruments) ... Không ai biết trong ngày hội đêm hôm đó có sự hiện diện của một thiếu nữ Việt Nam, người mà các trung tâm băng nhạc Paris by Night và Asia đã năm bảy lượt mời xuất hiện trong các video của họ nhưng tất cả đều bị từ chối. Sự từ chối đó thoát đi từ cá tính rất khiêm tốn của người phụ nữ này. Sự từ chối đó thoát đi từ chỗ quá bận rộn của một quân nhân đang tham chiến trên một chiến trường nóng bỏng hằng ngày. Sự từ chối đó cũng thoát đi từ một sĩ quan triệt để tôn trọng quân kỷ... Từ chối tất cả mọi đề nghị để được tiếp xúc hay phỏng vấn của giới truyền thông ngoại trừ những mẫu đối thoại bình thường với những người bạn thân thiết trong gia đình.

Trên vùng trời Seattle, hằng năm, nhân ngày hội Seafair, những phóng pháo cơ siêu thanh bay rền khắp một vùng trời, biểu diễn nhào lộn vô cùng ngoạn mục với những pha, đôi lúc rất nguy hiểm, mà người xem có lúc đến "đứng" cả tim đó là các chiếc oanh tạc cơ siêu thanh "Ong Bầu" F 18 Hornet, thuộc toán phản lực cơ biểu diễn "Blue Angels" của Hải Quân Hoa Kỳ.

Ít ai biết là trong đêm lễ hội ở nhà hàng Jumbo cách đây một tuần lễ, có một người trẻ đang nghiêm trang cùng thân phụ hát vang bài quốc ca, chào Quốc Kỳ Việt Nam. Người đó là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên và cũng người phụ nữ Á Châu đầu tiên, trong lịch sử Không Quân Hoa Kỳ đang điều khiển một oanh tạc cơ chiến đấu F18 Hornet trị giá $35,000,000 (Ba Mươi Lăm triệu Đô La). Hằng ngày đã và đang vùng vẫy, ngụp lặn, thả bom rầm trời, trên chiến trường Afghanistan và Iraq. Người phụ nữ trẻ này với một cuộc sống vô cùng bận rộn trong 24 giờ đồng hồ một ngày, Nữ Đại Úy Không Quân của Binh Chủng TQLC Hoa Kỳ đang sống một đời sống vô cùng năng động nhưng lúc nào cũng sẵn sàng cho nhiệm vụ, cuộc sống hằng ngày không thể biết trước được và lúc nào cũng chỉ biết "Sắp Sẵn" mà thôi. Cô không lạ hay ngạc nhiên gì khi: "Đang ngồi ăn sáng thì phải bỏ dỡ, đứng rột dậy, vì có lệnh khẩn phải cất cánh bay ngay ra chiến trường ...". Cô chẳng bao giờ ngạc nhiên là khi đang nghĩ dưỡng sức tại Mỹ chỉ mới có vài ngày lại được lệnh phải leo lên máy bay, vèo qua Iraq !

Đại Úy Elizabeth Phạm là một nữ phi công duy nhất và xuất sắc nhất của Quân Chủng TQLC Hoa Kỳ. Đại Úy Liz Phạm hiện đang phục trong Không Đoàn 242 TQLC Yễm Trợ và Tấn Công Dưới Mọi Thời Tiết. (Marine All Weather Attack Fighter Squadron 242). Không Đoàn này còn vang danh trong Quân Chủng TQLC Hoa Kỳ với danh xưng là Không Đoàn "Bats" (Con Dơi - Cú đánh bất ngờ và chính xác, không chậm trễ). Không Đoàn này hiện nay có nhiệm vụ không yễm cực cận cho các lực lượng bộ binh khi chạm địch trên các mặt trận tại Iraq. Những phi công của không đoàn này được tuyển từ những phi công ưu tú nhất của Quân Chủng TQLC Hoa Kỳ và Đại Úy Elizabeth Phạm là người nữ phi công duy nhất có mặt trong Không Đoàn 242 Marine All Weather Figther Squadron.

Họ là những phi công mà đôi khi phải thả những quả bom để chận mức tiến quân của địch chỉ cách vị trí của các đơn vị bạn có 600 Feet, tức là chỉ cách có 200 mét hay là một khoảng cách giữa ba cái trụ điện. Và rằng một sơ hở nhỏ nào đó xảy ra thì hậu quả sẽ không sao mà lường cho được, thế cho nên những phi công của không đoàn "242 Marine All Weather Attack Fighter Squadron" đều là những tay cừ khôi, rất giỏi ngang ngữa với các phi công Do Thái, những phi công mà từ trên cao vòi vọi thả một quả bom rơi ngay vào cái lổ ống khói của một cơ xưởng chế bom nguyên tử của Syria trong thập niên trước đã vang danh trên thế giới.

Trên chiến trường Falujah (Bắc Baghdad-Iraq), theo tài liệu của Không Quân Hoa kỳ, là một chiến trường mà không phận được mô tả là mỗi khi lực lượng bộ binh chạm địch thì hàng loạt máy bay đủ các loại của quân đội Hoa Kỳ xuất hiện trên bầu trời từng lớp, từng lớp từ trên cao nhìn xuống "như một đàn ong" thế mà những chiếc F 18 Hornet từ tuốt trên cao độ, lao sầm xuống với một tốc độ kinh hồn là 1190 Miles một giờ (2380 cây số) để thả một quả bom chỉ cách vị trí của các đơn vị bạn có 200 mét rồi xoẹt một khắc "Ba Mươi Lăm Triệu Đô La" vút lên cao mất hút trong không gian... Hình ảnh này mô tả được những phi công điều khiển các phóng pháo cơ F.18 Hornet rất tối tân của Hoa Kỳ là những tài năng rất ưu tú, rất can đảm (chứ không phải là liều lĩnh) của không lực Hoa Kỳ và trên thực tế lại lẫy lừng hơn cả một dàn dựng Top Gun của Hollywood mà trên chiến trường, Đại Úy Elizabeth Phạm có mặt thường xuyên trong các thành phần ưu tú đó.

Đại Úy Elizabeth Phạm sinh ra tại Seattle, của những ngày đầu tị nạn cách đây 29 năm. Cô là ái nữ của Bác Sĩ Phạm Văn Minh hiện có phòng mạch tọa lạc trên đường Rainier, Seattle tiểu bang Washington. Liz Phạm tốt nghiệp từ Đại Học USD (University of San Diego) và theo học về kỹ thuật bay tại trường huấn luyện phi hành T 34 của Hải Quân Hoa Kỳ tại Pensacola (Florida) với cấp bậc Thiếu Úy. Sau đó, cô tiếp tục theo học về kỹ thuật bay cấp cao T 45 Goshawk tại trung tâm huấn luyện Meridian của Hải Quân Hoa Kỳ tại tiểu bang Mississippi. Tốt nghiệp, Elizabeth Phạm đỗ "Top Hook" (Thủ Khoa) và được Đại Tướng Chỉ Huy Trưởng đích thân trao bằng tốt nghiệp đồng thời được tuyển chọn là Phi Công đầu tiên của Quân Chủng TQLC Hoa Kỳ điều khiển một phóng pháo cơ siêu thanh F 18 Hornet vào cuối năm 2003 với cấp bậc là Trung Úy. Năm 2005 Liz Phạm thăng Đại Úy. Cô thành hôn với Đại Úy Alexander Roloss cũng là một sĩ quan Phi Công F 18 Hornet và tốt nghiệp sau Liz Phạm một khóa huấn luyện, Đại Úy phu quân của Liz Phạm cũng phục vụ trong cùng một đơn vị. Theo thân phụ của Đại Úy Elizabeth Phạm thì cặp vợ chồng này như "Mặt Trăng và Mặt Trời". Chồng từ chiến trường trở về Mỹ thì Vợ lại bay ra chiến trường và khi Vợ về thì Chồng lại vút lên không trung bay đi Iraq ! Và hiện tại thì Đại Úy Elizabeth Phạm đang nghĩ ngơi tại Mỹ và sẽ lên đường trở lại Iraq vào trung tuần tháng 01/2008 và Alex Roloss sẽ trở về Mỹ cùng thời gian đó.

Nguyễn Tấn Lai, 24-12-2007