CÒN HƠN CẢ TIỀN CÔNG (A PAYMENT GREATER THAN MONEY)

Con hon ca tien cong

Bé trai dùng liềm cắt cỏ (tranh màu nước) của Vincent van Gogh (Sáng tác: Etten, October, 1881 /Tài sản của: Otterlo, Kröller-Müller Museum)

Chuyện cổ tích thường kể về những phần thưởng xứng đáng mà thần tiên luôn dành cho các trẻ tốt bụng, biết thương người khó khăn cơ nhỡ. Các nhà luân lý thì hay nhắc đến câu nói mà thoạt vừa nghe cứ tưởng như nghịch lý: Cho là nhận. Câu chuyện Michael Dorris biết đâu sẽ minh chứng cho câu nói ấy là đúng: một đứa trẻ đã dễ dàng thông cảm với hoàn cảnh khó khăn tài chánh của một người già, chấp nhận thiệt thòi vật chất về mình nhưng rốt cuộc em lại nhận được từ chính người ấy một tặng vật tinh thần vô giá, ảnh hưởng suốt cả cuộc đời em sau này.

Hồi mười bốn tuổi, mùa hè tôi kiếm tiền bằng cách cắt thuê các bồn cỏ, và tôi bắt đầu hiểu biết con người qua những bông hoa mà tôi phải nhớ không được cắt rụi, qua những thứ được găm vào đất có dụng ý hay những vật bị đánh mất trong đám cỏ. Tôi cũng biết được đôi điều về hàng xóm của mình ở thành phố Louisville, bang Kentucky, qua phương thức trả tiền họ thích: trả theo công việc, theo tháng, hoặc chẳng trả gì hết.

Bác Ballou rơi vào loại chót, và luôn luôn bác có lý do. Một hôm bác không có tới năm mươi xu. Hôm khác thì không còn ngân phiếu; hôm khác nữa thì bác lại đi vắng khi tôi gõ cửa. Tuy vậy, ngoại trừ vấn đề tiền nong, bác là một ông cụ dễ mến, luôn luôn vẫy mũ hay kéo lệch nón chào khi thấy tôi từ xa. Tôi cứ cộng dồn tiền công, chẳng băn khoăn đến con số đã quá lớn.

Thế rồi một buổi xế chiều giữa tháng Bảy, tôi đang đi ngang qua nhà bác, thì bác ngoắc tôi vào. Căn phòng mát rượi, không lọt vào chút nắng, và tôi mất một phút để cho mắt quen với ánh sáng lờ mờ.

Bác mở lời: “Bác nợ cháu, nhưng...”

Tôi nghĩ rằng nên tránh cho bác nỗi phiền toái phải tìm ra một cớ mới để khất nợ. “Không sao đâu bác. Đừng băn khoăn việc ấy.”

“Nhà băng tính lầm tiền nong của bác...” Bác tiếp tục, chẳng để ý lời tôi. “Một hai hôm nữa thì giải quyết xong. Trong lúc chờ đợi, bác nghĩ có lẽ cháu chọn lấy một, hai quyển gọi là trả góp.”

Bác chỉ về các bức tường, và tôi thấy sách chất chồng khắp nơi. Giống như một thư viện, có điều chẳng sắp xếp thứ tự.

Bác Ballou khuyến khích: “Cháu cứ thong thả. Đọc đi, mượn, giữ lấy. Hãy tìm cuốn cháu thích. Cháu đọc gì nào?”

“Cháu không biết.” Mà tôi không biết thật. Tôi thường đọc những thứ tôi có thể vớ được trên kệ sách ở tiệm thuốc [1] hay thứ gì tôi có thể bắt gặp tại nhà - tạp chí, vỏ hộp, truyện tranh. Cái ý tưởng tìm kiếm nghiêm túc một nhan đề đặc biệt quả mới mẻ với tôi, nhưng chẳng phải là không hấp dẫn - thế nên tôi dò tìm qua hàng chồng sách và hỏi: “Bác thực sự đã đọc hết ngần này quyển?”

Bác Ballou gật đầu. “Đây chỉ là những sách bác giữ lại, những cuốn đáng xem lại lần nữa.”

“Lấy cho cháu một cuốn đi.”

Bác nhướng mày, nghiêng đầu xem xét, thẩm lượng tôi như thể đang đo cho tôi một bộ đồ. Một lúc sau, bác lục trong chồng sách và đưa tôi một cuốn đỏ sẫm, khá dày.

Tôi đọc: “Cuối cùng của công lý, của André Schwarz-Bart. Nó nói về cái gì?”

Bác bảo: “Tuần sau cháu kể cho bác.”

Sau bữa tối tôi bắt đầu đọc, ngồi ngoài sân trên chiếc ghế chẳng chút thoải mái của nhà bếp. Mới được vài trang thì không còn biết đến khoảnh sân và mùa hè nữa, tôi đắm mình trong cái thảm kịch đau lòng của những vụ tàn sát tập thể,[2] sự xung đột lạ thường giữa cái ác và điều thiện, tượng trưng bằng một con người đàng hoàng tử tế. Lời văn thanh tao, giản dị, mà mạnh mẽ. Khi ánh sáng cuối ngày mờ đi, tôi dời vào trong nhà và đọc suốt cả đêm.

Cho tới ngày nay, sau ba mươi lăm năm, tôi vẫn nhớ như in cái kinh nghiệm hôm xưa. Cái sức mạnh tinh nguyên của cuốn tiểu thuyết đã in dấu trong tôi rất lớn. Tôi thiếu từ ngữ để diễn dịch cảm xúc của mình thành lời, thế nên tuần sau, khi bác Ballou hỏi: “Sao hả?” thì tôi chỉ đáp: “Truyện hay.”

Bác bảo: “Vậy hãy giữ nó. Bác đề nghị cháu cuốn khác nhé?”

Tôi gật đầu, và được trao cho một cuốn vào loại kinh điển trong nghiên cứu nhân chủng học của Margaret Mead.

Năm đó và năm sau, bác Ballou chưa hề trả tôi được mười xu tiền công cắt cỏ cho bác, nhưng cuối cùng thì tôi đã dạy nhân chủng học ở Đại học Dartmouth. Và mùa hè ấy tôi biết rằng đọc sách không hề là thú tiêu khiển vô thưởng vô phạt như tôi những tưởng, cũng không phải là một cách lãng khuây dễ chịu khi nằm trên võng (dù tôi đã nhiều lần thưởng thức cái thú này). Tôi khám phá ra rằng, một quyển sách nếu đến tay đúng lúc, đúng mùa, nó sẽ đổi thay cuộc đời của tất cả những ai đọc nó.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Ở Mỹ, tiệm thuốc không chỉ bán dược phẩm.

[2] The Holocaust: tác giả nói tới tội ác của quân Nazi (Quốc xã Đức) đã thiêu sống hàng loạt người Do Thái trong chiến tranh thế giới thứ Hai

19-3-1999

Dũ Lan Lê Anh Dũng dịch