Trở lại trang chánh của Website Thiên Lý Bửu Tòa

 

 

VĂN XƯƠNG ĐẾ QUÂN

* Lê Anh Minh

 

Văn Xương Đế Quân 文昌帝君 được dân gian lẫn Đạo giáo tôn sùng là thần chủ quản công danh phúc lộc của sĩ nhân. Văn Xương là tên vì sao, cũng gọi là sao Văn Khúc (Văn Khúc tinh 文曲星) hoặc sao Văn (Văn tinh 文星). Người Trung Quốc thời xưa cho rằng đây là tinh tú nắm giữ công danh và văn vận của thế nhân.

Văn Xương Đế Quân 文昌帝君 với thần Chu Y 朱衣 (bên trái)
và thần Khôi Tinh
魁星
(bên phải). Nguồn: Henri Doré, vol.6, tr.56

Sự kiện Văn Xương Đế Quân được dân gian và Đạo giáo phụng thờ có liên quan đến thần Tử Đồng Trương Á Tử 梓潼張亞子. Đời Đông Tấn 東晉 (317–420), năm Ninh Khang 寧康 thứ 2 (374) triều vua Hiếu Vũ Đế 孝武帝 (tức Tư Mã Diệu 司馬曜), một người nước Thục tên Trương Dục 張育 tự xưng là Thục Vương 蜀王, khởi nghĩa chống Phù Kiên 苻堅 (tiền Tần 前秦) (357) và hy sinh. Dân chúng quận Tử Đồng 梓潼 (Tứ Xuyên 四川) lập miếu thờ (tức Trương Dục từ 張育祠) tại núi Thất Khúc 七曲, tôn ngài là Lôi Trạch Long Thần 雷澤龍神. Trên núi Thất Khúc cũng có một miếu thờ thần Tử Đồng Trương Á Tử 張亞子. Vì hai miếu gần nhau, người đời sau mới gọi chung hai thần là Trương Á Tử 張亞子 hoặc «Trương Á Tử Sĩ Tấn chiến một» 張亞子仕晉戰歿 (Trương Á Tử, quan đời Tấn, chết trong chiến tranh). Sự tích Trương Dục có chép trong Tấn Thư 晉書.

Thần Trương Á Tử 張亞子 (cũng gọi Trương Ác Tử 張堊子, 張惡子) được ghi chép trong Hoa Dương Quốc Chí 華陽國志 quyển 2: «Tử Đồng huyện, quận trị, hữu Thiện Bản tự, nhất danh Ác Tử.» 梓 潼 縣 , 郡 治 , 有 善 板 祠 , 一 名 惡 子 (Huyện Tử Đồng là một quận trị, có miếu Thiện Bản, một tên khác là Ác Tử). Trong dân gian thường truyền nhau sự hiển linh thần dị của thần Tử Đồng Trương Á Tử. Thái Bình Hoàn Vũ Ký 太平寰宇記 quyển 84, mục Kiếm Châu Tử Đồng Huyện 劍州梓潼縣 có trích dẫn Quận Quốc Chí 郡國志 rằng: «Ác Tử tích chí Trường An kiến Diêu Trường, vị viết: Kiếp hậu cửu niên, quân đương nhập Thục, nhược chí Tử Đồng Thất Khúc sơn, hạnh đang kiến tầm.» 惡子昔至長安見姚萇, 謂曰: 劫後九年, 君當入蜀, 若至梓潼七曲山, 幸當見尋 (Ngày trước, Ác Tử đến Trường An gặp Diêu Trường, nói: 9 năm sau, ngươi phải vào Thục, nếu đến núi Thất Khúc huyện Tử Đồng, may mắn thì tìm gặp ta). Thập Lục Quốc Xuân Thu Tập Bổ - Hậu Tần Lục 十六國春秋輯補-後秦錄  ghi rằng: «Tiền Tần Kiến Nguyên thập nhị niên (376), Diêu Trường chí Tử Đồng Thất Khúc sơn, kiến nhất thần nhân vị chi viết: Quân tảo hoàn Tần, Tần vô chủ, kỳ tại quân hồ? Trường thỉnh kỳ tính thị, viết: Trương Ác Tử dã. Ngôn cật bất kiến. Chí cứ Tần xưng đế, tức kỳ địa lập Trương tướng công miếu tự chi.» 前秦建元十二年, 姚萇至梓潼七曲山, 見一神人謂之曰: 君早還秦, 秦無主, 其在君乎? 萇請其姓氏, : 張惡子也. 言訖不見. 至據秦稱帝, 即其地立張相公廟祀之 (Năm Kiến Nguyên thứ 12 (tiền Tần, 376) Diêu Trường đến núi Thất Khúc ở huyện Tử Đồng , gặp một thần nhân bảo rằng: Ngươi hãy sớm quay về Tần. Tần không có chủ, chẳng phải (chủ) là ở nơi ngươi sao? Trường xin hỏi danh tánh, người đó trả lời: 'Trương Ác Tử đây.' Nói xong thì chẳng thấy người đó đâu. Đến lúc Tần xưng đế, nơi này lập miếu Trương tướng công mà thờ phụng).

Khi loạn An Lộc Sơn 安祿山 nổi lên, Đường Huyền Tông 唐玄宗 lánh nạn chạy vào Thục, trên đường đi ngang núi Thất Khúc, nghĩ đến Trương Á Tử anh liệt kháng tiền Tần, bèn dừng chân vái lạy. Tương truyền khi tá túc núi Thất Khúc, Huyền Tông mộng thấy Trương Á Tử hiển linh mách rằng không bao lâu nữa, Huyền Tông sẽ trở thành Thái thượng hoàng. Hiện nay trên núi Thất Khúc còn dấu tích «Ứng mộng tiên đài» 應夢仙台 của Đường Huyền Tông. Năm Quảng Minh 廣明 thứ 2 đời Đường, Hy Tông 僖宗 lánh loạn Hoàng Sào 黃巢, vào Thục, đi ngang núi Thất Khúc cũng vào vái lạy, truy phong Trương Á Tử là Tế Thuận Vương 濟順王 và cởi bội kiếm tặng cho thần. Thần Tử Đồng Trương Á Tử vì được các vua Đường sùng bái, thanh danh lan truyền xa, từ một vị thần địa phương trở thành một đại thần khắp Trung Quốc.

Năm Hàm Bình 咸平 thứ 3 (1000) triều vua Tống Chân Tông 宋真宗 (tại vị 998–1023) (Bắc Tống), Đô Ngu Hầu 都虞候 ở Ích Châu 益州 [1] là Vương Quân 王均 nổi loạn, thần Tử Đồng 梓潼 linh hiển trợ giúp triều đình diệt quân phiến loạn. Tống Chân Tông bèn sắc phong Trương Á Tử là Anh Hiển Vũ Liệt Vương 英顯武烈王 đồng thời cho tu bổ miếu thờ. Đời Nam Tống, năm Thiệu Hưng 紹興 thứ 10 (1140), vua Tống Cao Tông 宋高宗 (tại vị 1127–1162) cho đại tu Tử Đồng Thần miếu và sắc phong miếu thờ là Linh Ứng Từ 靈應祠. Vua Tống Quang Tông 宋光宗 (tại vị 1190–1194) truy phong Trương Á Tử là Trung Văn Nhân Vũ Hiếu Đức Thánh Liệt Vương 忠文仁武孝德聖烈王. Tống Lý Tông (tại vị 1225–1264) truy phong Trương Á Tử là Thần Văn Thánh Vũ Hiếu Đức Trung Nhân Vương 神文聖武孝德忠仁王. Đời Nguyên, năm Diên Hựu thứ 3 (1316) vua Nhân Tông (tại vị 1312–1320) sắc phong Trương Á Tử là Phụ Nguyên Khai Hóa Văn Xương Tư Lộc Hoành Nhân Đế Quân 輔元開化文昌司祿宏仁帝君 và khâm định là Trung Quốc Hiếu Gia Ích Dân Chính Trực Thần 忠國孝家益民正直神. Kể từ đó thần Tử Đồng và sao Văn Xương được hợp nhất thành một danh xưng là Văn Xương Đế Quân.

Từ đời Tống rất thịnh hành vô số câu chuyện linh dị kể lại thần Tử Đồng hiển linh phù hộ các sĩ tử thi đậu làm quan, cho nên việc phụng thờ ngài càng thêm thịnh. Đời Nam Tống, Ngô Tự Mục 吳自 trong quyển Mộng Lương Lục 夢梁錄 thứ 14 chép rằng: «Tử Đồng Đế Quân tại đạo quán Thừa Thiên ở Ngô Sơn là thần nước Thục, chuyên nắm giữ lộc tịch (sổ sách về quan lộc) của con người, nói chung các sĩ tử bốn phương đi thi cầu danh đều xin ngài ban phúc. Ngài được phong là Huệ Văn Trung Vũ Hiếu Đức Nhân Thánh Vương.» (Tử Đồng Đế Quân, tại Ngô Sơn Thừa Thiên quán, thử Thục trung thần, chuyên chưởng lộc tịch, phàm tứ phương sĩ tử cầu danh phó tuyển giả tất đảo chi. Phong vương tước viết Huệ Văn Trung Vũ Hiếu Đức Nhân Thánh Vương 梓潼帝君, 在吳山承天觀此蜀中神, 專掌祿籍, 凡四方士子求名赴選者悉禱之. 封王爵曰惠文忠武孝德仁聖王). Cuối đời Nam Tống, các châu và phủ đều lập nhiều miếu thờ Tử Đồng Đế Quân. Như vậy những tượng thờ Văn Xương Đế Quân trong các chùa miếu và đạo quán ngày nay tức là tượng Tử Đồng Đế Quân.[2]

Đạo giáo đã sớm có tín ngưỡng Văn Xương, trong Lão Quân Âm Tụng Giới Kinh 老君音誦戒經chép: «Đương giản trạch chủng dân, lục danh Văn Xương cung trung.» 當簡擇種民錄名文昌宮中 (Phụ trách tuyển chọn phẩm hạng dân chúng, ghi danh vào cung Văn Xương). Đến đời Nguyên (1279–1368) và đời Minh (1368–1644), các đạo sĩ lợi dụng tín ngưỡng dân gian về Văn Xương Đế Quân mà viết ra «Thanh Hà Nội Truyện» 清河內傳 và «Tử Đồng Đế Quân Hóa Thư» 梓潼帝君化書, v.v. kể lại những thần tích của Văn Xương Đế Quân. Các sách viết rằng Văn Xương Đế Quân vốn sinh đầu đời Chu , đã trải 73 kiếp hoá thân, từng là sĩ đại phu, cuối đời Tây Tấn 西晉 ngài giáng sinh nơi đất Thục , tên là Á họ là Trương , tự là Bái Phu 霈夫, được lệnh Ngọc Hoàng Thượng Đế 玉皇上帝 cho chưởng quản Văn Xương phủ 文昌府 và lộc tịch (sổ sách về quan lộc) của nhân gian.[3] Đạo Tạng Tập Yếu thu thập quyển Văn Xương Đế Quân Bản Truyện 文昌帝君本傳 viết vào những năm Sùng Đức 崇德 (1636–1648) đời Thanh (1644–1911). Trong đó ghi rằng: «Văn Xương Đế Quân họ là Trương húy là Thiện Huân 善勛, có những thần tích linh dị, phàm nhương tai khử họa đảo vũ cầu tự hễ có thành tâm tất có ứng nghiệm, có thể trấn phục yêu ma tảo trừ dịch bệnh. Ngài được gọi là Văn Chương Tư Mệnh vì các giới quý tiện văn vũ y bốc sĩ nông công thương hễ có lòng mong cầu công danh đều trông cậy vào ngài. Ngài cư ngụ nơi cung Văn Xương nơi chòm sao Tử Vi, thường giáng cơ viết kinh, hiển mộng báo tin, phân thân ứng hóa, cứu độ nhân sinh.» [4]

Trong Tử Đồng Đế Quân Hóa Thư 梓潼帝君化書 (do Đàm Tiễu 譚峭 viết đầu thế kỷ X) tóm lược 17 kiếp của Văn Xương Đế Quân, nhưng nội dung hết sức hoang đường. Có lẽ sáng tác này của đạo sĩ Đàm Tiễu muốn củng cố và chuyển tín ngưỡng Văn Xương Đế Quân từ một tín ngưỡng dân gian sang tín ngưỡng của Đạo giáo.[5]

Trong Đạo TạngĐạo Tạng Tập Yếu thu thập rất nhiều kinh sách do Văn Xương Đế Quân giáng cơ bút. Trong đó thịnh hành nhất kể từ đời Tống và đời Nguyên là Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn 文昌帝君陰騭文. Tác phẩm này tuyên xưng: «Văn Xương Đế Quân cứu nhân chi nạn, tế nhân chi cấp, mẫn nhân chi cô, dung nhân chi quá, quảng hành âm chất, thượng cách thương khung.» 文昌帝君救人之難, 濟人之急, 憫人之孤, 容人之過, 廣行陰騭, 上格蒼穹 (Văn Xương Đế Quân cứu nạn dân chúng, giúp người trong khốn khó nguy cấp, xót thương kẻ bơ vơ, khoan dung lỗi lầm của thế nhân, [ai] thi hành rộng khắp âm chất được đặc cách lên trời [ghi tên trong tiên tịch]). Đồng thời khuyến dạy người đời: «Hành thời thời chi phương tiện, tác chủng chủng chi âm công, lợi vật lợi nhân, tu thiện tu phúc, chính trực đại thiên hành hóa, từ tường vị quốc cứu dân, trung chủ hiếu thân, kính huynh tín hữu. Hoặc phụng Chân triều đẩu, hoặc bái Phật niệm kinh, báo đáp tứ ân, quảng hành tam giáo.» 行時時之方便, 作種種之陰功, 利物利人, 修善修福, 正直代天行化, 慈祥為國救民, 忠主孝 親 , 敬兄信友. 或奉真朝斗, 或拜佛念經, 報答四恩, 廣行三教 (Thường thi hành tiện ích, tạo vô vàn công đức vô hình, ích lợi cho người cho vật, tu thiện tu phúc, chính trực thay trời hành hóa đạo đức, từ ái vì nước cứu dân, trung vua, hiếu cha mẹ, kính trọng huynh trưởng, tin cậy bằng hữu. Hoặc thờ Tiên tu đạo hoặc bái Phật niệm kinh để báo đáp bốn ân và quảng hành tam giáo). Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn là một trong tam đại khuyến thiện thư của Đạo giáo,[6] có ảnh hưởng rất lớn trong dân gian.

Từ đời Nguyên và đời Minh về sau, các địa phương ở Trung Quốc kiến tạo rất nhiều cung và đền miếu thờ Văn Xương Đế Quân (gọi là Văn Xương Cung 文昌宮, Văn Xương Từ 文昌祠, Văn Xương Các 文昌閣) nguy nga, hiện nay vẫn còn. Đài Loan hiện có 29 ngôi miếu thờ Văn Xương Đế Quân. Tại Việt Nam, Văn Xương Đế Quân được thờ trong đền Ngọc Sơn nơi hồ Hoàn Kiếm Hà Nội kể từ khi đền được trùng tu năm Thiệu Trị thứ nhất (1841),[7] ngoài ra ngài còn được thờ trong các ngôi chùa miếu của người Hoa. Đạo giáo lấy ngày 3 tháng 2 âm lịch làm ngày vía đức Văn Xương Đế Quân.

Khi Văn Xương Đế Quân du hành, tùy tòng có Huyền Đồng Tử 玄童子 (Thiên Lung 天聾: trời điếc) và Địa Mẫu 地母 (Địa Á 地啞: đất câm). Hai tùy tòng có nhiệm vụ biệt lập về hành chánh phụ giúp Văn Xương Đế Quân. Để giữ công bình và bí mật, Thiên Lung không thể lắng nghe được những lời van xin cầu khẩn của thế nhân, Địa Á không thể tiết lộ cho họ biết những dự định của Đế Quân.[8]

LÊ ANH MINH

 

CHÚ THÍCH

 

[1] Nay là Thành Đô 成都 ở Tứ Xuyên 四川.

[2] E. T. C. Werner, A Dictionary of Chinese Mythology, New York, 1969, tr. 555.

[3] Đạo Tạng 道藏, quyển 18, tr. 211 và quyển 3, tr. 286, Văn Vật xbx, Thượng Hải thư điếm và Thiên Tân Cổ Tịch xbx liên hợp xuất bản, 1988. Dẫn theo Khanh Hy Thái 卿希泰 chủ biên, Trung Quốc Đạo Giáo 中國道教, Đông Phương Xuất Bản Xã Trung Tâm, Thượng Hải, 1996, quyển 3, tr. 95.

[4] Đạo Tạng Tập Yếu 道藏集要, quyển 7 về các sao, năm Quang Tự 光緒 30 đời Thanh, Nhị Tiên Am 二仙庵 ở Thành Đô 成都 khắc in. Dẫn theo Khanh Hy Thái, sđd., quyển 3, tr. 95.

[5] Henry Doré đã dịch tỉ mỉ trong quyển 6 bộ Recherches sur les Superstitions en Chine, Shanghai, 1920. Bản dich tiếng Anh của M. Kennelly, New York, 1920, tr. 39–58.

[6] Tức là Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn, Cảm Ứng Thiên, và Công Quá Cách.

[7] Ngô Đức Thọ chủ biên, Từ điển di tích văn hóa Việt Nam, nxb Khoa Học Xã Hội, 1993, tr. 474,

[8] Henry Doré, Recherches sur les Superstitions en Chine, Shanghai, 1920. Bản dich tiếng Anh của M. Kennelly: Researches into Chinese Superstitions, New York, 1920, Vol. VI, tr. 57–58.

 

HANOSOFT R&D

 

Chú thích về font Arial Unicode MS

Cùng một tác giả Lê Anh Minh

 

Thiên-Lý Bửu-Tòa, 12695 Sycamore Ave, San Martin, CA 95046 - USA. Tel: (408) 683-0674

Website: www.thienlybuutoa.org     Email    Sơ đồ hướng dẫn tới TLBT

Thông bạch in Kinh