Trở lại trang chánh của Website Thiên Lý Bửu Tòa

 

 

Vào thăm thiền viện


KAY BIELER

 

 

Kay Bieler là phóng viên của tạp chí QUICK của Đức, anh là nhà báo đầu tiên thăm viếng Thiền viện Ten-ryū-ji (Thiên Long Tự), một thiền viện nổi tiếng tại Kyōto, được xây dựng trên 650 năm về trước. Anh đã tu tập thiền định ở nơi đây. Bài dưới đây ghi lại cảm tưởng và những kinh nghiệm ban đầu của anh chốn thiền môn. Lê Anh Minh dịch từ tiếng Đức và chú thích.

 

 

Tiếng chuông ngân len vào những cơn mơ xao động của tôi. Ánh mắt ngái ngủ của tôi chiếu lên đồng hồ. Đã 4 giờ sáng rồi. Tôi xoay người lại, định ngủ tiếp. Nhưng một người đội mũ ni đến lay vai tôi: «Nào, nhanh lên! Trong vòng 3 phút phải có mặt ở Zendo (thiền đường) đấy nhé!» Người tôi rêm rêm như bị ai dần. Chả là tôi có ngủ nghê được gì đâu vì đã nằm ngủ trên mảnh Futo [1] (bồ đoàn) cứng và mỏng tanh hồi hôm. Tôi mặc y phục nhanh như chớp, xỏ vội đôi guốc gỗ, lật đật theo bước những người khác đến thiền đường. Để guốc phía ngoài cửa, tôi gập người cúi chào trước khi bước vào, rồi ào đến toạ cụ [2] dành riêng và ngồi xếp bằng kiết già.

Trong thiền đường, ánh sáng lờ mờ. Tia nắng ban mai yếu ớt xuyên qua khung cửa sổ bịt giấy và chiếu lên các thiền sinh. Họ ngồi kiết già thành từng hàng thẳng băng. Gương mặt hoàn toàn tĩnh lặng, thân người hoàn toàn bất động.

Một tiếng chuông lại ngân lên. Ai đó bắt đầu tụng một bài kinh (sutra), và các thiền sinh chú tâm lắng nghe. Tôi lẩm bẩm đọc khẽ theo. Ánh mắt tôi cũng nhìn thẳng phía trước một cách cương quyết như mọi người. Và tôi thầm hỏi chẳng biết gã Oliver Gode đang ngồi xếp bằng bên cạnh có cảm tưởng gì không. Oliver Gode, 23 tuổi, nguyên quán ở Bochum,[3] là một trong khoảng 400.000 những người chí nguyện của phong trào «Come-Together Aktion» [4] do Peter Stuyvesant sáng lập. Oliver được chọn làm người đại diện cho phong trào này tại Châu Á. Mục đích của phong trào này là tìm kiếm sự cảm thông giữa anh em năm châu bốn biển. Nhiệm vụ của Oliver thật hấp dẫn, anh được chỉ định làm vị khách của Thiền viện Ten-ryū-ji [5] ở Kyōto, cùng sinh hoạt theo đời sống của thiền viện, tu hành và tham thiền. Còn tôi tháp tùng theo anh, với tư cách một ký giả.

Có lẽ Oliver cũng chưa biết những gì đang chờ anh ở phía trước. Tôi cũng vậy, chẳng biết mình sẽ lĩnh hội hay hoạch đắc được những gì. Trước đó, tôi có quen một người Đức tên là Heinz Anniser, 49 tuổi. Ông đã sống tại thiền viện này được 20 năm rồi.

Trong buổi hội ngộ, tôi kể cho ông nghe mối quan tâm của tôi về Thiền, và đồng thời bày tỏ những cảm tưởng tốt đẹp của mình trước vẻ mỹ lệ của đền, chùa, thiền uyển, và trà đạo.

Được sự đồng ý của thiền sư Hirata, ông Anniser mời tôi vào Thiền viện (ở đây các thiền sinh gọi ông một cách thân mật là «Anniser-san» – nghĩa là «anh Anniser». Thật là một chuyện khác thường, tương phản với đời sống thâm nghiêm của thiền viện khi có bóng dáng của một gã ký giả là tôi tại nơi này. Những người tu Thiền tại đây rất khiêm tốn, dường như họ đã giải trừ lòng ngã mạn rồi.

Một tiếng chuông lại vang lên, kéo tôi trở về với hiện tại. Chúng tôi đứng dậy, rời bỏ tọa cụ và đứng xếp thành hàng dọc để đi tới Phật đường. Vì không quen đi guốc, tôi đi chậm và sút guốc mấy lần, làm đoàn phải đứng lại theo. Đến Phật đường, chúng tôi cúi chào thiền sư Hirata. Ngài năm nay 65 tuổi, trụ trì Thiền viện này, rất uyên bác và đạo hạnh, có lẽ ngài là thiền sư danh tiếng nhất hiện nay tại Nhật Bản. Trong thiền giới, ngài được xem là một bậc đã chứng ngộ (Erwachter).

Sau này, ông Anniser bảo tôi: «Nhiệm vụ của một thiền sư là thị đạo, nghĩa là vạch một hướng đi cho nhân sinh.» Tôi hỏi: «Đi đến đâu?» Ông trả lời: «Zen không có điểm đến cụ thể. Zen là Đạo, là con đường đưa đến sự chứng ngộ.»

Điều ông Anniser nói thật là mâu thuẫn. Ông bảo tôi, trong Thiền thật sự chẳng có qui tắc nào hết. Tuy nhiên sống trong bốn bức tường thâm nghiêm của Thiền Viện này, tôi nhận ra ở đây vẫn có qui tắc.

Thiền sư Hirata chờ đợi chúng tôi nơi căn phòng lớn bên cạnh Phật đường. Thiền sinh từng người một bước đến ngài và cúi đầu đảnh lễ. Ngài đã ban cho mỗi người một Kōan (công án thiền) [6] riêng, từ nhiều năm trước. Đó là một ẩn ngữ thiền mà mỗi thiền sinh đều phải giải đáp, và mỗi sáng khi đến ngài đảnh lễ, họ phải bày tỏ cho ngài biết từng ngày qua họ đã lĩnh hội tới đâu. Công án hết sức tối nghĩa và phi luận lý. Chẳng hạn hai công án sau đây: «Khi lên tới đỉnh núi rồi, hãy leo tiếp» và «Tiếng vỗ của bàn tay trái là thứ tiếng gì?»

Kể từ lúc nhận lãnh công án, mỗi thiền sinh phải tu tập công án từng ngày, trong từng công việc lao động, chẳng hạn bửa củi, làm vườn... Tiến trình tu tập công án có thể kéo dài nhiều năm. Như trường hợp của ông Heinz Anniser, ông mất ít nhất là ba năm mới lý hội được công án đầu tiên mà thiền sư Hirata ban cho ông. Đó là công án về «Tiếng vỗ của bàn tay trái». Ông bảo: «Chúng ta sẽ lý hội và giải đáp được công án một khi chúng ta giải trừ được mọi tri kiến bì phu có sẵn.» Tôi lộ vẻ hoài nghi. Ông Anniser mỉm cười sâu sắc: «Những chấp trước, những tri kiến có sẵn, chẳng ích lợi gì cho anh cả. Tâm hãy trụ vào chỗ không trụ, nếu không anh sẽ không bao giờ lý hội được công án. Thành thử đối với kẻ này thì việc lý hội một công án dễ như trở bàn tay còn đối với người khác thì cực kỳ khó khăn.»

Sau khi đảnh lễ và trình bày cho thiền sư nghe về những khám phá mới riêng của mỗi người trong việc tu tập công án, chúng tôi đi ăn sáng. Bấy giờ là 5 giờ. Bữa điểm tâm chỉ có cháo trắng và quả mận muối.[7] Sau đó là uống trà. Theo phong cách trà đạo, tất cả đều uống chung với nhau cùng một cái chén. Ông Anniser nhắc nhở tôi: «Uống chung một chén, nhưng sự thanh tâm thì riêng tư.»

Ở đây mỗi ngày có 4 bữa ăn: 5 giờ điểm tâm, 10 giờ ăn trưa, 4 giờ chiều ăn chiều, và 9 giờ tối ăn súp nhẹ. Từ 9 giờ cho đến nửa đêm, mọi người tu tập tham thiền.

Tham thiền là một phương thức dẫn đến sự chứng ngộ, một con đường đưa đến sự viên mãn, toàn giác. Nhưng đối với tôi, đó là con đường vượt qua gian khổ. Trong suốt thời gian sesshin (tiếp tâm) [8] chúng tôi phải tọa thiền (zazen) ít nhất là 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày, nghĩa là 6 tiếng đồng hồ ngồi kiết già tĩnh lặng, nhưng cứ mỗi nửa tiếng thì được xả hơi chút đỉnh.

Khi ngồi thiền (zazen), mắt hé mở, tập trung tư tưởng vào một điểm (như đầu mũi chẳng hạn), ánh mắt hướng thẳng vào khoảng không trước mặt. Hai bàn tay mở, xếp chồng lên nhau và đặt ngang với đan điền, tức là một huyệt nằm dưới rún độ một ngón tay.

Buổi tọa thiền có một vị chủ trì, hướng dẫn cách tham thiền, vị này được gọi là Thiền chủ. Vị này đi chậm rãi từng bước trang nghiêm, trên vai vác một thiền trượng gỗ. Đột nhiên vị thiền chủ bước tới trước mặt một vị thiền sinh, nghiêng mình chào. Tôi liếc mắt theo dõi: Vị thiền sinh đang cúi rạp người về phía trước, còn vị thiền chủ dịu dàng đặt thiền trượng lên lưng anh ta hai lần. Tôi thầm nghĩ: «À ra thế, chẳng qua đây là hình thức nhắc nhở cho anh ta khỏi bị hôn trầm (ngủ gục) đấy mà.» Nhưng vị thiền chủ đã đập bốn cú như trời giáng lên lưng anh ta. Trong lúc bốn cú đập của thiền trượng phá tan sự yên tĩnh của thiền đường, thì mọi người vẫn an nhiên bất động, dường như chẳng có gì xảy ra cả. Sau đó hai vị thiền chủ và thiền sinh cúi chào nhau kính cẩn.

Buổi tọa thiền vẫn tiếp tục, trong khi đó chân tôi tê dại rã rời. Thời gian dường như đứng lại, và mắt tôi đang lim dim mơ màng. Tôi ngao ngán quá. Lúc thì đau chân, khi thì đau lưng. Một lúc sau, tôi cảm thấy hoa mắt và nhức đầu. Tôi cố găng không ngồi đếm bước thời gian trôi qua nữa, vì càng nghĩ đến thời gian, tôi càng thấy dường như nó cứ đứng yên hoài một chỗ!

Trong lúc tôi quán tưởng về tự tánh, bóng dáng vị thiền chủ lướt ngang qua mặt tôi, và tôi nghe tiếng đập của thiền trượng vang lên chan chát đâu đó, bên trái hoặc bên phải. Vậy là cũng có nhiều người bị hôn trầm nữa rồi.


Hoa nở trong thiền uyển

Tôi cố gắng nhiếp tâm, loại trừ tạp niệm, nhưng hình ảnh của cô bạn gái khả ái yêu kiều bỗng hiện ra trong tâm trí tôi. Tôi thầm nhủ: «Thiền là phương thức hàng phục tâm, chú mày chớ có vọng niệm đấy!» Nhưng rồi tôi mệt mỏi quá. Sắp ngủ gục đến nơi. Thôi đành nếm thử mùi vị của thiền trượng như thế nào!

Đương lúc nhoài người ra phía trước ngủ gà ngủ vịt, tôi thoáng thấy bóng dáng vị thiền chủ đứng trước mặt. Tôi cảm thấy có vật gỗ cứng chạm vào lưng hai cái và tiếp theo là bốn cú đập ra trò. Những cú đập thật chính xác, không chạm vào cột xương sống, nhưng mạnh mẽ, rát bỏng và thật vang. Cơn đau đớn chạy dài trên lưng tôi, nước mắt tôi ứa ra, ràn rụa, và cổ họng như bị nghẹn lại. Cố nén cơn đau, tôi cúi mình tạ lễ theo đúng thiền qui.


Lối vào Thiền viện


Một góc khuôn viên

Một điều kỳ diệu xảy ra ngay sau đó, cơn đau rát bỏng bỗng nhiên làm tôi ấm áp và sảng khoái. Nhờ vậy, mười lăm phút tọa thiền tiếp theo trôi qua thật nhanh chóng.

Chiều chiều, ba chúng tôi gồm Oliver Gode, Heinz Anniser và tôi cùng đàm đạo về Thiền Phật giáo. Không biết đối với ai thì sao chứ riêng tôi, mấy thứ qui tắc ở đây hết sức phiền toái. Chẳng hạn khi ăn uống phải điềm đạm và lặng lẽ, trong khi đó tôi lại muốn vừa ăn vừa chuyện trò và ăn xong là phải có điếu thuốc lá mới được.

Ông Anniser bảo: «Tu thiền khó nhọc và gian khổ lắm. Chẳng hạn lúc mùa Đông, nhiệt độ 10 độ âm, anh phải toạ thiền suốt 6 tiếng đồng hồ trong cái lạnh đó thì biết. Nếu anh không chú tâm điều tức (vận hành hơi thở) thì lỗ mũi bị tê cóng ngay.»

Buổi chiều, trước ngày phải từ giã, tôi còn muốn biết thêm đôi điều nữa. Ông Anniser nói: «Thiền là thế này: anh cứ làm những gì anh muốn, nhưng đừng làm những gì sẽ thỏa mãn anh.» Thật là bí hiểm! Tôi muốn gì nhỉ? Thực ra, tôi muốn am hiểu Thiền là gì và muốn thắng được bản ngã yếu hèn, chiến thắng được con «lợn lòng» trong tôi.

Trong buổi tọa thiền 30 phút tiếp theo, tôi thấy thế ngồi kiết già – hay thế ngồi liên hoa của Phật Tổ – gây đau đớn cho người Âu Châu như tôi không ít. Vị thiền sinh tĩnh tọa đối diện tôi nom hết sức thoải mái, vẻ mặt thanh thản vì đã quen với tọa thế liên hoa này. Tôi biết đợt tọa thiền diễn ra trong 30 phút thôi, vậy trong khi chờ đợi tiếng chuông báo hiệu giải lao tôi phải cố gắng nén đau đớn mà giữ cho tốt thế ngồi kiết già này. Nếu lỡ mà ngã đùng ra thì quả là xúc phạm thanh qui ở đây. Nghĩ vậy, tôi an tâm tiếp tục toạ thiền.

Lúc mới bắt đầu xếp chân tĩnh tọa, mọi việc đều dễ dàng. Chừng 5 phút sau, chân tôi trĩu nặng và tê dại dần. Nhịp tim đập cũng gấp rút hơn. Tuy mắt tôi nhìn bất động về trước, nhưng đầu tôi cứ nghĩ đến cái đau đớn đang chịu. Hô hấp sâu có lẽ giảm đau được chút đỉnh, tôi nghĩ vậy. Nhưng khi thâm hô hấp, tôi càng cảm thấy đau nhức hơn. Thời gian trôi qua bao lâu rồi nhỉ? Quả thật tôi đã mất hết ý niệm về thời gian rồi. Mồ hôi toát ra như tắm, đầm đìa trên mặt, trên lưng tôi. Trong đời, tôi chưa hề nếm mùi vất vả như thế này. Con đường đau khổ này dẫn đến chứng ngộ chăng? Một tiếng chuông vang lên. Bản ngã thấp hèn trong tôi trỗi dậy. «Có ai ép uổng chú mày phải chịu đựng cái trò quỉ này đâu. Lão thiền sư, bọn thiền sinh, và cả cái lão chủ bút dở hơi của tạp chí Quick cũng đâu có ép buộc gì chú mày! Thôi đứng dậy quách cho rồi!» Nhưng rồi lý trí của tôi đã chế ngự được cái phàm tâm ấy: «Mình đâu có làm chuyện này cho ai đâu, mà làm cho chính bản thân mình đấy thôi. Mình thử trắc nghiệm khả năng chịu đựng đến đâu cho biết.»

Toàn thân tôi đau nhức nhừ tử, bắp thịt co giật. Đành phải đầu hàng thôi. Tôi không còn biết ất giáp gì nữa. Thua! Một tiếng chuông ngân làm tôi quá đỗi ngạc nhiên. Tôi đã mất ý niệm về tiếng chuông rồi. Khi tôi đứng dậy, đôi chân tôi như thể là mới đi mượn của ai vậy. Dường như tôi không có chân nữa! Tôi thất thểu lê bước ra khỏi thiền đường, và khi hết đau nhức, tôi chạy đến một quán cà phê cách thiền viện 300 mét, ở một khu phố náo nhiệt.

Tôi khoan khoái thưởng thức cà phê và rít từng hơi thuốc sung sướng. Không khí của quán cà phê mới là thế giới của tôi, còn thiền viện thì không. Tuy nhiên tôi cũng vui vì đã vượt qua được, và cảm tưởng như mình được tái sinh vậy. Vào ngày cuối ở đây, một vài thiền sinh mời chúng tôi đến phòng thất phụ để uống cà phê. Họ chuyện trò vui vẻ. Những khuôn mặt trẻ này hoan hỉ mong đợi đợt tham thiền «sesshin» (tiếp tâm) này kết thúc. Tôi phát hiện có cái gạt tàn thuốc ở góc phòng. «Suyt!» Một thiền sinh nháy mắt và ra dấu cho tôi, tôi hiểu điều đó nghĩa là gì, và mỉm cười đồng lõa.

Dưới bóng thiền viện tôn nghiêm đã 650 tuổi này, dần dà tôi phát hiện thêm, những thiền tăng, thiền sinh ở đây cũng có những khao khát và nguyện vọng riêng. Họ lén hút thuốc và uống cà phê. Rồi tôi cũng biết được rằng thiền sư Hirata đã có vợ và được hai con. Mỗi thiền sinh ở đây được phép trở về cuộc đời thế tục trong hai tháng để sống tự do. Và chẳng ai trong thiền viện cấm đoán một ai trong bọn thiền sinh này có bạn gái hay lấy vợ. Zen thật là nghịch lý!

Nhưng giờ đây, trong giây phút hiện tiền, ngồi quây quần cùng với Oliver Gode và mười mấy thiền sinh bên khói thuốc và tách cà phê, tôi chợt hiểu ra nghịch lý của Thiền. Đó không phải là ý nghĩa đích thực của Thiền hay sao?

Lê Anh Minh dịch và chú thích

Nguồn: Tạp chí QUICK, 9-1991.

 

CHÚ THÍCH

[1] Futo: Tác giả viết là futo, nhưng đúng ra là futon, âm Hán Việt là bồ đoàn. Bồ là một thứ cỏ, đoàn là vật hình tròn. Futon 蒲团 (bồ đoàn) là dụng cụ để nằm (gọi là phô bồ đoàn phô 敷蒲团) hoặc ngồi (gọi là toạ bồ đoàn 座蒲团), hoặc để đắp như cái chăn (gọi là quải bồ đoàn 掛蒲团).

[2] Tọa cụ, âm tiếng Nhật là Zagu 坐具, tiếng Phạn là Nisidana. Tọa cụ là tấm đệm để ngồi. Tọa cụ là một trong 6 món đồ vật mà một nhà sư có quyền sở hữu, gồm bộ tam y, bình bát, tọa cụ, và cái lọc nước (water-strainer). Bộ tam y (ba cái áo) gồm: Đại y phía ngoài còn gọi là tăng già lê 僧伽梨 (sańghātī), áo mặc lót giữa còn gọi là uất đa la tăng 鬱多羅僧 (uttarāsańga) và áo lót phía trong còn gọi là an đà hội 安陀會 (antarvāsaka). Sáu món này gọi là lục vật 六物 (tiếng Nhật là rokumotsu), còn gọi chung là Tam y lục vật 三衣六物.

[3] Bochum: thành phố công nghiệp nằm ở vùng Ruhr (Ruhrgebiet) của Tây Đức. Bochum nằm giữa hai con sông Ems và Ruhr, thuộc tiểu bang Nordrhein-Westfalen. Nó nổi tiếng về kỹ nghệ xe hơi, hóa học, máy móc, máy điện tử, thuốc lá...

[4] Come-Together-Aktion: tạm dịch là phong trào «Đến với nhau để hành động».

[5] Ten-Ryū-Ji 天竜寺 (Thiên Long Tự): Thiền Viện này là Tổ đình của phái Thiên Long Tự, trực thuộc dòng Thiền Lâm Tế 臨濟 (Rinzai), tại Kyōto. Tại Kyōto có 5 thiền viện lớn, mà Thiên Long Tự là một. Thiền viện do ngài Ashikaga Takauji sáng lập và xây dựng vào năm 1339. Đến năm 1991, lúc Kay Bieler thăm viếng, thì thiền viện được 652 tuổi. Thiền viện được xây lên làm nơi an nghỉ cuối cùng của vua Go-daigo. Hoa viên của thiền viện (gọi là Thiền uyển) do nghệ sĩ Muso-Kokushi hình thành đồ án. [Theo Nhật Anh Phật giáo từ điển 日英佛教辭典, Đại Đông xuất bản xã, Tōkyō, 1965, tr.317. Xin xem thêm phụ chú cập nhật cuối bài.]

[6] Kōan 公案 (công án) còn được gọi là Watō 話頭(thoại đầu). Đó là ẩn ngữ Thiền mà người ta phải tham cứu tu tập. Muốn được gọi là thiền sư, ít nhất phải lý hội được rất nhiều công án (có người nói là đến 1700 công án thiền) [theo Nhật Anh Phật giáo từ điển 日英佛教辭典, Đại Đông xuất bản xã, Tōkyō, 1965, tr.176]. Công án đóng vai trò then chốt trong việc tu thiền. Đó là phương tiện dẫn đến Satori (ngộ) tức là chứng ngộ. Một số công án như: «vô» , «Muôn vật trở về một, một trở về gì?» (Vạn pháp qui nhất, nhất qui hà xứ? 萬法歸一一歸何處), «Tổ Đạt Ma sang Trung Quốc có ý nghĩa gì» (Như hà thị tổ sư Tây lai ý? 如何是祖師西來意), v.v... (Hai công án mà Kay Bieler nêu trong bài cũng rất nổi tiếng.)

[7] Mận muối (tiếng Đức trong bài là Salzpflaume): Pflaume (tiếng Anh: plum) được dùng để chỉ hoa mai hoặc trái mận. «Ăn cháo trắng với quả mận muối», không rõ có phải là thói quen của người Nhật hay không. Có lẽ Kay Bieler muốn nói đến củ cải muối. Người Trung Quốc cũng quen ăn cháo trắng với của cải muối (tiếng Đức là Salzrube).

[8] Sesshin 接心 (tiếp tâm): thời kỳ tham thiền kéo dài cả tuần lễ, hoặc hơn nữa. Chư tăng tham thiền mỗi ngày ít nhất là 6 tiếng đồng hồ, đúng nguyên tắc là từ sớm tinh mơ cho đến tối mịt. Trong thời gian đó, có những đợt giải lao ngắn ngủi (xả thiền) xen vào. 


Chú thích cập nhật (2004): Năm 1994 Thiên Long Tự được xếp vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO (UNESCO’s World Heritage List). Thiền viện có hoa viên là một trong các hoa viên cổ xưa nhất Kyōto. Thuở đầu, kiến trúc này do nhà sư Rankei Doryu (1213-78) thiết kế theo yêu cầu của Nhật hoàng Go-Saga để làm nơi nghỉ mát cho nhà vua cùng giới quý tộc. Nhà vua cũng có một hành cung tại đây. Năm 1339, Ashikaga Takauji (1305-1358) – người sáng lập Ashikaga Shogunate – đã cải đổi hành cung thành Phật tự để tưởng niệm Nhật hoàng Go-Daigo (1288-1339). Ashikaga làm điều đó sau khi nằm mộng thấy một con rồng bay lên từ con sông gần khu vực này. Và thiền viện được xây dựng như là sự chuộc lỗi của Ashikaga với vong hồn uất hận của vua, người mà Ashikaga phản bội và áp bức lưu đày đến chết tại Yoshino. Nghệ sĩ hoa viên danh tiếng Muso Soseki (1275-1351), cũng gọi là Muso-Kokushi, đảm nhiệm việc thiết kế mới Thiên Long Tự và hoa viên. Ngày nay Thiên Long Tự là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế (Lâm Tế Tông: Rinzai-shū).


Chú thích về font Arial Unicode MS

Cùng một tác giả Lê Anh Minh

Thiên-Lý Bửu-Tòa, 12695 Sycamore Ave, San Martin, CA 95046 - USA. Tel: (408) 683-0674

Website: www.thienlybuutoa.org     Email    Sơ đồ hướng dẫn tới TLBT

Thông bạch in Kinh