The Left Eye of God

Giao Cảm

Vì yêu văn chương, yêu cái mỹ miều của tiếng Việt giống nòi, thuở đôi mươi tôi nhờ hạnh ngộ thơ phú trong thánh thi Cao Đài mà rung động tự nhiên, mà dạt dào cảm xúc, để rồi tự nguyện xin làm đứa học trò áo trắng nhỏ nhít của Thầy của Mẹ.

Cũng cái thuở đôi mươi ấy, có lần tình cờ tôi đọc được những dòng thánh giáo sau đây:

Thời gian mãi trôi, dần theo năm tháng. Cuộc cờ kim cổ, thay đổi đổi thay. Có ai đếm mấy độ trăng tròn, bao lần nguyệt khuyết?

Sóng triều bủa vực, mỏm đá rêu phong. Tuyết phủ trắng đầu non, rừng cây thay xác lá. Đếm thời gian mà độ lấy năm dài, cuộc đời vô thỉ vô chung.

Ngoảnh nhìn lại sau lưng, ngước trông về trước mắt. Quá khứ, tương lai dày đặc, buộc con người vào chính cái nó được đặt để.

Con người. Hai tiếng ấy vọng về trong sa mạc. Sa mạc hoang vu của vũ trụ, gió núi nắng lửa, bình sa lưu thủy chập chờn trong ảo giác.

Thử đếm vạn lá ngô đồng (a) rơi rụng, đếm ức hạt Hằng sa để hưng cái thời gian đã đi và đang đến.

Nào ai bỉnh chúc dạ hành, (b) kẻo muội (c) tánh hư linh trong đời người ngắn ngủi.

Nào ai đã tận dụng thời gian mà giựt giành với tử thần, cho cuộc sống vẫn ghi hằng sống.

Nào những ai đứng lặng, ngắm trường giang mà hát câu nhựt mộ, hay vỗ mạn thuyền mà hát khúc yên ba, xem thế sự như vầng mây nổi.

Tất cả và tất cả hai chữ thời gian đã làm con người khắc khoải, rung động cả bộ óc ưu tư.

Tôi bàng hoàng sung sướng, bởi lẽ:

Những từ ngữ nhựt mộ, yên ba liền kéo lòng tôi về hai câu thơ của Thôi Hiệu mà tôi vẫn hằng mê thích: Nhựt mộ hương quan hà xứ thị / Yên ba giang thượng sử nhân sầu. Mười bốn chữ man mác nỗi niềm thiên cổ này từng được Tản Đà chuyển thành lục bát thần cú: Quê hương khuất bóng hoàng hôn / Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

Và thêm nữa, cái giọng văn đượm hơi hướm biền ngẫu cổ kính (Sóng triều bủa vực, mỏm đá rêu phong. Tuyết phủ trắng đầu non, rừng cây thay xác lá.) lại mang mặc lắm nét tu từ hiện đại (Con người. Hai tiếng ấy vọng về trong sa mạc. / Tất cả và tất cả hai chữ thời gian…).

Những dòng thánh giáo bay bướm, mượt mà ấy chính là của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư. Lần đầu tiên tôi được hân thưởng thơ văn của Ngài nhờ có bộ Đạo Học Chỉ Nam do các đàn cơ tại Minh Lý Thánh Hội thông công tiếp điển.

Một vị Thiền Sư đầy huyền thoại của lịch sử dân tộc cuối Lê đầu Lý xa xưa đã trở về với cháu con Hồng Lạc những năm non nước điêu linh gần cuối thế kỷ Hai Mươi, mượn ngọn cơ mầu nhiệm há đâu chỉ để tung hoành chữ nghĩa cho phỉ chí với văn thơ. Mà chính vì thọ nhận sứ vụ thiêng liêng với Ngọc Hư Cung, với Công Đồng Tam Giáo trong cơ cứu độ Kỳ Ba nên Đức Thiền Sư mới lâm trần truyền ban đạo lý thượng thừa.

Đặc điểm thánh giáo của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư là nét diễm lệ làm say mê những ai có lòng mến mộ văn chương, yêu quý tiếng mẹ Trời dành. Đồng thời ngôn từ như gấm thêu hoa rực rỡ lại kết châu đính ngọc lung linh ấy cốt yếu chở chuyên chân lý giải thoát giúp cho những phận người đang thiết tha, khao khát muốn tháo thân khỏi tấm lưới trần bủa giăng giăng bủa. Là một Thiền Sư, nên thánh giáo của Ngài thường chở chuyên không ít những thuật ngữ nhà Phật đa nghĩa ẩn vi. Điều này khiến cho thánh giáo Đức Thiền Sư vừa quyến rũ vừa huyền thâm, khiến người học đạo phải nghiền ngẫm suy tư, tham bác miệt mài mà không thôi nơm nớp rằng vẫn còn sơ sót nên ngộ nhận, lệch sai!

Phần chú thích các bài thánh giáo của Đức Thiền Sư trong tập này vì thế rất mong được quý bạn đạo thanh khí gần xa hoan hỷ cảm thông và lượng thứ cho tất cả những gì chưa đúng theo sở nguyện.

Huệ Khải

23-5-2014


(a) Ngô đồng 梧桐: Loại cây cho gỗ nhẹ mà chắc, dùng đóng đàn. Câu thơ thường được truyền tụng: Ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu. 梧桐一葉落, 天下共知 秋. Một lá ngô đồng rụng, ai ai cũng biết là mùa thu sang.

(b) Bỉnh chúc dạ hành 秉燭夜行: Cầm đuốc đi đêm.

(c) Muội : Làm cho mờ tối, u mê, hôn ám.