The Left Eye of God

PHÂN BIỆN GIẢ CHÂN LỌC LỪA HƯ THẬT

Minh Lý Thánh Hội

Tuất thời, 25-9 Canh Tuất (Thứ Bảy 24-10-1970)

Thông công: Bộ phận Hiệp Thiên Đài

Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam.

Pháp đàn: Huỳnh Chơn. Đồng tử: Hoàng Mai.

THI

Lớp người học đạo độ nhân gian

Ví tợ tha nhân lọc kiếm vàng (1)

Gạn đục lóng trong bao cát bụi

Kiên tâm trì chí với thời gian.

VẠN HẠNH THIỀN SƯ

Bần Tăng chào mừng chư hướng đạo, chư đạo hữu đạo tràng.

(…)

Bần Tăng mời chư đạo hữu đồng an tọa.

Chư đạo hữu! Bài thơ tứ tuyệt vừa rồi là đề tài chính mà Bần Tăng sắp đem ra để chi tiết hóa hầu làm tài liệu học tập trong khi đạo đàm.

Chư đạo hữu! Đã là sinh được làm người ở cõi vô thường này, con người hằng chung đụng với mọi phức tạp trong nếp sống. Do đó, tâm tư con người cũng phải chịu ảnh hưởng một phần lớn bởi sự phức tạp đó. Thế nên, người tu hành cần phải học hỏi đạo lý để phân định được cái chân cái giả, lẽ thiệt lẽ hư, điều chánh điều tà, sự thiện sự ác. Có chịu khổ công học hỏi, suy nghiệm phân tách rõ rệt để tìm lẽ chánh mà lánh điều tà, tìm lẽ chơn mà xa điều giả, tìm lẽ thiệt mà xa điều hư, và để làm sự thiện mà xa sự ác, ví như người tìm vàng trong giữa lòng đất cát.

Chư đạo hữu! Bởi sự nhận xét thiển cận thông thường của con người qua sự thâu nhận từ mắt thấy tai nghe, nên dễ bị dối gạt của giác quan, thế nên con người dễ bị lầm lẫn giữa sự chánh tà, hư thiệt, giả chơn và thiện ác. Ví như người lọc vàng, nếu không phải là con người có cặp mắt chuyên nghiệp cũng dễ bị nhầm lẫn giữa vàng thau, bạc thiếc, hoặc ngọc và đá.

Vàng thau, bạc thiếc, ngọc và đá được phân biệt tính chất của nó, người chuyên nghiệp còn dễ dàng phân biệt nhờ dụng cụ phân chất, nhưng sự chánh tà, chơn giả, thiệt hư, thiện ác không có dụng cụ hữu thể (2) để phân chất chân tướng (3) của chúng. Đó là điều rất khó đối với người tu học, nhưng không phải vì sự khó đó mà các bậc chơn tu hướng đạo không tìm ra chân tướng của chúng.

Vậy, dụng cụ để phân tách tìm ra chân tướng của chúng là chi hỡi chư đạo hữu? Có phải căn cứ vào cơ khí hữu thể như máy đo quang tuyến, ra đa, máy đo xạ tuyến, kính hiển vi để tìm loại vi trùng trong một phần nghìn của ly, v.v…?

Nếu là dụng cụ hữu thể thì chỉ có tác dụng tìm ra những gì hữu thể, nhưng đối với sự chân giả, thiện ác, hư thực thì những dụng cụ ấy là vô dụng. Như vậy, để phân biệt được chân tướng của dữ kiện ấy, cần phải dùng đến đạo tâm, chánh tâm, chơn tâm và thánh tâm để phân biệt được chúng mà thôi.

Nhưng than ôi! Đạo tâm, chơn tâm, thánh tâm, không phải dễ gì mua sắm được bằng phú quý công danh hoặc bằng tiền tài thế lực, mà phải cần sự kiên tâm trì chí, chân thành thiết tha, vô tư vô kỷ với đạo đức, với vong kỷ vị tha,(4) với tinh thần phục vụ Thượng Đế và nhân sanh. Nhưng mức độ để phát triển đạo tâm, chơn tâm và thánh tâm ấy không phải mỗi ai cũng đồng đều giống nhau. Khó là khó ở chỗ đó.

Nếu là dụng cụ hữu thể để phân chất những gì hữu thể thì máy móc thuộc loại nào cũng giống như đồng loại ấy, miễn là ai có khả năng tài chánh tương xứng với dụng cụ ấy đều có thể mua về và dùng được. Còn phương tiện về tâm linh, về căn trí thì khác hẳn. Vậy nên mỗi một người, giữa đạo tâm, chơn tâm, và thánh tâm đều có mức độ khác nhau, tùy theo căn trí, tùy theo sự tu học. Do đó sự phát triển những dụng cụ ấy không đồng đều nhau.

Chư đạo hữu hãy tạm dùng một máy thâu thanh hữu thể để thâu nhận các làn sóng điện để ngầm hiểu mức độ về dụng cụ đo lường sự thiệt hư, chân giả, và thiện ác. Không phải mỗi cái máy thu thanh nào cũng có thể bắt được đầy đủ các làn sóng điện xa gần, và cũng không phải mỗi cái máy thâu thanh nào cũng đều thâu nhận âm thanh rõ ràng từ bốn phương xa cách.

Về căn trí của con người cũng vậy. Thế nên, Thiêng Liêng thường nhắc nhở các hàng tín hữu trong sự tu học, nếu không có gì trở ngại thì sự tu học luôn luôn phải được liên tục trong nhựt nhựt thường hành, thời thời tập luyện, ví như pháp luân thường chuyển (5) tiếp nối.

Một bộ máy trong chiếc xe hơi, máy có chuyển động liên tục, xe mới có thể tiếp tục vượt trên đường dài. Pháp luân có thường chuyển, đạo pháp có trường lưu, vạn vật mới có thể sinh tồn và tiến hóa. Sự tu học về nội tâm có liên tục thì sự phát triển tâm linh mới bén nhạy, dụng cụ đo lường chơn giả, thiệt hư, thiện ác mới chính xác, thời sự thành công đắc quả trong kiếp người tu học mới được trọn vẹn, thâu ngắn khoảng đường luân hồi chuyển kiếp.

Trên đường tiến hóa giải thoát chẳng khác nào trên vạn nẻo đường nhân thế. Nẻo đường nhân thế tuy có đường quanh cũng còn có ngã tắt. Trên đường tiến hóa cũng thế.

Một võ sư huấn luyện hằng trăm võ sinh trên đường võ nghiệp. Suốt trong thời gian huấn luyện, những môn tổng quát thao diễn thường thức thì môn sinh nào cũng có thể làm được đồng đều giống nhau, nhưng hay dở là ở chỗ phân thế, phân miếng.

Sự hành đạo trên trường đạo và trên quãng đường tiến hóa cũng thế. Từ cõi thượng thiên, chơn linh được xuống đến cõi hồng trần, trên quãng đường dài bao nhiêu lớp, nhưng cứ tuần tự phản bổn hoàn nguyên trên quãng đường ấy rồi một thời gian dài cũng sẽ đến.

Tuy nhiên, cũng có lối đi tắt trong Tam Kỳ Phổ Độ để cho các hàng hướng đạo, các bậc chân tu sớm giác ngộ trì chí, hy sinh, can đảm để đi về ngõ tắt ấy, mà ngõ tắt ấy chính là dụng cụ bén nhạy để nhận chân, phân tách tính chất của sự hư thiệt, chơn giả, thiện ác đó, hỡi chư đạo hữu!

Đạo lý pháp môn vô lượng, chúng sinh căn trí vô lượng. Hỡi những ai muốn rút ngắn quãng đường tiến hóa để đi về ngõ tắt, phải thực thà, trì chí, kiên tâm, hy sinh, đại lượng, phá chấp, đừng dối lòng, để sớm trùng hoan (6) cùng các Đấng trong thú tiêu dao (7) non bồng nước nhược.(8)

(…)

Bần Tăng cũng khuyên toàn thể chư đạo hữu hiện diện đàn tiền hãy lưu ý đến phương thức hòa hiệp nhân tâm để hoàn thành sứ mệnh cứu rỗi (9) chúng sinh. Đó là Bần Tăng muốn chư đạo hữu ý thức đến tác dụng của mỗi nơi, mỗi hình thức hiện tại mà phổ độ nhân sinh cho hợp tình hợp lý, nhân sinh mới hiểu rõ chỗ đắc nhứt của Đạo để đi về với Đạo, về với bản nguyên chơn lý được.

(…)

Thôi, chư đạo hữu bình an, hân hoan hành đạo. (…) Bần Tăng sẽ gặp lại chư đạo hữu.

THI

Tạm biệt chia tay cõi sắc không (10)

Mặt chưa gặp mặt vẫn hòa đồng

Đôi câu thơ phú còn lưu lại

Tri kỷ cùng nhau một tấc lòng.

Chào chư đạo hữu. Thăng.


Huệ Khải chú thích (28-5-2014):

(1) Lọc kiếm vàng: Gạn lọc quặng để tìm vàng.

(2) Dụng cụ hữu thể: Đồ nghề hữu hình (physical tools).

(3) Chân tướng (chơn tướng) 真相: Bản (bổn) tướng 本相, thật tướng 實相. Đối lập với nó là giả tướng 假相.

(4) Vong kỷ 忘己: Quên đi lợi ích của bản thân (unselfish, selfless). Vị tha 為他: Vì người khác (unselfish, selfless). Hai từ này đồng nghĩa.

(5) Pháp luân 法輪: Bánh xe đạo pháp (dharma wheel). Pháp luân thường chuyển 法輪常轉: Luôn quay bánh xe đạo pháp; siêng năng hành thiền (always turn the dharma wheel; permanently practising meditation).

(6) Trùng hoan 重歡: Vui mừng gặp lại nhau (joyful at reunion).

(7) Tiêu dao (diêu) 逍遙: Thong thả nhàn du, tự do tự tại, không bị bó buộc (to be free).

(8) Non bồng nước nhược: Cảnh tiên.

(9) Cứu rỗi: Rỗi có nghĩa là thong thả, không bị ràng buộc. Con người lúc sống bị ràng buộc vào tham muốn, sân hận, si mê (ngu muội, vô minh), vì thế gây tội lỗi rồi bị vướng vào tù ngục thế gian; chết đi linh hồn lại chịu đày đọa nơi địa ngục. Các chánh giáo dạy con người tu hành, để cứu người thoát khỏi tham sân si, khỏi phạm tội; nhờ thế, khi còn sống thì tâm hồn và cuộc đời được rỗi, khỏi vướng tù ngục; lúc chết đi thì linh hồn cũng được rỗi, khỏi sa địa ngục.

(10) Cõi sắc không: Cõi sắc (thế gian hữu hình) và cõi không (cõi thiêng liêng vô hình).