The Left Eye of God

HÃY BIỂU LỘ VÀ CHỨNG MINH CHÂN GIÁ TRỊ NGƯỜI TU GIỮA CÕI ĐỜI GIẢ TẠM

Trúc Lâm Thiền Điện

Tuất thời, 07-5 Quý Sửu (07-6-1973)

Thông công: Bộ phận Hiệp Thiên Đài

Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam.

Pháp đàn: Chơn Tâm. Đồng tử: Thanh Thủy.

Độc giả: Bạch Tuyết.

THI

Thanh vân đỡ gót giáng đàn trung

Chào hết Thiên ân dưới cửu trùng (1)

Xin báo tin cho huynh tỷ rõ

Thiền Sư Vạn Hạnh đến mừng chung.

THIỆN HẠNH ĐỒNG TỬ

Tiểu Thánh chào chư Thiên ân hướng đạo. Chào chư liệt vị lưỡng phái. Tiểu Thánh đến báo đàn. Chư Thiên ân và chư liệt vị thành tâm tiếp Đức Thiền Sư giáng lâm. Tiểu Thánh xin xuất ngoại hộ đàn. Lui.

TIẾP ĐIỂN

THI

VẠN HẠNH THIỀN SƯ đến cõi trần

Giúp người mộ đạo thoát mê tân (2)

Hỡi ai đã có cơ duyên (3) sẵn

Thuyền đến bên sông kíp (4) bước lần.

VẠN HẠNH THIỀN SƯ

Bần Tăng khánh hỷ! Khánh hỷ! (5)

Giờ nay, Bần Tăng đến với chư đạo hữu lưỡng phái để đem pháp thuyền (6) trợ duyên cho khách trần chí tâm mộ đạo. Bần Tăng miễn lễ. Chư đạo hữu đồng tọa thiền.

Vì sự thiết tha cầu khẩn của Thiện Đức nên Bần Tăng cảm lòng hy sinh trên đường đạo học mà đến để giúp đỡ một vài lý mầu nhiệm của người tu.

Này chư đạo hữu! Này Thiện Đức!

Tất cả các pháp biến hiện trên đời đều do vạn duyên mà khởi, từ cái to rộng bao la cho đến nhỏ như hạt vi trần (7) cũng vẫn có nhân duyên để khởi sanh vạn pháp. Vì thế mà Đức Đạo Tổ Lão Quân chỉ dùng có hai chữ đắc Nhứt (8) để thành Đạo. Đức Thích Ca Như Lai chỉ dùng một câu phản bổn huờn nguyên để chứng kim thân chánh đẳng chánh giác. Hai bậc Đạo Tổ đã từng quán triệt (9) chỗ hư linh để xả vạn duyên mà đắc pháp; đó cũng là thực sự chứng minh cho hậu thế tìm đường giải thoát, liễu tử siêu sinh.

Nếu luận đến Tam Giáo Thánh Nhân thì Khổng Tử không đồng hình thức sắc thái của các hàng Đạo Tổ; nhưng sau, Đức Khổng Tử cũng được vạn thế sư biểu,(10) đứng vào hàng Tam Giáo Đạo Tổ ở cõi Á Đông. Đồng thời, Đức Jesus là người sinh ra từ trong máng cỏ, dù là dòng dõi của David, nhưng sự kiện không đưa cho Jesus được ngang nhiên để có một đức hy sinh xả thân cầu đạo, xả phú cầu bần như Thái Tử Sĩ Đạt Ta.(11) Hai hoàn cảnh, hai hiện tượng khác biệt, một từ ngai vàng điện ngọc đi xuống, một từ máng cỏ đi lên. Đông tây gặp gỡ ở chỗ Trung Đạo, đó con đường mà Đức Khổng Tử đã chủ xướng và thành đạo để nghìn đời vạn thế vẫn tôn sùng như chư đạo hữu ngày nay cũng đang thờ kính.

Bần Tăng muốn chư đạo hữu tự hỏi lại lòng có khi nào lưu tâm đến cái lý xác thực trong việc thờ kính chiêm bái hằng ngày hay chăng? Có lẽ cũng có một thiểu số nào đó, mà đại đa số là luôn luôn đặt niềm tin tưởng hướng về một Đấng toàn tri toàn năng, đủ huyền nhiệm đạo pháp cao siêu ở cõi vô hình nào đó, rồi đặt tất cả những hình ảnh huyền năng vào tư tưởng, vào tâm hồn để chiêm bái cầu phúc huệ gia ban, cầu danh cao lộc cả, v.v…

Bần Tăng phân như vậy là muốn cho chư đạo hữu hãy tỉnh sát (12) nội tâm để tu hành cho đắc quả.

Thời kỳ này, Đức Huyền Khung Thượng Đế tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát đến với nhân loại bằng chiếc đàn không dây, bằng chiếc địch không lỗ (13) để tái tạo dinh hoàn (14) lập thượng nguơn thánh đức. Chỉ có một Thiên Nhãn trong sự sùng bái của dân tộc này dưới bảng hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Như vậy thì tất cả những người Thiên ân chức sắc, tín đồ, đạo hữu nhắm vào hình thức nào, ảnh hưởng nào, để biết được Đấng mà chư Thiên ân chức sắc, tín đồ, đạo hữu đặt niềm tin trọn vẹn với bao sự hy sinh cao cả từ buổi sơ khai?

Trước Con Mắt được họa lên bằng giấy bút, không có đem đến cho nhân loại chúng sinh một gương mẫu giá trị nào cụ thể như Thích Ca Phật Tổ, như Khổng Thánh Tiên Sư, như Gia Tô Giáo Chủ, chư Thiên ân chức sắc, tín đồ, đạo hữu vịn vào lý do nào để đặt trọn niềm tin hiện tại mà quên mình hành đạo? Có phải chăng do huyền nhiệm trên ngọn linh cơ hay trong vị đồng tử? Nếu niềm tin đặt như thế thì chưa hẳn là niềm tin chân lý của người giác ngộ tu hành.

Này chư đạo hữu! Này chư Thiên ân chức sắc Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ!

Cùng sứ mệnh to tát ban trao cho mảnh đất cỏn con, ít oi bé nhỏ này, Bần Tăng tưởng lại rất may duyên cho nước non dân tộc. Vì thế từ thuở sơ khai đã có những hàng Thiên ân hướng đạo ý thức được mới chịu hy sinh mọi cái tư hữu (15) của chính mình để lập thành nền Đại Đạo.

Cho đến ngày nay, thế giới đã ghi nhận Cao Đài thánh địa Nam bang, đó là đường giải thoát nạn khổ trầm luân của dân tộc Việt Nam, mà cũng là cơ cứu rỗi trong kỳ hạ nguơn của nhân loại.

Những gì đã qua để cho chư đạo hữu ngày nay cũng được vào hàng Thiên ân hướng đạo đủ chứng minh cho những ai là chí tâm mộ đạo, những ai là người còn truyền thống Rồng Tiên, sực tỉnh giấc nồng qua bao thế kỷ, để nhìn lại cái hay, cái đẹp, cái hùng vĩ uy nghi, cái gấm vóc tân kỳ của Tạo Hóa ban cho, vẫn có thể un đúc nên Thánh Hiền Tiên Phật như lịch sử cổ kim.

Tóm lại, Bần Tăng muốn bảo với chư liệt vị đạo hữu như thế này: Các hình thức phô bày trong vạn hữu, các pháp biến hiện ở trần gian đều do nhân duyên của mỗi con người cấu tạo. Cảnh và tâm là hai mà một, một mà muôn ngàn duyên nghiệp chủng tử Hằng sa.(16)

Thì giờ đã điểm đúng với Thiên cơ, tất cả mọi cái giả sẽ trở về với vạn vật để chi phối mà tạo nhân duyên. Còn lại, nếu người giác ngộ ắt nhận thấy cái thực để nắm giữ và dưỡng nuôi cho trở thành một hột giống trên cõi tối thượng niết bàn hay vào nơi vô sinh bất diệt. Đó mới chính thực là Đạo, là quyền năng sở hữu của Tạo Hóa ban cho con người, và con người là một trong Tam Tài (17) có thể huyền đồng thiên địa (18) như Lão Tử, Thích Ca, v.v...

Bần Tăng luận có hơi dài dòng, vì Bần Tăng muốn cái chân giá trị của các hàng Thiên ân hướng đạo trong Đại Đạo phải được biểu lộ một cách xứng đáng, và chân giá trị của người tín đồ, đạo hữu trong Đại Đạo được thực sự chứng minh ở chỗ giác ngộ phi thường giữa cõi đời đầy chông gai cạm bẫy.

(…)

Ôi! Tất cả danh từ hội thánh, chi phái cũng chỉ là danh từ. Các danh từ được đặt để làm phương tiện cứu rỗi sanh linh tùy theo nhân duyên của mỗi người, mỗi địa phương. Thế thì danh từ nếu có bao nhiêu mà vẫn ở trong mục đích đưa người về chơn lý đạo đức nào có hại gì! Chỉ đáng quan ngại là cái danh sẽ làm lụy cái thân, đó là người đời; còn trong đạo lại là [làm lụy] đạo nghiệp. Các bậc Tiền Khai Đại Đạo đã trút áo ra đi, nhưng vẫn còn lưu lại đạo nghiệp mà chư đạo hữu đang mang đang gánh.

Bần Tăng bảo như vậy cốt ý để chư đạo hữu lưu ý đến hiện tình cơ đạo cũng như nước nhà. Các đấng tiền nhân khai quốc nào có cắt xén sơn hà. Các Bậc Tiền Khai Đại Đạo nào có chia ranh biệt giới. Sở dĩ những gì hiện hữu để chư tín đồ, đạo hữu cùng các hàng Thiên ân hướng đạo mang gánh, đó là những cái hoa phải trổ ngoài cành, những chiếc quả phải kết tụ do hoa, nhưng hoa quả vẫn sinh nở là nhờ hấp thụ nhựa sống của cội cây. Nếu ai bảo rằng quả là rễ, là gốc, là cành, là lá, thì sẽ bị bác ngay. Nhưng nếu ai đã dứt rễ, đốn gốc thì cành lá héo khô, quả hoa không có, hoặc nếu bảo vun gốc để cầu lấy trái ắt không ai chối bỏ cả.

Như vậy, việc làm của chư Thiên ân đạo hữu không là sai mà cũng chưa đúng hẳn. Phải chờ thời gian hoạt động, chờ thời gian hoằng hóa, đạo giáo mới trả lời được giá trị của sứ mạng được ban trao có thể là chân lý hay chăng. (…)

Nay đạo đệ [Thiện Đức] trọn lòng hy sinh với bất cứ giá nào, chỉ một mục đích tạo thế nhơn hòa để hoằng dương chánh pháp phổ độ Kỳ Ba là đủ rồi. Bần Tăng sẽ trợ duyên để đạo đệ thực hiện được điều mong ước của các hàng cứu thế khi xưa. Bởi có chút duyên trên cõi thượng với lòng ngưỡng mộ đối với Bần Tăng, nên Bần Tăng đến để chứng minh đạo tâm và đạo sự của đạo đệ cũng như toàn thể chư đạo hữu lưỡng phái hiện diện trong buổi lễ và trước đàn tiền hôm nay.

THI

Muôn dòng cũng trở một nguồn thôi

Chí thiện lo chi việc chẳng rồi

Lựa thế lựa vèo (19) cho đúng lúc

Tìm cơ siêu thoát độ người đời.

Người đời đã mất hẳn Thiên lương (20)

Gây cảnh phong ba cõi thế thường

Chỉ một cái ta nhiều hệ lụy

Ta tìm sao đặng đấng tâm vương.

Tâm vương ngự trị ở con người

Đó cũng là nơi hiệp với Trời

Nếu biết không gây nhiều nghiệp lớn

Thuận theo Thiên lý khỏe muôn đời.

Muôn đời có kẻ đặng nêu danh

Nào phải bôn ba (21) với giựt giành

Chỉ để thân mình thiên hạ thưởng

Còn lưu vạn thế bực Thiên sanh.(22)

Bần Tăng dạy bao nhiêu lời để đáp lại lòng ngưỡng mộ của chư đạo hữu đối với Đại Đạo cũng như các bậc Tiền Khai. Chư đạo hữu nên dọn mình trước giờ phút điểm đạo sau Hội Long Hoa.

Bần Tăng ban ơn toàn thể chư Thiên ân hướng đạo, chư đạo hữu nam nữ.

(…)

Thăng.


Huệ Khải chú thích (27-5-2014):

(1) Cửu trùng 九重: Chín bậc, chín bệ. Chỗ ngự của Đức Thượng Đế.

(2) Mộ đạo 慕道: Yêu mến đạo lý, tín ngưỡng (to love faith). Mê tân 迷津: Bến mê (the shore of delusion), ám chỉ thế gian.

(3) Cơ duyên 機緣: Cơ là vốn liếng tu hành tích lũy trong các kiếp trước, làm nền móng cho kiếp này tiếp tục tu hành. Duyên là cơ hội tốt lành đưa đến.

(4) Kíp (cấp ): Gấp, vội, đừng chậm trễ (urgent, urgently).

(5) Khánh hỷ 慶喜: Chúc mừng (congratulations). Đức Thiền Sư chúc mừng hai lần, tỏ lộ niềm vui khi thấy nhiều người có lòng thành tu học, tìm đến hầu đàn cơ để nghe dạy đạo.

(6) Pháp thuyền 法船: Con thuyền đạo pháp (dharma boat).

(7) Vi trần 微塵: Hạt bụi nhỏ xíu (a particle of dust).

(8) Mở đầu chương 39 của Đạo Đức Kinh có câu: Thiên đắc Nhứt dĩ Thanh. Địa đắc Nhứt dĩ Ninh. Thần đắc Nhứt dĩ Linh. (…) Vạn vật đắc Nhứt dĩ Sinh... 天得一以清. 地得一以寧. 神得一以 靈. (…) 萬物得一以生. (Trời đặng Một mà khinh thanh; Đất đặng Một mà yên bình; Thần đặng Một mà hiển linh. [...] Vạn vật được Một mà sản sinh.)

(9) Quán triệt 貫徹: Hiểu tường tận, hiểu thông suốt tất cả (understand thoroughly).

(10) Vạn thế sư biểu 萬世師表:  Biểu là khuôn mẫu, mẫu mực. Sư (danh từ) là ông thầy; sư (động từ) là bắt chước, noi theo. Vạn thế là muôn đời. ‚ Dùng sư như danh từ, vạn thế sư biểu có nghĩa là gương mẫu để cho muôn đời noi theo (a good example for ever). Do đó, ta nói Đức Khổng Tử là đấng Vạn Thế Sư Biểu. ƒ Dùng sư như động từ, vạn thế sư biểu có nghĩa là muôn đời đều noi theo tấm gương ấy (that example is followed from generation to generation). Trong bài thánh giáo này, Đức Thiền Sư dạy Đức Khổng Tử cũng được vạn thế sư biểu, tức là Ngài dùng sư như động từ; câu văn này có nghĩa: Đức Khổng Tử cũng được muôn đời noi gương (Confucius’s example has been followed from generation to generation).

(11) Sĩ Đạt Ta: Phiên âm tiếng Phạn Siddhārtha. Ngài họ Cồ Đàm (Gautama).

(12) Tỉnh sát 省察: Xem xét, xét nét, kiểm điểm. (Tỉnh và sát đồng nghĩa: to examine, to inspect, to scrutinize).

(13) Đến với nhân loại bằng chiếc đàn không dây, bằng chiếc địch không lỗ: Đàn không dây, địch (sáo) không lỗ nên không phát ra tiếng, không có âm thanh. Vậy con người không thể nghe bằng hai lỗ tai mà phải nghe bằng tâm đạo, tâm tu chơn thật. Đồng nghĩa với tiếng đàn không dây, tiếng sáo không lỗ là thành ngữ tiếng nói vô thanh (the voice of silence).

(14) Dinh (doanh) hoàn 瀛寰: Thế gian, địa cầu (the world, the globe, the earth). Tái tạo dinh hoàn 再造瀛寰: Tạo lại thế gian, làm lại địa cầu (to rebuild the world, to recreate the earth).

(15) Tư hữu 私有: Cái có của riêng mình, của cải riêng tư (private possessions).

(16) Chủng tử 種子: Hạt giống, mầm mống (seed, germ). Chủng tử Hằng sa: Các hạt giống (mầm mống) nhiều vô số, như cát sông Hằng (innumerable seeds or germs).

(17) Tam Tài (thiên, địa, nhân) 三才(天地人): Ba ngôi đồng đẳng trong vũ trụ là trời, đất, người (the three powers: heaven, earth, man).

(18) Huyền đồng thiên địa: Phối hợp, hợp nhất mầu nhiệm với trời đất, vũ trụ càn khôn (mystic union with the cosmos).

(19) Lựa vèo: Lựa khúc quanh trên sông để thuyền đi an toàn.

(20) Thiên lương 天良: Phần tốt đẹp của con người do Trời ban cho, lương tâm (conscience).

(21) Bôn ba 奔波: Vội vã chạy hết nơi này lại sang nơi khác (to rush about, to be constantly on the move).

(22) Thiên sanh (sinh) 天生: Trời sinh.