The Left Eye of God

Ý NGHĨA THẬT CỦA CHỮ ĐẠO

Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 04-9 Quý Sửu (Thứ Bảy 29-9-1973)

Thông công: Bộ Phận Hiệp Thiên Đài

Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam

Pháp đàn: Chơn Tâm. Đồng tử: Hoàng Mai,Thanh Thủy.

Độc giả: Huệ Chơn.

TIẾP ĐIỂN

THI

VẠN giáo đồng nguyên tự bổn lai

HẠNH duyên khải ngộ Đạo minh khai

THIỀN đường nhựt nhựt năng tu dưỡng

đệ trùng hoan (1) tại bửu đài.(2)

VẠN HẠNH THIỀN SƯ

Bần Tăng mừng chư Thiên mạng, Thiên ân. Chào chư đạo hữu đàn trung.

Nể tình bạn đạo của Bác Nhã Thiền Sư và cũng để đáp tạ lòng mến luyến của chư đạo hữu trên môi trường giáo lý tu học, nên Bần Tăng đến trần gian giờ này, nương ngọn cơ Tiên bủa lằn linh điển viết ra thành chữ, đọc lên thành lời, để giúp nhau trên bước đường tu học hầu thực hiện câu:

Kẻ đi trước khuyên chờ chậm bước

Người đi sau cố gắng tiến mau…

Bần Tăng xin mời chư đạo hữu đồng tọa thiền.

Chư đạo hữu!

THI

Đạo tuy định nghĩa khắp muôn phương

Căn bản làm đầu, một chữ thương

Thương chúng, thương mình, thương tất cả

Thì đem Chơn Đạo sớm hoằng dương.(3)

Chư đạo hữu! Cũng như tự thuở nào, mỗi lần đến trần gian rọi lằn Thiên điển, Bần Tăng thấy tâm tư mỗi chư đạo hữu dành cho Bần Tăng mối thiện cảm sâu xa với chân tình kính cẩn về phương diện hành văn tả chân để diễn tả những khía cạnh khác nhau cho một vấn đề. Đó là giáo lý tu học.

Vì tiếng Nôm cần phải dùng nhiều tiếng để diễn tả một từ ngữ giáo lý bằng Hán tự, thế nên Bần Tăng cố gắng dùng nhiều tiếng thông thường quen thuộc với chư đạo hữu, dụng ý là làm sao giúp chư đạo hữu hiểu rốt ráo một vấn đề, mặc dù danh từ đạo rất là trừu tượng mông lung. Nếu được dùng Hán tự, đó là một điều rất dễ đối với Bần Tăng, nhưng ngại e không được phổ thông đến phần đại chúng.

Chư đạo hữu ơi! Bần Tăng nhìn xem nơi chánh điện hôm nay ở phía trước, trong chư đạo hữu có thể tạm phân làm bốn bậc căn trí:

Một là thành phần giác ngộ đang đi sâu vào cửa đạo và đang tìm học và hành cái đạo.

Hai là thành phần đã vào cửa đạo rồi nhưng chưa thấu triệt (4) đạo lý ở khía cạnh vô vi huyền nhiệm.

Ba là thành phần nhập môn giữ đạo nhưng chưa biết đạo là chi, đặt nặng vấn đề hình thức tụng niệm lễ bái cúng kính, còn về phần giáo lý uyên thâm của Đạo, nếu rảnh học được cũng tốt, bằng không cũng chẳng sao, vì đa đoan (5) việc đời tại với bị về sinh kế.

Chót hết là thành phần thứ bốn, vì chán ngán những giả dối của cuộc đời muốn tìm cái chân thiện mỹ trong xã hội đạo đức qua một nhóm hoặc một tổ chức của người tu, nhứt là tổ chức đó lại được Phật Tiên Thánh giáng cơ dìu dắt, muốn gần nơi đây để tìm xem sự mầu nhiệm Phật Tiên như thế nào, may ra giải đáp hoặc mách bảo giúp mình những sự rủi may tốt xấu trên đường hoạn lộ (6) thế sự phù vân.(7)

Trước bốn thành phần căn trí đó đã đặt Bần Tăng trước một bối cảnh xử sự thế nào trên phương diện định nghĩa chữ Đạo nơi đây.

Bần Tăng trước kia cũng là thế nhân (8) như chư đạo hữu, đã cổi áo ra đi, rũ bỏ phần nhục thể từ lâu lắm rồi. Nhưng đã là gốc người nhân thế, không sao quên được hồn thiêng đất nước, khí thiêng dân tộc, không sao quên được tình đồng chủng đồng bào. Hôm nay, Bần Tăng muốn mượn chữ Đạo để nói lên một trong muôn nghìn tâm trạng của mình muốn nói, để cho chư đạo hữu lưu ý, hầu đáp một phần nào trong mối tình dân tộc.

Chư đạo hữu ôi! Nói đến chữ Đạo, có người liên tưởng đến chùa thất, am tự, thánh thất, thánh đường, hoặc thí phát quy y, phế đời hành đạo. Hoặc nói đến chữ Đạo, có nhiều người liên tưởng đến mặc áo bả nâu sồng,(9) trường trai giới sát,(10) vào chùa gõ mõ tụng kinh, quỳ hương bái sám, cắt đứt mọi sự sinh hoạt ở thế gian. Nói đến chữ Đạo, có nhiều người lại liên tưởng xa hơn nữa, đó là lập cơ xây bàn cầu Tiên Thánh Phật để thỏa mãn những gì mình muốn do các Đấng thiêng liêng mách bảo, chỉ giúp cho mọi phương diện nhu cầu.

Chư đạo hữu ôi! Nếu tất cả những quan niệm mà Bần Tăng vừa kể bên trên đó là đúng thì chữ Đạo không còn có ý nghĩa gì với nó nữa. Bởi vì thế gian chưa vào một đạo nào hết mà người ta còn nói được câu “Đạo quân thần, đạo phụ tử, đạo phu thê, đạo huynh đệ, đạo bằng hữu” hoặc là “Thị đạo tắc tấn, phi đạo tắc thối” (11) hoặc câu “Minh vương thánh đạo”, hoặc câu “Lãnh đạo tinh thần, lãnh đạo tôn giáo”, hoặc “Lãnh đạo quốc gia” hoặc “Đoàn hướng đạo sinh”, v.v... và v.v...

Ở lãnh vực nào cũng có kèm theo chữ Đạo trong danh từ hoặc từ ngữ ấy. Như vậy, người thế gian đã hòa mình trong các lãnh vực Đạo nhưng vô ý thức. Vì bởi vô ý thức cho nên không theo đuổi để khai thác cùng phát triển cho đến chỗ tận thiện tận mỹ cái Đạo của lãnh vực đó. Vì bởi vô ý thức cho nên có lắm người rớt trong cái hố sâu tội lỗi, làm trái với tôn chỉ mục đích cùng đường lối của tổ chức đó. Vì vô ý thức cho nên thiên hạ mới gây ra những điều tàn bạo tội lỗi nhưng lúc nào cũng nhân danh cái Đạo, như lãnh đạo tinh thần, lãnh đạo tôn giáo, lãnh đạo quốc gia, v.v...

Tiền nhân đã dùng chữ Đạo ghép trong các từ ngữ trong khắp các lãnh vực là đã có dụng ý rằng bất cứ một hành động nào dầu ở lãnh vực nào cũng không nên tách rời cái Đạo, mà phải thuận Đạo. Thuận Đạo tức là thuận Thiên. Hễ thuận Thiên thì còn, nghịch Thiên thì mất. Như vậy chữ Đạo đâu phải nhứt thiết chỉ đóng khung trong lãnh vực chùa thất, am tự v.v... mà chữ Đạo nó có cái lý huyền nhiệm ẩn tàng trong khắp cả các lãnh vực từ lớn hết sức lớn đến nhỏ hết sức nhỏ, không chỗ nào là không có cái Đạo. Vì đạo là lẽ phải, là nguồn sống, là an bài cho vạn vật. Thí dụ:

Đạo mà lồng trong quân thần (12) thì quân có minh, thần có trung.

Đạo lồng trong phụ tử thì phụ có từ, tử có hiếu.

Đạo lồng trong phu thê thì phu thê tương ái, trọn đạo thỉ chung, xây dựng hạnh phúc gia đình, dưỡng nuôi con cái nên người hữu ích trong quốc gia xã hội, nhỏ nhứt là gia đình.

Đạo nếu lồng trong tình bằng hữu thì bằng hữu tương thân tương kính.

Đạo lồng trong huynh đệ thì huynh tắc hữu, đệ tắc cung.(13)

Đạo lồng trong người lãnh đạo quốc gia thì người ấy phải xem mình như cha như mẹ, còn quần chúng trong nước như con cháu ruột rà.(14) Mẹ cha lúc nào cũng nhường và xem sự an nguy của con trước hơn là bản thân mình.

Đạo lồng trong đoàn thể, thì người lãnh đạo đoàn thể ấy phải được chí đức, chí nhân, chí công, chí trực, chí minh, chí chánh.(15)

Đạo mà lồng trong giới lãnh đạo quân binh tướng sĩ thì người lãnh đạo ấy phải đem thân mình ra trước để che chở mạng sống muôn binh, xem sự đói no ấm lạnh buồn vui sướng khổ của hạ thuộc (16) như chính mình.

Đạo lồng trong đoàn thể tôn giáo thì người lãnh đạo tinh thần tôn giáo đó phải có hai thái độ trong hai lãnh vực:

- Thái độ thứ nhứt là xả thân. Khi nói về xả thân thì đem thân mình ra trước quán xuyến tất cả sự khổ cực khó khăn, kiên nhẫn hy sinh để làm cây cầu cho hàng tín hữu bước trên đó đi đến đường Đạo.

- Thái độ thứ hai là danh vọng quyền hành và thụ hưởng. Người lãnh đạo ở khung cảnh này phải để mình ra sau và núp trong bóng tối để xiển dương, khích lệ, ngợi khen, nung đúc tinh thần cho hàng tín hữu hoan hỷ, hăng hái trên đường tu học.

Tóm lại, bậc lãnh đạo tinh thần tôn giáo, khi cực khổ thì xung phong đảm nhận làm trước, lúc thụ hưởng phải đặt mình ở chót phía sau. Dầu trong lãnh vực nào cũng thế, gương khiêm tốn, lòng nhẫn nại, đức hy sinh, công quán xuyến, làm nên cho người, kết quả của vấn đề là gây tình thương yêu hòa ái cho mọi người. Dù muốn dù không, cái phản ứng tốt đẹp sẽ hướng về cho nơi xuất phát. Nhân tâm là yếu tố làm đầu, tình thương là căn bản thành công cho mọi việc. Như vậy, chữ Đạo bây giờ không còn bị đóng khung trong chật hẹp nữa.

Bần Tăng muốn nói thêm:

- Thú dữ như cọp, gấu, beo, sư tử, tuy là loài ăn thịt, nhưng không nỡ ăn con. Đó là Đạo. Người nhân thế mỗi lần bịnh hoạn sanh sản, đến lương y, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh, nhưng loài thượng cầm hạ thú cho đến loài hạ ngư nào đâu cần lương y bác sĩ vẫn sống, vẫn sanh, vẫn được an bài. Đó là Đạo.

- Cây, cành, lá xanh giống nhau, nhưng tại sao không trổ cùng một thứ hoa, sanh cùng một sắc hoa, kết thành một loài trái, mà lại có thứ hoa hường, hoa tím, hoa trắng, hoa nâu, hoa vàng, hoa đỏ. Còn trái thì đắng, trái lại ngọt, trái lại chua, trái lại cay. Tại sao không chua từ đầu chí cuối, tại sao không chát từ nhỏ đến lớn, mà lại chua lúc đầu ngọt lúc cuối như trái xoài, chát lúc nhỏ như chuối non, ngọt lúc lớn như chuối chín, v.v... Đó cũng là Đạo.

- Trên quãng đường đời có mặt xa lộ, tuy trên mặt lộ ấy không lắm nhiều xe, nhưng tai nạn lưu thông giết người thường xảy ra trên mặt báo. Nhưng trong vũ trụ thiên không (17) đã có, đang có hằng triệu triệu quả tinh cầu quay tít mù trong vạn đợi,(18) nhưng cứ điều hòa xoay chuyển chẳng chạm chẳng va. Đó cũng là Đạo.

Như vậy, chữ Đạo nơi đây chỉ tạm mượn để mà gọi mà kêu, thật ra không biết gọi những cái đó bằng tiếng gì khác.

Chư đạo hữu ôi! Sau đây Bần Tăng chỉ thâu hẹp chữ Đạo lại trong lãnh vực bé tí. Đó là đạo đức cho người tu hành.

Trong lãnh vực tu hành cũng thường dùng chữ Đạo, như đạo lý, đạo đức, đạo hạnh, đạo học, đạo pháp, hành đạo và thành đạo, v.v... Từ ngữ nào cũng có chữ Đạo.

Thử định nghĩa sơ qua và cái tác dụng của nó.

Đạo lý: Là cái lý diễn tả giãi bày sự huyền nhiệm mông lung của chữ Đạo. Tuy giải lý trong giới hạn nào đó thôi cũng đã giúp cho những ai muốn học đạo cần học qua giáo lý để bắt mối dây lần phăng để thấy hiểu được Đạo là danh từ trừu tượng mông lung nhưng nó có lý thật của nó.

Đạo đức: Khi những ai hiểu được cái lý của đạo rồi thì tự nguyện khép mình ăn ở xử thế sao cho phải đạo. Khi xử thế được trong lãnh vực đạo quân thần, phụ tử, phu thê, huynh đệ, bằng hữu rồi thì đó là cái đức sáng của con người hiểu lý Đạo.

Đạo hạnh: Là tác phong đức hạnh của người giữ đạo. Khi đã hiểu lý Đạo rồi, hành cho sáng cái đức của Đạo rồi tự nhiên tác phong đạo hạnh từ bên trong bộc lộ thể hiện ra bên ngoài. Đó là câu Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sanh.(19) Người ta chỉ nhìn qua khuôn mặt, tướng đi đứng ngồi, đã hiểu ngay tác phong đạo hạnh của người ấy có được đến mức độ nào rồi.

Đạo pháp: Là cái pháp, là giềng mối, là chìa khóa cho hành giả mở đi vào trung tâm sự tạo Phật tác Tiên, giải thoát kiếp hồng trần tạm bợ, trầm luân khổ hải để về chốn an nhàn vĩnh cửu vô sanh bất diệt.

Hành đạo: Hành là làm. Khi đã hiểu lý đạo như thế nào rồi thì hành giả phải bắt tay hành sự để thành công. Hành sự ấy tuy kể ra thì nhiều nhưng tựu trung chỉ có hai phần: Một là tự giác, nghĩa là mình phải làm cho bản thân mình nên đạo hoàn thiện chí đức, chí nhân. Hai là giác tha, nghĩa là đem sự hiểu biết của mình truyền bá giúp đỡ cho kẻ khác muốn biết để cùng nhau tu tiến trên đường thánh thiện.

Thành đạo: Khi hành giả đã thực thi trọn vẹn, trải qua các đoạn đường trên, đến giai đoạn thành đạo là gặt hái kết quả do công trình, công quả, công phu; kiên tâm trì thủ;(20) gieo hột, bón phân, tưới nước của các giai đoạn đạo lý, đạo hạnh, đạo đức, đạo pháp, hành đạo, v.v… kể trên.

Vì chữ Đạo không ai làm sao định nghĩa rõ ràng bằng ngôn từ,(21) thế nên phải tạm mượn ngôn từ diễn tả để dìu dắt nhau đi suốt được những đoạn đường đó rồi tự nhiên mỗi người có phát huệ. Từ chỗ phát huệ đó, tâm linh cảm ứng với các Đấng thiêng liêng. Nhờ sự dắt dìu chỉ dẫn trong chỗ mặc mặc,(22) hư hư, ảo ảo chốn tịnh phòng mà tìm được về nơi quê xưa vị cũ. Nếu hành giả (23) đã đến mức đó rồi thì có cần chi đến Phật Tiên giáng cơ dạy Đạo, cần chi đến việc học hỏi giáo lý từ quyển này sang quyển khác. Lúc bấy giờ gọi là vô tự chơn kinh.(24) Yếng [ánh] sáng Đạo từ nơi tâm ẩn mà nên. Còn chữ Đạo lúc bấy giờ không gọi Đạo nữa. Nó chỉ là con số không mà thôi.

THI

Đạo tại tâm trung (25) chẳng phải xa

Thật hành quyết chí sẽ tìm ra

Phật Tiên, Thượng Đế không xa lắm

Xa hoặc được gần cũng bởi ta.

THI

Ta phải biết ta mới thiệt ta

Nếu không thì hóa cái ta tà (26)

Tà do loạn động, do câu chấp (27)

Ma Phật, Phật ma bởi đó mà.

Chư đạo hữu! Kể ra thì hôm nay Bần Tăng cũng nói hơi mắc (28) rồi đó. Chư đạo hữu cố gắng thành tâm thiện chí chế ngự phàm tâm để nhường chỗ cho đạo tâm sanh. Chừng đó mỗi người tự cầm đuốc mà đi, khỏi mong ai dắt đường chỉ lối.

(...)

Thôi, đêm đã khuya rồi, Bần Tăng tạm dừng bút nơi đây. Bần Tăng cảm ơn chư đạo hữu đã dành lòng thành theo dõi suốt mấy tiếng đồng hồ.

THI

Vì thương mới chỉ tỏ tình thương

Phân tách thiệt hơn những bước đường

Đạo hữu gắng công tu học lấy

Giã từ lui điển lại Tây phương.(29)

Thăng.


Huệ Khải chú thích (27-5-2014):

(1) Trùng hoan 重歡: Vui mừng gặp lại nhau.

(2) Bửu đài 寶臺: Đài quý báu; tức là Cao Đài, nơi Đức Chí Tôn ngự.

(3) Hoằng dương 弘揚: Cũng như hoằng khai 弘開, phát triển rộng lớn (to develop and expand).

(4) Thấu triệt 透徹: Thông suốt, hiểu rõ hết (to understand thoroughly). Thấu và triệt cùng nghĩa.

(5) Đa đoan 多端: Rối rắm (tangled).

(6) Hoạn lộ 宦路: Đường công danh, đường làm quan.

(7) Thế sự 世事: Việc đời, việc trần tục (worldly affairs). Phù vân 浮雲: Mây nổi trên bầu trời rồi sẽ tan đi, ám chỉ những thứ không bền vững (temporary).

(8) Nhân thế (thế nhân 世人): Người đời, người trần tục (worldly man).

(9) Áo bả nâu sồng: Áo vải thô nhuộm nâu bằng củ nâu hay lá cây sồng; ám chỉ người sống giản dị, thanh bần.

(10) Trường trai giới sát 長齋戒殺: Ăn chay trường (quanh năm) và giữ giới không sát sanh (to observe perpetual vegetarianism and abstain from killing sentient beings).

(11) Thị Đạo tắc tấn (tiến), phi Đạo tắc thối 是道則進, 非道則退: Đúng Đạo thì tiến, trái Đạo là lùi.

(12) Quân thần 君臣: Vua tôi (chánh phủ và người dân).

(13) Huynh (tắc) hữu, đệ (tắc) cung 兄(則)友, 弟(則)恭: Anh (chị) em hòa ái, tôn kính nhau (loving, friendly and respectful siblings).

(14) Do thành ngữ dân chi phụ mẫu 民之父母: Cha mẹ của dân. Ý nói kẻ làm quan hãy coi mình là cha mẹ hiền của dân, phải thật lòng thương yêu dân như cha mẹ hiền luôn hy sinh bảo bọc, dưỡng nuôi con cái.

(15) Chí : Rất, lắm (very).

(16) Hạ thuộc 下屬: Cấp dưới của mình.

(17) Thiên không 天空: Bầu trời (sky).

(18) Vạn đợi (đại) 萬代: Muôn đời, mãi mãi (eternally, forever).

(19) Câu này nói đầy dủ là: Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sanh. Hữu tướng vô tâm, tướng tùng tâm diệt. 有心無相, 相自心生; 有相無心, 相從心滅: Có lòng lành mà không có tướng mạo tốt đẹp bên ngoài, thì từ trong lòng lành sẽ phát sinh ra tướng mạo dễ mến dễ thương; có tướng mạo bên ngoài đẹp đẽ mà không có lòng lành, thì tướng mạo ấy sẽ theo tấm lòng xấu xa mà mất đi sự tình cảm thương mến của người khác. Người Việt nói gọn: Cái nết đánh chết cái đẹp.

(20) Kiên tâm 堅心: Lòng dạ bền chặt, không chuyển lay trước mọi cám dỗ hay thử thách. Trì thủ 持守: Nắm giữ chặt, không buông bỏ, không bỏ cuộc, bất kẻ khó khăn trở ngại đến đâu chăng nữa.

(21) Đức Lão Tử dạy: Đạo khả đạo phi thường Đạo. Cái Đạo mà nói ra được thì chẳng phải cái Đạo thường hằng, vĩnh cửu.

(22) Mặc mặc 默默: Âm thầm lặng lẽ, không tiếng không lời (speechless, in silence).

(23) Hành giả 行者: Người tu thiền, thực hành công phu, tịnh luyện (meditation practitioner).

(24) Vô tự chơn kinh 無字真經: Kinh chân thật mà không có chữ (the true scripture full of blank pages).

(25) Tâm trung 心中: Trong lòng (in your heart, your mind).

(26) Cái ta tà: Cái ta (tôi) tà vạy, không chơn chánh (evil self, evil ego).

(27) Câu chấp 拘泥: Cố chấp, chấp nhất, câu nệ, không biết phóng khoáng bỏ qua những điều lẻ tẻ, vặt vãnh (to be finicky about something).

(28) Hơi mắc: Hơi mắc mỏ, cao kỳ, không đơn giản dễ hiểu (rather complicated).

(29) Tây phương 西方: Cõi phương Tây, cõi Phật (the Western realm of Buddhas).