The Left Eye of God

VIỆT NAM HỮU PHÚC TRONG HỒNG ÂN THƯỢNG ĐẾ

Minh Lý Thánh Hội

Tuất thời, 09-4 Kỷ Dậu (Thứ Bảy 24-5-1969)

Thông công: Bộ phận Hiệp Thiên Đài

Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam

Pháp đàn: Huỳnh Chơn.

VẠN HẠNH THIỀN SƯ

Bần Tăng chào chư Thiên mạng, chư đạo hữu lưỡng phái.

(…) Bần Tăng cùng chư đạo hữu đàm luận một vài câu đạo lý để cùng làm thức ăn tinh thần cho người chí tâm mộ đạo.(1) Bần Tăng mời chư đạo hữu đồng đẳng tọa thiền.

Suốt một đời người, thử xét kỹ, có bao nhiêu bậc thánh hiền, vĩ nhân, quân tử nhìn lại chính bản thân cũng chưa thấy gì là toại nguyện trong kiếp phù sinh.(2) Nhưng người đời vẫn sống với cái sống quen thuộc đã mang mặc từ ngoại cảnh vật chất hữu hình chi phối, nên tâm linh bị mờ tối, tánh hải (3) bị xao động. Các vọng thức (4) sống dậy dẫn dắt con người đi vào cõi mông lung mờ ảo để lục thức (5) tung hoành trong dục giới. Mọi sự kiện của thế gian đã trùm phủ lên con người nguyên nhân của Thượng Đế.(6) Khi tách rời bến giác ngược dòng khổ hải muôn lượn trùng ba,(7) con người mới tự thấy cảnh hãi hùng đau khổ trước mắt, muốn vùng vẫy vươn lên thoát ra ngoài vòng cương tỏa (8) cũng phải lắm phen kiên tâm bền chí chịu đựng thiên ma vạn khảo (9) mới quay được con thuyền trở về bến giác.

Than ôi! Phù sinh một kiếp ai đã chắc trăm năm! Dù có trăm năm chăng nữa, ai đã thấy cảnh thiên đường cực lạc để cho kiếp sống được hạnh phúc vinh quang, hay là chỉ thấy những việc khổ đau, những điều tráo chác lẩn quẩn loanh quanh trong bả (10) lợi danh vinh nhục. Rốt cuộc, tay trắng buổi sơ sinh đến phút cuối cùng vẫn hoàn đôi tay trắng. Nhìn lại cõi âm u mờ mịt duyên nghiệp đeo đẳng luân hồi, độ nào là vương bá công hầu, nay bỗng bần cùng hạ tiện. Cuộc đời là thế, vô thủy vô chung.

Nhưng người không nên lấy đó để làm liều, mà phải tự mình tìm nguyên nhân xuất phát của mình do ở nơi đâu. Nào những bậc đa văn quảng kiến,(11) bác học triết nhân (12) có tìm đặng cái điểm khởi đầu của chính mình mới biết được con đường vị lai (13) và hiện tại.

Ôi! Đạo lý tối đại, không thể nghĩ bàn.(14) Chỉ có một điều rất dễ cho mọi người là muốn tìm đạo lý, phải tìm ở chính bản thân trước nhất. Tâm thức (15) phải sáng ngời để mọi linh cảm được thông công (16) cùng thiên không (17) vũ trụ. Biết nhìn chỗ tối chỗ sáng, biết chọn việc dữ việc lành, biết nẻo tà nẻo chánh, biết cơ (18) nguy vong, biết thời thành tựu. Có như thế thì mới gọi là tu.

Bần Tăng lúc sinh thời, chắc có lẽ chư đạo hữu nơi đây cũng đọc qua vài trang lịch sử nước nhà, và hiểu Bần Tăng qua một vài nét đại cương trong sự tu hành đắc đạo.

Đến thời kỳ này, Việt Nam hữu phúc, Đức Thượng Đế chan rưới hồng ân,(19) ban huyền linh phép lạ cho đến thế gian để nhân sinh được thấu triệt (20)(21) huyền nhiệm đất trời, sống trở lại cuộc đời thánh đức, hòa hợp Thiêng Liêng để tiến hóa lên bầu trời thanh thoát. Cũng chính thời kỳ này, dân tộc Việt Nam đang gặp hồi quốc phá gia vong,(22) điêu linh thống khổ.(23) Mấy mươi năm tao loạn,(24) cốt nhục tương tàn,(25) nếu không có sự cứu vãn của Thượng Đế, Bần Tăng nói cho chư đạo hữu được rõ, là sẽ không còn mảnh đất để dung thân khi toàn dân chẳng chịu hồi đầu hướng thiện.(26)

Chư đạo hữu! Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hoát khai (27) không phải chỉ một dân tộc này thôi, mà chính là sự cứu cánh (28) chung cho nhân loại. Đường cộng nghiệp (29) lan tràn thế giới, chiến họa thiên tai. Bần Tăng khuyên những ai là người lãnh đạo, hướng đạo,(30) tín đồ, chí sĩ,(31) đã mang truyền thống Rồng Tiên, hãy cố gắng thức tỉnh ngoi lên khỏi bờ vực thẳm, xem nhẹ mọi quyến rũ hữu hình để vươn mình lên và gọi kêu mọi người đang chệnh choạng trong bóng tối của màn đêm. Ngày mai đây là ngày mà các khối dục vọng sẽ nổ bùng ra muôn mảnh vì sức va chạm lẫn nhau. Chừng đó, ai thánh ai phàm, ai người ai quỷ sẽ phân biệt được ngay trước luật công bình của thiên nhiên Tạo Hóa.

(…)

Hỡi chư đạo hữu!

THI

Đạo ở nơi người chớ chẳng xa

Chánh tâm tu niệm thoát trần la (32)

Đón ngăn vọng thức khai minh lộ (33)

Mới thấy chơn như (34) vượt ái hà.(35)

(…)

Bần Tăng giã từ chư hiền hữu. Thăng.


Huệ Khải chú thích (21-5-2014):

(1) Chí tâm 至心: Dốc trọn lòng, hết lòng (heartily, with all one’s heart). Mộ đạo 慕道: Yêu mến đạo lý, tín ngưỡng (to love faith).

(2) Phù sinh (sanh) 浮生: Kiếp sống trôi nổi, bấp bênh, tạm bợ (ephemeral floating life).

(3) Tánh (tính) hải 性海: Biển tánh, ý nói chân tánh (thật tánh) sâu rộng như biển. Bài kệ của Thiền Sư Nam Nhạc Huệ Tư 南嶽慧思 (515-577) trước khi viên tịch mở đầu như sau: Đạo nguyên bất viễn / Tánh hải phi diêu (dao) ... 道源不遠 / 性海非遙... Nguồn Đạo chẳng xa / Biển tánh rất gần...

(4) Vọng thức 妄識: Cái biết sai trái (wrong consciousness).

(5) Lục thức 六識: Sáu cái biết (the six consciousness) là chức năng của sáu cơ quan (lục căn 六根: the six organs) trong thân người. Do mắt thấy mà có nhãn thức 眼識 (cái biết của mắt). Do tai nghe mà có nhĩ thức 耳識 (cái biết của tai). Do mũi ngửi mà có tỷ thức 鼻識 (cái biết của mũi). Do lưỡi nếm mà có thiệt thức 舌識 (cái biết của lưỡi). Do da thịt đụng chạm sinh cảm giác mà có thân thức 身識 (cái biết của thân). Do ý tiếp xúc tư tưởng, sinh nghĩ suy mà có ý thức 意識 (cái biết của ý). Thí dụ, mắt nhìn thấy người khác giàu sang rồi sinh lòng ham muốn, thèm khát. Không được điều chỉnh, lòng tham giàu đó tăng trưởng đến mức nào đó sẽ khiến con người phạm tội là cướp bóc, tham nhũng... để mau giàu bất chánh. Đó là ý nghĩa lời Thiền Sư: “tung hoành trong dục giới”.

(6) Con người nguyên nhân của Thượng Đế: Con người vốn là bậc nguyên nhân 原人 từ cõi trời được Thượng Đế phái xuống cõi trần.

(7) Khổ hải 苦海: Biển khổ (the sea of suffering), ám chỉ cõi đời. Khổ hải muôn lượn trùng ba (Khổ hải vạn trùng ba 苦海萬重波): (Cuộc đời ví như) biển khổ với muôn lượn sóng liên tiếp, dập dồn làm con người chết đuối.

(8) Cương tỏa 繮鎖: Bó buộc, trói buộc, ràng buộc (to be tied to).

(9) Thiên ma vạn khảo 千魔萬考: Vô vàn những trở ngại, thử thách để khảo sát, kiểm chứng trình độ của người tu hành (myriads of challenges to test those who are cultivating themselves). Ma: Chướng ngại trên đường tu (ma chướng 魔障). Khảo: Sự xem xét, kiểm tra, kiểm chứng (examination, test, verification).

(10) Bả: Mồi độc để nhử (poison bait). Bả lợi danh (baits of profit and fame): Danh lợi cám dỗ con người phạm lỗi, trái đạo lý, mất nhân phẩm... nên danh lợi giống như mồi độc giết người.

(11) Đa văn quảng kiến 多聞廣見: Nghe nhiều thấy rộng (vast knowledge).

(12) Bác học 博學: Người học rộng (erudite man). Triết nhân 哲人: Người hiền, trí tuệ cao tột (sage).

(13) Vị lai 未來: Chưa tới, tương lai (future).

(14) Không thể nghĩ bàn (bất khả tư nghị 不可思議): Không thể nào suy nghĩ và bàn luận cho được (inconceivable and undiscussable), vì vượt ngoài khả năng lý trí. Thành ngữ này dùng để tả cái tuyệt đối (the absolute), chỉ có ai đã giác ngộ mới thấu suốt.

(15) Tâm thức 心識: a) Cái biết của tâm (mental perception, mental cognition, mind consciousness). ‚b) Tâm và thức: Hai từ đồng nghĩa, hiểu như là tâm. Trong bài thánh giáo này nên hiểu theo nghĩa thứ hai.

(16) Thông công: Liên lạc, tiếp xúc với (to communicate with).

(17) Thiên không 天空: Bầu trời (sky).

(18) : Cái điềm, dấu hiệu nhỏ nhặt báo trước (the minutest sign).

(19) Hồng ân 洪恩: Ơn huệ to tát (great grace, great favour).

(20) Thấu triệt 透徹: Thông suốt, hiểu rõ hết (to understand thoroughly). Thấu và triệt cùng nghĩa.

(21) : Bộ máy, guồng máy vận hành (mechanism).

(22) Quốc phá gia vong 國破家亡: Nước tan, nhà mất.

(23) Điêu linh 凋零: Héo rụng (withered); suy bại, tàn tạ, xác xơ, rã rời (decayed). Thống khổ 痛苦: Đau khổ (suffering).

(24) Tao loạn 騷亂: Rối loạn, nhiễu nhương (disturbance).

(25) Cốt nhục tương tàn 骨肉相殘: Ruột thịt giết hại lẫn nhau (close kindred slaughter one another).

(26) Hồi đầu hướng thiện 回頭向善: Quay đầu lại đường thiện, trở lại nẻo lành (to turn one’s head, following the right way).

(27) Hoát khai 豁開: Mở rộng ra.

(28) Cứu cánh 究竟: Cứu là sau cùng; cánh là xong tất, hoàn thành. Người Trung Quốc dịch Ba la mật đa 波羅蜜多 (paramita) sang chữ Hán là đáo bỉ ngạn 到彼岸 (sang bờ bên kia, qua bờ giác), cũng dịch là cứu cánh 究竟. Thế nên hai chữ cứu cánh còn có nghĩa là cứu độ, cứu rỗi, giải thoát luân hồi sanh tử (free from samsara).

(29) Cộng nghiệp 共業: Cái nghiệp báo mà cả một tập thể phải cùng nhau chung trả (collective karmic retribution).

(30) Hướng đạo 向導: Người dẫn dắt đạo hữu (those who lead their brethren).

(31) Chí sĩ 志士: Người có chí lớn, biết hy sinh lo việc nước, có lý tưởng và khí tiết (person of ideals and integrity).

(32) Trần la 塵羅: Lưới trần. Trần gian như tấm lưới vây hãm con người trong bốn cái khổ (sanh, lão, bệnh, tử) mà không ai thoát ra được (the world’s net).

(33) Khai minh lộ 開明路: Mở ra con đường sáng, cũng như khai đạo, mở đạo.

(34) Chơn (chân) như 真如: Bản thể chân thực tràn khắp vũ trụ, là nguồn gốc của muôn vật, bản thể của muôn vật. Thấy được chân như tức là giác ngộ, vượt ra khỏi thế giới nhị nguyên (dualistic), chứng được cái nhất thể (oneness, unity) của khách thể và chủ thể. Chân như đồng nghĩa với như lai tạng, như lai, như như, pháp thân, Phật tính, thực tướng, Thượng Đế tính, tự tánh… (Tiếng Anh có nhiều cách dịch, tạm chọn: the true reality, suchness of existence…)

(35) Ái hà 爱河: Sông yêu thương, sông tình ái (the river of love). Tình yêu thương nam nữ làm người ta đắm chìm nên ví như sông nước. Có câu Ái hà thiên xích lãng 爱河千尺浪 (Sóng ở sông tình ái cao ngàn thước), ngụ ý sông tình ái có sóng dữ làm con người chìm đắm. Chữ ái này là một món trong thất tình, làm con người luân hồi.