Trở lại trang chánh của Website Thiên Lý Bửu Tòa

 

9.- KHỞI THỈ ÐẾN HUỜN NGUYÊN

TÂY-THÀNH THÁNH-THẤT

Tý thời 13 rạng 14 Canh-Tuất (10-4-1970)

________

Thi:

Sóng nước trùng dương phủ cõi bờ,

Nhận chìm lữ khách kẻ bâng quơ,

Thuyền nan không vững rồi e đắm,

Lèo bở chẳng gìn ngại xác xơ.

Ðời chẳng nên đời cho ích chúng,

Ðạo không nên Ðạo để dân nhờ,

Cái ta còn nặng trong tư kỷ,

E lại hoài công vạn ước mơ.

 

      LÝ-ÐẠI-TIÊN-TRƯỞNG THÁI-BẠCH KIM-TINH, Bần Ðạo chào chư Thiên mạng, chư hướng Ðạo, và mừng chư hiền đệ muội lưỡng ban.

      Hôm nay Bần Ðạo cũng muốn gợi lại những gì trong tâm tư của người hướng Ðạo đối với tiền đồ của nền Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ. Bần Ðạo là một vì Tiên đắc quả trước, chư hiền đệ muội là những vì Tiên sẽ đắc quả sau trong khi hoàn thành sứ mạng. Sự trước và sau chỉ căn cứ vào thời gian của quả địa cầu mà tính.

      Thật ra, đối với vũ trụ hư không thì không thể luận ai là trước mà ai là sau. Thử nhìn xem một tỷ dụ, như cây đậu trổ ra bông trái đậu. Từ bông trái ấy rụng xuống đất, mọc mầm lên tược trở thành cây nhánh lá, rồi trổ ra bông trái đậu. Cứ như thế trong bánh xe luân, nào ai dám quyết chắc rằng cái nào có trước, cái nào có sau giữa cây đậu và hột đậu.

      Ðạo Lý thật là một cái gì thậm thâm, bất khả tư nghị, bất khả biện luận. Từ cổ chí kim, những nhà khảo sát nghiên cứu về Ðạo học đã viết ra không biết bao nhiêu là Kinh Ðiển, nhưng chỉ là căn cứ vào óc suy luận và tầm hiểu biết của mình dựa trên vũ trụ và nhân sinh, nhưng chỉ là những khía cạnh nào đó của vấn đề mà thôi.

      Chư hiền đệ muội! Xuyên qua một vài việc mà Bần Ðạo vừa nêu lên, để chư hiền đệ muội suy nghĩ hầu lưu ý đến bổn nguyên của mình, tìm ra từ chỗ khởi thỉ đến ngày hoàn nguyên và những điều kiện cần phải có cho công cuộc hoàn nguyên.

      Trước khi đi dự lễ, chư hiền đệ muội khởi đầu từ tư gia hoặc địa phương, sau khi dự lễ xong sẽ trở về cố quán, chớ không lẽ còn đi trong phương trời vô định? Trước khi đến làm người trong thế gian, chư hiền đệ muội cũng xuất phát từ chỗ khởi thỉ, mà chỗ khởi thỉ ấy không phải là nhục thể của con người, mà là từ một khối Ðại Linh Quang trong đức háo sanh của Thượng Ðế. Các tiểu linh quang từ khối Ðại Linh Quang phân thân xuống trần, tùy theo nhiệm vụ và sứ mạng đã định của mỗi một đơn vị đến cõi dinh hoàn nầy để làm công cuộc tiến hóa trong đức háo sanh ấy.

      Cũng như đã nhiều lần bày giải, những tiểu linh quang ấy đã ngấm ngầm ẩn tàng từ loài khoáng sản đến thảo mộc, côn trùng, nhân loại rồi tiến đến hàng Thần Thánh Tiên Phật. Sự tiến hóa mau chậm tùy theo trạng thái của mỗi thể, từ loài chỉ có một sanh hồn, đến loài có cả sanh hồn lẫn giác hồn, và chí đến loài có đủ cả tam hồn là sanh, giác và linh hồn.

      Trong một chuổi tiến hóa đó, mỗi hồn hay là tiểu linh quang có mang mỗi hình thể khác nhau, mỗi một giai đoạn, mỗi một tiến trình đều là tạm mượn để mà tiến, không nơi nào là trụ tướng bất di bất dịch.

      Trải qua một giai đoạn dài trên đường tiến hóa, những hồn ấy ví như một hoặc những khách lữ hành, từ đông sang tây, từ nam chí bắc, đã thay đổi biết bao nhiêu lần phương tiện để di chuyển. Những phương tiện ấy từ đường thủy, bộ, đến đường hàng không. Linh hồn đối với những phương tiện ấy, đó là thể xác của mỗi giai đoạn nó đã mang. Vì vậy, Thiêng Liêng thường nói: Cõi đời là chốn phù du, là sông mê, là giả tạm. Ðừng ai quá chấp ngã mà ôm chầm lấy nó để rồi hủy hoại bước đường tiến hóa.

      Có người nghe thấy như vậy, đương làm ăn kinh doanh sự nghiệp, đương trong cảnh phu ấm thê vinh, phụ tử tương phùng, rồi vội vàng dứt bỏ tất cả để tìm cái không. Trong lúc đó, cũng có những người không tin, mãi đắm đuối mê say ôm ghì lấy cái giả tướng ấy. Cũng ví như người lữ khách muốn đến vùng Mỹ-Châu mà lại ôm ghì lấy chiếc tàu hỏa tốc hành từ miền Nam đến Ðông-Hà, v.v... Hai người ấy ở hai hoàn cảnh và hai tâm trạng đều trật hết, ấy là sai lý Ðạo.

      Ðã có lần Thiêng Liêng dạy: Chỉ có những thực tại mới phục vụ cho cái thực tại. Nhưng phục vụ để cùng biến dưỡng, cùng tiến hóa hòa nhịp với Thiên Lý vũ trụ, chớ không phải phục vụ cho tư tâm, cho bản ngã, cho tư kỷ, cho tham vọng. Mượn cái giả đó để làm cái chân thật vĩnh cửu.

      Ví như có lần đã dạy: Một quyển sách vần A, B, C... không làm cho một học sinh trở nên hàng Bác Học, nhưng muốn trở nên hàng Bác Học phải khởi thỉ và trải qua quyển sách vần ấy v.v...

      Từ cái giả đến cái chân, phải chịu khó suy nghĩ biện luận để áp dụng và thực thi nó cho đúng lúc. Chư hiền đệ muội vào cửa Ðạo tuy là khó, nhưng cũng còn dễ hơn là giai đoạn học Ðạo, hành Ðạo và đắc Ðạo.

      Như đã dạy: Trong nhục thể bản thân con người đã có những thể phụ, đó là mọi sinh hoạt linh động gạn lọc cho cơ thể ấy, như thất tình lục dục, lục căn, lục thức, lục trần, tam thi và cửu cổ. Những danh từ đó để chỉ định những cấu thể của con người, ví như trong cơ thể con người có biết bao nhiêu tế bào cấu tạo mà thành, cũng như có biết bao nhiêu vi trùng, nếu dùng trụ sinh diệt hết vi trùng ấy thì người cũng diệt theo. Nhưng những cấu tử trong bản thể con người, nếu biết xử dụng nó, nó sẽ giúp ích rất nhiều cho người học Ðạo, hành Ðạo để đắc Ðạo. Chủ Nhơn Ông phải điều khiển, nắm quy luật, hướng dẫn chúng, như người cầm lái con thuyền để đến mục tiêu đã định. Nếu người cầm lái không vững, gặp sóng to gió lớn, thuyền sẽ xiêu dạt vào nơi vô định, có lúc sẽ bị đắm thuyền. Còn Chủ Nhơn Ông điều khiển những thể phụ như thất tình, lục dục v.v... chúng sẽ giúp con người đắc Ðạo; bằng ngược lại, chúng sẽ lôi kéo con người vào vòng đọa lạc.

      Thử làm bảng đối chiếu sẽ thấy rõ như sau:

        Khởi thỉ nghe người thuyết Ðạo, không để ý, nghe nhiều lần, thấy hay hay, lưu ý tới, nhưng chưa biết. Nghe thêm một thời gian, biết được lý Ðạo là hay, nhưng cũng chưa tin, đến gặp một bất trắc hay cảnh ngộ ngẩu nhiên nào đó, mới tin lý Ðạo là đúng là hay, nhưng chưa chịu học. Một thời gian nghe thấy hiểu biết và tin rồi, mới chịu học. Ðó là ngày đầu nhập môn vào cửa Ðạo, nhưng học để hiểu chớ chưa thực hành. Học để tìm hiểu, phải làm thế nào để cầu xin Thiêng Liêng cho có hiệu quả. Trên khoảng đường học hỏi đó, đã thấy được điều kiện cần phải có để được Thiêng Liêng phò trì hộ hựu ban ơn. Ðó là giai đoạn hành Ðạo lập công. Trong khoảng thời gian hành Ðạo lập công, thường thường người đạo hữu bị vấp phải các điều sau đây: Hành để được Thiêng Liêng chấm công ban phước, hành để được tiếng khen mình là người thoát trần học làm Tiên Phật, hành để được cái danh trong hàng chức việc, hành để được cái quyền điều khiển ra lịnh nhơn sanh trong phạm vi hạ thuộc, hành để dựa vào đó có tư lợi tư quyền, hành để được công đầy quả đủ làm nền tảng cho sự tu học, cho sự kiến tạo lâu đài đạo đức. Trong lúc đó có người cũng còn vấp phải những khía cạnh khác, nghĩa là dựa vào một tổ chức Ðạo, chung góp tài lực vật lực để được cái danh là hàng anh lớn, nhưng sự học Ðạo và hành Ðạo cộng lại chẳng có là bao. Cũng có những vị Ðạo tâm muốn hành nhưng không có mục tiêu rõ rệt cho đời hành đạo. Có người đã định mục tiêu nhưng không có biết soạn thảo chương trình liên tục. Có người khi đã soạn thảo chương trình rồi lại không có kế hoạch và phương pháp thực hành. Do những thiếu sót đó mà chỉ có thỉ không chung, có tiền không hậu, làm tùy lúc cao hứng, làm tùy khi giao động, làm vì nể nang tình cảm, vui đâu chúc đó, khi thích thì làm, khi buồn hoặc không ưng ý thì bỏ dở.

      Thế nên Thiêng Liêng thường nói: Gây dựng khởi thỉ cho một tổ chức tuy rằng khó, nhưng sự nuôi dưỡng liên tục để phát triển điều hòa cho đến ngày thành công đắc quả lại càng rất khó trăm muôn.

            Muốn kiện toàn và thành công trong một tổ chức hành đạo, những người trong cuộc phải tỏ ra có tinh thần thiết tha vì việc đó, phải chân thành, phải khiêm tốn, phải có tác phong đạo hạnh, phải có mục tiêu, chương trình, kế hoạch, phương pháp thực hành và trường kỳ nuôi dưỡng.

----> NEXT

 

Thiên-Lý Bửu-Tòa, 12695 Sycamore Ave, San Martin, CA 95046 - USA. Tel: (408) 683-0674

Website: www.thienlybuutoa.org     Email    Sơ đồ hướng dẫn tới TLBT

Thông bạch in Kinh