Trở lại trang chánh của Website Thiên Lý Bửu Tòa

 

9.- CON ÐƯỜNG TRUNG-ÐẠO

__________

THI:

THÍCH lý đạo trung giữa cuộc sầu,

CA ngâm bửu kệ cứu tang dâu,

NHƯ ngôn Phật lý huyền thâm học,

LAI ngộ đài sen đắc nhiệm mầu.

      Mừng chư hiền đồ.

THI:

Cảnh thế hà phương giải thoát ngoài,

Cuộc cờ trăm đắng với ngàn cay,

Bửu linh pháp Phật huyền thâm học,

Cực-Lạc ngôi xưa đặng trở hài,

Chẳng nệ sáu thu ngồi tịnh tọa,

Vì thương ba cõi vẫn còn sai,

Con đường TRUNG-ÐẠO ghi vào dạ,

Hành thiện đắc công hưởng có ngày.

* * *

      Bớ chúng sanh, chúng sanh nghe ta giải CON ÐƯỜNG TRUNG-ÐẠO mà học hành hầu giải thoát cho khỏi nơi sông mê bể khổ nầy.

      Cuộc đời dời đổi, cơ Ðạo biến màu, người sanh trong cõi thảm trạng, linh đinh khổ sở. Luật tuần hườn chuyển thế, đạo quả báo xây tròn. Ðặng thân phàm sanh giữa cảnh đời khác chi thuyền lửng đửng giữa dòng sóng lượn. Cũng bởi tại tâm trần vương vấn mà khiến nên nghiệt chướng đeo hoài. Bởi vì đời sa đắm mê say, chẳng hiểu sự trần ai là bể khổ.

      Trải qua một thời kỳ lao tâm tiêu tứ, thảm trạng khổ sầu, thức khuya dậy sớm, cạnh tranh hơn thiệt, buôn quan bán phận, lợi lộc quyền hành, đã tàn một kiếp thân sanh rồi phải cam đành ngàn thu di hận.

      Than ôi! muốn cho đoạt đặng phần thanh cao của thế, nên cả đời đành để tâm lo, rồi cuộc bể dâu đổi dạng, tranh vân cẩu thay hình, thì ô hô một kiếp phù sanh đành gởi thân cho cây cỏ.

      Vậy có phải đời là nơi biển khổ đó chăng? Sanh là khổ, Tử là khổ, Bịnh là khổ, Lão cũng khổ, gần người ghét cũng khổ, xa người thương cũng khổ, muốn mà chẳng đặng cũng khổ, đặng mà chẳng vừa cũng là khổ!

      Ôi! Khổ khổ khổ... Muôn hình vạn trạng sự khổ, ấy cũng vì chúng sanh cứ nung nấu sự khổ mà ra. Ðường đời thảm liệt, tấm thân phàm tha thiết, giữa cuộc nhiệt huyết sóng trần, mảng mài miệt tấm thân mà quên mình chen vào nơi thảm trạng.

      Người trần ai đâu tường những chuyện giả trá của giác quan gạt gẩm, nên đánh giá những cái danh hảo, lợi huyền là cao sang tốt đẹp, biết đâu sự rủi may đặng thất trong cảnh chẳng thật kia. Lại còn một con đường cao siêu thoát hóa, giải họa trầm luân, mà thế gian chưa hề biết đến đặng, cũng bởi tại vật chất bao quanh, cơ đồ biến đổi, ngày qua tháng lụn, vẫn để tâm chuyên chú vào cõi đời hạnh phúc, mà chẳng biết rằng nhiều công nhọc xác đến chừng nào thì lại gặp cái cảnh ngộ khắc khe đến chừng nấy.

      Thế mà bao nhiêu năm đớn đau với phận sự, lo cho tiền, của, vinh, sang, lầu cao, các rộng, chỉ làm cho vừa với lòng ham muốn, chớ có biết đâu thân giả tạm phải đành vùi lấp nơi bụi cát kia rồi, mà nhọc lắm thì cũng chẳng chi, vì buồn thảm phải nhiều hơn vui thú. Ðể bước đến cảnh Thiền thì chán đời mê mộng, lừa lọc kiếp tu hành, rồi cũng vì khổ lụy với lợi danh mà phải cam đành lột đạo-y, quăng dép cỏ. Cũng vì cái lòng dục vọng bày trò, trí tham nhàn kiếm kế. Ôi! thất thủ cũng hườn ra thất thủ!

      Giữa cõi trần ai rồi cũng vướng nợ trần ai, thế mà biết làm sao cho vẹn, có một phần khi xả thân cầu Ðạo thì chí quyết làm cho đặng ông Phật ông Tiên, cứ những vọng tưởng cái lý ấy hoài, mà phải đơn sai trong con đường đạo đức.

      Than ôi! từ Tam-Kỳ khai sáng nẽo Ðạo, Trời đã dành mười một thu đăng đẳng, mà mấy mặt đắc đạo, mấy người tu hành, hay là những mảng giựt giành quyền kia thế nọ.

      Ôi! đời quá dữ, tội tình quá dữ. Lòng từ-bi bác-ái vô lượng vô biên của Phật mà đem chan tưới cho tắt những ngọn lửa dục tâm, phá tan cái thành kiến ích kỷ kia bấy lâu đã vô hiệu quả! Thương thay! thảm thay! đến thời kỳ nầy ÐỨC CHÍ-TÔN hội Quần-Tiên khai KINH THÁNH-ÐỨC  giáo hóa chúng sanh cho biết hồi đầu thị ngạn, mà biết đâu ngày sau nầy cuộc thế sẽ ra sao?

      Con đường đạo đức của ta đem mà chỉ rành dạy rõ cho chúng sanh đây là ta mong cho chúng sanh mau hồi tỉnh giấc điệp huỳnh-lương, đặng thức biết cuộc đời là khổ, biết đời khổ rồi phải biết tìm phương diệt khổ mới siêu thoát khỏi chốn trầm luân.

      Nầy chúng sanh! Cái bánh xe đương lăn, đương cán người kia, ai biểu chúng sanh đem mình vào cho nó cán, mà gọi rằng đau đớn khổ sầu? Máy luân hồi quả báo cũng vậy. Nếu chúng sanh biết Ðạo, lấy sự tu mà trả quả rồi lần lượt hết quả thì bước trái ra mà đi thẳng tới cõi Niết-Bàn. Nó có tài tình chi hầu theo ngăn đường đón ngỏ chúng sanh cho được?

      Than ôi! cũng tại chúng sanh còn mê mùi thế tục chẳng thức tỉnh tâm hồn. Bởi dốt nát không biết cuộc đời là sao và người đời ra thể nào, cứ nhắm mắt đánh liều theo trò thế sự, thì bảo sao chẳng khổ cho thân tâm. Hai lẽ của ta giải rành trên kia là thái quá và bất cập.

      Nay ta đem cái Ðạo TRUNG mà dạy cho chúng sanh đặng biết nẽo tu hành, biết đường thoát tục. Nếu chúng sanh xét cho hiểu đặng rõ ràng mà ghi tạc vào tâm linh để trau giồi cách ăn thói ở, thì ta rất vui mà đặng thấy chúng sanh siêu thoát ngoài vòng. Dầu hồi ta còn mang xác hồng trần ta cũng hằng dạy chúng sanh phải biết giữ cái đạo tu hành cho quang minh sáng suốt, đừng dung dưỡng lấy cái lòng ích kỷ mà bị cái nạn tối tăm rồi nó sẽ đem vào ngục tối. Cả chúng sanh phải sáng biết mà tu tạo lấy phước đức thanh nhàn. Dầu ta có thương thì chỉ đường chớ không thế nào ta bồng ẩm chúng sanh lên cõi thiêng liêng cho đặng. Tự mình làm rồi Trời sẽ giúp (Aide-toi le ciel t'aidera).

      Vậy một điều cần yếu mong cho đời giải thoát lấy thân.

      Ta mà giáng cơ đến thời kỳ nầy là vì chúng sanh còn mơ màng trên nẽo Ðạo, chưa hết dạ thật hành. Mấy lời cần yếu của ta ghi vào Thánh-Ðức đây để nhắn nhủ chúng sanh mau bước đến nẽo tột thiện thì sẽ gặp ta chỉ bảo.

THI BÀI:

            Con đường thoát khổ tỏ bày,

Bớ người trong cảnh trần ai hiểu lòng.

      Vì dốt nát khó mong biết đặng,

      Bởi dục tâm nên chẳng bền công,

            Mê man trong cuộc bụi hồng,

Ðắm sa danh lợi não nồng căn tu.

      Biết lánh khổ ngàn thu nhàn lạc,

      Biết nguồn Tiên mau giác nẽo đời,

            Biết mình còn chịu lưng vơi,

Thì tua nhớ kỷ Phật Trời dạy khuyên.

      Bỏ ích kỷ lo truyền chánh giác,

      Dẹp tư tâm mới đạt huyền linh,

            Thân người cũng tỷ thân mình,

Dầu cho điểu thú cũng tình cũng thương.

      Nương được đời xây vần tấn hóa,

      Phải nhờ nhau khỏi họa trầm luân,

            Biết rằng đạo lý vui mừng,

Ðộ đời lựa thế chớ đừng lãng xao.

      Biết thế khổ tâm cao diệt khổ,

      Bỏ lòng tham còn chỗ khổ nào,

            Không danh, không lợi, không giàu,

Không gây quả báo, không trau nghiệp sầu.

      Thì thử hỏi còn đâu là khổ,

      Bởi người chưa trí độ quang minh,

            Hoặc là biết đặng Ðạo huỳnh,

Mà còn dung dưỡng tánh tình phàm phu.

      Nên cửa Ðạo đường tu còn khổ,

      Rán gia tâm lánh chỗ đoạn trường,

            Dạy không hành, thiệt hết thương,

Bớ đời mau thức lên đường kẻo trưa.

      Lòng cho chánh không vừa thân thích,

      Hằng treo gương hữu ích cho đời,

            Chí tâm hôm sớm tài bồi,

Cho cao trí tưởng cho rồi tâm tu.

      Trí tư tưởng cọng phù ngay chánh,

      Ðừng cậy quyền hay mạnh hiếp người,

            Giữ lòng tư tưởng vui tươi,

Công-bình chẳng vị những người thân nhơn.

      Làm ăn phải keo sơn ngay thật,

      Chớ nên làm sơ thất lý chơn,

            Tự tâm xử lấy tội nhơn,

Xét trong lý tưởng đặng hườn quả công.

      Ngày chí tối tạc lòng ngay thẳng,

      Chẳng nên buồn mà chẳng nên lo,

            Mặc trong thế sự diễn trò,

Biết mình xử trí sao cho đặng thành.

      Nguyền một lý chúng sanh lướt sóng,

      Phá mê đồ cho chóng mới hay,

            Thiếu chi những bực thiện tài,

Gặp cơn nguy biến ra tài giải vây.

      Lòng từ thiện dẫn bày trẻ dại,

      Lòng xót thương quảng đại khoan hồng,

            Ðời cùng nhơn vật đạo đồng,

Cùng chung một chuyến thuyền rồng đưa chơn.

      Tình cương quyết giọng đờn réo rắt,

      Giọng thanh tao sẽ đạt chơn truyền,

            Vẹt màn hắc ám keo sơn,

Rõ câu nhơn nguyện linh hồn phát minh.

      Ðêm canh vắng Huỳnh-Ðình tụng niệm,

      Rõ mùi hương rán kiếm Ðạo mầu,

            Thoát vòng thế sự tang dâu,

Chuyển linh đêm mộng giải dầu líu-lo.

      Nhìn cảnh tượng ơ-hờ chán nản,

      Thực hiện rồi mới hản Ðạo thâm,

            Máy linh xây chuyển đêm rằm,

Trăng thanh gió mát cơ cầm chen mây.

      Vầng ô lặn tưởng Thầy cầm mối,

      Thế giái đồng chớ đổi tâm thành,

            Giữ theo một mực thi hành,

Nối cơ quan hiện tác thành Kiền-Khôn.

      Mở Ðạo cả độ hồn sanh chúng,

      Mở cửa Trời hiệp trúng nhơn tâm,

            Huyền vi Thầy lộ từ lần,

Cho người tỉnh thức mau chơn bước vào.

      Tình tu học có nào khó nhọc,

      Bởi tại người không dốc thật hành,

            Cho nên mối Ðạo chia phanh,

Tùy theo sanh hoạt mà hành đạo chơn.

      Vì sanh chúng cưu hờn trước mắt,

      Nạn biến thiên thắt ngặt cũng gần,

            Ðộng lòng Từ-Phụ nương chân,

Giáng trần mở Ðạo cứu nhơn thoát nàn.

      Vì chủng loại lầm than khốn khổ,

      Tại vô minh trí độ nan phân,

            Lắm lời nhiều nỗi phân vân,

Làm cho mối Ðạo nhiều lần chinh nghiêng.

      Dùng phép nhiệm cơ huyền thức giấc,

      Lúc huỳnh hôn vật chất lan tràn,

            Tìm tòi manh mối rõ ràng,

Thiên cơ nhơn trí khá toàn thiệt hư.

      Lòng ân đức đại từ mở rộng,

      Ðộ chúng sanh nhứt thống phục hồi,

            Lai-Bồng ca vịnh khúc nôi,

Thung dung tự toại mấy hồi đoàn viên.

THI:

Ðoàn viên hưởng hứng rất sâu xa,

Cửa Phật Thánh Tiên cũng hiệp hòa,

Giữ mối cơ quan lo tế chúng,

Gìn nguồn đạo mạch độ mê hà,

Xuôi bườm lướt gió băng ngàn dậm,

Quyết một tình thâm chỉnh Lạc-Già,

Chí dạ cần chuyên Kinh Kệ Sám,

Tâm tình un đúc Ðạo âu ca.

* * *

Âu ca đắc Ðạo lẽ thiên nhiên,

Bồ-Tát độ an giữ mối giềng,

Thánh-Ðức cứu nguy đời xáo lộn,

Chơn-Kinh tế độ Ðạo qui nguyên,

Tri cơ thức giấc tầm tu học,

Rõ máy huyền thâm bí diệu truyền,

Dở túi Càn-Khôn thâu chủng loại,

Trương thoàn từ ái độ nhơn nguyên.

* * *

      Nhơn loại hiện thời bị ngọn sóng văn minh dồi dập đè nén cả tâm hồn, lôi cuốn vào vòng trụy lạc.

      Phần nhiều nhơn sanh cho đời là bể khổ, chớ biết đặng mục đích của đời thì vốn là nơi trường học để cho các linh hồn học hỏi đặng tiến cho hợp với cơ Trời. Cũng tỷ như cái trường học, hễ học trò siêng năng giỏi dắn thì sẽ đậu cao, còn biếng nhác không lo thì cuối năm phải thi rớt, chớ nào phải tại cái nhà trường đâu. Ấy là tại mình.

      Còn Ðạo cũng vậy. Hễ rán lo tu không gây quả ác thì được Bồng-Lai hưởng nhàn. Còn biếng nhác không lo tu tâm sửa tánh thì phải chịu cái cảnh khổ dập dồn, phải chịu tâm bợn nhơ. Nếu người đời không suy nghĩ, cứ đinh ninh cho đời rằng khổ. Ấy bởi tại mình còn mang những lớp vật dục, nên còn bị tối tăm mờ ám, cứ gây tạo mãi cái quả nghiệp mà không tự xét lấy mình, cứ trách rằng Trời sao quá cay nghiệt làm cho ta phải đổ lụy thương tâm.

      Những cái đau khổ đó bởi chính tại nơi người đào tạo nơi tiền kiếp, rồi cái nghiệp quả ấy nó tạo ra cái cảnh, tức nhiên cái hoàn cảnh ấy nó phải trả lại cho người, đó là lẽ thiên nhiên đã định.

      Vậy cái đau khổ ấy, mình đã thấu đáo cái nguồn gốc, cái nguyên thỉ của nó rồi, thì phải lo tìm phương pháp nào mà giải khổ. Có một phương pháp tuyệt đối là: hằng ngày người phải giữ cho trí não yên tịnh, tư tưởng thật thanh cao, chớ cho các tư tưởng xấu xông vào kích thích mà làm cho trí não bợn nhơ. Giữ gìn từ lời nói và cách hành động cho xứng hợp với cơ Trời, điều hòa cùng thiên lý. Dầu khi gặp cảnh ngộ tai nàn, hoặc làm cho đớn đau đến xác thịt thì cũng vui mừng vì được trả quả hiện thời và cảm đội ơn của các vị Nam-Tào Bắc-Ðẩu cho người được mau trả nợ (theo luật quả báo trên kia).

      Tâm trí phải cho trong sạch, đừng cho một tư tưởng nào xông vào mà làm cho nhiễm cái tư tưởng thanh cao của người. Mỗi lời thốt ra thì phải hữu ích, dễ thương và hợp với chơn-lý, chớ lời nào mà không có ba điều ấy thì tốt hơn là làm thinh. Còn việc hành động cũng vậy, hễ làm việc chi hữu ích cho đời đúng với Thiên-lý thì mới nên làm. Dầu việc làm rất hữu ích cho mình mà phải làm cho nhơn sanh không vừa lòng thì chớ nên làm. Ðó là phương pháp thoát khổ.

      Mà phải hằng ngày lựa dịp giúp cho đời, bất kỳ việc nhỏ hay lớn. Dầu cực nhọc xác thân cho mấy đi nữa, cũng vui lòng thi hành liền, chớ không buồn lòng nản dạ.

----> NEXT

 

Thiên-Lý Bửu-Tòa, 12695 Sycamore Ave, San Martin, CA 95046 - USA. Tel: (408) 683-0674

Website: www.thienlybuutoa.org     Email    Sơ đồ hướng dẫn tới TLBT

Thông bạch in Kinh