Trở lại trang chánh của Website Thiên Lý Bửu Tòa

 

THẤT-CHƠN NHƠN-QUẢ

HỒI THỨ TÁM

* * * * * * *

Ðàm Tiên-thiên trinh nhứt diệu lý,

Trừ ma-căn bất nhị pháp môn.

      Nghĩa là:

Nói việc Tiên-thiên tinh ròng lẽ diệu,

Trừ ma-căn pháp môn chẳng hai.

      Có bài kệ rằng:   

                  Ngoài ý cầu Tiên việc chẳng sai,

                  Bóng trăng trong nước, cảnh trong hoa,

                  Tiên-thiên diệu lý trò biết chớ,

                  Chỉnh tại một mình chớ khá khoe.

      Khi đó Trùng-Dương tiên-sanh nói với Mã-Ðơn-Dương cùng Tôn-Bất-Nhị rằng: Vì Tánh là vật của Tiên-thiên, tròn huyền huyền, sáng rỡ rỡ, tuy có tên mà chẳng có hình, chẳng biết chẳng hay, khó vẽ khó họa, nào có chỗ trồng! Ta nay cùng trò gắng gượng mà vẽ cái hình tượng trò phải hiểu biết. Trùng-Dương nói rồi liền lấy cây viết lại ghế sơn đỏ vẽ một vòng rồi một vòng nữa, trong vòng sau chấm một điểm.

      Vẽ rồi hỏi Ðơn-Dương cùng Bất-Nhị: Hai người có biết nghĩa đó chăng?

      Ðơn-Dương và Bất-Nhị thưa: Ðệ tử tâm tánh ngu muội chẳng thấu, xin thầy chỉ dạy.

      Trùng-Dương tiên-sanh nói: Ban đầu một vòng hỗn-hỗn độn độn, giống như Trời Ðất chưa phân, nhựt nguyệt chưa có, tên là "Vô-Cực". Rồi trong chỗ Vô lại sanh ra một điểm tên là "Thái-Cực", một điểm đó mà sanh ra Trời, sanh Ðất, sanh người, sanh muôn vật. Nên Tiên-thiên do Thái-Cực mà sanh một điểm, ấy là cái Khí, gọi là Tiên-thiên nhứt-khí, ai muốn khỏi luân-hồi phải tìm chỗ đó.

      Nhơn cái Tánh tùng Tiên-thiên mà phát, phát ra trước khi chưa có cái thân cho đến cái thân mất. Bởi một điểm linh tánh là căn bất sanh bất diệt, kêu là "Linh-Tánh". Linh-Tánh ai cũng có, tại người phàm bỏ quên thì nó phải mê, mê thì bổn tánh khiến vọng niệm đều sanh, rồi tà khí niệm ma nhập vô trong.

      Như bỏ không giữ gìn, ngoại ma tới phá, mất chỗ Tiên-thiên nó khiến không cho nghe đặng Ðạo, nó cướp quyền làm chủ, hễ ai bày việc danh lợi, tài sắc, tửu khí, thì nó đến mê-man không dứt. Than ôi! Người mộ Ðạo không mấy ai; còn người học Ðạo chẳng tin thiệt, không chịu nghe dạy. Bằng người tu Tiên-thiên bèn lập chí gia công chẳng mỏi thì tùy chỗ "Tâm lãnh thần hội" mà luyện lâu ngày ắt đặng hiệu nghiệm. Nếu lấy chỗ nhơn tâm mà hỏi Tiên-thiên thì Tiên-thiên chẳng khá đặng vậy! Phải dùng Ðạo-Tâm mà hỏi Tiên-thiên, thì Tiên-thiên ở tại trước mắt.

      Còn cái nhơn-tâm nó hay ám muội tham cầu, kêu là: "Thức thần đương quyền". Ðạo-Tâm là Thiên-Lương phát hiện, kêu là: "Nguơn-Thần chủ sự". Như người tu đặng phát hiện cái "Tâm thiên-lương" thì chỗ Tiên-thiên chẳng cầu cũng đặng. Nhưng mà ban đầu phải trừ cái bịnh, trừ bịnh là chẳng phải trừ bịnh "Ngoại-cảm, phong-hàn, thử-thấp". Trừ là trừ cái bịnh Tham, Sân, Si, Ái. Mấy thứ bịnh đó trừ đặng thì trăm bịnh chẳng sanh, thêm tuổi sống lâu, đặng thành Tiên Phật, làm Thánh làm Hiền. Nay ta đem bộ công-phu truyền cho hai trò, phải gắng sức mà làm đó!

      Còn việc Ðạo trừ bịnh, phải trừ chỗ bịnh căn, tìm cho đặng chỗ gốc thì cái bịnh chẳng khó trừ, vì cái bịnh phần nhiều bị trong chỗ tham muốn, giận hờn, ganh ghét, thương yêu, ái dục, mấy chứng mà ra. Lại thêm tửu, sắc, tài, khí, mà cảm vào trong ngũ-tạng hết mấy phần, nên người tu hành trước phải trừ tửu, sắc, tài, khí, khử trừ ngoại cảm cho sạch, sau tuyệt chỗ sân-si, ái dục cho hết bịnh nội thương. Hễ tầm đặng bịnh căn, các vật chất đều hết, rồi sau mới tu trường-sanh, tìm chỗ chẳng chết. Chẳng chết là Chơn-Linh chẳng chết, chớ không phải xác thân không chết, nếu không biết thì Tánh-Mạng cùng xác thân đều chịu trầm luân.

      Còn ta nay chỉ việc rượu mà nói: nếu người biết rượu là hại cho đạo, phải thề mà trừ nó; bằng như thấy rượu còn thèm thì lấy chỗ giới luật mà giữ, hoặc người biểu uống, hoặc thấy người uống mà ý còn vọng tưởng, tuy là chưa uống mà ý muốn uống thì cũng như uống rồi, đó là bịnh căn rượu. Như muốn trừ bịnh rượu cho dứt thì khi mới khởi ý ra phải trừ liền, lẽ nào chẳng sạch cái căn rượu?

      Còn việc sắc hay làm hư hại cho đạo hoặc tồi bại trong qui trình, hao mòn thân thể, lại hổ thẹn với đời. Như muốn trừ nó phải thệ mà trừ, bằng thấy sắc mà muốn tưởng, thì lấy chỗ giới luật mà giữ; hoặc nó lấy lời quyến-mị, yểu điệu đưa tình, trêu người giỡn cợt, mà trong ý muốn động, có tình thương mến, tuy là chưa thông với nhau mà cái ý tình khởi ra thì cũng như thông rồi. Ðó là bịnh căn chỗ sắc còn ẩn tại nơi trong! Như muốn trừ nó, khi mới khởi tình ra thì phải trừ liền, mới đặng sạch dứt căn ái-dục.

      Còn tỏ cái căn chỗ Tửu-Sắc nó cũng hay ẩn trong chỗ Tâm Ý. Muốn học Ðạo mà khử cái bịnh căn các thứ ấy, trước phải chánh cái Tâm, sau thành cái Ý, thì bịnh căn tiêu dứt. Như bịnh căn chẳng dứt do nơi mình Tâm Ý chưa chánh vì chưa quyết thoát trần, nên Tâm Ý hay nương náu theo hoài, còn phát một niệm, tuy chưa uống mà ý muốn uống, tuy chưa thông mà tình muốn thông. Thiệt là trước khi không có tưởng, nhơn bị ngoại cảm sẵn trước nó động vô trong, ví như bóng trăng trong nước, lấy đá quăng động nước thì trăng cũng xao động. Tuy không phải thiệt mà hình ảnh giao-động, thì Chơn Ðạo chẳng đặng thành vậy.

      Như nay ngươi muốn cầu dứt bịnh căn ấy thì Nho có dạy: Phi lễ vật thị, phi lễ vật động. Nghĩa là: Chẳng phải lễ chẳng ngó, chẳng phải lễ chẳng động. Thích có phép: Vong nhơn, vong ngã, vong chúng sanh. Là: Quên người, quên mình, quên chúng sanh. Còn Ðạo có phép: Thị chi bất kiến, thích chi bất văn. Là: Coi đó chẳng thấy, nghe đó chẳng hay. Ba lời ấy là thuốc trừ bịnh căn tửu sắc.

      Lữ-Thuần-Dương (Lữ-Ðộng-Tân) nói: "Kiến sắc như đồng kiến hổ", là "Thấy nữ sắc sợ như thấy cọp", chẳng dám ngó lâu, hễ ngó lâu thì nó đoạt cái Linh-Tánh. Xưa nay từ vua đến dân, lắm kẻ vì sắc mà hư. Dân vì sắc mà lụy thân, quan vì sắc mà hư danh, giàu vì sắc mà hết nhà, vua vì sắc mà mất nước, không hạng nào đắm sắc mà khỏi hại. Vì vậy Thánh-nhơn đặt chữ sắc có chữ đao ở trên, đao ấy giết người không thấy máu.

      Nói qua việc tiền của lại càng khó hơn nữa. Trong mấy người tu cũng có người đạo duyên chưa quyết mà vì nhà nghèo khó không thể đua tranh với đời trong việc ăn mặc tốt xấu sang hèn, nên đi tu là làm kế đỡ. Có người vì thất vọng mới nương vào cửa Phật, kỳ thật không hiểu, không minh cái Ðạo, vì không minh cái Ðạo mới có người tuy là tu mà còn trau giồi bản dạng, quần áo nhởn nha, lấy chỗ giàu sang mà khoe ruộng vườn nhà cửa; chơi bời lanh xảo, thường đứng trong trường danh lợi đua chen. Có người khắc bạc tính toán, giạ già cân non mà cầu lợi. Ðã muốn cầu danh lợi, tình dục, ruộng đất, tài sản, điểm trang son phấn, tranh việc thị phi mà lại muốn thành Phật thành Tiên! Những người ấy mà cũng tới học đạo, thật khá buồn thay!

      Còn nói qua chữ Khí, người tu cũng phải có, mà lại nhiều người chưa bình đặng cái khí can, ít ai giữ cái khí chánh, ít ai biết dưỡng tính, chế cái khí giận, khí nóng hoặc lộ trên mặt mà sanh việc giận hờn; hoặc ưng theo trong lời nói mà sanh việc hơn thua, yếu mạnh, vì cái Khí chớ không phải vì Lý. Như vậy đâu có dưỡng đặng chỗ "Khí hạo-nhiên", thì làm sao mà siêu phàm nhập Thánh? Những người như vậy đã muốn các việc tranh đua chen lấn, một mảy cũng không chịu nhục chịu thiệt, mà lại cũng muốn học Ðạo, thành Phật, thành Tiên, há chẳng thương thay!

      Nay như người muốn cầu cái phép dứt tuyệt đặng trở nên người đức hạnh, thì Nho có dạy: "Chẳng nghĩa mà giàu sang, ta coi như mây nổi". Còn nói giữ cái chí đừng có nóng cái khí. Hễ giận lễ nghĩa thì cũng giận, mà xuất lời ra cho nó nghi-tiết dùng qui-trình mà nói, đặng sửa chỗ quấy mà trở về chỗ chánh. Còn giận khí huyết thì chẳng nên giận. Giận khí huyết là không đáng chuyện giận cũng giận; hoặc việc nhỏ mọn cũng tìm ra mà giận nên người tu lấy chỗ bình hòa, nhẫn nhịn mà xử. Ðó là khinh tài dưỡng khí!

      Ðạo Thích nói: "Chẳng chịu thọ phước đức của người; chẳng chịu dùng tiền bạc của người, đặng thành việc nhẫn, cũng là khinh tài dưỡng khí". Còn Ðạo Tiên nói: "Biết trừ tham lam, hiền lòng dằn khí, đó là trừ chỗ bịnh căn tài khí". Như người tu muốn trừ bốn vách ấy, thì trước phải quyết chí chặt đứt căn bịnh, phải chánh chỗ Ðạo-Tâm. Nên Nho tại chỗ Tỉnh ? Thích tại chỗ Giác ? Ðạo tại chỗ ngộ ? Nếu đặng tỉnh, giác, ngộ thì trong thiên hạ việc gì cũng coi thấu cả.

      Trùng-Dương tiên-sanh giảng cái lý trừ bịnh rồi, Mã-Ðơn Dương cùng Tôn-Bất-Nhị lại hỏi việc công phu, tịnh dưỡng dùng phép làm sao?

      Trùng-Dương nói: Trước phải ngồi Tịnh, các việc quên hết đặng niệm chỗ "Tổ khiếu". Hễ phàm tâm tử thì Ðạo-tâm sanh. Ngồi niệm cho dày, mở bớt dây lưng nút áo. Giờ Tý, ngồi ngó ngay hướng Ðông, 2 chơn kiết-già, sửa ngay thẳng, 2 tay chắp lại, khấu xỉ giáng cam lồ, bắc cầu lên trời, lỗ tai nghe vô trong, âm dương hội hiệp, để cái rèm xuống, đem thần quang trở soi đơn-điền, kêu là tịnh tọa công phu, phải đừng vọng niệm. Nếu như còn ý tán loạn thì chơn-thần chẳng thuần dương, mà việc công phu cũng khó thành.

      Còn nói ngồi niệm cho dày, đặng rán ngồi lâu, cái thân không mỏi. Còn mở nút áo cùng dây lưng cho khí nó vận chuyển thông hành đều đủ. Chờ giờ Tý là lấy chỗ dương khí phát sanh. Ngồi ngó ngay hướng Ðông là đoạt chỗ thanh khí. Ngồi kiết-già là thâu dưỡng thần khí, tay ấn chỗ vô danh đặng quên các điều hình thể. Sửa mình cho ngay thẳng đặng các chỗ đều thông hơi không bít; môi răng khấu nhau cho chỗ trùng lầu không hao khí. Miệng là chỗ khí hơi, hễ miệng hở thì khí tan, nên phải bế lại. Lỗ tai nghe vô trong vì lỗ tai thuộc thận, nếu nghe tiếng nói thì hao tinh, nên phải nghe vô trong chẳng nghe ra ngoài.

      Còn âm dương hội hiệp là chẳng cho mờ tối, con mắt là tổ khiếu của thần, hễ nhìn ngó sắc lâu thì thần theo sắc mà tán, như đặng quang minh thì thần đặng tròn sáng, còn nhắm lại thì thần phải mê muội. Còn bỏ cái rèm xuống là chẳng tối chỗ thần quang. Tự trên huyền cung trở chiếu chỗ đơn-điền, cũng như nhựt nguyệt trên trời sáng tỏ, mà soi thấu muôn vật, sanh đặng các loài. Còn ít nói cho khí tụ, thì hơi không lậu ra, bớt lời, bớt việc, là dưỡng đặng chỗ tinh. Như tinh không lậu ra lỗ tai, không điều sắc tướng, mà ngưng thần, thần không lậu nơi con mắt, các việc đều không, cho nên kêu là: "Vô-Lậu Chơn-Nhơn".

      Tiên-sanh giảng Ðạo rồi nói: Việc đó là công phu rất hiệu. Như hai người muốn vào cửa Ðạo chẳng khá gọi việc đó là tầm thường! Phải gắng công kiên cố ngày giờ thì mới có hiệu nghiệm. Bằng như dãi đãi thì lầm chỗ đường đi. Tiên-sanh nói dứt lời liền ra ngoài chỉ việc công phu (ai có căn đi tìm mới biết việc công phu).

      Lúc nọ Mã-Ðơn-Dương nghe hết mấy lời thấu đặng chỗ huyền-diệu liền quì lạy từ thầy trở về chỗ cũ, y phép làm theo lâu ngày đặng thấy ứng nghiệm, rồi cũng tưởng Ðạo có bao nhiêu mà thôi; chẳng đến mao-am học hỏi, cứ giữ một điểm công phu làm hoài.

      Cách hơn một tháng, Mã-Ðơn-Dương ngồi tại phòng công phu, xảy đâu thấy Trùng-Dương tiên-sanh đến. Ðơn-Dương lật đật tiếp vào. Trùng-Dương ngồi xuống nói rằng: Ðại-Ðạo thiệt không cùng, lấy cũng chẳng hết, nói cũng chẳng xiết, phải sửa cho các chỗ đều không, chẳng khá chấp một mối, thành tâm theo Ðạo hết lòng cải đổi mới đặng có ích thân tâm. Ðạo chẳng tìm chẳng gặp, chẳng hỏi chẳng biết, học chẳng thấu chẳng thành. Hễ người có Ðạo thì một giờ một khắc chẳng rời thân mình, một bước một lời thường giữ trong lòng, tỉnh hoài chẳng muội, niệm niệm đều chơn. Sao gọi là chơn? Hễ người có Ðạo thì giờ khắc không quên, một mảy tư dục chẳng có, gọi là chơn. Như vậy mới thiệt là theo Ðạo. Nên thầy Nhan-Hồi có câu: "Ðắc nhứt thiện huyền huyền phụ ưng". Nghĩa là: Nghe đặng Ðạo giây phút không rời.

      Còn việc lỗi phải cải phải trừ. Hoặc có bịnh tại chỗ tư (1) phải lấy chỗ công tâm mà trừ; hoặc bịnh chỗ ý dục (là chỗ muốn) phải lấy Ðạo-tâm mà trừ chỗ muốn đó. Bịnh chỗ tà vạy phải lấy chỗ lòng ngay mà trừ chỗ chẳng ngay. Còn bịnh kiêu ngạo phải lấy việc nhún-nhường mà trừ, hễ bịnh khởi chỗ nào thì phải hiện phát trừ trị, chẳng đặng dung chế. Nên cần việc công phu cũng vậy, hễ khởi đâu giác đó, giác đặng phải quét, quét liền cho sạch, thì tự nhiên trong lòng đặng vui vẻ. Tỷ như gió mùa Xuân, vạn vật đều phát vượng, sáng như trăng tỏ, tươi nhuận như trời đất, thanh tịnh cả núi non, lần lần khí đầy đủ, mặc niệm vận hành chừng một năm, đủ đầy trong tam-bửu! Như như chẳng biết chẳng hay thì đại-đạo đặng thành. (Mấy lời nói trên đây là Trùng-Dương tiên-sanh hóa thân vào phòng mà nói chuyện với Mã-Ðơn-Dương).

      Lại nói bà Tôn-Bất-Nhị ngồi một mình trong phòng công phu, xảy thấy Trùng-Dương tiên-sanh giở màn ngoài cửa bước vô. Tôn-Bất-Nhị giựt mình đứng dậy, vừa muốn hỏi, lại thấy thầy cười nói rằng: Ðạo lý tinh vi, huyền-diệu không cùng trong mình thông đủ, muôn mạch chầu về một mối, phải tự nhiên làm đi, mới có công hiệu. Như trò ngồi cô đơn một mình thiệt là không ích! Há chẳng nghe một âm chẳng sanh, một dương chẳng trưởng. Nếu trò ngồi như chết thì âm dương chẳng đặng thông nhau, làm sao mà kết thai đặng? Ta nói cho trò biết: muốn âm chẳng lìa dương, dương chẳng lìa âm, đây chẳng lìa đó, đó chẳng xa kia...

      Trùng-Dương mới nói mấy lời, Tôn-Bất-Nhị mặt đỏ phừng phừng, lật đật giở màn ra ngồi trước nhà, kêu tớ gái là Thu Hương đi thỉnh ông Ðơn-Dương nói chuyện. Thu-Hương thấy bà giận, chẳng dám chậm trễ, mau đến trước thỉnh ông.

      Lúc ấy, Ðơn-Dương đang nghe tiên-sanh giảng Ðạo, xảy thấy Thu-Hương chạy tới thưa rằng: Không biết việc chi bà giận ngồi tại trước nhà, sai tôi mời ông cho bà nói chuyện. Ðơn Dương nghe nói thưa thầy rằng: Cho đệ tử đi một chút trở lại. Trùng-Dương tiên-sanh gật đầu.

Chẳng hiểu lý nầy cùng lẽ nọ,

Nên khởi lòng nọ với lòng kia.

_________________________________________________

(1) Chỗ tư là người tu ở chùa cũng như gởi thân cho Phật, ăn cơm chùa thì phải lo việc Phật, đặng đến ngày qui thiên mà về Phật lãnh công quả của mình làm ngày trước, chớ mình tu ở chùa mà lo làm việc riêng, thì chỗ nào là công? Dẫu không tu cũng vậy, hễ làm việc nhà nước thì lo việc nhà nước, chẳng đặng ăn lương mà lo việc nhà mình.

----> HỒI THỨ CHÍN

 

Thiên-Lý Bửu-Tòa, 12695 Sycamore Ave, San Martin, CA 95046 - USA. Tel: (408) 683-0674

Website: www.thienlybuutoa.org     Email    Sơ đồ hướng dẫn tới TLBT

Thông bạch in Kinh