Trở lại trang chánh của Website Thiên Lý Bửu Tòa

 

đẠi-giác kim-tiên

luẬn vỀ LỤC DỤC, TAM TÂM CHI NGHIỆP, THẬP GIỚI ĐIỀU QUI

Thiên-Lý Bửu-Tòa, 8g ngày 15-6-1978

Thi rằng:

Khói trầm ngút tỏa kết lầu mây,

Bát ngát mùi xông thấu cửu đài,

Phiêu phiêu cánh hạc dừng trong gió,

Chấp cẩn thơ đề rõ mấy nay.

Thi:

ÐẠI nguyện từ xưa trót một lời,

GIÁC lòng nhân thế giữa dầm khơi,

KIM cổ vẹn thề câu bác-ái,

TIÊN Phật đắc thành dạ chẳng lơi.

Tản văn:

       Nay giờ nghiêm tịnh, Lão xin giải rõ đôi lời chơn lý. Vì việc tả Kinh đáng lẽ phải có sự hợp đồng trong Tam Giáo thì mới có đủ tinh thần phối hợp giữa các tôn giáo trên xã-hội ngày nay. Nhưng xét lại các phần vô-vi thì thật là khó khăn cho việc trực tiếp phối hợp với các phần hữu hình, điều phối hợp được hoặc không thiệt vô cùng nan giải. Bởi thế mà tất cả sự phối hợp chơn-linh cùng các phần hữu thể cũng phải có một định luật của Ðức Thượng-Ðế sắp đặt từ thuở ban sơ chớ không phải do một sự nhơn định nào mà có được.

       Rồi đây, các định luật ấy sẽ tiến đến các nhiệm thời mà lần lượt rồi nhân sinh sẽ thấu đáo. Mỗi việc chi thuộc về định luật của Thượng-Ðế thì chẳng thiết chi đến nhiều lý luận của kẻ nhân sinh. Bởi vì những lý luận ấy cũng chỉ là để dùng cho các phần hữu hình và cho những gì thực tại mà thôi. Chớ làm sao rõ đặng các điều bí ẩn của định luật Thiên-công, làm gì nhơn loại có đủ khả năng quản trị đặng Tam Giáo.

       Việc tả Kinh là một việc tối trọng đối Thiên-điều cũng như với nhân tâm trên xã-hội. Kinh kệ vốn là một tương quan nối liền từ Thiên, Ðịa và Nhơn. Nối liền từ Tam Giáo và Tam Nguơn trong các thế hệ. Ảnh hưởng chung trên toàn thể thế giới nhơn loại trên khắp vũ-trụ quan này. Thì giữa sự tương quan trọng đại kia phải là chỉ có một Ðức Chí-Tôn Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế mới là có đủ quyền năng để mà sắp đặt cho nhiệm thời khai giáo mà thôi. Còn như tất cả mấy ngàn năm qua cũng đã biết bao lần mà các chư Phật, Thánh, Tiên ra đời lập giáo mặc dầu, nhưng danh từ Ðại-Ðạo là chỉ có Ðức Thượng-Ðế mới có đủ đặc quyền và dành riêng cho Nguơn Ba mới lập giáo. Tức là Thượng-Ðế chủ quyền thì Tam Giáo mới qui nguyên mà độ tận nhân sinh qua thời kỳ diệt thế. Còn việc chấp bút tả Kinh cũng không phải là việc tầm thường mà mỗi người cũng đều có được. Hễ Kinh tức là điển. Chớ nên xem như là sự tầm thường mà ngỏ lòng lầm lạc.

       Riêng về phần Lão vì thuở sinh tiền nhớ ngày lập nguyện vào tu thọ truyền chánh-pháp thì có lời đại nguyện rằng: "Xin Thầy độ con tu luyện đặng thành công trở về Thiên-vị thì con xin nguyện một lời hết lòng độ thế dìu dẫn nhân sinh cho biết đường tu niệm mà giải thoát kiếp trần".

       Nay Lão được về ngôi, Lão cũng không quên lời nguyện ấy mà phải chịu nhọc nhằn thả chiếc thuyền từ mà giúp người qua bể khổ. Lão cũng mong rằng tất cả công phu nhọc nhằn của Lão mà ngày tương lai sẽ đem lại nhiều kết quả mỹ mãn thì mới xứng đáng cho những ngày khó khăn ấy, và tất cả lòng bác-ái, từ-bi của Ðức Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế, và chẳng uổng công trình của những người đã và đang dấn bước trên con đường phổ-độ ngày nay.

LUẬN VỀ LỤC DỤC

       Cái gì gọi bằng Lục Dục?

1) Nhãn: là cái mắt, thuộc về Sắc, tức là Sắc-dục (Sắc).

2) Nhĩ: là cái tai, thuộc về Thinh, tức là Thinh-dục (Thinh).

3) Tỷ: là cái mũi, thuộc về Hương, tức là Hương-dục (Hương).

4) Thiệt: là cái lưỡi, thuộc về Vị, tức là Vị-dục (Vị).

5) Thân: là cái thân thể, tức là Thân-dục (Xúc).

6) Ý: là cái tánh ý, tức là Pháp-dục (Pháp).

       Sáu cái giác quan chủ động trong cơ thể ta bởi vì định luật thiên nhiên của Tạo-Hóa đã dành sẵn cho ta. Vì nếu có cái thân vật-chất mỗi đều phải có Thất Tình, Lục Dục. Bởi thế, mà dầu cho các bực nguyên-nhân từ trên các ngôi Thánh, thọ truyền sắc lịnh của Trời mà xuống cõi thế gian để thi hành các nhiệm vụ, nhưng khi làm tròn sứ mạng rồi thì cũng phải tu hành mới đặng trở về ngôi cũ. Là tại vì từ khi ở cõi vô hình mà muốn tạm mượn một thể chất hữu hình thì cũng phải nhận lãnh các cái Thất Tình, Lục Dục mà dùng làm thân thể, và cũng phải mang lấy cái kiếp trược trong lò sanh hóa. Vì thế, mà khi sanh trưởng ở cõi thế gian này thì cũng có khi vì sự đam mê các mùi trần tục mà quên lẫn việc tu hành để trở lại ngôi nên cũng đành phải chịu dấn thân lặn lội với kiếp luân hồi trả vay lẫn lộn. mãi cho đến khi mắc phải tội tình mà chịu thối kiếp rất là thương thay và cũng đáng tiếc thay!

       Lão xin nhắc nhở rằng: Trên thế giới loài người nầy, hiện giờ đang có biết bao nhiêu là bực nguyên-nhân còn lẫn lộn, còn đang say mê vì vật-chất thế gian mà vẫn lầm lũi với cuộc đời xa hoa, cát bụi, quên hẳn căn xưa cũng vì ngăn cách một bức màn vô và hữu. Than ôi! Nếu người đời càng trễ chân, chậm bước để cho ngày tháng trôi qua thì chắc là khó đặng gặp ngày huờn nguyên phản bổn, mà phải chịu rẽ bước lạc cầu ngàn năm rất uổng!

       Cũng có hiếm chi các linh-căn vì phụng chỉ Thiên-Ðình xuống cõi thế gian rồi cũng vì say đắm miếng đỉnh chung mà không làm tròn sứ mạng, rồi phải đắc tội với Trời mà khó mong trở lại. Ấy là phần nhiều như các bực Vua, Quan . vì quyền, vì lợi mà bất chánh, bất minh. Việc nước chẳng làm tròn mà hằng lo tư lợi mãi quốc cầu vinh. Các bực lãnh đạo của các tôn-giáo chẳng chịu lo đạo-đức giúp đời mà còn làm nhiều điều sái quấy, mượn Ðạo tạo đời. Các bực đại phú gia không chịu làm các việc phúc đức, không chịu lo các điều nghĩa vụ để giúp đỡ nhân loài mà vẫn cứ lo đồ mưu thâu thập thủ, làm nhiều việc bất nghĩa vô nhân tức là phạm tội giàu không bố thí.

       Vì các bực vua chúa hoặc thượng quan, hoặc các nhà đại phú, thì các bực ấy đều xem như là các sứ mạng của Thiên-Ðình, hoặc các nhà lãnh tụ của các mối Ðạo cũng thế. Nhưng sứ mạng của Trời ban không làm tròn đặng thì các nguyên-nhân ấy sẽ mất địa vị và nếu giữa thời kỳ Ðại Ân-Xá nầy mà không lo tu hành cải thiện thì sẽ đời đời khó mong giải thoát. Thì tất cả cũng chỉ vì Lục Dục và Thất Tình mà hại người liên lụy, nhưng ta nào có thấy nó là kẻ thù mà ta vẫn nuôi dưỡng chúng nó trong thân tâm một phút cũng không rời đặng.

       NHÃN: tức là cái mắt của ta, thuộc Kiến-giác. Mắt là một cơ quan tối hậu nhứt, vì sự xem thấy ấy mà mới có sự quyết định. Nhờ nó mà liên quan đến các sự thụ động. Thì tất cả những gì đẹp đẽ nhứt: màu sắc, kiểu cách, kiều diễm, mỹ miều chi thì cũng do cái mắt nó nhìn ngắm thì mới liên quan đến sự ham muốn của cái Tâm, vì Nhãn kiến thì Tâm mới động, khi Tâm đã động thì nó mới giục cho ta làm tội lỗi. Vì cái mắt của ta nó ngắm, nó mới xúi giục cho cái Tâm ham muốn. Vì ham muốn quá mới bất chấp tất cả tội lỗi hoặc pháp lý luân thường, hoặc tài sản, hoặc sinh mạng. Vì mọi vật-chất ở thế gian nầy, mỗi thứ chi cũng thường phô bày các màu sắc, các kiểu cách và tất cả đến các sắc đẹp kiều diễm. Tất cả đều là mọi cám dỗ để thủ lợi một cách rất hữu hiệu. Kẻ thế gian thường tình ai cũng phải luyến ham, ai cũng phải quan niệm. Nhưng ta hiểu thì ta phải cần giảm các quan niệm ham thích ấy. Mỗi khi thấy người đẹp không phải phép ta chẳng nên ngắm. Thấy đồ vật đẹp không phải lúc ta dùng ta cũng chẳng nên ngắm. Nếu ta cứ mải ngắm xem thì Tâm ta sẽ lôi kéo. Sự ấy sẽ đem lại cho ta nhiều điều bất lợi và sẽ gây tội lỗi. Ta đã tu thì ta không nên ngắm cái gì quá đẹp thì ta mới ngồi tu đặng bền. Bền mới thành công.

       NHĨ: tức là cái tai, tai thuộc về Thính-giác. Cái giác nầy cũng là một chủ động hữu hiệu và rất liên quan đến các cơ năng khác. Bởi vì khi nó tiếp xúc đặng những gì thích ưa êm dịu, trầm bổng, hoặc tiếng ngọt, lời êm thì dầu cho có tương quan đến các sự thiệt hại thâm tổn nhưng vì những cảm giác ấy mà ta phải yếu mềm xiêu lòng. Cũng như tất cả các giọng đàn, tiếng hát trầm bổng, du dương. khiến cho ta vì sự êm tai ấy mà khiến cho mê say quên hết sự tốn hao, quên hết của cải bạc tiền do mồ hôi, nước mắt, mà để bỏ ra phí lãng trên các hí trường, hoặc lời êm, tiếng dịu quyến rũ. Thoảng như khi nào ta gặp những lời lẽ trái tai, kích bác, chửi mắng thì lại đụng nhằm lòng tự ái mà nộ khí xung thiên. Lúc ấy nó lại làm cho Tâm ta xao động mà gây ra nhiều sự việc quá đáng và các điều tội lỗi.

       Như vậy người tu không nên tìm nghe những gì quá êm thích, giọng đàn, tiếng hát có vẻ quyến rũ, không nên nghe các điều thị phi của kẻ khác, và mỗi khi có những điều trái ngược, bất bình thì phải dụng chơn tâm mà đánh đổ hết, để cho lòng từ-bi được mở rộng lớn hơn mà cứ xem các sự ngược đãi ấy cũng như một luồng gió bay qua thì mới là yên ổn đặng thân tâm.

       TỶ: tức là cái mũi, thuộc về Hương. Các cái hương-dục nầy cũng rất nhiều tương quan hệ lụy cho người tu rất mãnh liệt, vì nó sẽ rất phân biệt tất cả các hương vị về vật thực. Thế mà người ta thường muốn tìm những thứ gì thơm tho hấp dẫn cũng như là sơn hào, hải vị, các mùi rượu quí, thịt ngon, chiên xào gia vị. đủ thứ thơm ngon thì tất cả các hương vị ấy toàn là có tánh cách quyến rũ. Vì thế mà người tu cần phải tránh xa để khỏi ngửi vào mà làm cho mê hoặc rồi sẽ sa ngã mà uổng bấy công tu. Nhưng thế gian cũng vì hương vị mà cạnh tranh, xâu xé, để tạo ra vật-chất. Tạo vật-chất là cốt để cung cấp cho các hương vị mùi đời, nào rượu ngon, thịt béo, nào hương sắc quyến rũ. Tất cả chỉ vì hương vị mà đời mới gây thành những tội lỗi đến xương máu và diệt vong.

       Vậy thì ta nên tạm dụng những vật thực tầm thường để cho nhẹ đặng phần phí tổn về các thức ăn uống hoặc cần dùng thì tất nhiên là sẽ bớt đặng sự cạnh tranh, xâu xé, hoặc bớt đặng sự tham gian cướp giựt, và cũng có thể bớt đặng các sự tương tàn, tương sát. thì loài người sẽ có đặng mức sống rất yên ổn và sẽ không có cạnh tranh. Vì đời sống của loài người chủ yếu là chỉ có cái ăn là trước nhứt: nếu không ăn ta sẽ chết. Nếu muốn thơm ngon ta nhọc sức lo nhiều, làm gì để có nhiều tiền cung cấp cho sự thơm ngon ấy? Rồi sau đó mới đến các thứ khác. Phải nghĩ rằng sống trên đời nầy ta chỉ có tạm một thời gian, rồi sau đó sẽ có một đường lối chính thức để cho linh hồn ta vĩnh viễn. Vậy thì ta phải xem cái ăn là cần cho sự sống của ta, chớ ta đừng nghĩ rằng ta sống để ta ăn. Vì là dầu cho thơm ngon đến mức nào thì cũng chỉ qua khỏi cái giác năng ấy rồi cũng sẽ trở thành vô dụng vì khi đã qua khỏi. Thế mà ta phải quá nhọc nhằn để cạnh tranh làm cho linh hồn ta phải chịu tội lỗi. Ta phải cần kềm chế cái mũi, ta đừng để nó sai khiến mà người của ta phải chịu dưới sự điều động của nó.

       THIỆT: tức là cái lưỡi. Lưỡi là thuộc Vị, tức là cái giác nếm. Cái giác nầy cũng rất quan trọng cho sự ăn uống, mà sự ăn uống chính là cái căn bản của sự sống. Tất cả mọi thứ vật thực đều do sự chọn lựa của giác nầy. Nó sẽ có đủ thẩm quyền định đoạt cho sự ăn uống để nuôi thân thể ta, thì nó cứ tìm những thứ gì ngon ngọt, béo bùi để nó chọn lựa mà cắt khiến cho ta hết. Vậy chính ta phải dụng cái chơn tâm mà điều khiển nó, không nên để cho nó quá thao túng mà làm chủ tâm hồn ta. Nếu như những ngày ta ăn chay mà các vật thực ngon quí, thịt rượu, thì cái giác nầy lại thường xúi giục ta mà làm cho ta phải yếu mềm để sa ngã, vì nó cảm thấy ngon thích mà nó bèn sai khiến ta. Hoặc nó đã được dùng những thực chất gì ngon quí rồi thì nó lại bắt đầu thúc đẩy ta phải làm thế nào tìm tòi cho đặng. Dầu món ăn ấy có đắt đỏ hoặc xa xôi, cực nhọc đến đâu ta cũng phải cố gắng để phục vụ.

       Như vậy, tức là ta đã yếu hèn mà lầm lẫn vào sự cám dỗ của nó. Hoặc đang trường trai tu hành cũng có khi vẫn phải bị nó chủ mưu đầu độc, đòi hỏi các thực chất thuộc huyết nhục vì nó đang tha thiết cần. Khi ấy ta phải dùng sức mạnh của cái Chơn-Tâm mà đánh đuổi thẳng thắn làm cho nó phải chịu nhượng bộ cái Tâm chơn thì lúc đó ta mới chiến thắng được cái tên giặc phản loạn nội tuyến ở từ trong thân thể ta. Khi nào nó đã hàng đầu ta rồi thì nó sẽ rất bằng lòng chấp nhận mọi sai khiến của ta. Bằng ta yếu ớt mà để cho sức mạnh của nó lôi cuốn được tâm hồn ta thì dầu cho sự công phu khó nhọc từ lâu của ta cũng đành thả trôi theo bọt nước.

       THÂN: tức là cái thân thể, thuộc về Xúc. Sự sống vật-chất nầy duy nhứt chỉ có cái thân thể để cầm giữ các cơ quan và cái linh hồn. Nhờ nơi cái xác thân mà chủ động tất cả mọi hành vi hoạt động chủ chốt. Từ cổ, kim, các vị Phật Tiên cũng nhờ có cái thể thân mà mới tu luyện đắc thành. Nhờ có cái thể thân mà toàn cõi vũ trụ quan nầy mới đặng đông đảo, sum xuê và lộng lẫy có đủ mọi huy hoàng để so sánh với cõi Thiên-Ðàng không kém. Nhưng rốt cuộc cũng có khi vì cái Thân mà nó làm cho ta phải khổ nhục đắng cay, phải tội lỗi, phải đày đọa, có khi cũng phải chết.

       Nếu như ta mà biết dùng cái thân thể thì ta nhờ cái thân thể ấy mà trở thành bực trượng phu quân tử lỗi lạc anh hùng. Nhờ nó mà ta mới tạo lập đặng sự nghiệp núi sông đồ vương mạng bá. Nhờ nơi nó mà gây dựng được phúc đức các điều hữu ích cho xã-hội nhân loại. Cũng nhờ nó mà ta mới làm được tất cả những công đồ rực rỡ, huy hoàng trên vũ trụ.

       Cũng nhờ dụng nó mà tạo Phật, tác Tiên. Nếu như không biết xử dụng cái thân mà ta cứ để cho cái thân thể làm chủ cái linh hồn, ấy sẽ là hạng tiểu-nhân. Ví như mỗi lúc đối diện với một sắc đẹp thì thân thể ta sẽ có một khả năng rất mãnh liệt bèn lôi kéo ta phải xúc phạm. Nếu như linh hồn ta yếu ớt không có sức kháng địch thì danh dự ta phải bị nhơ bẩn. Hoặc vì một hoàn cảnh có cơ hội thuận tiện nam nữ phải đối diện một cách cẩu thả thì lúc ấy thân thể ta vẫn có khả năng lôi cuốn tâm hồn ta, bắt buộc ta phải xúc phạm. Hoặc những khi có một cám dỗ mãnh liệt từ bên ngoài, cũng có thể xác thân ta lôi cuốn đến tâm hồn ta, vì thế mà ta rất dễ dàng bị xiêu ngã tức là Xúc dục. Nếu như người đang tu mà không có khả năng diệt trừ Lục Dục thì đời tu sẽ không mang lại kết quả mà còn đắc tội với Thiên-điều. Tức là nếu như đã tu mà vẫn còn xúc phạm để cho ô danh thì chẳng những riêng mình chịu đựng các tai tiếng ấy, mà tai tiếng chung cho Ðạo của mình. Vì thế mà ta vẫn phải đề cao tinh thần chơn chánh. Linh hồn lúc nào cũng phải chủ quyền cho xác thể và phải diệt trừ Thất Tình, Lục Dục cũng như diệt trừ kẻ địch thủ đang lăm le xử tử ta. Kiếp sống trên thế gian nầy cũng vì có cái xác thân mà ta phải chịu trăm ngàn sự khổ vì thân. Thế làm người lúc nào cũng cần tự nhắc nhở lòng mình, và lúc nào cũng dụng cái chơn tâm để làm chủ chốt cho cái thể xác thì mới phải là đúng bực quân-tử.

       Ý: tức là cái Tánh ý, thuộc về cái ý thức hay là cái tư tưởng, lý tưởng. Nếu như thuyết về một lý tưởng thông thường thì người ta chỉ nói rằng: ý người nầy vầy, ý người kia khác. Nhưng nó là một cái lý tưởng rất tuyệt đối. Nó sẽ chủ quyền hết tất cả từ thể chất lẫn đến tinh thần. Tất cả loài người sống trên thế gian nầy, toàn thể những cuộc sống của mỗi cá nhân đều có mỗi lý tưởng khác hẳn nhau, gọi là tánh ý đều khác biệt nhau hết. Mọi hành vi từng cá nhân đều có chủ định căn bản để phục vụ cho tư tưởng và lý tưởng của mình. Người ta cứ muốn làm những gì cho sự ưa thích và phù hợp với tư tưởng của họ.

       Nhưng nếu ai có được cái giác ý, tức là người ấy có được cái Thiên-ý (Thiên-tánh), tức là họ có được cái ý lành, thích làm những việc lương thiện, thích đạo-đức, thích tu hành, thích làm công việc công ích và thích làm việc gì mà có tính cách nhân đạo. Còn cái mê ý, tức là họ thường thích ưa những việc ích kỷ, hại nhân, hung bạo, lấn lướt, gièm siểm, tham gian, dâm dục, đổ bác, bịm bợm, thủ lợi, cạnh tranh, cướp của, giết người. tất cả đều thuộc về mê tâm (địa tánh). Những tâm tánh giác tức là thuộc thượng thanh vi thiên. Tâm tánh xấu thuộc hạ trược vi địa. Vì mỗi sự tốt và lành đều có tính cách thanh nhẹ, thong thả, thung dung, không tội ác. Còn các thói tư tưởng không tốt, không lành thì toàn là những cảm hóa tội lỗi phiền não thường gây ra sự khó khăn tội vạ nặng nề trược bẩn. Các tánh ý ấy thì linh hồn họ lúc nào cũng có sự ràng buộc nặng nề, không được cởi mở. Khi rời khỏi xác thân thì sẽ trở về với trọng địa.

       Vì thế mà làm người cần phải dụng cái chơn-tâm mà ngăn chận mọi tư tưởng xấu xa, đừng để cho tánh ý xấu lôi cuốn tâm hồn ta mà cứ dắt dẫn ta vào các tư tưởng đen tối, các việc không chơn chánh, các điều dục vọng tham lam sân si, tật đố và tất cả mọi tánh ý xấu xa. Nếu người mà quanh năm cứ tư tưởng các việc không tốt thì tất nhiên sẽ có những hành động không tốt. Càng có hành động không tốt thì tâm tánh lại càng mê muội và sẽ tiến mãi đến con đường xấu xa tội lỗi thêm mà sẽ không có lúc quay về với đạo đức đặng.

       Tánh và Ý, tất cả tốt hay xấu cũng đều do sự giác hoặc mê của tâm hồn mỗi cá nhân. Nếu biết thì ta thường dụng chơn tâm mà tự giáo dục, tập rèn cái tánh ý tốt hằng ngày hằng bữa. Tánh ý của ta mà được tốt, được lành là do sự giáo dục của chính ta, chớ không phải do nơi Thầy hoặc cha mẹ dạy ta mà thành công được. Tự ta phải kềm chế cái ý dục thì ta mới tìm đặng ánh sáng của đường lành và lương thiện tốt đẹp.

       Người tu mà chưa diệt trừ hết Lục Dục thì chưa gọi là tu, cũng chưa được tự hào rằng ta là người đạo-đức. Tu phải cần trau sửa các cái xấu cho hết. Nếu các cái tật xấu ta đã lột bỏ hết tất rồi thì cái đạo-đức sẽ sáng tỏ như mặt trăng, ta không xưng mà vẫn có, ta không bày mà vẫn rực rỡ như ánh hào quang.

       Thoảng như tu mà chỉ dùng đầu môi, chót lưỡi, chỉ bày vẽ hình trạng bề ngoài mà tâm địa không gìn tức là sự tu dối giả. Hoặc nhọc sức tu mà không răn lòng, sửa tánh thì cũng như không. Vì thế mà người đời thường có những câu chế nhạo thì càng tu lại gánh tội thêm.

       Tu ngồi thiền mà không diệt được cái Ý, giờ ngồi tham thiền mà để cho cái ý tưởng phóng ra ngoài, nửa phút bên đông, nửa phút lại bên tây, cứ chạy nhảy hơn khỉ đột thì tu hành thất công, cũng không có kết quả. Giam cầm cái Ý cũng như nhốt khỉ vào chuồng sắt thì mới mong có được sự thành công.

Thi:

Thất Tình bảy núi lấp chơn linh,

Lục Dục sáu sông kẻo lụy mình,

Tam Tâm ba lộ tam đồ khổ,

Bản ngã mê tân hóa ngục hình.

* * *

tam tâm chi nghiỆp

Nghiệp thứ nhứt: Bản ngã sân si.

Nghiệp thứ hai: Tự cao tự đại.

Nghiệp thứ ba: Hẹp hòi ích kỷ.

Thi rằng:

Hỡi ai Ðạo cả chí công tìm,

Thiếu đức như đèn sắp hết tim,

Người hung như thể hoa mắc nắng,

Phải chịu héo sầu kiếp hận diêm.

Thi:

Tam đồ chí khổ xót trần ai,

Ðạo pháp huân phân giáng mấy bài,

Hồi đầu giác ngạn tầm chơn lý,

Ngõ vạy đường ngay tự cảm hoài.

Thi:

Thập điều qui giới chỉnh lòng tu,

Vẹt ngút áng mây lấp dã mù,

Gìn lòng giữ phận trong như giá,

Ðức độ thanh bường vẹn kiếp tu.

  * * *

thẬp giỚi điỀu qui

       Luận về Thập Giới Ðiều Qui tức là mười điều cấm. Nếu luận đến mười điều thì mỗi tôn-giáo và mỗi cá nhân nào có Ðạo thì cũng đã có biết, nhưng cũng còn hiếm chi người không để ý tới. Nếu ta vẫn cảm thấy mười điều cấm không cần thiết cho những người có mang các tôn-giáo, nói tóm là những người có Ðạo, không riêng biệt Ðạo nào, mười điều cấm nầy cũng cần phải áp dụng. Nhưng tất cả trên đời, đa số những người Ðạo lại có khi không thuộc mười điều là điều gì? Có khi Kinh Luật đã học qua rồi, thoảng mãn lại vì đồ danh, trục lợi mà quên lãng phận mình, đến khi hỏi lại thì không còn chi hết.

       Ðiều 1: CỮ SÁT SANH.

       Nếu người đã có công tu thì việc cữ sát sanh là việc tối cần. Vì đã tu thì tất nhiên là muốn chấm dứt việc nhân quả. Muốn chấm dứt nhân quả tức là phải chấm dứt việc sát hại. Bởi vì định luật Thiên-công: hễ sát sinh phải đền mạng. Nếu ngày nay ta muốn giải thoát kiếp trần thì tất nhiên ta không nên vay nợ máu. Vì dầu cho định luật thiên nhiên có câu "Vật phải dưỡng nhơn", nhưng định luật ấy chỉ là chung qui cho toàn thể nhân vật trên thế gian, để rồi mới có tất cả mọi việc nhân quả trả vay lẫn lộn với các nẻo đường chuyển luân sanh tử cho thế giới nhân vật nầy và việc nhân quả vẫn triền miên chẳng dứt.

       Nếu ai là người đã chợt tỉnh giấc mơ muốn tầm đến cõi Thiên-Ðàng thì hãy rẽ lối, sang đường, áp dụng một lối thoát ngược chiều với kẻ thế gian mà không thực hiện theo chiều hướng của bộ máy hành tàng theo người thế tục. Mà ta phải quay ngược nẻo đường thì ta mới dứt đặng hệ lụy của kiếp phù sinh vạn khổ nầy. Ðiểm tối trọng nhứt là cần phải chấm dứt sát sinh. Bởi vì dầu cho sinh mạng của các loại thú cầm nhưng cũng rất liên hệ đến sự hận thù vay trả, vì thú vật vẫn có linh hồn, có sự hiểu biết cũng y như người. Vì tiền sinh chúng nó phạm tội mà bị thối kiếp hoặc đã nhiều kiếp đầu thai mà chưa có cơ hội tiến hóa. Trong những số thú vật sẽ có rất nhiều con thú đang dùng cơ hội mà tiến hóa đến nhân loài, vì nhiều kiếp đầu thai nên chúng hầu đã đền xong tiền nghiệp.

       Ngày nay, chúng nó rất cần có sự sống lâu để cho giác năng được tiến hóa. Linh hồn chúng nó cần được học hỏi các tiềm thức để lần lượt lớn khôn già lão đến cái chết tự nhiên, rồi chúng sẽ được cơ hội tiến hóa đến trở về nhân loại. Thế nên, dầu chưa biết nói lên nhưng chúng vẫn hiểu biết y như nhân loại. Nếu vì sự vô tình giết oan mạng thú thì tức nhiên ta sẽ phạm nhằm một mối hận thù rất ghê tởm và ta sẽ bị chúng chờ đợi linh hồn ta mà đòi đền mạng. Thoảng như sát mạng các loại thú cầm thuộc súc vật chăn nuôi để dùng làm thực vật theo thường lệ thì dầu cho "vật để dưỡng nhân" nhưng ta cũng phải tránh. Vì nếu ta giết nó để ăn thì tức là ta đã vay nợ máu. Hễ vay nhiều thì phải trả nhiều, ít cũng phải trả ít. thì sự đòi kéo cứ phải lẫn lộn mãi thì làm sao rảnh đặng mà về nước Thiên-Ðàng?

       Bằng như các loại tiểu thú cầm dầu cho nhỏ nhít nhưng đã biết bò bay máy cựa thì chúng vẫn biết sợ chết, vẫn có tánh linh, thì sự vô tình sát hại cũng làm cho ta hao mòn phúc đức cũng có khi phải bị đền mạng. Vậy thì những người đời, dầu không tu cũng nên chừa bớt việc sát sinh thì mới đỡ bớt được nghiệp quả. Khi nào nhà ta có hữu sự cần thiết thì bắt buộc giết vật để làm cho sự cần. Khi nào không có việc chi, ta cũng chẳng nên thiết yến bày tiệc giết thú cầm để làm cho thỏa mãn sự ăn chơi vô hữu ích. Nếu ta thường làm các việc ấy mà xem như là sự sống vẫn quá tự nhiên ấy là một việc quá vô tình mà làm cho nghiệp quả thêm chồng chất. Hoặc các ngày tế lễ ông cha tổ phụ mà giết heo, bò, gà, vịt. làm của tế lễ thường năm thì chẳng khác chi mình tự sát sinh mà để cho người quá cố phải chịu tất cả sự quả nghiệp ấy.

       Hoặc ta cứ làm nghề sát sinh để thủ lợi, ta dùng một bát cơm trắng là đổi lấy bát máu hồng, sát sinh mưu lợi thì dầu cho sự thắng lợi có được thành tựu dồi dào thì cũng ví như kiếp con tằm mượn sự sống với lá dâu, kho tàng của cải cũng như giấc mộng Huỳnh-Lương. Vì những sinh mạng của thú cầm cũng vẫn có liên hệ với phần thiêng liêng rất thực tế. Ðức Phật-Mẫu có dạy rằng:

       Con phải biết mỗi lần giết thú,

       Là con làm hại đủ thượng thiên,

              Sát sinh hại vật nên kiêng,

Ấy điều thứ nhứt dạy riêng năm lần.

       Vì mỗi khi giết thú, sự kêu van của chúng nó làm cho thấu đến cõi thượng thiên. Vì các điểm linh hồn của thú vật cũng như của nhân loại cũng đồng do sự sanh hóa của Trời ban. Tức là lòng Trời vẫn xem các sự sống đều như nhau, nhưng sự thối hóa và tiến hóa là do nơi luật Nhân Quả mà làm cho nhân vật cứ mãi lẫn lộn quây quần chẳng dứt. Vì vậy mà ta muốn về cõi Phật, Tiên, thì ta phải cữ sát sinh, thì ta mới chấm dứt nợ Nhân Quả.

       Ðiều 2: TỘI VỌNG NGỮ.

       Gồm các điều nói năng không thật, nói dối, nói xảo, nói thêm, nói vu, nói gạt, nói bướng, đặt điều nói láo.

       Ðiều 3: TỘI TÚY TỬU.

       Say xưa giấc mã, ẩm tửu loạn tâm gây nên tội lỗi.

       Ðiều 4: TỘI ÐA NHỤC.

       Cứ thịt rượu ngày ngày thiết yến, bày tiệc, sát hại thú cầm, săn bắn thú rừng chim trời để làm món ăn vui say thường bữa.

       Ðiều 5: TỘI TÀ MỴ.

       Xác cậu, xác cô bày trò uyển hoặc. Cúng mặn dưng chay làm mê hoặc mà gạt người lương thiện. Bùa ngải, vái van, kêu tên Thần Thánh, thờ phượng quỉ ma tà thần.

       Ðiều 6: TỘI GIAN DÂM.

       Lấy vợ người hoặc lấy chồng người, phá hoại gia cang, loạn luân thường, tà dâm huê nguyệt đều phạm tội gian dâm.

       Ðiều 7: TỘI THAM LAM.

       Trộm cắp, cướp giựt, gian lận chiếm đoạt, lấn đất, lường gạt hoặc giết người lấy của.

       Ðiều 8: TỘI GIẬN DỮ.

       Mỗi cơn giận đến hốt hỏa lôi đình, gào thét chưởi rủa, đánh đập, chém giết, kêu mời Thần Thánh, kêu Trời mời Ðất, khuấy động xóm làng.

       Ðiều 9: TỘI MÊ MUỘI.

       Không kiêng nể Thánh Thần, không tin Trời tưởng Phật, không biết phân biệt phải quấy, không kính nể người tuổi cao già cả, không biết kính trọng bực người hiền nhân hoặc các bực triết học, không biết thương xót đến người lâm nạn mà giúp đỡ còn ngạo báng rủa sả, không biết giúp kẻ cô đơn góa bụa mà còn hiếp đáp, lấn lướt, không biết kính nể kẻ tu hành mà còn đặt điều chế nhạo hoặc bày trò phá hại, hoặc phá hoại các công trình của người khác. đều phạm nhằm tội thứ 9, tức là tội mê muội không suy xét.

       Ðiều 10:

       Là tất cả những sự giận dỗi, hờn mát, thắc mắc, gây gỗ, tật đố, gắt hiểm, móc bươi, ganh hiền lấp ngõ, thả chông trù ếm. Mỗi chuyện nhỏ nhặt cũng có ý hờn mát, bỏ bữa ăn mà làm cho người khác vì mình mà khổ tâm, hoặc nhiều tự ái mà sanh điều xích mích làm mất lòng thiện cảm. cũng đều phạm nhằm điều luật thứ 10.

       Tuy dầu mười điều răn cấm thấy như không là quan hệ lắm, nhưng nếu đã là người có Ðạo thì cũng nên ghi nhớ để mà tự trau sửa tâm tánh mình thì mới được xem như là người đúng đắn đối với danh từ của cái Ðạo. Nếu cứ sống tha hồ, không tôn trọng luật Ðạo, thì có Ðạo cũng như không đem lợi ích chi cho linh hồn mà còn thêm nặng tội.

       Mười điều luật giới răn nầy vốn là chung qui cho tất cả Tam Giáo, không riêng cho Ðạo nào và thứ dân tộc nào, mà xem như đó là một nền móng tốt đẹp chung cho nhân loại.

       Giờ nay mãn điển, Lão xin trở lại Thiên-Cung. Vậy Bạch-Diệu-Hoa việc tịnh luyện cho đủ đầy, ngày lành Ba sẽ trở lại mà tiếp tục.

Ngâm:

Tiên Thiên rẽ lối qui triều,

Thang mây nhẹ tách bóng chiều sương lam.

         Thăng...

 

Thiên-Lý Bửu-Tòa, 12695 Sycamore Ave, San Martin, CA 95046 - USA. Tel: (408) 683-0674

Website: www.thienlybuutoa.org     Email    Sơ đồ hướng dẫn tới TLBT

Thông bạch in Kinh