Trở lại trang chánh của Website Thiên Lý Bửu Tòa

 

đẠi-giác kim-tiên

luẬn vỀ thẤt tình

Thiên-Lý Bửu-Tòa, 11g ngày 11-6-1978

Thi rằng:

Chánh ÐẠI quang minh hữu thức thần,

Thượng GIÁC Thiên-Ðường đặng vinh thân,

Thiên KIM năng phục kỳ nhu thể,

Thánh TIÊN phùng thị nhứt nhựt trần.

Tản văn:

       Nay Lão lai đàn nương bút tiếp điển các lời kim thạch vạn tả minh Kinh.

       Nầy con dưỡng nữ Bạch-Diệu-Hoa, Lão vẫn biết rằng chính con cũng là thuộc một lương tài nhi nữ hiếu đạo xử tròn. Hôm nay, vì trách vụ của Ðức Chí-Tôn giao phó, vậy con hãy gắng công tham thiền, định tánh cho năng khiếu mở thông, chơn tâm sáng suốt để hầu lo giúp việc cho được hoàn toàn. Bởi quyển Kinh nhì nầy sẽ có nhiều đề mục triết lý rất cao siêu. Vậy con chớ khá nặng việc vì đời mà không tròn nhiệm vụ. Con phải biết rằng một đời công quả là nhiều đời hưởng phước, huống chi việc tả Kinh trăm đường khó nhọc cũng chỉ vì cốt để giúp đời. Miễn con gắng lo cho công quả được tròn thì ngày tương lai con sẽ rõ. Giờ nay con hãy đại tịnh, Lão xin giải về các đề mục của THẤT TÌNH.

       Vì là từ cổ chí kim, đã có thiếu chi Kinh sách cũng thường đề cập đến các mục này. Nhưng nay vì Lão muốn triết lý cho được thực tế hơn từ hữu thể lẫn đến vô vi, cũng như hiện tại, có một cơ cấu để nhắc nhở và trang trải cho tận lý để được phù hợp với xã hội ngày nay. Cũng như một bát trà kia rót để nguội lạnh thì xem như vô nghĩa đối với tân khách. Vậy nay là cơ hội hâm nóng lại bát trà thì sẽ được hiệp tình, hiệp lý hơn.

       Thưa quí vị, THẤT TÌNH nó là cái gì? Có phải là bảy cái thứ tình yêu hoặc tình cảm không?

       Bởi vì, loài người sanh ra trong bầu giả tạo này, nếu khi đã tạm mượn một cái thân hữu hình rồi thì tất nhiên là mang 7 cái nghiệp gọi là THẤT TÌNH, và đã sẵn có 6 cái cơ năng gọi là LỤC DỤC. Vì nó là những thứ liên hệ với thân tâm ta chớ không là món chi từ bên ngoài mà nhiễm vào. Thế nên, làm người sanh trên đời nếu đã có thân thì phải khổ với thân. Vì thế mà ta cần phải lập chí rèn luyện cái chơn tâm và phải đặt sự tâm niệm có lập trường vững chắc vào một lý tưởng của chơn tâm. Dụng tinh thần đặng tạo đặng một vị thức-thần cho được hùng mạnh thì nhờ nơi vị thức-thần ấy mới quản cai được 7 cái nghiệp chướng ngại nông nổi của THẤT TÌNH, và 6 cái giác quan của LỤC DỤC.

       Nếu như ta làm người vẫn có tánh hay liều lĩnh, không có khả năng tự kềm chế, tức là vị thức-thần bị nhu nhược yếu đuối thì 7 cái tên phản loạn và 6 cái tên giặc nội chiến nó sẽ có nhiều cơ hội thao túng mà che lấp hết cả bầu chơn tâm sáng láng và vị thức-thần mẫn đạt của ta. Rồi từ từ . bằng mọi sự cám dỗ, xúi giục, làm cho lòng dạ ta lần lượt đam mê vào con đường tội lỗi. Rồi từ thể chất lẫn đến tâm hồn sẽ bị đưa đẩy theo vật-chất ngày càng thâm nhiễm mà lạc bước sa chân quên đường đạo-đức, chẳng muốn nghĩ đến việc tu hành, thì mãi đến ngày giờ chung qui kết cuộc, linh hồn phải đành chịu đọa đày xuống địa-ngục mà chịu kiếp trầm luân. Rồi mãi chịu quây quần trong bánh xe lục đạo đời đời kiếp kiếp. Rồi lần lượt phải bị sa vào cơ thối hóa nhiều kiếp chuyển luân, e phải chịu thối kiếp ra thú cầm thì làm gì còn mong biết đặng sự tu hành giải thoát. Thế nên, người đời dầu cho ngày nay hữu phước có được đời sống một kiếp giàu sang, vinh hiển đi chăng thì cũng phải rất cần lo tu hành tạo phúc đức chớ chẳng khá dễ dui mà say đắm cuộc đời bằng mọi thú vật-chất thế gian làm cho hao mòn phúc đức. Sách Thánh có dạy rằng:

Hữu phước bất khả hưởng tận,

Phước tận thân bần cùng.

       Trên đời, hễ các bực quân-tử càng dư tiền nhiều của thì làm đặng nhiều việc có phúc đức, làm được nhiều việc lành. Còn kẻ tiểu nhân càng dư nhiều của cải thì càng gây nhiều điều tội lỗi. Các điều ấy cũng do tất cả những Thất Tình, Lục Dục họ không chịu kềm chế. Vì thế, mà trên cõi đời có biết bao hạng người vẫn còn liên lụy vào đường tội lỗi, hằng gây nên phong tục xấu xa, tồi bại, làm cho xã hội loài người phải đồng chịu ảnh hưởng chung. Cũng có biết bao nhiêu là bực tu hành mà vẫn không diệt được Thất Tình, Lục Dục, mà để cho đời tu phải sa ngã, trụy lạc vào đường tội lỗi mà uổng kiếp công phu dở dang đường Ðạo, thì kiếp tu không đắc mà còn phải chịu sự đọa đày triền miên khổ ải. Mới biết rằng Thất Tình và Lục Dục thiệt là nguy hiểm vô cùng của kiếp phù sinh.

Thi rằng:

THẤT TÌNH là khổ lắm ai ơi!

Giải thoát kiếp mau được rảnh rồi,

Bảy gánh nặng nề toan cởi mở,

Chín phẩm sen vàng bước tận ngôi.

Thi:

Hỡi khách tầm tu diệt THẤT TÌNH,

Ðể lòng thanh bạch trí thông linh,

Chơn-nguơn êm lặng minh châu xuất,

Ðáy nước ngậm màu bóng trăng thinh.

Thi:

Cả kêu kìa hỡi khách yêu đời,

Diệt đặng THẤT TÌNH mới thảnh thơi,

Hai nẻo phú bần do Thiên-lý,

Xin đừng nông nổi hỡi người ơi!

Thi:

Mấy vần thơ cũ nhắc lòng ai,

Nhắc nhở lương nhu bực sĩ tài,

Phong trần mỏi gót dừng chơn bước,

Ngoảnh mặt bóng chiều gác mái tây.

Thi:

Hỡi đàn khách tục ngẫm lời Tiên,

Lánh tục trần ai thoát não phiền,

Mỏn hơi mòn gót phong trần nhỉ?

Mỏi gối lưu hồ hãy gác yên.

Thi:

Lão buồn ngâm ngấm cảnh phong ba,

Nước cuốn mây trôi trẻ lại già,

Xuân Thu thắm thoát không dừng bóng,

Xoay xở chưa rồi lại hóa ma.

Thi:

Gẫm thú Thiên-Thai mới thiệt nhàn,

Sớm chiều thong thả được nghỉ an,

Non nhân nước trí lòng tự toại,

Chén rượu cuộc cờ mặc hiên ngang.

Tản văn:

       Dông dài cũng không rồi chơn-lý. Nay Lão xin giãi bày các nghiệp Thất Tình. Thất Tình tức là:

-         Hỷ: tức là sự mừng đắc thái quá trên mọi thành công thắng lợi.

-         Nộ: tức là sự giận dữ, tức giận, sôi nổi không dằn lòng được.

-         Ai: tức là sự khóc lóc, buồn bực do mất mát, sầu khổ thái quá.

-         Lạc: tức là sự vui thích, thích thú, thỏa vọng reo cười thái quá.

-         Ái: tức là sự yêu thương, tình yêu hoặc thương xót, "tiếc" thái quá.

-         : tức là sự ghét bỏ người ấy, ghen tức, ganh tỵ, thù ghét thái quá.

-         Dục: tức là sự dục vọng ham muốn, tham vọng, dâm dục thái quá.

       Quí vị rõ biết rằng: Nếu nói chung tổng quát trong xã-hội thì từ xưa nay, sách Kinh cũng đã có rất nhiều sự đề cập đến các mục này. Nhưng người ta chỉ để cho các bực nhà tu gìn giữ các giới răn. Nhưng mặc dù là những người ở thế cũng cần nên cảnh giác tự lòng mình mà giới hạn giảm thiểu được phần nào để giữ gìn chơn tánh. Ấy là một điều rất có ích lợi cho thể xác lẫn đến linh hồn, thì thể xác mới được khỏe khoắn, thung dung. Tinh thần cũng nhờ đó mà được thông minh, sáng suốt, thì người mới thấy có được một trí thức thông minh, không hay sanh bệnh hoạn, chậm già và mới được ninh thọ.

       Sau đây, xin nói riêng về các bực nhà tu bất cứ ở tôn giáo nào. Vì con đường tu có thể so sánh như một quãng đường xa lộ đồ thăm thẳm, thì trên quãng đường kia sẽ có biết bao nhiêu là những cơn thử thách, cám dỗ cũng như lửa đỏ thét vàng, thì điểm quan trọng hơn hết là ta phải cần diệt đặng các Thất Tình, Lục Dục, hủy xả Tam Tâm. Tam Tâm tức là 3 cái tánh: tự cao tự đại, bản ngã sân si, hẹp hòi ích kỷ, và tam nghiệp thập điều.

       Chính nơi Lão cũng chứng minh được rằng: có biết bao nhiêu người trên đời này đã thực hiện được tu hành, cũng ly gia cắt ái, cũng đứng bực nhà tu mà thật là không diệt được Thất Tình, Lục Dục, Tam Tâm không chừa bỏ, Thập Nghiệp chẳng giữ gìn. Vì thế mà trên đời người tu đầy dẫy nhưng chứng quả Phật, Thánh, Tiên, Thần ít thấy đặng ai, cứ địa-ngục chen vào xem thôi chật nức!

       Nay Lão cũng vì lòng từ-bi, bác-ái mà không nài khó nhọc nương bút mà nhắn nhủ đôi lời rằng cõi hồng trần nầy vốn là giả tạo, sự đỉnh chung vốn là miếng mồi vật-chất. Nào danh lợi, tước quyền, nào bạc tiền, tình ái . đủ thứ cám dỗ cho hồn người mê hoặc mà sa ngã lụy thân. Nếu như người đã tu hành mà còn sa chân lạc bước thì ngày cuối cùng sẽ chịu: than ôi! Ðạo không thành Ðạo, đời chẳng phải đời, thì linh hồn ấy sẽ bơ vơ không nơi nương tựa, hận khổ ngàn năm.

       Còn như những kẻ ở thế gian, mặc dầu ta vẫn còn sống trên môi trường danh lợi, nhưng lúc nào ta cũng cần nên cảm hóa đến đường đạo-đức, đến việc tu hành, hầu cũng có đôi phần gây dựng các điều phúc đức cho tương lai dầu được ít nhiều cũng gắng sức. Vì mỗi việc lành dầu nhỏ nhặt nhưng thường làm thì cũng sẽ thành nhiều. Việc dữ năng tránh chừa thì khỏi mang tội lỗi.

       Chớ ta không nên lầm nghĩ rằng: Ngày nay đời ta còn tuổi trẻ, ta cứ hoạt động tất cả mọi hành vi, miễn làm gì để có sự thắng lợi, có của cải, có danh vọng, có ái tình . là tất cả các sự thành công. Còn ngày tu tạo lập phước đức hoặc các việc làm lành thì mỗi đều dành lại cho đến lúc tuổi già sẽ tính tới.

       Thưa quí vị: Bởi vì những ngày sống hiện tại trên thế gian này thì tất cả định mạng vô thường không ai biết được. Một năm may biết đâu có phút giây rủi (họa phúc vô môn), ta gẫm biết đâu ngày giờ ấy đến cho ta lúc nào? Vì thế mà lúc nào ta cũng phải thận trọng, lúc nào ta cũng cần lập phúc đức để cho phúc đức của chính ta mới là gìn giữ đặng cho linh hồn và thể xác của ta. Vì thế mà bất cứ ngày nào là ngày của ta được ngộ giác thì ngày ấy là ngày của ta cần lo lập Ðạo và cần lo cải dữ về lành thì mới là kịp lúc. Giờ đây, Lão xin nói về chữ:

       HỶ: tức là sự mừng đắc đến thái quá. Thì tại sao tất cả các sự mừng đắc thắng lại gọi là nghiệp? Bởi vì trên sự kiện mừng đắc thắng kia cũng phải có sự thái quá. Nếu như người đang tu pháp ngồi thiền mà gặp sự mừng thái quá thì làm xao động tâm thần mà tán Kim-đơn, tức là vì quá xúc động giữa lúc mừng mà làm cho Thần tán, Khí tan, hư đơn dược sẽ uổng công ngồi tu luyện. Kẻ ở ngoài đời gặp lúc mừng đắc thái quá không kềm chế được có khi cũng đến thiệt mạng, hoặc tổn thọ vì sẽ gây bịnh chứng.

       NỘ: tức là giận dữ. Nếu như người tu mà còn giận dữ thì sẽ làm cho bếp lửa nội tâm đốt cháy bừng thì Xá-Lợi Kim-Ðơn sẽ bị đốt cháy hết thì phí uổng công trình tu luyện. Bởi vì sự luyện tu, tham thiền, là mỗi ngày bồi bổ để sáng tạo. Thì lúc ngồi tu dành dụm từ giờ, từ phút, nhưng trong khi giận dữ chỉ có mấy giây thì đã bị hư hỏng hết. Vì vậy mà người tu cần phải diệt hết thì mới thấy đặng thành công. Kẻ không tu pháp mà chỉ là thuộc các bậc nhà tu, dầu không sợ lửa nội tâm đốt cháy Xá-Lợi-Tử, nhưng nếu không diệt được những thịnh nộ thì đức hạnh cũng sẽ bị tiêu mòn, hoặc cũng có thể trở thành một kẻ tội phạm. Người ở thế gian mà không diệt bớt được Thất Tình, mỗi cơn giận dữ bèn nộ khí xung thiên thì sẽ gây tại hại cho chính mình trên pháp lý. Vì mỗi cơn nộ khí thường làm tổn mạng vì bị xáo trộn tâm thần mà gây thành bịnh chứng. Vì thế mà người phải cần lập đặng một ý chí thanh cao, không giận dữ. Mỗi khi gặp việc phải cần dò xét, dụng chơn tâm đánh đổ các táo bạo để tâm hồn bình thản mà ngự trị các chướng ngại một cách khả quan thì mới phải là hạng người đại nhân, đại độ. Mỗi nóng nảy ta cứ xem như đó là một bất lợi từ thể chất lẫn đến tinh thần, và nó là một con ma ác độc đang theo dõi bên ta để ám hại ta hằng ngày mà ta không hề biết. Sách Thánh có câu:

Người quân-tử tánh tình như nước.

Kẻ tiểu-nhân lòng dạ tợ như lửa.

       AI: tức là sự buồn rầu, ưu tư, khổ não, khổ tâm vì mọi thất vọng, thất tình, hoặc tuyệt vọng khóc lóc than van. Nếu như gặp các sự buồn phiền khổ não ấy mà người đang tu thì sẽ bị các xúc cảm ấy động mạnh vào tâm não mà làm cho hư hoại Xá-Lợi-Tử, Kim-Ðơn sẽ tan cũng y như những cơn giận dữ. Vì vậy mà người tu pháp phải diệt hết các nỗi ưu phiền, buồn rầu, lo nghĩ thái quá. Nếu Kim-Ðơn Xá-Lợi đã bị tiêu hao hoặc bị cháy hư vì mỗi cơn Thất Tình phá hoại thì tâm hồn và thể xác của người cũng sẽ bị suy yếu và tổn hoại. Vì khi ngồi tu, hễ Ðạo thành thì tâm hồn sáng suốt, thể xác khỏe mạnh, ngũ tạng điều hòa, trăm mạch máu lưu thông, người không sanh bịnh và Xá-Lợi Kim-Ðơn để dưỡng nuôi thể xác và linh hồn, cũng ví như hă?g ngày có uống thuốc Tiên để cho đặng trường sinh bất tử. Nếu không chịu giữ gìn để cho hư hoại thì linh hồn và thể xác sẽ bị ảnh hưởng mà sanh bịnh hoạn thì thân xác sẽ gầy gò, tinh thần sẽ rất mệt nhọc mà không đặng trường thọ. Nếu tất cả mọi người đời mà diệt được Thất Tình thì cuộc sống sẽ như cuộc sống của Thần Tiên, không đau khổ, không gây bịnh hoạn, chậm già và lâu chết.

       Giải qua tất cả các điều phiền não phát sinh trong cõi thế gian nầy, cái gì nó gây thành phiền não? Tức là cái xã-hội gây thành phiền não. Mà cái gì mới gọi bằng cái "Xã-Hội"? Tức là cái cuộc đời sanh, tử, hiệp, tan, còn, mất của thế gian vật-chất vi hữu này có cái định luật thiên nhiên HỘI và XÃ. Cũng như một phú giả kia vì hữu phước nên gặp lúc vận đỏ thời may, làm chi đặng nấy. Người bèn lợi dụng cơ hội để lo làm giàu, mức giàu không có giới hạn, mà người cứ tiến tới mãi. Ấy là thời gian được gom "HỘI". Trong khi mãn nhiệm thời không hoạch định lâu mau tùy theo phúc đức tiền căn của họ đến lúc mãn thì lại cũng sẽ gặp lúc rủi ro trở ngại tai họa chi rồi lại bị tiêu hao, hoặc lần lượt, hoặc cấp bách là tùy theo tội họa. Lúc bấy giờ sẽ bị "", xã ra cho hết. Ấy là luật XÃ và HỘI. Nhưng lúc bị xã ra thì cũng gây nhiều phiền não cho đương sự làm cho hao mòn tâm não, ấy là thuộc về của cải xã hội.

       Còn về nhân vật xã hội cũng chẳng khác. Ví như lúc đầu cặp vợ chồng xây dựng đặng con cái. Trên còn cha mẹ, dưới con cái cháu chít. Một gia đình xem như có sự hội họp tất cả các tình yêu thương. Có liên hệ thì cha con một ngày không muốn xa. Vợ chồng một phút còn không muốn cách. Thì sự sum họp ấy dầu cho hữu phước thì cũng giữ đặng một thời gian. Cái thời gian ấy gọi là đặng "HỘI". Trong khi nhiệm thời Hội đã mãn thì lúc Xã sẽ tiếp tục. Ta sẽ gặp đến cảnh chia ly, cha mẹ qua đời, con cái lập gia đình riêng tư bèn chia năm xẻ bảy. Ðến lúc ta cũng phải già chết. Con cái cũng có khi ly tán mỗi đứa mỗi nơi, lần lượt sẽ tan rã thành như không hết. Mà thời gian ấy có khi chưa được trăm năm thì đã "" hết. Còn về loài vật thì lại rất nhanh hơn, cứ sanh dưỡng rồi ly tan nội trong chớp nhoáng. Từ các vật-chất cũng thế, không cái gì mà thành lập gom tụ đông đúc cao lớn nhiều quá mà sẽ giữ gìn tồn tại cái ấy được trăm năm. Tiếng nói trăm năm là một tiếng hữu dùng cho một thế kỷ nhơn loài, nhưng chính là xác thể của nhân loài kể từ sắm sanh ra gom từ giọt sửa, tuần tự đến bữa ăn gom từ món vật thực, rốt cuộc không tới trăm năm thì đã xã hủy! Thế thì trên thế gian vật-chất nầy người ta mới gọi bằng hai cái tiếng HỘI.

       Vì vậy, mà dầu cho người giàu có của cải trăm muôn cũng phải ở trong luật "xã-hội". Không ai giữ của cải được đến 3 đời. Cùng tất cả gia tộc cũng không làm gì giữ câu sum họp được đến trăm năm. Cứ mãi xoay vần trong Xã Hội. Dầu cho vợ chồng yêu thương, con cái trìu mến, mẹ cha thâm tình, nhưng đến lúc định mệnh đã cắt khiến thì những cuộc ly tan kia, ai ai cũng phải đưa tay chấp nhận dưới quyền luật của Tạo-Hóa.

       Vì là kiếp người đã tạm mượn cõi đời vật-chất nầy thì luật ấy vẫn phải tự nhiên. Ta không nên quá vì sự thất bại mất mát, hoặc chết chóc, ly tan, hoặc thất vọng, tuyệt vọng mà lấy làm một việc quá trọng đại để rồi đeo phiền, chác khổ, làm cho trí não hao mòn, xác thân bịnh hoạn mà khổ cho thân mình.

       Ta cần nên có nhiều suy ngẫm thì cuộc giàu sang trên đời này đối với ta vẫn là không mấy thiết tha chi cho cuộc sống hiện tại, mà chỉ có cần cho đủ sự chi dùng, ấy là ta đặng hữu phước nhứt. Ngoài ra, ta phải còn dành lại thì giờ để hầu lo tu luyện mà giải phá kiếp trần. Ấy là tìm đến một con đường hạnh phúc tương lai cho linh hồn ta. Dầu cho cái hiện tại ngày nay gia đình ta vẫn đầm ấm, vợ chồng hạnh phúc yêu thương, con cái sum vầy, của cải dùng không hết. Nhưng ta cũng phải bằng lòng chấp nhận các cuộc ly tan, lìa hiệp của cõi đời. Rồi cũng phải lãnh lấy vai trò bi ai, sầu khổ. Rồi đến cũng phải nhận lãnh cái chết để buồn, để khổ cho kẻ thân yêu, mà linh hồn ta vẫn phải đeo mang các điều tội lỗi của chính ta đã làm trong thời quá khứ.

       Nếu như trên cõi thế gian này mà mỗi người đều có khối óc suy ngẫm cho thấu đáo thì tất cả sự sống trên đời này họ cũng đều sống được thảnh thơi với đời sống có đạo-đức, không cạnh tranh, không lấn lướt, không nhiều quá, cũng không ít quá. Mà sẽ là thảnh thơi, sung sướng, không phiền, không não, tức là thế giới Thiên-Ðàng ở cõi trần gian vậy.

       LẠC: tức là vui, gồm các thú vui của nhân loại. Nhưng các sự vui thú phải cần có giới hạn, không nên thái quá. Bởi vì tất cả mọi thú vui mà không có khả năng kềm chế đặng lương tâm để cho bị thái quá thì trở thành trụy lạc. Ðến lúc đã trụy lạc thì sẽ bị hư hoại. Tu hành mà trụy lạc thì Ðạo phải hư hoại. Kẻ ở thế gian mà đã trụy lạc thì hư hoại gia cang, của tiền phí lãng tiêu hao đến suy sụp. Có khi cũng liên lụy đến thân mình, vì các thứ vui say thường cám dỗ những con người hay mê thích. Vì vậy mà tất cả các cuộc vui của đời xem như mọi nguy hiểm đối với ta để mà ta tự phải né tránh.

       ÁI: tức là chữ yêu, gồm các thứ yêu thương. Nhưng sự yêu thương nào cũng phải cần có giới hạn. Nếu quá nặng vì yêu thì cũng là một sự nguy hiểm cho cuộc đời. Bởi vì bất cứ thứ tình yêu nào cũng có thể gây liên lụy đến ta được cả. Hư hỏng vì yêu, thất bại vì yêu, buồn khổ vì yêu, chết chóc cũng có khi vì yêu. Vì cái thái quá mà không kềm chế được. Khi không còn kềm chế được thì từ tài sản lẫn sinh mạng có thể đều bị liên lụy cả. Vì vậy mà mỗi khi đương đầu với một cái yêu, ta cần có sự xét đoán cho thật kỷ. Sự yêu chánh đáng với đạo-lý, luân thường thì ta phải cần yêu để đúng với nhơn-đạo, đúng nghĩa lý.

       Ngoài ra, những cái yêu bất chánh ta sẽ không được yêu. Yêu vô luân lý ta không được phép yêu. Yêu không có lễ nghĩa ta không được phép yêu. Yêu không có hy vọng ta vẫn không nên yêu. Yêu không có pháp lý ta vẫn không được yêu. Bởi vì các thứ yêu thương đó nó sẽ ở ngoài phạm vi nhơn-đạo. Nếu ta yêu không có phép, tức là ta sẽ bị khốn khổ vì yêu, có khi ta cũng bị nguy hiểm vì yêu. Và nếu cái yêu nào mà đã đến mức thái quá thì cũng vẫn khổ lụy. Người tu mà phạm nhằm chữ yêu thì đổ vỡ công trình, hư danh đạo-đức. Vì vậy mà phải diệt cho chết chữ yêu núp ẩn trong tâm hồn.

       : tức là ghét, gồm ghét bỏ, ghen ghét, giận ghét, hoặc chán ghét, hoặc ganh ghét, những luật ghét thái quá. Mỗi lúc đương đầu với một cái chướng ngại nào làm cho trái với lương tâm, làm chạm đến danh dự, hoặc đến lòng tự ái của ta làm cho ta đâm ra sự thù ghét kẻ ấy. Nhưng sự thù ghét chỉ làm cho ta dè đặt, cẩn thận đối với kẻ ấy là rất đúng hơn. Không nên thái quá, toan lòng phá hại hoặc hãm hại, ám hại hoặc xúi người khác hại. Vì sự ghét đó sẽ trở thành thái quá mà gây thành tai hại, xô xát. Hoặc vì thấy người ta giàu hơn, sang hơn, hoặc đẹp đẻ, khôn ngoan hơn, hoặc làm được việc gì lành hơn, phải hơn, hoặc có danh vị cao hơn mình mà sanh lòng ganh ghét, ganh hiền lấp ngỏ, toan mưu phá hại cho người bị nhục nhã, thất bại, hoặc tốn hao . Tất cả đều phạm nhằm chữ là ghét. Vì sự thái quá ấy mà thường gây nhiều hành động không chơn chánh, không lương thiện, từ việc nói xấu, nói thêm, bươi móc, hoặc biếm nhẽ, xỏ, hoặc phá hoại .

       Người tu không nên có cái ghét. Bởi vì đã diệt hết Thất Tình thì xem những người có hành động sai, hoặc có tư tưởng sai, đó là ta cần thương tâm cho người đó nhiều hơn, vì ta đã nhận thấy kẻ ấy lầm đường mà phải cần có thái độ đúng đắn hơn để gương mẫu cho kẻ quấy tự hối mới thật là người tu. Thấy kẻ nào ngôn ngoan thông thạo hơn mình thì cần học hỏi, thấy người làm được việc lành, việc phải thì xưng tụng công đức ấy. Thấy người giàu sang hơn mình thì nể nang phúc đức tiền căn của họ. Thấy người đẹp đẽ hơn mình thì cảm phục đức độ cha mẹ tổ-tông, hoặc tiền căn phúc đức của người ấy. Thấy người xấu xa, ngu xuẩn, dốt nát, nghèo đói, không phải ghét mà ta cần thương và cần giúp đỡ họ. Thấy người hung dữ hỗn láo không phải ghét mà ta cần có thái độ khoan hòa để làm gương cho người học đòi. Nếu người không có thái độ cảm hóa thì tự nơi tâm ý của họ. Không ghét mới phải là người Ðạo. Không ghét mới là đúng bậc tu hành. Không ghét mới thực hiện được tấm lòng bác ái.

       DỤC: tức là sự dục vọng, ham muốn, hoặc dục vọng về thân thể tình dục. Nói chung tất cả mọi vật-chất trên thế gian nầy, nếu cái gì có một sắc đẹp kiều diễm, mỹ miều thì cũng đều làm cho lòng dục của người đời ham thích cả. Sắc đẹp nào cũng làm cho dục vọng bị thúc đẩy, từ cái đẹp của người lẫn đến cái đẹp của vật-chất cần dùng. Người đời giảm bớt được dục vọng thì sẽ giảm bớt được các điều tội lỗi. Mỗi lúc đối diện với các sắc đẹp đều phải cần có khả năng chế ngự dục vọng trong cái giả tâm của mình. Dụng cái chơn tâm mà ngự trị cho được cái tâm giả thì sẽ không bao giờ bị xiêu ngã vào tội lỗi. Người tu không có dục. Phải diệt trừ cho hết cái dục thì mới gọi tu. Thấy người đẹp không dục tình. Thấy bảo vật đẹp không dục ý. Lời cám dỗ không bị dục tâm. Phải giới hạn sự thân cận để khỏi bị dục thân. Giết chết cho hết các cái dục thì mới là tự tại đặng.

Thi rằng:

Thế thường danh vọng nghĩ rằng cao,

Lứng cứng sa chân lọt bẫy rào,

Bạc vàng, tình ái bôi chơn đức,

Bơi lội tha hồ lụy giếng ao.

        Thăng...

Thiên-Lý Bửu-Tòa, 12695 Sycamore Ave, San Martin, CA 95046 - USA. Tel: (408) 683-0674

Website: www.thienlybuutoa.org     Email    Sơ đồ hướng dẫn tới TLBT

Thông bạch in Kinh