Trở lại trang chánh của Website Thiên Lý Bửu Tòa

 

đẠi-giác kim-tiên luẬn vỀ chỮ đẠo

Thiên-Lý Bửu-Tòa, 13g10 ngày 7-6-1978

Thi rằng:

ÐẠI đồng tri đắc khả phong vân,

GIÁC tánh lương quân tử phủ thần,

KIM thể năng giồi thanh quang xuất,

TIÊN Thánh phục tường hữu Kim-thân.

Tản văn:

       Nay Lão lai đàn chấp cơ diệu tỏa đôi lời giải phân về triết lý của chữ Ðạo, thêm về chi tiết cho quí vị được am tường.

       Từ trong quyển ÐẠI-GIÁC THÁNH-KINH, Ðức CHÍ-TÔN cũng giải đề mục về lý thuyết của chữ ÐẠO lập thành vũ-trụ. Nhưng chữ Ðạo vốn là ý nghĩa mênh-mông vô bờ, vô bến. Nếu ta cần đến đâu thì ta chỉ giải thích ở các mục ấy mà thôi, ta vẫn không giải thích được những gì ngoài tầm hiểu biết. Chính Lão đây cũng thừa hiểu rằng: rất có nhiều vị hãy còn thắc mắc và cũng cần muốn đặt ngay câu hỏi rằng: Tại sao Ðại-Ðạo Thiên-Khai là một danh từ rất siêu việt, nhưng từ thuở ban sơ cho đến ngay bây giờ đã trải qua hơn năm chục năm mà từ ấy những nay Ðức Thượng-Ðế vẫn không dạy cho nhân sinh trình bày một hình ảnh nào cho thích đáng hơn để tôn thờ? Lại cũng chỉ dùng một bức Thánh-Tượng hình nhãn-quan mà thờ kính và gọi nhãn-quan ấy là Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế, chính là Ðại-Từ-Phụ, nói tiếng đơn giản là Thầy. Nếu quả thật Thiên-Khai Chánh-Giáo thì Ðức Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế, tức là Ðức Chúa-Trời, nhưng tại sao lại không dạy gọi bằng Ðức Chúa-Trời mà lại gọi là Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế? Các nghi thức thờ phượng nơi Thiên-bàn: Tại sao Thầy không dạy tạo hình ảnh của Thầy mà tôn thờ? Thầy lại dạy tạo Thiên-Nhãn ấy mà thờ kính?

       Vậy nơi đây Lão xin có đôi lời giản dị để phân tích cho rõ ràng các việc thắc mắc ấy. Xin quí vị hãy cần tham khảo sơ qua chữ "ÐẠO" (Hán-tự)               thì quí vị sẽ thấy đặng hình dung của nó.

       Trước hết, có hai phết đầu: ấy là Âm và Dương, tức là chơn Âm nhứt điểm và chơn Dương nhứt điểm. Chính nơi đó đã chỉ cho ta biết rằng thời kỳ sơ khai phải nhờ nơi Âm Dương ấy mà mới dựng thành Thiên Ðịa. Vì thế, mà sự sơ khởi chỉ nhờ có Âm và Dương vốn là nguồn gốc. Mà Âm và Dương thuở ấy thì lại nhờ nơi sự vận hành của Ngôi Thái-Cực mới có đặng Âm và Dương.

       Thái-Cực tức là một ngôi hào quang rất tròn, rất lớn, rất sáng, độc nhứt và vô nhị. Ngôi Thái-Cực ấy có sự vận chuyển vô cùng cực, nhờ sự vận chuyển ấy mà mới hóa ra đặng Lưỡng-Nghi, tức là hai điểm Âm và Dương. Khi có nhị điểm chơn Âm và chơn Dương rồi thì mới nhờ nơi Âm Dương ấy mà dựng thành một nét ngang dài đậm, ấy tức là TRỜI. Trời gọi Càn: Càn thượng thanh vi Thiên.

       Khoảng giữa thuộc trung tâm phía tả, bên có chữ "Mục", tức là cái mắt. Mắt tức là "NHÃN". Góc bên phải có một nét giống như hình số 1. Ngay dưới, thấy một nét giống tựa hình số 3, có nghĩa là Ðạo bắt nguồn từ một gốc mà sau mới chia thành Tam Giáo. Bên dưới hết có một nét quay xước đậm và dài, ấy gọi là tượng trưng cho phần đất đai toàn quả Ðịa-Cầu nầy, tức là nền tảng của Ngũ Châu, Tứ Hải, gọi là: Khôn hạ trược vi Ðịa.

       Từ đời nguyên thủy thì Ðạo chỉ là một gốc, nhưng sau Ðạo lại chia thành Tam Giáo thì đây vốn là một ý nghĩa vô cùng thực tế. Nếu ta còn luận đến lý thuyết của vũ trụ quan thì đời có định luật chia thành Tam Nguơn. Ðạo có định luật chia thành 3 thời kỳ phổ độ. Cũng như Thượng-Nguơn, Trung-Nguơn và Hạ-Nguơn, Ðạo có Nhứt-Kỳ, Nhị-Kỳ và Tam-Kỳ.

       Vì khi còn ban sơ mới dựng nên thú cầm và nhơn loại thì thời gian ấy gọi là nguyên thủy. Từ đời nguyên thủy thì Ðạo đã phổ độ Nhứt-Kỳ. Qua đến Trung-Nguơn thì Ðức Phật Thích-Ca ra đời và Ðức Chúa Giê-Su giáng sinh gọi là Nhị-Kỳ.

       Ðến kỳ Hạ-Nguơn, Ðức Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế giáng trần dùng Thiên-cơ mà mở khai mối Ðại-Ðạo Tam-Kỳ gọi là Kỳ Tam Phổ-Ðộ mạt hậu tam nguơn, gọi bằng Ðại-Ðạo tức là qui Tam Giáo, hiệp Ngũ Chi. Ấy là định luật Hóa-Công để độ tận nhân sinh qua thời mạt kiếp.

       Nay để phân biệt rõ ràng biết được rằng chữ Ðạo vốn bao la vô cùng vô tận, vậy thì ta nay được biết rằng tất cả càn khôn vũ trụ này chẳng có món gì mà ở ngoài chữ Ðạo.

       Còn một câu giải đáp rất nhu cầu cho quí vị sau đây là: Bởi vì chỉ có một mình Ðức Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế mới có đủ quyền năng cai quản tất cả Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giái, Thất Thập Nhị Ðịa, Tứ Ðại Bộ Châu. Ấy mới là đáng cho toàn cõi nhân sinh tôn thờ là trên hơn hết. Nhưng không dựng nên hình ảnh mà ta chỉ vâng lịnh Ngài tạo bức Thánh-Tượng hình tả "mục" thần quang, tức là "Thiên-Nhãn". Bởi vì Ngài, Ðức Thượng-Ðế tức là một ngôi quang điển thượng thanh vi Càn. Ấy là một ngôi quang điển tối thượng, tối cao. Ngài không hề có mang cái giả thân do nguồn gốc nhân tạo, tức là cái giả thân vi hữu giống như chúng ta. Chính Ngài thật không phải từ nhân loại do nhờ sự tu hành đắc Ðạo mà trở thành Trời. Vì thế, Ngài chỉ có cái chơn-tướng mà không hề có mang cái giả tướng giống như loài người ở trên thế gian này.

       Như vậy, thì sự tôn thờ Ngài chúng ta phải cần dùng một cái lý, tức là ta dùng trọng tâm điểm của chữ ÐẠO, tức là dùng chữ "MỤC", ấy là tả mục thần quang Thái-Dương. "NHÃN" ấy mới thật là THIÊN-NHÃN. Vì có ngôi Thiên-Nhãn ấy chúng ta mới có được tất cả mọi sự soi sáng trên thế gian nầy và không có sự lành dữ nào mà giấu giếm được sự soi sáng của Thượng-Ðế.

luẬn vỀ thỜi kỲ tam nguơn

       Vả chăng, đời có định luật lập thành Tam Nguơn. Ðạo có định luật chia thành 3 thời kỳ phổ-độ tức là:

-         Nguơn thứ nhất thuộc đời nguyên thủy.

-         Nguơn thứ nhì thuộc đời sanh hóa.

-         Nguơn thứ ba thuộc đời siêu, diệt.

       Các nhiệm thời nguyên thủy và sanh hóa nay đã trải qua, thì Ðạo đã trải qua hai nhiệm thời nhứt kỳ và nhị kỳ phổ độ. Hiện tại, ngày nay chính là đang trong nhiệm thời phổ độ kỳ thứ 3. Vì cuộc đời ngày nay cũng đã quá cận kề. Ngày tam nguơn mạt hậu cuối nhiệm thứ 3 tức thời kỳ thuần siêu cận diệt. Các khoa học văn minh càng phát triển thì xã hội loài người càng sống trên tội lỗi dẫy đầy. Sự văn minh càng bộc phát mạnh thì nhân loại càng từ từ chìm sâu vào con đường vật-chất mà không còn tìm thấy đặng nguồn ánh sáng của con đường đạo-lý lương thiện và nhân nghĩa của cuộc sống hiện tại của mình.

       Vì những sự phát triển mạnh của các khoa học, vì vật-chất phát sinh quá cấp tiến mà làm cho con người cách xa đạo đức. Vì sự quyến rũ ấy mà loài người càng gây thêm tội lỗi. Càng gây nhiều tội lỗi thì ngày tiêu diệt lại càng kề cận hơn. Vì thế, mà cuộc sống của nhân loại ngày nay trong tư thế rất mỏng manh cũng như trái chín mùi trên cành cây chỉ chờ cơn gió nhẹ thoảng qua thì trái kia phải rơi rụng!

       Vì vậy mà ngày nay chúng ta phải cần nên có một sự đoàn kết, hiệp hòa cùng nhau để âu lo cho con đường tu bổ. Cần lo phục thiện, hối cải tự lòng. Làm thế nào để lo cho thế giới nhân loại này có được một nền đạo-đức huy hoàng, xây dựng đặng một cuộc đời sống hòa hợp tinh thần để cùng chung hướng về với Thượng-Ðế thì mới mong đặng ân phúc của Trời ban mà tránh đặng cuộc tang thương những ngày diệt vong tàn phá, mà ngày ấy là ngày định mạng đã sẵn dành cho kẻ nhân sinh đền tội.

       Cũng vì đại lượng Trời Cha động lòng trắc ẩn nên mới hạ điển tá trần nương bút mà soi sáng mọi đường để cho nhân tâm suy xét mà hầu lo tự hối, tu thân, ăn chay cầu nguyện.

       Trời không nỡ đang tâm điềm nhiên mặc mặc để nhìn vào cảnh tượng thế giới nhân loài đang từ từ chìm sâu vào khung cảnh tai nguy thống khổ chờ ngày diễn tiến đến nạn diệt vong. Rồi từ từ chờ cho định luật thiên nhiên bắt đầu đưa sang đến thời kỳ nguyên thủy trở lại Thượng-Nguơn, thì con đường ấy có đem lại sự hữu ích chi cho nhơn loại?

LUẬN VỀ NỘI DUNG CỦA 3 THỜI KỲ PHỔ-ÐỘ RẰNG:

       Nếu như Nhứt-Kỳ và Nhị-Kỳ Phổ-Ðộ từ mười ngàn năm qua, các con đường chánh giáo đều có khai thông và cũng đều sẵn sàng để cho loài người áp dụng các nẻo đường Ðạo ấy đã được mỹ mãn thì kỳ thứ 3 này cần chi lại phải mở khai một kỳ chót?

       Nhưng vì cần phải có kỳ thứ 3 là cốt để cho Tam Giáo qui nguyên mà sửa dựng cuộc đời tàn, hầu có sự đoàn kết lẫn nhau mà lập lại một nền xã hội đạo đức huy hoàng lo tu cầu cho thoát qua cảnh diệt vong kề cận.

         Thăng...
 

Thiên-Lý Bửu-Tòa, 12695 Sycamore Ave, San Martin, CA 95046 - USA. Tel: (408) 683-0674

Website: www.thienlybuutoa.org     Email    Sơ đồ hướng dẫn tới TLBT

Thông bạch in Kinh