CAO ĐÀI, “CHI PHÁI” hay “TRUYỀN THỐNG”?

Tuy tôi không theo đạo Cao Đài mà đã có một vài sinh viên sau giờ giảng hỏi “Có phải thầy người đạo Cao Đài?”, có lẽ vì họ thấy tôi đã giảng một cách “dấn thân” quá. Cũng có nhiều người bạn hỏi “Chắc anh người Cao Đài?”, rồi ca tụng đạo Cao Đài với một trong những nét đẹp là hòa đồng tôn giáo, làm như tôi là một tín hữu thuần thành và người nói câu trên nhìn tôi tưởng tôi là người đại diện cho Đạo! Người trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (ĐĐTKPĐ) thì hỏi “Chắc bạn là người phái Tiên thiên?” như một sử gia Cao Đài và tác giả nhiều sách Cao Đài có giá trị hỏi tôi thuở mới quen nhau và liệt tôi vào “khuynh hướng dung hòa” ở Đức! Trực tiếp hay qua thư từ, điện thoại tôi còn được gặp nhiều vị tín hữu hay chức sắc Cao Đài khác tại hải ngoại (cũng như ngày xưa trong nước). Ai cũng vui vẻ, ai cũng sẵn sàng giúp tôi tìm hiểu về Đạo. Nhưng nếu nói về một người nào sinh hoạt đạo tích cực một chút khi tôi vô tình nhắc đến tên hay khi muốn tìm hiểu cố ý hỏi về vị đó thì sẽ nhận được một lời “báo động”: “Bà ấy Chiếu Minh”, “Ông ấy Tây Ninh” hay “Thánh giáo ở đó cũng không có gì cao siêu” cả! Hoặc nghe một lời phát biểu dè dặt: “Anh đang nghiên cứu Cao Đài, chắc với thời gian sẽ hiểu”, hay vui đùa khi tôi bị “khảo đảo” vì một vị ẩn danh thử tôi: “Ấy, anh gặp “tổ sư” (Cao Đài) rồi đó!”

Lúc đầu tôi ghi nhận vô tư điều này, nhưng nghe riết rồi dần dần tự nhiên cảm thấy mang máng buồn, dù mình chỉ là người đi tìm hiểu chứ đâu có phải người Cao Đài! Buồn vì hình như các vị tuy đồng đạo Cao Đài với nhau nhưng còn một chút gì đố kỵ, e dè, mặc dù Đức Chí Tôn Thượng Đế (của Đạo) từng dạy:

Đâu cũng gọi TAM KỲ PHỔ ĐỘ,

Đâu cũng THẦY, danh ngã CAO ĐÀI,

Dầu cho đây dở, đó hay,

Đỡ nưng mới phải, đừng bài bác nhau. (1)

Nhưng phải chăng đó cũng là tình trạng chung của nhiều đạo khác, không riêng gì Cao Đài?

Kìa là tôn giáo tranh phân,

Bởi người thiếu lẽ tình thân đại đồng. (2)

Cũng vì thiếu lòng bao dung nên Thiên chúa giáo, Hồi giáo mới chia năm xẻ bảy, Phật giáo cũng có nhiều trường phái...

Còn ở Cao Đài, chính các tín đồ cũng được Đức Cao Đài Thượng Đế hỏi khi trong nội bộ thiếu lòng hiểu biết khoan dung với nhau:

Con hỡi con! Đau lòng chăng tá?

Con hỡi con! Xót dạ hay không? (3)

Như đã kể, chính tôi không là người bổn đạo nhưng nhiều khi cũng thấy “đau lòng xót dạ” khi thấy các “chi phái” không hòa với nhau, khi đọc trong sách báo thấy người ta gọi Cao Đài là “giáo phái” (có lẽ nguyên nhân nằm ở sự tham gia tích cực về chính trị và quân sự của Cao Đài Tây Ninh trong hoàn cảnh chung của đất nước thời đó khoảng 1954-55). Một tôn giáo như Cao Đài mà bị đặt ngang hàng với “giáo phái Bình Xuyên” thống trị thế giới tứ đổ tường trụy lạc thời tổng thống Ngô Đình Diệm thì chắc ai cũng đồng ý là “oan nghiệt” cho đạo, khó lòng chấp nhận.

Người ngoài gọi đạo Cao Đài là “giáo phái”, trong đạo thì gọi nhau theo “phái” kèm theo những nhận định chủ quan của chi phái mình về “chi phái” khác. Chính Cao Đài Thượng Đế cũng phải nói:

Thầy thấy con còn rẽ chia nhau,

Như vầy Thầy rất lòng đau, (4)

Cho đến đây ta nhận thấy rằng chính Đức Cao Đài Thượng Đế vẫn chưa dùng hai chữ CHI và PHÁI trong nhiều bài thánh giáo nói với tín đồ:

Thầy nhắc lại thời kỳ khai Đạo,

Buổi đầu tiên Thầy tạo Chiếu Minh,

Rồi lần sang đến Tây Ninh, (5)

Trong những câu thơ trên người đọc chỉ thấy tên “Chiếu Minh” và “Tây Ninh” không thôi chứ không thấy có một tiếng nào khác được đặt lên trước mấy tên đó.

Nhưng rồi đến câu thứ 22 của bài cơ kể trên Cao Đài Thượng Đế mới nói tiếp:

Mười hai CHI Thầy tạo đủ rồi, (6)

Lần đầu tiên ta thấy chữ CHI được dùng ở đây. CHI nghĩa là cành, là nhánh. Thượng Đế tạo ra một cây rồi sau đó cây sinh xôi thêm nhiều nhánh, nhiều cành. Đó là một trình tự rất tự nhiên với một hình ảnh đẹp: một cây xanh tốt với nhiều cành lá xum xuê.

Trong bài thánh giáo “Kỷ niệm Huỳnh Đạo Thiên Khai năm thứ 10” (tức Thiên Lý Bửu Tòa) vào ngày 15 tháng 5 năm 1986 Đức Cao Đài Thượng Đế cũng dùng chữ CHI trong đoạn:

Nay là ngày kỷ niệm Khai Minh an lập mối Đệ Nhị Đạo Huỳnh, thể hiện chi Phật tông chánh giáo để cho cơ nghi Đại Đạo thành lạc đủ Ngũ Chi.” (7)

Như thế chữ CHI ở đây gợi lên một nghĩa đẹp, mang vẻ hài hòa.

Sau đó Cao Đài Thượng Đế dùng chữ PHÁI:

Mười hai phái do đâu mà có?

Gốc Cao Đài tách ngõ phân ra,

Cũng như Thầy tạo cái nhà,

Có mười hai cửa vào ra tự lòng. (8)

PHÁI ở đây có nghĩa phân chia nhưng trong một chương trình quy hoạch tổng thể. Cũng như kiến trúc sư vẽ kiểu cái nhà có 12 cửa, mỗi cửa ra vào theo nhu cầu hợp lý cho mọi người ở trong nhà. Tương tự như chữ PHÁI trong PHÁI Ngọc, PHÁI Thái, PHÁI Thượng nói lên sự phân chia nhiệm vụ cho cùng một mục đích cao đẹp.

Chữ PHÁI cho đến lúc này vẫn chưa có nghĩa xấu.

Tóm lại, cả hai chữ CHI và chữ PHÁI nếu dùng riêng biệt như Đức Cao Đài Thượng Đế đã dùng bên trên đều không bao hàm nghĩa xấu.

Trong bài thánh giáo “Cơ quan Phổ thông Giáo lý không phải là một chi phái” thì Thượng Đế đã hiểu thế nào về hai chữ CHI-PHÁI viết liền nhau như một danh từ kép?

Các con cần ghi nhớ điều này: CƠ QUAN PHỔ THÔNG GIÁO LÝ (CQPTGL) không phải là một chi phái, cũng không phải của một cá nhân nào hay một đoàn thể nào, mà phải là của toàn Đạo, một nhịp cầu nối liền tình huynh đệ, một điện đài thâu và phát những động năng thúc đẩy cho sự thống nhất Giáo lý, tức là tinh thần vậy, để các con sẽ gặp nhau, quy nguyên ở vị trí duy nhất, tri và hành theo chánh pháp của Đại Đạo.” (9)

Ở đây Đức Cao Đài Thượng Đế đã dùng hai chữ CHI PHÁI ghép vào nhau để thành “chi phái” hiểu theo nghĩa không đẹp, nghĩa là chia rẽ giữa những cá nhân theo Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay giữa những đoàn thể Cao Đài theo đuổi lợi ích riêng tư. Do đó Cao Đài Thượng Đế đã cho CQPTGL thành hình như một nhịp cầu nối hai bờ cách biệt để đưa khách lữ hành về “quy nguyên ở một vị trí duy nhất”, để giúp họ tiếp thu kiến thức và thực hành những hiểu biết theo ánh đuốc soi đường là chánh pháp. CQPTGL giúp các “nguyên nhân”, các tín đồ ĐĐTKPĐ:

Gặp gỡ nhau trên đường Giáo lý,

Nhìn với nhau tôn chỉ Cao Đài;

Không còn chia biệt Đông Tây,

Không còn phái nọ, chi này, Phật, Tiên. (10)

Hiển nhiên Cao Đài Thượng Đế đã dùng hai chữ chi-phái như một tiếng kép hàm ẩn sự chia rẽ.

Tạm kết: chữ “chi-phái” được dùng trong bài cơ trên – cũng như nói chung hiện nay thường được dùng – mang nghĩa không đẹp.

Trong sách vở, báo chí, nhất là báo chí Tây phương cho đến bây giờ người ta vẫn còn dùng chữ GIÁO PHÁI, CHI-PHÁI (secte/sect) để chỉ ĐĐTKPĐ. Chính nội bộ Cao Đài có lẽ cũng mang mặc cảm “chi phái” nên nhận thấy cần phải thống nhất và đã có những cố gắng thống nhất tuyệt vọng trong lịch sử Đạo.

Tác giả xin nói rất dè dặt, nếu có sai lầm xin quý vị trong Đạo hỷ xả cho và sửa chữa, bổ khuyết giùm: Người Cao Đài tại hải ngoại hiện nay vẫn còn mang tâm lý này và vẫn đang cố gắng hợp nhất. CAO ĐÀI GIÁO HẢI NGOẠI (hiện còn tồn tại, nhưng việc làm không còn nhiều tính chủ động), CƠ QUAN TRUYỀN GIÁO CAO ĐÀI HẢI NGOẠI (đã giải thể) là thí dụ về phương diện tổ chức, THIÊN LÝ BỬU TÒA (đã tả trọn vẹn một vài bộ kinh mới có hệ thống và thành công nhiều về phương diện ấn tống kinh sách) là thí dụ về phương diện hòa hợp tinh thần. Đó là những cố gắng đáng trọng. Nhưng chắc thống nhất theo mô hình tổ chức, hành chánh và tâm lý chắc còn khó khăn. Thống nhất về phương diện giáo lý, tôn giáo chắc dễ dàng hơn vì “Thánh ngôn hiệp tuyển”, “Đại thừa chơn giáo”, các thánh giáo và các bài cơ bút với nhiều thiên điển còn đó, chỉ cần dựa vào đó mà tu tập, sống đạo với hết CHÂN TÌNH. Đức Cao Đài Thượng Đế đã không nhắc nhở thật rõ ràng từ lâu hay sao?

Thầy không mượn lâu đài, chùa thất,

Mượn lòng con chơn thật mà thôi; (11)

Với tấm lòng này tôi tin tưởng rằng mỗi tín đồ Cao Đài – ở bất cứ vị trí nào – sẽ trở về nội tâm, bỏ những tỵ hiềm trần thế, nghĩ đến nghĩa vụ chung, tu tập tinh cần để đạt đạo trên cả hai con đường Nội giáo tâm truyền và Ngoại giáo công truyền, sớm rời quả địa cầu 68 này để nhập vào với Đại Linh Quang, quy hồi cựu vị.

LỜI ĐỀ NGHỊ CUỐI:

Sau khi vắn tắt nhắc tới để thử tìm hiểu lại các chữ CHI, PHÁI đứng từng chữ riêng rẽ, các chữ CHI-PHÁI viết liền nhau (và nhân đó chữ GIÁO PHÁI), xin được đề nghị: từ nay các tín hữu Cao Đài nên giải thích để không ai sẽ gọi Cao Đài là GIÁO PHÁI nữa. Trong nội bộ, tín đồ Cao Đài cũng không tự cho mình thuộc một CHI PHÁI nào, mà thay vào đó chỉ cùng là người Cao Đài và ta thử dùng chữ: TRUYỀN THỐNG

“Hiền muội là Cao Đài truyền thống Tây Ninh”, “Hiền huynh tu theo truyền thống Chiếu Minh”, “Hiền tỷ học với truyền thống Tiên Thiên”, “Tiểu đệ sinh hoạt ở truyền thống Thiên Lý Bửu Tòa”, v.v...

TRUYỀN THỐNG mang nhiều ý đẹp. Ít ai nghe nói đến truyền thống xấu.

Riêng tôi cho đến bây giờ trên các báo tôi chủ trương, hay khi giảng dạy tôi cũng đã dùng và sẽ dùng chữ TRUYỀN THỐNG để chỉ các khuynh hướng Cao Đài khác nhau. Là người Việt Nam ai cũng hãnh diện về truyền thống Việt Nam, là các tín đồ Cao Đài chắc ai cũng hãnh diện về những truyền thống của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Xin được góp một ý nho nhỏ như trên, có lẽ cũng không mới mẻ gì lắm. Mong sao ở bất cứ đâu, các thân hữu Cao Đài của tôi luôn luôn sống được những ngày đoàn viên êm đẹp trong mọi trung tâm sinh hoạt (thánh thất, thánh tịnh, chùa thất...) và luôn luôn tìm về Minh triết, đạt được Minh triết để sống đúng với Truyền thống Cao Đài tốt đẹp của mình.

NGUYỄN-KHẮC TIẾN-TÙNG

(Tác giả giảng dạy về Khoa học Tôn giáo và Lịch sử tôn giáo tại Đại học Leipzig, CHLB Đức, trong đó có các tôn giáo mới, xuất hiện ở miền Nam Việt Nam đầu thế kỷ XX là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và Phật giáo Hòa Hảo. Bài trên là bản thảo của một phát biểu ngắn cho một buổi hội họp của ĐĐTKPĐ.)

Chú thích:

(1) Mười hai phái đạo Cao Đài, Tòa thánh Châu Minh, ngày 10 tháng 1 năm Đại Đạo thứ 32 Đinh Dậu 1957, trích trong Huấn từ Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thiên Lý Bửu Tòa xuất bản năm 2004 tại Hoa Kỳ, trang 3.

(2) Tình Tạo hóa bao trùm vạn vật, Nam Thành thánh thất, Tuất thời, mùng 1 tháng Giêng Ất Tỵ, 2-2-1965, Huấn từ Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, sách đã dẫn, trang 7-8.

(3) Tình Tạo hóa bao trùm vạn vật, sách đã dẫn, trang 8.

(4) Mười hai phái đạo Cao Đài, sách đã dẫn, trang 3.

(5) Mười hai phái đạo Cao Đài, sách đã dẫn, trang 3.

(6) Mười hai phái đạo Cao Đài, sách đã dẫn, trang 3.

(7) Kỷ niệm Huỳnh Đạo Thiên Khai năm thứ mười, Thiên Lý Bửu Tòa, USA, 15-5-1986, sách đã dẫn, trang 126.

(8) Mười hai phái đạo Cao Đài, sách đã dẫn, trang 4.

(9) CQPTGL không phải là một chi phái, Thiên lý đàn, Tuất thời, 14 tháng giêng Ất Tỵ, 15-2-1965, sách đã dẫn, trang 11.

(10) CQPTGL không phải là một chi phái, sách đã dẫn, trang 12.

(11) Tình Tạo hóa bao trùm vạn vật, sách đã dẫn, trang 8.