YẾU QUYẾT ĐỂ THỰC HIỆN CHỮ HÒA

DÃ TRUNG TỬ

Lời Đức Hộ Pháp:

Trong Bí pháp Qua viết chữ “Hòa”... Qua gởi hai chữ “Hòa Ái” nơi lòng mấy em... Qua cầu xin mấy em có một điều là chung sức cùng nhau đặng tạo hạnh phúc cho nhau.

Phủ dụ của Đức Hộ Pháp trong lễ Khánh thành chợ Tân dân (Qui thiện)

TIỂU DẪN

Từ lâu trong đời sống gia đình và xã hội, cũng như ngay trong cửa Đạo, ai ai cũng thừa nhận rằng, phải giữ được chữ “hòa” thì gia đình mới thịnh vượng, xã hội mớí thái bình, cơ Đạo mới thống nhất và phát triển. Nên Đức Chí Tôn đã dạy rằng:

Chẳng quản đồng tông mới một nhà,

Cùng chung một Đạo tức một Cha.

Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,

Dạy lẫn cho nhau một chữ Hòa.

(Thi văn dạy Đạo)

Bất cứ ai cũng biết rằng chữ “hòa” là quý, nhưng rồi nhiều gia đình vẫn hình khắc chia ly, trong xã hội vẫn đầy dẫy sự xung đột phân hóa... Ngay trong lãnh vực Tôn giáo cũng phân chia ra nhiều chi phái kích bác chống đối lẫn nhau... điều nầy có người cho là do Thiên cơ khảo đảo thử thách. Nhưng theo thiển ý chúng tôi thì cũng do sự bất hòa mà ra.

Đức Hộ Pháp đã cảnh báo rằng:

Hễ một hành tàng nào của chúng ta, mà làm cho con người rối loạn, ly tán, ngỗ nghịch tức nhiên phạm tội thiêng liêng ... thì chúng ta sẽ là tội nhân đệ nhứt của nhân loại vậy” (Trích thuyết Đạo đêm 14 tháng 9 Mậu tý (1948) về sự Điều hòa Càn Khôn Vũ trụ).

Sự bất hòa nầy không những chỉ xuất hiện trong đời sống hằng ngày của nhân thế, mà ngay ra trong các tôn giáo cũng đã đến mức báo động... Về sự kiện nầy nhà truyền giáo Cơ Đốc Joyce Meyer đã cảnh báo rằng:

Tinh thần bất hòa đang phá hoại Hội Thánh, hầu như còn nhanh hơn cả việc Chúa xây dựng Hội Thánh, đây là mưu chước của Quỷ vương, mà hầu hết tín đồ đều không nhận ra nguyên nhân vì đâu mà xảy ra nan đề nầy, nhất là đối với những người đã được sự hổ trợ che chở của Chúa” .

Sự bất hòa nó đang tác hại nghiêm trọng như vậy, nhưng ít ai để tâm cái nguyên nhân do đâu ? Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu nguyên nhân tại sao nảy sinh ra sự kiện nghiêm trọng nầy... khiến cho sự thực hiện chữ “hòa” lại khó khăn đến như vậy. Ngay cả trong cửa Đạo hầu như toàn là những người ít nhiều cũng đã thấm nhuần được đạo nghĩa... mà vẫn không gìn giữ được chữ hòa, để đến nỗi xảy ra sự hình khắc chia ly, làm tan vở sự đoàn kết trong nội bộ.

NGUYÊN NHÂN XẢY RA SỰ BẤT HÒA

Ai cũng biết Hòa là quý, mà bởi từ đâu... và do ai... dẫn đến sự bất hòa chia rẻ nầy, sự kiện Đức Chí Tôn đã khẳng định rằng:

Mặt nhựt hồi mô thấy xẻ hai,

Có thương mới biết Đấng Cao Đài.

Cũng con cũng cái đồng môn đệ,

Bụng muốn phân chia hỏi bởi ai?"

(Thi văn dạy Đạo)

Như vậy Đức Chí Tôn đã xác nhận rằng sự mất đoàn kết đưa đến phân chia chi phái là do từ con người, chứ không phải là do Thiên ý. Vì Thượng Đế tạo ra con người là một hữu thể tự do, Ngài ban cho con người có quyền quyết định lấy số phận của mình, đoàn kết hay chia ly là do mình lựa chọn, Ngài duy chỉ vì thương yêu nên ân cần dạy bảo mà thôi.

Có một nguyên nhân rất dễ dàng nhận thấy là trong chúng ta không mấy ai chịu chấp nhận cái nguyên lý “nhất nguyên” là âm dương tương hợp, mà cứ cố chấp vào “nhị nguyên” xem âm là âm, dương là dương, cái phải là phải, mà trái là trái, chứ ít người chịu nhìn nhận cái nhất nguyên: “âm dương là một, phải trái là một...”. Nên mới xảy ra sự bất hòa, dẫn đến ly tán.

TÍNH CHẤT & NGUYÊN LÝ ÂM DƯƠNG

Chúng ta thừa biết rằng theo tính chất Âm Dương, thì Dương là lửa, là nóng, là trắng, là thiện, là quân tử, là tích cực.... Còn Âm thì trái lại là nước là lạnh, là đen, là điều ác, là tiểu nhân, là tiêu cực v.v...

Vậy cái gì tạo ra âm dương? Đó là cái “một”, đây là một khái niệm quen thuộc trong triết học Đông phương: Nên thiện luôn đi đôi với ác. Tốt luôn đi đôi với xấu, do đó tốt xấu là một, thiện ác là một, như hai mặt của một tờ giấy, tương tự như trước sau, trên dưới, tả hữu là một, ngay cả họa phước, vinh nhục cũng là một... Tất cả đều là một, không có cái gì thoát ra khỏi cái một đó cả. Cái một đó là “Đạo” là chân lý, người ngộ Đạo là người thấy được cái “Một”, là một thể “thống nhất âm dương”. Tóm lại âm dương là hai mặt của Đạo.

Trong nguyên lý Âm dương Đức Lão Tử đã nói rằng:

Vạn vật phụ âm nhi bảo dương, xung khí dĩ vi hòa” (Muôn vật đều cỏng âm và ôm dương, hai khí ấy đụng chạm nhau, nhưng hòa với nhau / Lão Tử Đạo đức kinh).

Nên chúng ta thấy từ những đại tinh cầu trong không gian, cho đến những hạt nguyên tử ly ty trong cơ cấu vật chất, đều hàm chứa hai lực lượng tương phản nhưng tương thành nầy.

Theo Dịch lý thì âm dương có tính cách tương đối, không có vật gì độc âm hay cô dương mà tồn tại, vì độc âm thì bất sanh, cô dương thì bất trưởng. Âm Dương lại hổ căn chuyển hóa lẫn nhau, hễ Dương cực thì Âm sinh, Âm cực thì Dương sinh, trong Thái âm có Thiếu dương, trong Thái dương có Thiếu âm ... Nên mọi người, mọi vật, mọi hiện tượng, cũng chỉ là sự đấu tranh, chuyển hóa và thống nhất, giữa hai mặt đối lập là âm dương. Đây là phép biện chứng của triết học Đông phương.

Nên chúng ta thường thấy trong thiên hạ, hết loạn đến trị, hết chiến tranh đến hòa bình, và ngược lại... cứ tiếp nối lẫn nhau. Đời là vậy... Thiên hạ là vậy... Cơ Đạo cũng vậy... Nhưng cái cốt lỏi là do Tâm của con người, vì Đức Phật dạy rằng: “Tâm bình, thế giới bình”. Tâm bình là cái tâm liễu ngộ được nguyên lý Âm dương. Ngài Trần Đoàn Lão Tổ đã nói rằng: “Nhược năng liễu ngộ âm dương lý, thiên địa đô lai nhứt chưởng trung” (nếu liễu ngộ được nguyên lý âm dương thì trời đất gom lại trong lòng bàn tay).

MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA THIỆN ÁC, PHẢI TRÁI

Theo quy luật cơ bản của Đạo học thì “Âm Dương là một”, nên “thiện ác” là một, “phải trái” là một. Mới nghe thì có vẻ phi lý, nhưng thật ra vấn đề âm dương, thiện ác, phải trái nó chỉ có tính chất tương đối, ác là mặt trái của thiện, thiện là mặt trái của ác, như hai mặt của một chiếc mề-đay, không thể rời nhau, mà nó còn lồng vào nhau nữa.

Chúng ta thử đi vào chi tiết thì sẽ nhận ra ngay: sự phải đối với người nầy, nhưng trái với người khác, phải lúc nầy nhưng trái lúc khác, phải nơi nầy nhưng trái ở nơi khác. Lại nữa, tuy cùng một thời điểm, nhưng tùy nơi sự kiện phải trái xảy ra, và vị trí, lập trường, cũng như nhãn quan và trình độ của từng người, mà sự nhận định cũng khác nhau, như trường hợp một cái cây thẳng cắm xuống nước, thì có người lại cho cái cây ấy cong, vì dưới mắt mọi người đều thấy cái cây cong... Hơn nữa vấn đề phải trái nó cũng hàm chứa lẫn nhau, như trong cái phải có cái trái, mà trong cái trái có cái phải. Mặt khác, không có ác thì làm gì biết được thiện ra làm sao? Không có trái thì làm sao biết phải là thế nào?

Sự thật quá rõ ràng như vậy, nhưng trong chúng ta không mấy ai chịu chấp nhận cái nguyên lý ấy, nên mới dẫn đến hình khắc chia ly.

Ở đây cần lưu ý quan điểm cho “thiện ác là một”, không phải Đạo học coi thiện ác ngang với nhau, hoặc đề cao điều ác. Vì người Đạo phải luôn hành thiện tỵ ác là lẽ đương nhiên. Nhưng có ý khuyên người Đạo nên nhìn thiện ác của nhân thế một cách khoan dung.

Theo Nho gia thì người có lòng nhân nên ẩn ác dương thiện, tức là không nên chú ý tới điều ác của người, mà chỉ nên biểu dương điều thiện của họ. Còn người tách biệt thị phi thiện ác, để phỉ báng cho hả dạ, là kẻ tiểu nhân hiểm ác.

Đồng quan điểm đó một Chơn sư đã dạy rằng:

"Con phải tập phân biện Đức Thượng Đế trong mình loài vật, dù chúng nó thật xấu xa... Con cũng có thể luôn giúp đồng bào con là nhờ con với họ có chung một chơn thần của Thượng Đế, con hãy học hỏi cách thức tỉnh chơn thần đó trong người họ..." (Krishnamurti / Dưới Chân Thầy).

Đối với việc làm thiện hay ác của mình thì theo Trang Tử khuyên rằng:

Làm việc thiện thì không cần cầu danh, làm điều ác thì đừng làm đến nỗi bị hình phạt. Cứ theo lối giữa mà đi, thì có thể nuôi được cha mẹ mình, bảo vệ được mạng sống của mình...” (Vi thiện vô cận danh, vi ác vô cận hình, duyên đốc dĩ vi kinh, khả dĩ dưỡng thân, khả dĩ tồn sinh... / Trang Tử Nam hoa kinh).

Còn trường hợp muốn góp ý xây dựng với ai, thì một Chơn sư đã dạy:

Con tưởng rằng kẻ nào đó làm quấy, nếu có dịp tỏ riêng, thì con phải nói cho có lễ phép với va vì cớ nào con không đồng ý. Có lẽ con làm cho va tin được. Nhưng nhiều trường hợp can thiệp như thế cũng không phải cách nữa. Vì con phải để cho kẻ khác được tự do như con”. (Krishnamurti / Dưới Chân Thầy).

KẾT LUẬN

Theo chơn truyền, thì người tu phải thực hiện hai chữ “Hòa” và “Nhẫn”, mới có thể vào được cửa Niết bàn, vì Đức Chí Tôn đã phán rằng:

Phương pháp độ rỗi, chỉ khuyên lơn các chơn linh dầu Nguyên nhân hay Hóa nhân đoạt được hai chữ Hòa và Nhẫn mới về Niết bàn được. Dầu cho vạn kiếp sanh dày công tu luyện mà còn ganh ghét, thì sẽ bị vào tay Chúa Quỷ, chớ không mong gì về cùng Thầy...” (Theo Tam thập lục thiên du ký của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc).

Thật vậy ngay trong một gia đình mà trên dưới hòa thuận và nhường nhịn lẫn nhau, thì dù ở trong túp lều tranh, nhưng cũng sánh được với Động Đào nguyên rồi. Nên Đức Chí Tôn mới khuyên rằng: “Cố sửa lều tranh hóa động Đào” là vậy.

Tóm lại vấn đề then chốt muốn đạt được chữ Hòa, chúng ta cần phải nắm được yếu quyết Âm Dương là một, phải quấy là một, không thể nào loại bỏ cái nầy để lấy cái khác. Nếu chúng ta nhận ra cái “Một” đó, thì chúng ta ngộ Đạo, và trong xử thế mới có thể nhẫn nhục, khoan dung, tha thứ, thương yêu, hòa hợp với nhau, và tất cả những xung đột, bất hòa sẽ giải quyết một cách ổn thỏa. Ngay vấn đề đoàn kết trong nội bộ tôn giáo, và thống nhất các chi phái cũng sẽ thực hiện một cách dễ dàng.

Có một điều đáng nêu nữa là trong thuật dưỡng sinh, Giáo sư Ohsawa (Nhật), đã đưa ra một phương trình: 5 âm / 1 dương là quân bình, từ đó suy ra có nghĩa là trong một người có 5 phần xấu (âm) được 1 phần tốt (dương) là người đó đã đạt mức quân bình rồi, trong xã hội có 1 người quân tử giữa 5 kẻ tiểu nhân, cũng là một xã hội yên ổn rồi, chứ chúng ta đừng đòi hỏi trong xã hội phải có một trăm phần trăm người tốt là một điều viễn tưởng.

Còn nếu chúng ta cứ cầu toàn trách bị, cố chấp vào nhị nguyên, khăn khăn cho rằng “phải là phải, trái là trái”, hễ còn cái nầy thì phải loại bỏ cái kia, thì ngay trong một tôn giáo, một chi phái với nhau, cũng đã chia năm xẻ bảy ra rồi...!!! Như vậy thì vấn đề đoàn kết thống nhất và hòa đồng trong gia đình, ngoài xã hội, ngay trong trong cửa Đạo vẫn còn rất xa vời, nếu không muốn nói là “ảo tưởng”.

DÃ TRUNG TỬ