Trở lại trang chánh của Website Thiên Lý Bửu Tòa

 

QUAN THÁNH XƯA VÀ NAY

 

LÊ ANH DŨNG

7. Tranh tượng Quan thánh

Về dung mạo Quan Vũ, La Quán Trung miêu tả như sau: “... to lớn trượng phu, (...) mình dài chín thước, râu dài hai thước [Một thước tàu (xích) khoảng 0,3581 mét], mặt đỏ như gấc; môi thắm như son; mắt phượng, mày ngài; tướng mạo đường đường; uy phong lẫm lẫm.” [La Quán Trung I, 1994: 10].

Kinh Minh thánh tả:

     Ngọa tàm mi bát tự,

     Đan phụng mục song tinh.

     Ngũ long tu bãi vĩ,

     Nhứt hổ ngạch dao thân.

     (Mày tằm nằm hình chữ bát,

     Mắt phượng sáng như sao.

     Râu rồng rõ năm chòm,

     Trán hùm thân lẫm liệt.)

Các tranh tượng thờ Quan thánh trong dân gian xưa nay vẫn vẽ, tạc chân dung Quan Vũ mô phỏng theo những miêu tả đó. Thông dụng hơn cả có lẽ là hai kiểu như sau:

1. Tượng ba ông

Thường vẽ Quan thánh mặc giáp phục ngồi giữa hổ trướng, một tay vuốt râu (đôi khi vẽ thêm tay kia cầm kinh Xuân thu). Sau lưng có hai người đứng hầu: Quan Bình ở bên trái Quan Vũ giữ ấn (phò ấn); Châu Thương ở bên phải cầm đao Thanh long. Tranh tượng này có lẽ mô phỏng theo sự tích chép trong Tam quốc chí, lúc Quan Vũ chưa hiển thánh.

Châu Thương

Vì sao Châu Thương (cũng có sách ghi Châu Xương) theo hầu Quan Vũ? Theo La Quán Trung, sau khi rời Tào Tháo, đưa hai chị dâu (vợ Lưu Bị, là bà Cam và bà Mi) về với  Lưu, khi tới cách núi Ngọa Ngưu hai mươi dặm thì Quan Vũ gặp Châu Thương. Châu người đất Quan Tây, mặt đen, râu xồm, gân guốc, cao lớn, hình dung dữ tợn, hai cánh tay nhấc nổi nghìn cân. Châu trước kia theo giặc Khăn vàng (Hoàng cân) làm bộ tướng của Trương Bảo. Khi Trương Bảo chết, Châu tụ lâu la trong núi, chừng gặp Quan Vũ liền ra yết kiến, bỏ hết quân mã và sơn trại, một lòng theo hầu Quan Vũ. [La Quán Trung I, 1994: 459, 460].

Tôn hiệu của Châu Thương là Cương trực Trung dũng Đại thiên tôn. Kinh Minh thánh tả diện mạo Châu Thương (Châu Đại tướng quân) như sau:

     Phù thiên dũng tướng,

     Sát địa mãnh thần.

     Thiết tu ngân xỉ,

     Hắc diện châu thần.

     (Tướng khoẻ phụ giúp trời,

     Thần khoẻ trông coi đất.

     Râu sắt răng bạc,

     Mặt đen môi đỏ.)

Quan Bình

Sau khi gặp Châu, trên đường tiếp tục tìm Lưu Bị và Trương Phi, đến Hà Bắc, Quan Vũ gặp một ông lão tên Quan Định có hai con trai: Quan Ninh học văn; em Ninh là Quan Bình học võ. Lưu Bị xin Quan Định cho con thứ (năm ấy Bình đúng mười tám tuổi) làm con nuôi Quan Vũ. Vì lúc đó Quan Vũ chưa có con, nên Quan Bình được coi là con trưởng [La Quán Trung I, 1994: 446-468]. Kinh Minh thánh và các đình, miếu thờ Quan thánh thường tôn Quan Bình là Thái tử, có lẽ sau khi Quan Vũ được tôn là Đế.

Khi Quan công và Quan Bình bị Tôn Quyền chém, Châu Thương và Vương Phủ đang cố thủ Mạch Thành. Được tin dữ, Vương Phủ từ trên mặt thành lao đầu xuống đất mạng vong, còn Châu Thương đâm cổ tuẫn tiết [La Quán Trung II, 1994: 568]. Có đình ở miền Nam Việt Nam như đình Nghĩa nhuận (chùa Nghĩa nhuận, chùa Quan thánh), số 27, đường Phan Văn Khoẻ, phường 13, quận 5, tổ chức lễ kỷ niệm Châu Thương, tùy tướng của Quan Vũ, vào ngày 30 tháng 10 âm lịch. Một số đình khác lấy ngày 13 tháng 5 âm lịch làm lễ kỷ niệm Quan Bình.

Kinh Minh thánh xưng tán Quan Bình (Quan thánh Thái tử) như sau:

          Kỳ huân tảo kiến ư Tây Thục,

          Dị lược tố trứ ư Bắc Ngụy.

          (Công lớn sớm lập nơi Tây Thục,

          Mưu lạ lừng danh chốn Bắc Ngụy.)

Tây Thục là đất cát cứ của ba anh em Lưu, Quan, Trương. Bắc Ngụy là đất hùng cứ của Tào. Tôn hiệu của Quan Thái tử là Cửu thiên Uy linh Hiển hóa Đại thiên tôn.

2. Tượng năm ông

Giống tượng ba ông, vẽ Quan thánh ngồi chính giữa, một tay vuốt râu, tay kia có thể cầm kinh Xuân thu. Châu Thương cầm đao Thanh long và Quan Bình tay trái cầm cờ  lịnh, tay phải cầm ấn (hoặc không có cờ lịnh, hai tay cầm ấn) cùng đứng hầu. Lại vẽ thêm Trương tiên cầm cung và Vương Thiên quân cầm giản đứng hầu. (Có khi vẽ Trương tiên và Vương Thiên quân đứng hầu phía trước, Châu Thương và Quan Bình đứng hầu sau lưng, hoặc ngược lại.)

Vương Thiên quân

Vương Thiên quân tức là Thiên lôi, Lôi công, theo kinh Minh thánh cũng là Linh quan, hay là Thái ất Lôi thinh Ứng hóa Thiên tôn. Kinh tả dung mạo và nhiệm vụ của Vương Thiên quân như sau:

     Kim tinh châu phát,

     Hiệu tam ngũ hỏa xa Lôi công.

     Phụng chủy ngân nha,

     Thống bách vạn tỳ hưu thần tướng.

     Phi đằng vân vụ, hiệu lịnh lôi đình,

     Giáng vũ khai tình, khu tà trị bịnh.

     (Mắt vàng tóc đỏ,

     Hiệu là Lôi Công [quản] ba mươi lăm xe lửa.

     Miệng [nhọn như mỏ chim] phượng răng bạc,

     Chỉ huy một trăm vạn thần tướng dũng mãnh.

     Lướt mây cưỡi mù, lịnh ban sấm sét,

     Tuôn mưa làm nắng, đuổi tà trị bịnh.)

Trương tiên

Trương tiên theo kinh Minh thánh có nhiệm vụ phù trợ sản phụ, trẻ sơ sinh, v.v... Tôn hiệu là Linh ứng Trương tôn Đại đế Thất khúc Dục thánh Thiên tôn, vũ khí đeo bên mình là đạn vàng và cung trúc (kim đạn trúc cung tùy thân đái), nhưng tranh thờ trong dân gian có khi vẽ nhầm lẫn là cầm cung và... một mũi tên!

Tranh thờ vẽ trên kiếng bày bán trong Chợ Lớn thường viết thêm bốn chữ Hán “Ngũ công Vương phật” ở phía trên. Tranh này cũng được gọi là tượng Năm Ông (ngũ công), tương truyền xuất hiện ở Trung Quốc lần đầu tiên từ sau đêm Rằm tháng 9 năm Bính tuất (1781), đời nhà Thanh, niên hiệu Càn Long thứ 46 (?).

Loại tượng này còn được thờ trong Thiên địa hội. [Sơn Nam 1971: 55]

LÊ ANH DŨNG

Cùng một tác giả Lê Anh Dũng

Đôi dòng sơ lược về tác giả Lê Anh Dũng

 

Thiên-Lý Bửu-Tòa, 12695 Sycamore Ave, San Martin, CA 95046 - USA. Tel: (408) 683-0674

Website: www.thienlybuutoa.org     Email    Sơ đồ hướng dẫn tới TLBT

Thông bạch in Kinh