THAY LỜI ĐẦU SÁCH

Giữa năm Đinh Tỵ tôi nhập môn, không lâu sau khi vào Cơ quan Phổ thông Giáo lý, một môi trường thích hợp để học hỏi và thực hiện ước muốn được góp phần vào việc nghiên cứu, trước tác nhằm nối tiếp đạo nghiệp xiển minh chân lý Cao Đài của những người đi trước.

Ngày 26 tháng 11 Canh Thân, đức Bảo pháp Chơn quân Huỳnh Chơn dạy:

Lê Anh Dũng tìm ra lẽ thật

Vừa đặt chơn lên nấc thang tiên

Chí thành với đức nhẫn kiên

Hành trang đạo lý phổ truyền tương lai

Tôi hiểu Ơn Trên từ bi, khuyến khích một thanh niên chưa tới cái ngưỡng “nhi lập”. Nhưng có lẽ còn ngụ ý xác định cho tôi con đường thiên lý hãy đuổi đeo cho trọn.

Năm Giáp Thân này, qua ngày trùng cửu hai hôm thì đúng là cái mốc cho kẻ thanh niên năm xưa nhìn lại để chạnh lòng nhớ ra y vừa bước vào cái ngưỡng “tri thiên” như Thánh xưa đã gọi. Vậy mà con đường đã chọn lựa nào đi được bao xa! Quẩn quanh vẫn giẫm chân một chỗ!

Có lần tôi ghi lại tâm cảnh của mình:

Miệt mài nghiên cứu sướng chi đâu

Vui có vui, sầu cũng có sầu

Sách cũ đọc hoài thêm mắt mỏi

Phím mòn gõ mãi tổ tay đau

Người vì nợ chữ đành theo nẻo

Kẻ bởi duyên văn khó lánh nhau

Tằm quặn mấy mùa tơ chửa trọn

Vẫn toan báo đáp nghĩa xanh dâu

Đó là cảm xúc trước năm Canh Thìn, là năm tôi trình bày “Phương pháp và kỹ năng nghiên cứu” trong ba buổi tối tại Cơ quan Phổ thông Giáo lý.

Phương pháp và kỹ năng là học theo kinh nghiệm của người đi trước. Tôi gạn lọc và chen vào đó rải rác mấy suy nghĩ, tâm niệm của mình, với thiện ý chia sẻ chỗ sở hành trải nghiệm trên bước đường đã qua.

Phương pháp và kỹ năng nào cũng đều có nhược điểm, mà nhược điểm lớn nhất chính là nó có thể thích hợp cho người này mà không thích hợp cho người khác. Tuy thế, tôi vẫn thành tâm mong rằng may ra giúp ích được nhau trong muôn một.

L A D

Cùng một tác giả Lê Anh Dũng

Đôi dòng sơ lược về tác giả Lê Anh Dũng